CHƯƠNG 4 VĂN HÓA ỨNG XỬ VỚI MÔI TRƯỜNG TỰ NHIÊN CỦA NGƯỜI KHMER Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG – MỘT SỐ BIẾN ĐỔI VÀ NHỮNG BÀN LUẬN
4.3. MỘT VÀI VẤN ĐỀ ĐẶT RA
4.3.1. Nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường tự nhiên trong cộng đồng Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long
4.3.1.1. Phổ biến kiến thức về biến đổi khí hậu
Hiện nay, trước tình hình biến đổi khí hậu, tài nguyên đất, nước, hệ sinh thái thực vật, động vật ở ĐBSCL đang đứng trước những nguy cơ tổn hại nhất định. Từ xưa đến nay người dân ĐBSCL nói chung và người Khmer nói riêng đã ứng xử với tâm thức thói quen truyền thống là ĐBSCL là vùng đất đai màu mỡ, sản vật tự nhiên sẵn có. Tuy nhiên, hoàn cảnh thực tế của MTTN ở ĐBSCL đang đứng trước những nguy cơ và thách thức lớn đó là sự xâm thực của nước biển, đất đai nhiễm mặn, nhiễm phèn, hiện tượng hạn hán, xoáy mòn, lốc xoáy diễn ra thường xuyên hơn hàng năm.
Chúng tôi nhận thấy rằng, chỉ có một bộ phân người nông dân Khmer có tham gia cá buổi tập huấn của cán bộ nông nghiệp, có điều kiện tiếp cận với các phương tiện
truyền thông mới nhận thức được tình hình cấp bách về MTTN ở ĐBSCL đang diễn ra. Còn một bộ phận khác, vì các lý do khác nhau như cản trở ngôn ngữ, thiếu phương tiện truyền thông nên người Khmer ở vùng sâu, vùng xa vẫn chưa nhận thức được những diễn biến phức tạp của MTTN. Họ chỉ nhận biết được những tình trạng bề mặt của MTTN như hạn hán kéo dài, nước ngọt đầu nguồn ngày càng cạn kiệt, sản vật từ thiên nhiên như cá tôm ngày một ít đi chứ họ không nhận thức được hết những diễn biến phức tạp của MTTN đang diễn ra là do ảnh hưởng của hiện tượng biến đổi khí hậu đang diễn ra phức tạp. Vì các lý do trên chúng tôi nhận thấy rằng việc cập nhật, giáo dục, tuyên truyền về tình hình BĐKH trong cộng đồng dân tộc Khmer là công tác cấp thiết hiện nay. Người Khmer cần được biết MMTN đang dần cạn kiệt để họ có những ứng xử hợp lý, tránh làm ô nhiễm, huỷ hoại đến môi trường đất, môi trường nước.
Bảo vệ tài nguyên môi trường tự nhiên từ lâu đã được sự quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới vì MTTN là điều kiện đảm bảo cho sự phát triển bền vững của các quốc gia. Các quốc gia quan tâm đến bảo vệ môi trường tự nhiên không chỉ là sự khai thác đúng mức mà còn phải đảm bảo sự cân đối nhằm duy trì, bảo vệ MTTN trong sự phát triển bền vững. Hội nhập với xu hướng của thế giới, Việt Nam cũng đã và đang hoàn thiện các hệ thống pháp luật về môi trường, nỗ lực tham gia các công ước quốc tế nhằm hướng đến bảo vệ MTTN trước yêu cầu phát triển bền vững.
Đứng trước những thách thức lớn do tình hình biến đổi khí hậu, các Bộ, Ban ngành từ Trung ương đến địa phương luôn có những chủ trương nhằm phòng chống, thích ứng với những diễn biến của khí hậu đồng thời luôn tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân.
Nghị quyết số 24 - NQ/TW, ngày 03/6/2013, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI) về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Mục tiêu của Nghị quyết đến năm 2020 về cơ bản, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính; đến năm 2050, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả và bền vững tài nguyên; bảo đảm chất lượng môi trường sống và cân bằng sinh thái.
Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 12/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai các biện pháp cấp bách về ứng phó xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long;
các cấp Đảng uỷ, chính quyền địa phương và ngành chức năng theo dõi sát, nắm chắc tình hình coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị để chủ động có kế hoạch, phương án phòng chống khô hạn, xâm nhập mặn năm 2016 trên địa bàn tỉnh bảo đảm kịp thời, hiệu quả. Theo đó, Tỉnh uỷ Trà Vinh ban hành Chỉ thị số 07 (ngày 22-3-2016) “Về việc tập trung chỉ đạo thực hiện các biện pháp cấp bách ứng phó với khô hạn, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh Trà Vinh”; đồng thời Tỉnh uỷ Trà Vinh có báo cáo Kết quả 03 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW Hội nghị Trung ương lần thứ bảy (khóa XI) “Về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu,tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường” báo cáo về những kết quả đạt được là đã chỉ đạo các ban, ngành trên địa bàn tỉnh trong công tác tuyên truyền, thực hiện các kế hoạch hành động và cơ bản đạt được những kết quả như sau: về nhận thức, trách nhiệm và hành động về thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường đã có sự chuyển biến tích cực; hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước được nâng cao; bước đầu khai thác, sử dụng tài nguyên theo hướng hợp lý, hiệu quả và bền vững, việc khai thác, sử dụng đất đai, khoáng sản và nước dưới đất được cơ bản thực hiện theo đúng quy hoạch; công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường ngày càng chủ động; bảo tồn đa dạng sinh học được chú trọng triển khai và thực hiện đồng bộ. Đến cuối năm 2015, tỷ lệ các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 60%; thu gom chất thải rắn ở đô thị đạt 88,87%; chất thải rắn y tế được xử lý đạt 100% (cao hơn mục tiêu đến năm 2020); tỷ lệ dân cư được sử dụng nước sạch ở nông thôn là 53,13% và ở đô thị là 73,83%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 30,99%...
