CHƯƠNG 3 VĂN HOÁ ỨNG XỬ VỚI THỜI TIẾT, ĐỘNG VẬT, THỰC VẬT CỦA NGƯỜI KHMER ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
3.2. VĂN HOÁ ỨNG XỬ VỚI ĐỘNG VẬT, THỰC VẬT
3.2.3. Động vật, thực vật trong đời sống tâm linh
3.2.3.1. Tín ngưỡng liên quan đến động vật
Trong quá trình lao động, sản xuất, người Khmer thường xuyên phải đối mặt với các loài động vật trong tự nhiên. Quá trình khai phá vùng đất đầy hiểm trở của vùng ĐBSCL từ xa xưa, người Khmer phải đối mặt với các loại động vật lớn, nguy hiểm từ dưới nước đến trên cạn như các loài rắn, cá sấu đến cọp và các loài thú dữ khác. Trong tín ngưỡng dân gian của người Khmer, các hình thức tín ngưỡng liên quan đến động vật thể hiện khá rõ nét tâm thức văn hoá ứng xử với môi trường tự nhiên. Là một tộc người sống gần gũi với môi trường sông nước nên những hình tượng như rắn, cá sấu …sớm đi vào nhận thức của người Khmer. Những hình tượng rắn Naga, cá sấu thường xuất hiện trong các chạm trổ trong chùa, trong nhà và thậm chí trên cả các công cụ lao động của người Khmer.
Trong tiếng Khmer, Naga có nghĩa là rắn, Niệk có nghĩa là rồng. Naga hiện thân là một loại rắn thần chứ không phải là loại rắn bình thường. Hình tượng Naga
xuất hiện rất nhiều trong kiến trúc chùa Khmer. Naga không chỉ xuất hiện trong tín ngưỡng dân gian của người Khmer còn xuất hiện trong tín ngưỡng Phật giáo Tiểu Thừa. Trong truyền thuyết về Đức Phật mà người Khmer hiện nay còn lưu truyền là rắn Naga đã có công che chở cho Đức Phật dưới trời mưa khi Phật ngồi thiền định.
Trong nhiều chùa hiện nay, ngay trong chính điện chùa vẫn còn hình ảnh rắn Naga che chở cho Phật Thích Ca. Hoặc ngay tại các cổng chùa luôn điêu khắc Naga 5 đầu hoặc 7 đầu. Naga trong quan niệm của người Khmer là con vật hiền, có công bảo vệ, che chở cho Đức Phật Thích Ca (Phụ lục 3, Truyện dân gian Khmer, Sự tích tượng rồng trước cổng chùa).
Sinh sống trong môi trường sông nước ở ĐBSCL, người Khmer đã hình tượng hóa nước và những con vật sống gần nước như những vị thần. Điều đó phần nào hình thành nên nhiều tín ngưỡng liên quan đến nước. Đó là hình tượng những con vật gắn với nước: Naga, cá sấu... Như tác giả (Hồ Liên , 2002) có viết:
Nếu thờ chim làm vật tổ chủ yếu ở dân cư miền núi, thì thờ rắn thuồng luồng, cá sấu làm vật tổ là tín ngưỡng của cư dân vùng đồng bằng sông nước (tr.63).
Bên cạnh tín ngưỡng thờ rắn, người Khmer còn có tín ngưỡng thờ cá sấu. Hình tượng cá sấu được biểu hiện qua hình tượng lá cờ cá sấu. Cờ cá sấu có hai dạng: cờ trắng được dùng trong lễ tang, cờ màu vàng được trang trí lộng lẫy được dùng trong lễ hội cụ thể là lễ hội đua ghe ngo của người Khmer. Trong các miếu thờ Neak-ta Phum (vị thần bảo hộ cho Phum) thường để các đầu lâu cá sấu hoặc những bộ xương cá sấu nhằm tượng trưng cho quá trình chinh phục thiên nhiên của người Khmer vùng ĐBSCL.
Tín ngưỡng các loại động vật còn được thể hiện thông qua hình tượng các loài vật được vẽ, điêu khắc trong các ngôi chùa của người Khmer ở ĐBSCL. Vào các ngôi chùa Khmer, phía trên mái bên hiên chính điện sẽ thường có hình tượng chim Grut được điêu khắc tinh xảo, tỉ mĩ. Người Khmer có cả câu chuyện về sự tích chim Grut ở chùa để giải thích cho sự xuất hiện khá nhiều của loài vật này. Truyện kể về Ở một vương quốc của vua Prùm-mà-thọt có một người con gái xinh đẹp tên là Ca-ky, nàng sống bằng nghề ca hát. Nàng Ca-ky rất thích quyến rũ đàn ông, nàng yêu tất cả đàn ông trong nước. Do say đắm sắc đẹp của nàng, vua Prùm-mà-thọt cưới nàng làm vợ.
Dù đã là vợ vua nhưng nàng vẫn có nhiều người tình, do đó là bản tính của nàng.
Trong nước Prùm-mà-thọt có một con chim đại bàng rất lớn, có phép thuật cao, tên là Grut, chim cũng đem lòng say đắm sắc đẹp của nàng nên trong một buổi tiệc, khi nàng Ca-ky đang múa hát thì chim Grut tạo ra một cơn gió lớn thổi vào hoàng cung và cướp đi nàng Ca-ky bay đi. Sau khi cướp nàng nàng Ca-ky, chim thả nàng vào một hang động và sống cùng nàng ở đấy. Do bản tính đa tình nên sau đó nàng cũng yêu chim Grut, sống vui vẻ cùng chim Grut nơi hang động. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn nàng đã thấy buồn vì không được đi đâu cũng không được gặp ai.
