Phát huy hơn nữa vai trò của chức sắc và những trí thức có uy tín trong cộng đồng Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long

Một phần của tài liệu Văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên của người Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long (Trang 151 - 157)

CHƯƠNG 4 VĂN HÓA ỨNG XỬ VỚI MÔI TRƯỜNG TỰ NHIÊN CỦA NGƯỜI KHMER Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG – MỘT SỐ BIẾN ĐỔI VÀ NHỮNG BÀN LUẬN

4.3. MỘT VÀI VẤN ĐỀ ĐẶT RA

4.3.2. Phát huy hơn nữa vai trò của chức sắc và những trí thức có uy tín trong cộng đồng Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long

Trong ứng xử với MTTN, người Khmer không chỉ tồn tại cách ứng xử thích nghi mà còn tồn tại cách ứng xử bảo tồn giá trị tự nhiên. Dựa vào niềm tin tâm linh trong tín ngưỡng, tôn giáo, người Khmer đã phát huy chức năng giáo dục trong đời sống văn hoá giúp cho việc bảo tồn giá trị tự nhiên rất tốt. Người Khmer đa phần theo Phật giáo Nam Tông và từ góc nhìn sinh thái học Phật giáo ta thấy có những quy định của tôn giáo giúp cho việc giữ gìn tài nguyên thiên nhiên trong đó có bảo vệ tài nguyên đất. Với niềm tin tôn giáo, niềm tin vào thế lực siêu nhiên, người Khmer quan niệm rằng đất đai của nhà chùa là nơi linh thiêng vì thế người Khmer kiêng kị làm tổn hại hoặc lấn chiếm đến những phần đất này.

Với niềm tin tôn giáo này, vấn đề tuyên truyền ý thức tôn trọng MTTN sẽ được phát huy mạnh hơn nữa khi những nội dung về bảo vệ môi trường được tuyên truyền bởi sư sãi, các vị chức sắc hoặc những trí thức có uy tín trong cộng đồng Khmer. Trong phong tục Khmer, ngoài các ngày lễ lớn được sinh hoạt tại chùa, vào một số ngày trong tháng như ngày mùng 1, mùng 8, ngày 15 và ngày 23 họ cũng sẽ đến chùa để

sinh hoạt tôn giáo. Ngày nay, việc giữ gìn tập tục sinh hoạt hàng tháng tại chùa chỉ còn các cụ già duy trì bởi họ không còn làm những công việc để sinh kế mà hầu như chỉ lo tập trung cho nhu cầu sinh hoạt tâm linh tôn giáo của mình.

Tại các buổi lễ này, ngoài sinh hoạt tôn giáo theo tín ngưỡng, phong tục các vị sư sãi, chức sắc thường đưa các vấn đề liên quan đến xã hội để sinh hoạt cho bà con Phật tử, trong đó có vấn đề về giữ gìn môi trường chung. Người Khmer rất tôn trọng các vị sư sãi, chức sắc, vì thế họ luôn thực hiện tốt những việc nhà chùa khuyên bảo và từ đó họ có ý thức sử dụng đúng mục đích nguồn tài nguyên của gia đình, địa phương.

Đây là việc làm ý nghĩa và có hiệu quả khá cao. Chúng tôi nhận thấy các nội dung về xã hội cụ thể là phổ biến pháp luật về môi trường, kiến thức về biến đổi khí hậu lồng ghép vào các buổi sinh hoạt tôn giáo để từng người Khmer có thể nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của bảo vệ môi trường tự nhiên cần phát huy hơn nữa. MTTN, tài nguyên thiên nhiên là của chung nên việc bảo vệ môi trường, thích nghi với những biến động của môi trường trong tình hình mới là việc cấp thiết và cũng là việc chung của nhân loại. Mỗi cá nhân ý thức và hành động mới có thể đảm bảo môi trường sống bền vững cho hiện tại và tương lai.

