CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN
1.1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
1.1.2. Nhóm công trình nghiên cứu thực tiễn
1.1.2.2. Công trình của các tác giả trong nước
a. Nhóm công trình ứng xử với tự nhiên của một số tộc người trong không gian văn hóa Việt Nam
Văn hóa ứng xử với MTTN của người Việt và các tộc người thiểu số khác như người Dao Đỏ, người Thái, người Lào cũng là một hướng nghiên cứu được nhiều tác giả quan tâm. Trong số các công trình đã khảo sát, chúng tôi tiếp cận được nhiều nhất là các nghiên cứu về ứng xử với MTTN của người Việt ở các vùng miền trong không gian văn hóa Việt Nam. Các công trình này giúp chúng tôi có cái nhìn đối sánh khi nghiên cứu về người Khmer ở ĐBSCL.
Đầu tiên là công trình Văn hóa ứng xử của người Hà Nội với môi trường thiên nhiên do Nguyễn Viết Chức chủ biên (2002) là công trình được các tác giả tập trung làm rõ mối quan hệ giữa môi trường thiên nhiên và văn hóa ứng xử đối với môi trường thiên nhiên của người Hà Nội từ truyền thống đến hiện đại. Trước thách thức của toàn cầu hóa trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa các tác giả đã đề xuất một số phương hướng, quan điểm, giải pháp và điều kiện xây dựng văn hóa ứng xử
lại ở một địa phương cụ thể là Hà Nội. Giới hạn cuốn sách đặt ra là dừng lại ở quan hệ của người Hà Nội chỉ với môi trường thiên nhiên và đặt nó trong điều kiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, toàn cầu hóa (Nguyễn Viết Chức, 2002).
“Nước trong văn hóa Việt Nam” (2006) của Tô Ngọc Thanh là một bài mở đầu cho một hội thảo khoa học Văn hóa sông nước miền Trung và văn hóa sông nước Phú Yên đã chỉ ra những giá trị của nước trong đời sống người Việt. Nước với những đặc tính mềm mại, uyển chuyển và có cả sức mạnh ma thuật thần bí đã trở thành yếu tố không thể thiếu trong lễ nghi của người Việt. Đây là dạng bài viết mang tính chất gợi mở, chưa nghiên cứu sâu về những ứng xử với nước của người Việt (Tô Ngọc Thanh, 2006).
Trần Thúy Anh với công trình Ứng xử cổ truyền với tự nhiên và xã hội của người Việt Châu Thổ Bắc Bộ qua ca dao, tục ngữ (2009), tác giả đã cho rằng: văn hóa Bắc Bộ có tính chất hướng đạo cho cả nước và tính cách người nông dân Bắc Bộ là tính cách nông dân điển hình. Đối tượng chính nghiên cứu của công trình là người Việt, chủ yếu là người nông dân Việt ở Bắc Bộ bởi tính cách người Việt ở đây là tính cách nông dân điển hình. Văn hóa Bắc Bộ có tính hướng đạo cho cả nước nên ứng xử người Việt Bắc Bộ vì vậy cũng mang tính chất đại diện tiêu biểu cho cả nước Việt Nam. Thế ứng xử, cách ứng xử quy định các mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, giữa con người với con người ở tính chất quan thiết nhất: tính xã hội nhân văn của bản thân các mối quan hệ này. Đề tài lấy ca dao, tục ngữ làm điểm tựa văn học dân gian để giải thích, chứng minh cho các luận điểm được nêu ra; qua đó thể hiện sinh động và sâu sắc diễn trình lịch sử, chiều sâu văn hóa và các sắc thái riêng biệt trong ứng xử của người Việt với cái tự nhiên bao quanh họ và trong lòng họ, những tiếp biến văn hóa trong ứng xử cổ truyền với xã hội của học từ trong lịch sử (Trần Thuý Anh, 2009).
Tri thức dân gian về ứng xử với MTTN trong đời sống vật chất người Việt vùng U Minh Thượng (2011) tác giả Nguyễn Diệp Mai đã miêu tả một số hiện tượng văn hóa dân gian người Việt vùng U Minh Thượng nhằm hệ thống hóa tư liệu, cung cấp những thông tin khái quát về tri thức dân gian trong đời sống vật chất thông qua thái độ ứng xử với MTTN. Qua đó, tác giả đã phân tích, so sánh tìm ra nét chung và riêng trong từng hiện tượng văn hóa và nêu những giá trị của tri thức dân gian về ứng xử với MTTN của người Việt vùng U Minh Thượng (Nguyễn Thị Diệp Mai, 2011).