Vua Prùm-mà-thọt sau khi bị mất nàng Ca-ky liền gọi Hôra vào bói và biết được nơi chim Grut cất giấu nàng Ca-ky. Vua liền dẫn một đoàn quân đi tìm nơi ở của chim Grut. Hai bên giao đấu với nhau không phân thắng bại. Đấu mãi đến khi cả hai đều mệt thì họ nghĩ nàng Ca-ky là người không chung tình, chính nàng mới đáng chết, khi đó nhà vua liền chém chết nàng. Chim Grut sau đó cũng đi tu để tạ tội với vua.
Chim Grut chính là một tiền kiếp của Đức Phật. Ngày nay, xung quanh chánh điện, người ta thường khắc tượng chim Grut để tưởng nhớ đến một tiền kiếp của Đức Phật.
(Phụ lục 3, Truyện dân gian Khmer, Sự tích chim Grut ở chùa).
Ngoài các loài vật nêu trên, voi cũng là một hình tượng rất thường xuyên được vẽ trong chùa người Khmer ở ĐBSCL. Để giải thích cho điều này, người Khmer có câu chuyện Sự tích hình voi ở chùa. Chuyện kề rằng khi Đức Phật đã đắc đạo, ngày càng thu hút được nhiều tín đồ thì cũng là lúc Đức Phật bị nhiều người ganh ghét, tìm cách hãm hại, trong đó có ông Thìa-và-thọt. Thìa-và-thọt xuất thân trong dòng dõi vua chúa, là một người bà con của Đức Phật, ông tu học nơi Đức Phật nhưng ông chỉ đắc đạo ở mức phàm tăng, còn các chư tăng khác đắc đạo A-ra-hăng, do đó ông hết sức hận Đức Phật.
Thìa-và-thọt mới kéo băng nhóm và lập một giáo phái mới cho riêng mình, tìm cách giết Đức Phật để làm bá chủ. Vào thời ấy, Phật giáo được vua Phùm-phì-sa tài trợ mọi thứ. Vua là một người nhân từ nhưng ông có một người con rất độc ác tên là A- chịa-rạt-sa-tốt. Thìa-và-thọt liên kết với A-chịa-rạt-sa-tốt để lập mưu làm bá chủ. Ông nói với hoàng tử: “Ngài về tìm cách giết cha của ngài để lên làm vua và làm cho Đức Phật phải thiếu thốn và đói chết. Còn tôi sẽ tìm cách giết Đức Phật để lên làm Phật”
Hoàng tử A-chịa-rạt-sa-tốt liền tìm cách bắt vua cha bỏ vào lồng, không cho ăn uống gì cả. Ông hành hạ vua cha đến chết và lên ngôi vua. Thìa-và-thọt sau đó cũng tìm được cách hại Đức Phật. Một ngày nọ, ông biết Đức Phật sẽ đi ngang núi, ông liền
trèo lên đỉnh núi chờ khi Đức Phật đi ngang thì xô tảng đá từ trên đỉnh núi xuống nhằm đè chết Đức Phật.
Đức Phật khi ấy đã biết rõ là Thìa-và-thọt chuẩn bị đá đè mình nhưng ngài vẫn tự nhiên đi qua núi. Ngài nghĩ: “Nếu ta không để Thìa-và-thọt ném đá trúng thì ông ấy sẽ nổ tung thành bảy miếng. Ta phải chịu bị thương một chút để Thìa-và-thọt hài lòng”. Và Ngài đã để tảng đá trúng vào chân mình và chảy máu. Khi mắc tội này thì Thìa-và-thọt đã phải xuống địa ngục rồi nhưng cái nghiệp ấy chưa đến.
Ném đá giết Phật không được, Thìa-và-thọt tìm cách khác để giết Phật. Ông nghĩ ra cách thả con voi Ki-ri-mia-ca-rặc, con voi chuyên đi đánh giặc, ra để nó giẫm chết Đức Phật. Ông ta chờ khi Đức Phật đi bát ngang qua chuồng voi mới sai người giữ voi thả voi ra để voi đạp chết Đức Phật.
Khi Đức Phật đi bát cùng các A-ra-hăng ngang qua chuồng voi, thấy voi dữ xuất hiện các A-ra-hăng nói với Đức Phật: “Ngài hãy tránh đi, con voi này dữ lắm”.
Phật trả lời: “Ta không né tránh đâu, ta sẽ không bao giờ sát sinh”. Nói xong, ngài cứ đi tiếp tục. Đức Phật vừa đi thì con voi cũng đã đến trước mặt Ngài. Nhưng con voi ấy cảm động trước tấm lòng từ bi của Đức Phật nên khi đến trước mặt Đức Phật, nó liền quỳ xuống lạy Đức Phật. Voi lạy xong, Đức Phật liền dẫn voi vào chuồng.
Thìa-và-thọt và A-chịa-rạt-sa-tốt sa đó đều bị đày xuống địa ngục.
Người Khmer thường vẽ những bức họa thể hiện nội dung câu truyện này trên tường quanh chánh điện hoặc khắc hình voi quanh lối đi vào chánh điện như muốn nói rằng cái thiện và lòng từ bi có thể cảm hóa mọi thứ.
Như vậy, hình tượng các loài động vật luôn xuất hiện trong đời sống văn hoá tâm linh của người Khmer từ những tín ngưỡng dân gian xuất phát trong quá trình chinh phục thiên nhiên đến tín ngưỡng Phật giáo, hình tượng các loài vật luôn xuất hiện, nhất là trong các câu chuyện dân gian, các hình vẽ hoặc điêu khắc. Dù được biểu hiện dưới hình thức, sự tồn tại của hình các loại động vật phần nào cũng thể hiện được văn hoá tôn trọng thiên nhiên, hài hoà với thiên nhiên của người Khmer ở ĐBSCL.