Bên cạnh vai trò của sư sãi, chức sắc ở chùa, vai trò của các Achar cũng rất quan trọng trong việc hướng dẫn, giúp đỡ bà con người Khmer trong việc nhận thức giá trị của MTTN và ý thức giữ gìn MTTN. Trong hầu hết các tín ngưỡng, phong tục, nghi lễ vòng đời của người Khmer đều có sự đóng góp vô cùng quan trọng của các Achar. Achar thường là những đã từng có thời gian đi tu, có uy tín, có sự am hiểu nhất định về phong tục, tập quán của dân tộc nên thường được cộng đồng người Khmer tin tưởng. Qua quan sát thực tế tại các cộng đồng người Khmer chúng tôi nhận thấy rằng ở một số nơi ở Trà Vinh, Achar ngoài là người hướng dẫn các tập tục sinh hoạt còn là người truyền kinh nghiệm cho cộng đồng các kĩ thuật nuôi trồng trong nông nghiệp.

Các kĩ thuật chăm sóc cây trồng, chăm sóc gia súc, gia cầm hay các kinh nghiệm dùng phân bón cũng được người Khmer tin tưởng và học tập theo kinh nghiệm của các Achar. Từ thực tế này, chúng tôi cho rằng, vài trò của Achar đã rất được người Khmer tin tưởng cho nên cần phải phát huy hơn nữa vai trò của các Achar trong việc tuyên tuyền, giáo dục ý thức đồng bào Khmer trong việc giữ gìn, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và MTTN trước những thách thức của biến đổi khí hậu hiện nay. Mặc dù có các phương tiện thông tin đại chúng như báo, đài nhưng không phải người Khmer nào

cũng có điều kiện tiếp xúc. Một số người Khmer lớn tuổi họ ít khi có điều kiện nghe đài hay đọc báo nên chúng tôi thiết nghĩ, vai trò Achar sẽ phát huy tốt trong công tác giáo dục ý thức giữ gìn tài nguyên cho đồng bào.

Tiểu kết chương 4

Tận dụng, thích nghi và đối phó với môi trường tự nhiên là một quá trình tất yếu diễn ra trong quá trình tương tác với môi trường để tạo ra cái ăn, mặc của bất kì một tộc người nào trên thế giới. Người Khmer ở ĐBSCL cũng vậy, từ trong lịch sử cư trú, canh tác họ đã có bề dày lịch sử, cùng với các tộc người khác họ đã cùng nhau cải tạo tự nhiên, cùng chung sống với những thuận lợi cũng như những khắt nghiệt của tự nhiên.

ĐBSCL hôm nay còn đối mặt với rất nhiều những thiên tai từ hạn hán, ngập lụt, đất và nước nhiễm mặn, nhiễm phèn dẫn đến ảnh hưởng nặng nề đến vật nuôi, cây trồng và cả cư dân nơi đây. Hơn nữa, những thiên tai, khắc nghiệt đó hiện nay đang gia tăng bởi những thách thức của biến đổi khí hậu mà vùng ĐBSCL là một trong các nước ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới. Chưa dừng lại ở đó, sự xói mòn, lấn chiếm của biển hàng năm mỗi gia tăng và có cả những dự báo chỉ trong vài mươi năm nữa vùng đồng bằng này sẽ chìm trong biển nước. Đó không chỉ là những dự báo suông mà đã được dự báo trong kịch bản của Cục biến đổi khí hậu quốc gia công bố.

Trong chương 4, ngoài những đánh giá, phân tích nguyên nhân dẫn đến những biến đổi trong văn hoá ứng xử với MTTN chúng tôi phân tích những biến đổi cụ thể của người Khmer trong ứng xử với đất, nước, cây trồng, vật nuôi và thời tiết.

Trong ứng xử với đất ở, người Khmer không còn tồn tại cách lựa chọn nơi cư trú như những ngày đầu. Họ ở và canh tác trên những phần đất mà cha mẹ để lại và vẫn tận dụng đất để khai thác trong sản xuất, vẫn có những tín ngưỡng liên quan đến đất. Trong ứng xử với nước, họ không còn lệ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước tự nhiên do có chương trình hỗ trợ nước sạch cho đồng bào dân tộc thiểu số như chương trình 134. Người Khmer hiện nay không còn cần khai thác nước ngầm bằng cách đào giếng mà có thể dùng máy khoan, máy bơm để lấy nước tưới tiêu.

