CHƯƠNG 3 VĂN HOÁ ỨNG XỬ VỚI THỜI TIẾT, ĐỘNG VẬT, THỰC VẬT CỦA NGƯỜI KHMER ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
3.2. VĂN HOÁ ỨNG XỬ VỚI ĐỘNG VẬT, THỰC VẬT
3.2.3. Động vật, thực vật trong đời sống tâm linh
3.2.3.2. Tín ngưỡng liên quan đến thực vật
Trong hệ thống các loại thực vật sinh sống xung quanh mình, đồng bào Khmer có sự ứng xử tinh tế, hài hoà và hầu như trong văn hoá của người Khmer, mỗi loại cây, ngoài các giá trị vật chất đều gắn với một ý nghĩa tinh thần và có giá trị về mặt tâm linh rất rõ nét.
Cây chuối được xuất hiện khá nhiều trong các nghi lễ của người Khmer.
Trong lễ Sene Đôlta, vào ngày cuối của lễ, đồng bào Khmer làm một chiếc thuyền bằng thân cây chuối để làm vật dụng đưa tiễn vong linh ông bà về bên kia thế giới.
Thân cây chuối được chọn, cắt, và trang trí thành hình thuyền. Trên đó, họ để rất nhiều vật phẩm như gạo, muối, bánh, hoa quả, nhang đèn rồi mang đến kênh, sông gần chùa để thả. Ở các chùa không gần kênh rạch, đồng bào sẽ đến ao, hồ xung quanh chùa để thả. Nghi thức thả bè chuối được các vị sư, các vị Achar chủ trì thực hiện với mong ước cầu mong, đưa tiễn ông bà được đầy đủ, ấm no khi về bên kia thế giới, thể hiện lòng hiếu thuận của con cháu.
Cây chuối với đặc tính là dễ sinh sôi, nảy nở và phải chăng vì thế mà trong các nghi lễ vòng đời của đồng bào Khmer thường xuất hiện biểu tượng của chuối. Trong lễ cưới của đồng bào thường có tục trồng chuối vàng, chuối bạc trước cổng của lễ cưới.
Tục này hiện nay vẫn còn được thực hiện tại Trà Vinh. Khi bắt đầu trang hoàng nhà cửa để chuẩn bị lễ cưới, những người đàn ông sẽ đi chọn hai cây chuối tốt và đang có buồng chuối cũng phải to, đẹp, tròn đều. Đem về, họ thường sơn hai màu vàng và bạc rồi trồng ở hai bên cổng cưới. Khi khảo sát, chúng tôi có hỏi về ý nghĩa của tục trang trí (trồng) chuối vàng, chuối bạc này, đồng bào thường trả lời đây là phong tục có từ xa xưa do ông bà để lại, dùng để trang trí cho đẹp và vì chuối dễ sinh sôi, cho rất nhiều trái nên cũng mong cho vợ chồng mới cưới cũng sẽ sinh nhiều con cháu, sống sung túc về sau. Cạnh đó, trong lễ vật ngày cưới của nhà trai đem qua nhà gái bao giờ cũng phải có một nải chuối sống. Rất có thể, chuối còn được mang ý nghĩa dễ tái sinh nên có thể vì thế mà được người Khmer sử dụng trong nghi lễ tang ma. Người chết trước khi được khâm liệm sẽ được để trên bụng một nải chuối sống.
Trong những nghi lễ tôn giáo còn xuất hiện các sla-tho được làm từ thân cây chuối được cắt tỉa và trang trí lên nhiều hoa. Sla-tho xuất hiện rất nhiều trong các nghi lễ của người Khmer như lễ cầu an, lễ tu và các nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng. Để trang trí sla-tho, người Khmer sẽ tách các lớp vỏ bên ngoài của thân cây chuối, chỉ lấy lõi non bên trong. Sau đó, họ cắm hoa vạn thọ, nhang vào xung quanh thân chuối cho thật đẹp. Khi được hỏi về ý nghĩa vì sao chọn thân chuối làm sla-tho thì phần nhiều người Khmer trả lời vì thân chuối mềm xốp dễ cắt tỉa và đặc biệt là chuối là một loại cây rất dễ tìm ở vùng ĐBSCL. Cây chuối trong trường hợp này có chức năng dễ tìm kiếm, chức năng tiện dụng và dễ tận dụng. Tuy nhiên, nếu xét dưới thuyết chức năng thì cây
chuối là một loại cây dễ trồng, dễ mọc và khả năng sinh tồn đặc biệt nó mang ý nghĩa mong ước của con người về sự trường tồn, và tái sinh.
Cau và hoa cau có một ý nghĩa quan trọng trong nghi lễ cưới hỏi của người Khmer. Lễ hỏi của người Khmer được gọi là “lễ ăn cau” còn lễ cưới thì có tục lệ “cắt hoa cau”. Hoa cau trong nghi lễ cưới hỏi có ý nghĩa thể hiện sự trinh trắng của cô dâu.