Luận án Văn hóa ứng xử với thiên nhiên qua không gian ở của người Việt của Võ Thị Thu Thủy (2013) đã nhận diện những đặc trưng về văn hóa ứng xử của con người với thiên nhiên qua các phương diện khai thác, ứng phó và thích ứng với thiên nhiên thể hiện trong không gian ở của người Việt tại ba miền Bắc, Trung, Nam. Tác giả đã xác định các giá trị nổi bật và đặc trưng về văn hóa ứng xử với thiên nhiên của người Việt trong không gian ở, góp phần làm rõ một phần về bản sắc văn hóa dân tộc thông qua nếp nhà và văn hóa cư trú của người Việt (Võ Thị Thu Thuỷ, 2013).
Nghiên cứu về cư dân và ngư dân vùng biển Nam Bộ dưới góc tiếp cận Nhân học biển (Maritime Anthropology) có sự đóng góp của Phan Thị Yến Tuyết với công trình Đời sống xã hội - kinh tế văn hóa của ngư dân và cư dân ven biển Nam bộ (2014). Đây là một công trình quan trọng về việc nghiên cứu về cộng đồng ngư dân ven biển Nam bộ dưới góc nhìn Nhân học biển tác giả đã cho người đọc một cái nhìn khá toàn diện về MTTN cũng như diện mạo kinh tế, xã hội và văn hóa của các cộng đồng ngư dân và cư dân sinh sống ở vùng ven biển, hải đảo của 9 tỉnh, thành Nam bộ. Ngoài ra, một số cộng đồng ngư dân ven biển được tác giả tập trung giới thiệu cụ thể như: Vàm Láng (Tiền Giang), An Thủy (Bến Tre), Bình An (Kiên Giang),… (Phan Thị Yến Tuyết , 2014).
Nghiên cứu ứng xử với MTTN của một số tộc người qua các tri thức bản địa còn có nghiên cứu Ứng xử của người Dao Đỏ ở Sapa trong cư trú, khai thác và bảo vệ rừng, nguồn nước (2015) của Phạm Công Hoan hay công trình Tri thức dân gian về nước của người Lào ở tỉnh Điện Biên (2015) của các tác giả Đặng Thị Ngọc Oanh, Nguyễn Thị Lan Anh, Đặng Thị Ngọc Lan, Nguyễn Thị Dung. Hai công trình này nghiên cứu về cách ứng xử của người Dao Đỏ và người Lào với MTTN như ứng xử với rừng, với nguồn nước v.v. Mỗi tộc người có văn hoá ứng xử khác nhau với MTTN như trong văn hoá vật thể họ khai thác tự nhiên như khai thác các loại cây rừng, lá rừng để làm nhà ở, để làm thực phẩm; trong văn hoá phi vật thể họ có những tín ngưỡng dân gian liên quan đến tự nhiên như lễ cúng bến nước, lễ cúng rừng mỗi khi họ đốt rừng làm rẫy hoặc sau mỗi vụ thu hoạch. Nhìn chung, các nghiên cứu này chỉ ra tâm thức và văn hoá ứng xử với MTTN của các tộc người thiểu số là họ có thái độ trân trọng và có ý thức bảo vệ MTTN khá tốt. Trong cuộc sống họ nương tựa vào tự nhiên nên họ rất tôn kính tự nhiên dẫn đến họ có các tín ngưỡng tự nhiên. Các công trình này có ý nghĩa quan trọng trong quá trình nghiên cứu của luận án, là điểm tựa so sánh để chúng tôi nhận diện văn hoá ứng xử với
MTTN của người Khmer ở ĐBSCL (Phạm Công Hoan, 2015); (Đặng Thị Ngọc Oanh, Nguyễn Thị Lan Anh, Đặng Thị Ngọc Lan, Nguyễn Thị Dung , 2015).