Nghị quyết số 120/NQ - CP ngày 17 tháng 11 năm 2017 Về phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với BĐKH đã xác định biến đổi khí hậu và nước biển dần là xu thế tất yếu, phải sống chung và thích nghi, phải biến thách thức thành cơ hội; bên cạnh tài nguyên nước ngọt, cần coi nước lợ, nước mặn cũng là nguồn tài nguyên để phát triển kinh tế. Nghị quyết cũng nêu lên việc chuyển đổi mô hình phát triển dựa trên hệ sinh thái, đảm bảo phù hợp với điều kiện tự nhiên, đa dạng sinh học, văn hoá, con người và các quy luật tự nhiên; kết hợp giữa hiện đại với tri thức, kinh nghiệm truyền thống. Không dừng lại đó, năm 2018, nhằm góp phần tìm giải pháp thực hiện hiệu quả Nghị quyết 120 (liên quan đến gần 30 bộ, ngành và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL), ngày 14 tháng 12 năm 2018, trường Đại học Cần Thơ phối hợp với Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức hội thảo “Sau một năm thực hiện Nghị quyết 120 NQ-CP về
phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu”. Tại hội thảo, đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã phân tích những việc đã làm được, chưa làm được và đề xuất giải pháp thực hiện hiệu quả Nghị quyết.
Cùng với những Nghị quyết, Chỉ thị, từ Trung ương đến địa phương thành lập các đơn vị chuyên nghiên cứu, tuyên truyền về biến đổi khí hậu như Cục Khí tượng thuỷ văn và Biến đổi khí hậu thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đây là nơi tập trung nhiều dữ liệu quốc gia về biến đổi khí hậu như: xu thế, kịch bản về biến đổi khí hậu;
thể chế, chính sách về biến đổi khí hậu; các hoạt động về biến đổi khí hậu. Những hoạt động này phần nào cho thấy mức độ nghiêm trọng của tình hình diễn biến của biến đổi khí hậu đã, đang và sẽ diễn ra trên vùng đất ĐBSCL. Người dân vùng đất này không còn nhận được những ưu ái do thiên nhiên mang lại trong lịch sử mà đang đứng trước những thách thức to lớn đòi hỏi mỗi cư dân, mỗi dân tộc phải ý thức phải thay đổi trong cách ứng xử với môi trường tự nhiên của mình.
Trước những thách thức về biến đổi khí hậu diễn ra phức tạp ở ĐBSCL, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt nhiều đề án, quy hoạch phục vụ phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, như phê duyệt điều chỉnh, bổ sung một số cơ chế, chính sách thuộc chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ giai đoạn 2018 - 2020 để đầu tư xây dựng bổ sung các cụm, tuyến dân cư, đắp bờ bao khu dân cư có sẵn cho 8 tỉnh: Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang và thành phố Cần Thơ. Theo đó, các Bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền đã rà soát, xây dựng, ban hành các cơ chế phát triển bền vững ĐBSCL như đánh giá, xây dựng cơ chế chính sách ưu tiên khuyến khích tư nhân đầu tư cho các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu vùng giai đoạn 2016 - 2020 và giai đoạn 2021 - 2025. Hiện nay các Bộ, ngành đang nghiên cứu xây dựng và sẽ tiếp tục ban hành một số cơ chế, chính sách về Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với xây dựng nông thôn mới; cơ chế chính sách tập trung, tích tụ đất đai phục vụ sản xuất quy mô lớn; chính sách quản lý tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường; Nghị định của Chính phủ về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Những thông tin về nghị quyết, đề án về thích ứng biến đổi khí hậu được tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông như báo điện tử, báo giấy, đài truyền hình, đài phát thanh. Kiểm
chứng thực tế khi hỏi về những thông tin về biến đổi khí hậu trong tình hình mới người dân được biết từ đâu thì đa phần người nông dân Khmer trả lời là được biết khi nghe tuyên truyền từ đài phát thanh. Như khi phỏng vấn ông T.P tại ấp Bà Tây B, xã Tập Sơn, huyện Trà Cú được ông trả lời:
Những thông tin về khí hậu, những kiến thức về môi trường gia đình ông được biết khi nghe chương trình phát thanh từ radio hoặc được sự tuyên truyền từ cán bộ nông nghiệp của xã. Ông còn cho biết gia đình ông thường xuyên tham gia các lớp tập huấn về các giống lúa hoặc các giống hoa màu thích ứng được với hạn mặn đang diễn ra ngày một nặng nề (Phụ lục 1, nhật kí điền dã ở Trà Vinh).
Trước những diễn biến phức tạp của MTTN đang diễn ra, các Bộ, Ban ngành của Việt Nam cũng có những chủ trương, đường lối nhằm giúp người dân nhận thức và hành động cho phù hợp trong tình hình mới. Những nội dung này theo chúng tôi là cần phải được tuyên truyền, phổ biến đến cộng đồng người Khmer ở ĐBSCL bởi họ là những chủ thể đang chịu ảnh hưởng trực tiếp từ những tác hại do BĐKH mang lại.
Việc tuyên truyền về tình hình biến đổi khí hậu này giúp người Khmer phần nào ý thức được những biến động của môi trường đang diễn ra để họ vừa giữ gìn, bảo tồn giá trị của MTTN.