Trong ngày cưới, sính lễ nhà trai mang qua nhà gái sẽ là các loại bánh mứt, trái cây, trầu cau, rượu, thuốc hút,… và một buồng hoa cau còn trong bẹ (Phụ lục 3, Truyện dân gian Khmer, Sự tích bông cau ngày cưới).
Trái dừa không chỉ được làm một loại nước uống mà còn được người Khmer dùng làm một vật phẩm để dâng cúng trong các nghi lễ. Trong tục lễ cưới ngày xưa của người Khmer có nghi thức cô dâu đút chuối cho chồng ăn và hai vợ chồng chia nhau uống nước dừa để mong ước một tình yêu ngọt ngào, hạnh phúc. Trái dừa tươi được người Khmer dâng cúng trong lễ hội Ok-Om-Bok như một vật phẩm không thể thiếu. Dừa tươi được cúng nguyên trái chỉ vạt mặt để cầu mong sự tinh khiết của nước dừa mang đến những lời cầu nguyện đến với các đấng thần linh. Trái dừa tươi còn trở thành một vật phẩm không thể thiếu trong lễ hội Thác Côn (lễ hội đạp cồng) của đồng bào Khmer ở huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng. Lễ hội Thác Côn thường diễn ra vào giữa tháng 3 âm lịch hàng năm. Trong lễ hội này, có một vật phẩm đặc trưng điển hình là salathođôn (trái dừa là sla-tho) nên lễ hội còn được gọi là lễ hội cúng dừa. Không chỉ dừa tươi mà trái dừa khô còn được người Khmer sử dụng làm vật phẩm trong lễ tu.
Trong lễ tu, họ kết salatho bằng những trái dừa khô. Dừa khô được dùng khoảng năm trái phía trên có gắn hoa cau trang trí rất đẹp mắt. Khi tiến hành nghi thức đưa vào chùa, gia đình có người tu sẽ cầm những salatho này vào chùa để dâng lên các vị sư.
Trong tâm thức của người Khmer, cây cối và nhất là các cây cổ thụ đều có giá trị linh thiêng. Người Khmer cho rằng trong mỗi gốc cây cổ thụ đều có thần linh trú ngụ. Vì vậy, khi muốn đốn các cây cổ thụ như sao, dầu hay cây me người Khmer phải làm nghi lễ cúng tế rồi mới đốn cây. Chẳng hạn như muốn phá góc rừng làm rẫy, người ta lựa một gốc cây lớn nhất, dọn dẹp xung quanh sạch sẽ, cất một cái miễu bằng cây lá và thỉnh vị thần (còn lại là ông Tà - Neak-ta) ở rừng về ngôi miếu ấy trú ngụ. Ở Trà Vinh hiện nay có một cây dầu cổ thụ và được người dân khắp nơi tín ngưỡng. Cây dầu có chiều cao hơn 20 mét, tán cây rộng, thân to khoảng 3 đến 4 người ôm. Không ai biết cây dầu có bao nhiêu tuổi, những người cao niên cho rằng có khi tồn tại hơn trăm
năm. Người dân địa phương lập miếu Neak-ta phía bên dưới gốc cây và được người dân tin tưởng đến cúng kiếng với niềm tin tưởng tuyệt đối.
Tiểu kết chương 3
Chương 3 là chương tập trung phân tích văn hoá ứng xử với thời tiết, thực vật và động vật trong đời sống vật chất và tinh thần của người Khmer ở ĐBSCL.
Trong văn hoá ứng xử với thời tiết, người Khmer xưa có thế ứng xử tương đối thụ động và lệ thuộc nhiều vào thời tiết. Để dự đoán sự biến đổi theo chu kì hay đột biến của thời tiết họ chỉ dựa vào những kinh nghiệm dân gian được truyền từ đời này qua đời khác.
Do tâm lý phụ thuộc nên thường nảy sinh các dạng thức tín ngưỡng các hiện tượng tự nhiên như thần mưa, thần gió. Hiện nay, được sư hỗ trợ của công nghệ, truyền thông, người Khmer không còn dựa nhiều vào kinh nghiệm dân gian nữa mà có thể xem tin tức về thời tiết trên truyền hình, radio và điện thoại di động. Từ đó cũng dẫn đến ít nhiều sự thay đổi trong văn hoá ứng xử với thời tiết của người Khmer.