Tri thức bản địa của các tộc người thiểu số tại chỗ ở Đắk Nông (2017) của hai tác giả Ngô Văn Lệ, Huỳnh Ngọc Thu (chủ biên) là một công trình nghiên cứu về tri thức bản địa của các tộc người thiểu số ở Đắk Nông. Công trình được thực hiện theo hướng nghiên cứu liên ngành khoa học xã hội như văn học, văn hoá học, nhân học, xã hội học... đã nghiên cứu về những tri thức bản địa trong ứng xử trong khai thác tự nhiên: khai thác rừng, khai thác nguồn nước tự nhiên trong các hoạt động: trồng trọt, chăn nuôi và nghề thủ công của các tộc người M’Nông, Mạ, Ê Đê. Tài liệu là nguồn tham khảo khá quan trọng để chúng tôi nghiên cứu về dân tộc thiểu số là người Khmer ở ĐBSCL (Ngô Văn Lệ, Huỳnh Ngọc Thu , 2017).
Ngoài những nghiên cứu dưới tiếp cận nhân học văn hóa chúng tôi còn tham khảo một số công trình từ chuyên ngành văn học như:
Nguyễn Thị Kim Ngân (2015) với tập chuyên khảo Thiên nhiên với sắc thái văn hóa vùng trong ca dao Nam Trung Bộ đã tập trung làm rõ diện mạo của thiên nhiên trong ca dao miền Trung trên cơ sở phân biệt khái niệm thiên nhiên theo góc độ tự nhiên và thiên nhiên theo góc độ nghệ thuật. Sử dụng tư liệu là ca dao miền Trung, công trình tập trung vào các đối tượng: cảnh trời (mặt trời, mặt trăng, sao, mây, gió), cảnh đất (núi, rừng, sông, hồ,...) cảnh biển (biển, sóng, đảo, vịnh,...) và thế giới động vật, thực vật. Công trình dừng lại ở khảo sát, thống kê, mô tả những cảnh vật của thiên nhiên “hoang dã”, không khảo sát thiên nhiên đã được thuần hóa (ruộng lúa, nương dâu, trâu, bò, gà, vịt, ao…) (Nguyễn Thị Kim Ngân, 2015).
Biểu tượng nước từ văn hóa đến văn học dân gian Thái của Đặng Thị Oanh (2016) đã giải mã biểu tượng nước qua văn hóa dân gian tộc người Thái. Nghiên cứu này sử dụng hướng tiếp cận văn hóa văn học để nghiên cứu văn hóa ứng xử với nước của người Thái. Công trình sử dụng tư liệu văn học dân gian Thái để giải mã nước mang các đặc tính như: tính nữ; không gian thiêng; sức mạnh thanh tẩy, hủy diệt, tái sinh; dấu hiệu dự báo các hiện tượng tự nhiên, xã hội Thái; chất kết nối tình cảm, thiết lập và cố kết cộng đồng (Đặng Thị Oanh, 2016).
Nghiên cứu phê bình sinh thái như một hướng nghiên cứu mới thu hút khá nhiều sự quan tâm của các học giả Việt Nam. Các nghiên cứu này chỉ ra mối quan hệ giữa văn học và MTTN như tác giả Trần Thị Ánh Nguyệt, Lê Lưu Oanh lấy tư liệu khảo sát văn xuôi Việt Nam từ sau 1975 đã trình bày về sự gắn kết của con người với
MTTN từ trong tâm thức đến những biểu hiện trong cuộc sống; quyển Rừng khô, suối cạn, biển độc…và văn chương – phê bình sinh thái (2017) của Nguyễn Thị Tịnh Thy giới thiệu khá đầy đủ về lý thuyết, nguồn gốc, phát sinh, sự khác nhau về các quan niệm, quan điểm phê bình sinh thái. Không dừng lại ở những trình bày khô cứng về lý thuyết, tác giả còn có những phân tích sâu về các truyện ngắn của một số tác giả Việt Nam, Trung Hoa và Nhật Bản dưới góc nhìn phê bình sinh thái. Đóng góp của tác giả Nguyễn Thị Tịnh Thy thể hiện trong quan niệm “chỉnh thể sinh thái” khi cho rằng mọi yếu tố không còn là yếu tố mà là chủ thể có giá trị tự thân, độc lập và liên đới nhau, nếu phá vỡ một chủ thể nào đó sẽ phá vỡ cả chỉnh thể: con người, động vật, cây cối, đất, rừng, sông, biển, trái đất... (Trần Thị Ánh Nguyệt, Lê Lưu Oanh , 2016); (Nguyễn Thị Tịnh Thy , 2017).