Trong ứng xử với thực vật, động vật người Khmer ở ĐBSCL cũng có sự biến đổi nhất định trong cách chăm sóc cây trồng vật nuôi. Trong văn hoá vật chất, họ vẫn tận dụng các loại thực vật, động vật cho đời sống sinh hoạt tuy nhiên, trước những thay đổi của MTTN hiện nay, cách chăm sóc cây trồng, vật nuôi cũng có những biến đổi nhất định. Đối với thực vật, người Khmer biết cách chăm sóc thực vật bằng cách kết hợp kinh nghiệm dân gian với kĩ thuật khoa học. Từ cách chỉ sử dụng phân bón hữu cơ, cách đốt rơm, rạ để làm phân bón cho đồng ruộng họ biết cách sử dụng các

loại phân bón vô cơ. Ngoài ra, cách chăm sóc cây trồng, chọn giống cây trồng của người Khmer còn được sự hỗ trợ kĩ thuật của các cán bộ nông nghiệp của địa phương.

Đối với động vật, từ cách chăn nuôi gia súc, gia cầm theo kiểu làm kinh tế gia đình thì bây giờ người Khmer ở một số địa phương đã chăn nuôi trang trại, nuôi trồng thuỷ hải sản theo phương pháp công nghiệp.

Theo chúng tôi nhận diện, hiện nay, được sự hỗ trợ, tuyên truyền từ các cán bộ địa phương và từ các phương tiện truyền thông đại chúng như truyền hình, radio, phát thanh và cả tin tức online bằng cách truy cập từ điện thoại di động thông minh thì hầu như không một người Khmer nào không biết đến những thách thức từ biến đổi khí hậu.

Những người Khmer làm nông nghiệp, hơn ai hết họ đã, đang chịu những tác động lớn từ môi trường là hạn hán, đất nhiễm phèn, nhiễm mặn, cây cối không đạt năng suất, tình hình sâu rầy tấn công do thời tiết thay đổi… Như vậy, chính họ là những người chịu ảnh hưởng trực tiếp nên hiểu rất rõ về tình hình và có những thích ứng thích hợp với môi trường. Họ đã chủ động thay đổi phương thức sinh kế, chuyển từ sinh kế nước ngọt sang sinh kế nước mặn. Thay vì như trước đây, họ trồng lúa và xen canh hoa màu thì giờ đây nhiều vùng chuyển sang nuôi tôm sú, tôm thẻ để thích ứng với những thay đổi của môi trường nước, môi trường đất.

Chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng là một trong những cách thích ứng với biến đổi khí hậu của một số người Khmer tuy vẫn còn một bộ phận người Khmer giữ lại thói quen canh tác cũ. Tập quán kinh tế của một tộc người là cả một quá trình, khó có thể thay đổi ngay trong thời gian ngắn. Nếu như xưa kia họ chỉ dựa vào những kinh nghiệm dân gian để chăm sóc cây lúa, ngọn rau thì giờ đây họ biết cập nhật các phương pháp chăm sóc cây trồng hiện đại. Họ thường xuyên đến những lớp tập huấn của kĩ sư địa phương để nghe giới thiệu về giống lúa mới, phương pháp trừ sâu mới, các loại phân bón hoá học mới. Một điều đáng chú ý trong cách ứng xử với kiến thức mới trong chăm sóc cây trồng của người Khmer ĐBSCL là họ kết hợp cả kinh nghiệm truyền thống với kiến thức hiện đại. Chẳng hạn như, họ biết kết hợp giữa bón phân hoá học vô cơ với các loại phân hữu cơ trong cùng một vụ mùa.

Văn hoá ứng xử với MTTN của người Khmer ở ĐBSCL hiện nay so với trong truyền thống có những biến đổi nhất định. Sự biến đổi trong ứng xử này là phù hợp quy luật và để thích nghi với tình hình kinh tế, diễn biến của BĐKH. Những thay đổi

trong ứng xử với MMTN của người Khmer trong giai đoạn ban đầu không tránh khỏi những bỡ ngỡ và lung túng. Điều này đòi hỏi phải có những sự định hướng, tuyên truyền, giáo dục được diễn ra thường xuyên để người Khmer nhận thức, ứng xử phù hợp với diễn biến của BĐKH và đúng với luật tài nguyên môi trường đồng thời đảm bảo MTTN ở ĐBSCL được ổn định và bền vững.

Một phần của tài liệu Văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên của người Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long (Trang 151 - 157)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(210 trang)