ĐBSCL có hệ thực vật và động vật vô cùng phong phú. Với điều kiện khí hậu nóng ẩm, nhiệt đới gió mùa đã tạo điều kiện thích hợp để phát triển nhiều loài thực vật, động vật. Trong văn hoá ứng xử với thực vật, động vật Khmer vùng ĐBSCL chủ yếu là thích nghi và ứng phó để phù hợp môi sinh vùng đất này. Trong chương này, chúng tôi chủ yếu phân tích đặc trưng văn hoá tận dụng, đối phó với các loại động vật có mối liên kết gần gũi trong đời sống của người Khmer. Để có sức kéo, chuyên chở đồ vật và con người, người Khmer xưa tận dụng sức kéo của trâu, bò. Để có nguồn thực phẩm trong ăn uống, người Khmer tận dụng nhiều loại thuỷ hải sản đánh bắt nội đồng như cá, tôm, tép, ếch, nhái .v.v. Ngoài các loại thuỷ hải sản, nguồn thực phẩm của người Khmer còn rất phong phú như ve sầu, bọ rầy, đuông, dế v.v. Các loại thực phẩm này cung cấp một lượng dinh dưỡng khá cao trong hệ thống ẩm thực của người Khmer
Văn hoá ứng xử với thực vật được chúng tôi tập trung phân tích cách ứng xử với thực vật được thể hiện qua các thành tố văn hoá của người Khmer như: trong cư trú, trong lương thực, trong chữa bệnh và trong nghề thủ công. ĐBSCL là noi có điều kiện tự nhiên thuận lợi để các loại thực vật sinh trưởng. Người Khmer ở ĐBSCL đã có quá trình tương tác với MTTN để tạo ra các giá trị vật chất phục vụ cho mình. Trong xây dựng nhà cửa, người Khmer thường tận dụng các loại gỗ lớn như cây dầu và các loại cây thân gỗ khác. Trong lương thực thực phẩm, người Khmer có kinh nghiệm trồng lúa và chủ nhân của nhiều giống lúa nổi tiếng. Bên cạnh đó, người Khmer còn tận dụng loại thực vật khác mang đặc trưng văn hoá Khmer đó là thốt nốt. Thốt nốt là
loại cây có rất nhiều ở An Giang và Trà Vinh. Cây thốt nốt được tận dụng lấy trái, lấy nước để làm ra loại đường thốt nốt rất nổi tiếng của người Khmer. Ngoài ra, người Khmer còn rất có kinh nghiệm trong việc dùng các loại thực vật rừng. Cây trái rừng có khi được ăn sống kèm với mắm hoặc được chế biến lên tạo món ăn đặc trưng của người Khmer. Ngoài các loại cây trái, người Khmer cũng rất chuộng ăn các loại rau củ rừng như cải nước, kim thất, môn nước; các loại khoai có khoai môn, khoai mài, củ năn, củ chuối, củ lùng.
Từ nghiên cứu cho thấy, người Khmer đã có hệ thống kinh nghiệm khá phong phú trong quá trình thích ứng với môi sinh ĐBSCL cụ thể là ứng xử với thời tiết, động vật và thực vật. Trong quá trình tương tác, họ vừa thích nghi vừa đối phó. Với những giá trị có lợi, họ thích nghi, với những giá trị bất lợi, họ đối phó. Trong quá trình thích nghi và đối phó đó, có những giá trị từ thiên nhiên mà họ không thể kiểm soát được như những bất trắc từ thời tiết, những loại động vật dữ mà họ không chế ngự được họ có tâm thức đối phó được thông qua hệ thống tín ngưỡng dân gian với những đối tượng này. Cụ thể, chúng tôi đã phân tích hệ thống tín ngưỡng dân gian đối với thời tiết là tín ngưỡng thần mưa, thần mặt trăng và mặt trời; tín ngưỡng dân gian đối với các loại động vật dữ là cá sấu, rắn hổ mang (rắn thần Naga); tín ngưỡng dân gian đói với thực vật là các loại cây cổ thụ như sao, dầu v.v.
Tóm lại, văn hoá ứng xử với thời tiết, thực vật và động vật trong đời sống văn hoá người Khmer ĐBSCL là sự ứng xử cân bằng sinh thái. Trong quá trình đó, họ khai thác nhưng vẫn bảo tồn chứ không hề huỷ diệt. Cụ thể như cách bảo tồn những loài chim, cò hay các loại cây cổ thụ, cây gỗ quý vẫn còn tồn tại đến nay. Theo nhận định của chúng tôi, cách ứng xử bảo tồn này nhờ vào văn hoá trọng tâm linh của người Khmer. Với những giá trị cần bảo tồn thường gắn với giá trị tâm linh. Họ kiêng dè, không dám khai thác triệt để bởi họ tin rằng những giá trị đó có linh hồn.
Hệ thống tín ngưỡng dân gian này đã giúp ích rất nhiều trong việc gìn giữ và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên thực vật và động vật ở ĐBSCL nhất là khi hiện nay MTTN ở ĐBSCL có những biến động lớn do ảnh hưởng của BĐKH. Đồng bào Khmer cần giữ gìn, bảo tồn những tri thức trong ứng xử với môi trường nhằm tác động giáo dục ý thức cho cộng đồng hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của điều kiện tự nhiên trong cuộc sống và cũng để đảm bảo sự phát triển bền vững trong cộng đồng Khmer ở ĐBSCL.
CHƯƠNG 4