b. Nhóm công trình về ứng xử với môi trường tự nhiên của người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long
Có thể nói, những ghi chép, nghiên cứu về người Khmer đã được thực hiện từ khá sớm. Trước năm 1975 có công trình tiêu biểu của tác giả Lê Hương nghiên cứu về người Khmer đó là Người Việt gốc Miên. Đây là công trình sưu tầm và giới thiệu về nguồn gốc, cách thức sinh hoạt, phong tục, tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng của người Khmer ở Nam bộ. Trong công trình này, tác giả Lê Hương đã giới thiệu bức tranh tương đối hoàn chỉnh về người Khmer truyền thống ở Nam Bộ. Thông qua các nghi thức trong đời sống sinh hoạt vật vất và đời sống sinh hoạt tinh thần đã thấy được văn hóa ứng xử với tự nhiên trong quá trình sinh sống hòa nhập của người Khmer với điều kiện môi sinh ở Nam Bộ (Lê Hương , 1969).
Sau năm 1975, việc nghiên cứu các dân tộc ít người ở phía Nam, trong đó có người Khmer ở ĐBSCL được nhiều nhà khoa học quan tâm. Một số vấn đề kinh tế, xã hội, văn hóa tộc người của người Khmer đã được nghiên cứu một cách khoa học; tuy nhiên, những công trình nghiên cứu vẫn còn trong giai đoạn mới hình thành. Trong đó, phải kể đến công trình Người Khmer Cửu Long (1987) là công trình hợp tác giữa Viện văn hóa và Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Cửu Long, một công trình biên khảo về người Khmer ở tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Trà Vinh hiện nay. Chương 1 của công trình khái quát về điều kiện môi sinh, dân cư, đặc điểm sinh hoạt văn hóa vật thể: kinh tế nông nghiệp, dụng cụ cày bừa, tổ chức nhà ở… thể hiện được cách ứng xử của người Khmer với đất đai, khí hậu. Chúng tôi kế thừa và đây là nguồn tài liệu giúp chúng tôi đối sánh
với những thay đổi trong văn hóa ứng xử với tự nhiên của người Khmer trong giai đoạn hiện nay (Huỳnh Ngọc Trảng , 1987).
Tìm hiểu vốn văn hóa dân tộc Khmer Nam Bộ (1988) là tập hợp những bài báo cáo, tham luận về người Khmer ở Nam Bộ trên các phương diện: dân số, địa bàn cư trú, tổ chức xã hội, sản xuất nông nghiệp. Các bài viết “Khái quát về người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long” của tác giả Thạch Voi, “Văn hóa Khmer trong quá trình giao lưu và phát triển ở đồng bằng sông Cửu Long” của tác giả Đinh Văn Liên đã khái quát tương đối đầy đủ về điều kiện môi sinh và quá trình thích nghi của người Khmer truyền thống với sinh thái của vùng ĐBSCL (Viện Văn Hóa , 1988).
Từ sau năm 1990 trở đi nhiều thành tố văn hóa Khmer được nhiều nhóm tác giả quan tâm nghiên cứu nhiều hơn. Đây là giai đoạn vùng đất ĐBSCL bước vào công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, các nhà khoa học đã có những nhận thức đầy đủ hơn về vai trò và vị trí của dân tộc Khmer trong sự phát triển của vùng. Mặt khác, việc thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước đối với dân tộc Khmer đã đặt ra những vấn đề cần quan tâm, cần có những cơ sở khoa học; thêm nữa là những quan hệ tộc người, lịch sử vùng ĐBSCL, cũng cần có một hiểu biết, một cơ sở nhận thức khoa học liên quan đến người Khmer, một trong những chủ nhân tham dự công cuộc khai phá vùng đất này. Đó là tất cả những lý do khiến giai đoạn này có rất nhiều công trình nghiên cứu về các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của người Khmer ở ĐBSCL. Trước những yêu cầu thực tiễn đó, việc nghiên cứu về người Khmer đòi hỏi phải đi vào chiều sâu, kết hợp giữa lý luận, nhận thức khoa học với thực trạng vùng dân tộc Khmer. Vấn đề nghiên cứu người Khmer được đặt trong một bối cảnh rộng lớn hơn, gắn với yêu cầu phát triển với công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong tình hình đó, nhiều nhà khoa học, nhiều tổ chức khoa học của các viện, các trường đại học, của một số cơ quan trung ương, địa phương đã tham gia nghiên cứu, khảo sát thực tế vùng nông Khmer ở ĐBSCL. Các vấn đề được các học giả quan tâm nghiên cứu xoay quanh vấn đề đói nghèo, giáo dục, bảo tồn và phát huy các giá trị vật thể và phi vật thể trong đồng bào Khmer Nam Bộ.
Văn hóa và cư dân đồng bằng sông Cửu Long (1990) của Viện Khoa học xã hội TP.
HCM là công trình nghiên cứu khá dày dặn, phong phú của nhiều học giả: Nguyễn Công Bình, Lê Xuân Diệm, Mạc Đường cùng khá nhiều cộng tác viên về văn hóa của các cư dân ở vùng ĐBSCL. Trong đó, chương IV là chương viết về môi sinh và đời sống của dân tộc ít người (chủ yếu là người Khmer), cách ứng phó với điều kiện tự
nhiên của người Khmer ở các địa hình cư trú khác nhau (Nguyễn Công Bình, Lê Xuân Diệm, Mạc Đường , 1990).
Vấn đề dân tộc ở đồng bằng sông Cửu Long (1991) do Mạc Đường chủ biên là công trình tập hợp bài nghiên cứu: “Đặc điểm môi sinh và dân số ở vùng người Khơme đồng bằng sông Cửu Long” – Đinh Văn Liên, “Một số vấn đề kinh tế - xã hội của vùng nông Khơme đồng bằng sông Cửu Long” – Phan An, “Một số đặc điểm văn hóa vật chất của người Khơme và người Chăm ở ĐBSCL” – Phan Thị Yến Tuyết là các bài nghiên cứu sâu về điều kiện tự nhiên, môi trường sinh sống của người Khmer ở ĐBSCL (Mạc Đường , 1991).
Công trình Văn hoá người Khmer đồng bằng sông Cửu Long (1993) là công trình với sự tham gia của nhiều tác giả như: Trường Lưu, Thạch Voi, Đặng Vũ Thị Thảo, Huỳnh Ngọc Trảng, Hoàng Túc, Lê Văn. Công trình đã giới thiệu khá đầy đủ về văn hóa truyền thống của người Khmer ĐBSCL; trong đó, có các bài viết liên quan đến lễ hội, phong tục tập quán của người Khmer là nguồn tư liệu quan trọng để chúng tôi tham khảo (Viện Văn Hóa , 1988).
Chúng tôi còn được tiếp cận công trình Nhà ở - trang phục - ăn uống của các dân tộc vùng đồng bằng sông Cửu Long (1993) của tác giả Phan Thị Yến Tuyết. Đây là công trình viết về văn hóa vật chất của các tộc người ở ĐBSCL và vấn đề ăn, mặc, ở được tác giả cho là ba phương diện quan trọng nhất đảm bảo đời sống con người. Mặc dù là văn hóa vật chất nhưng các giá trị tinh thần vẫn được thể hiện tạo nên đặc trưng văn hóa tộc người (trong đó có người Khmer ĐBSCL) (Phan Thị Yến Tuyết, 1993).
Phum sóc Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long (1998) của tác giả Nguyễn Khắc Cảnh là công trình khá công phu, hệ thống về phum sóc của người Khmer. Phum, sóc là đơn vị tổ chức xã hội truyền thống của người Khmer Nam Bộ. Tác giả trình bày việc nghiên cứu phum, sóc Khmer dưới nhiều góc độ khác nhau, đó là một đơn vị cư trú truyền thống của người Khmer, về cấu trúc và chức năng, về những biến động trong lịch sử. Theo đó, phum là một tập hợp người Khmer dựa trên mối quan hệ huyết thống là chính, còn sóc là một tập hợp người dựa trên cùng cư trú trên một địa vực nhất định.
Xã hội truyền thống phum sóc của người Khmer đã và đang lùi vào quá khứ, nhường chỗ cho một cơ chế quản lý hành chính hiện tại. Tuy nhiên trong một chừng mực nhất định, một số yếu tố của xã hội truyền thống phum sóc vẫn còn chi phối đời sống của người nông dân Khmer ở ĐBSCL như tính cộng đồng, tính tự quản v.v… Trong tác phẩm này, tác giả dành chương một để viết về địa lí môi sinh, đặc điểm phân bố dân