Biến đổi trong văn hoá ứng xử với cây trồng, vật nuôi

Một phần của tài liệu Văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên của người Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long (Trang 133 - 137)

CHƯƠNG 4 VĂN HÓA ỨNG XỬ VỚI MÔI TRƯỜNG TỰ NHIÊN CỦA NGƯỜI KHMER Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG – MỘT SỐ BIẾN ĐỔI VÀ NHỮNG BÀN LUẬN

4.1. MỘT SỐ BIẾN ĐỔI TRONG VĂN HOÁ ỨNG XỬ VỚI MÔI TRƯỜNG TỰ NHIÊN CỦA NGƯỜI KHMER Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG HIỆN NAY

4.1.3. Biến đổi trong văn hoá ứng xử với cây trồng, vật nuôi

Trong ứng xử với cây trồng, vật nuôi hiện nay người Khmer cũng có nhiều sự thay đổi lớn.

4.1.3.1. Biến đổi trong văn hoá ứng xử với cây trồng

Đối với cây trồng, nếu ngày xưa người Khmer chỉ ứng xử với các loại cây quen thuộc trong môi trường tự nhiên để khai thác trong xây cất nhà ở như sao, dầu, tre hay các loại cây để khai thác trong ẩm thực như cây lúa, thốt nốt, chuối cùng với các loại cây dại khác thì hiện nay người Khmer phải ứng xử với rất nhiều loại thực vật giống mới. Để ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu đang diễn ra phức tạp, người nông dân Khmer được khuyến khích trồng các loại giống cây mới để thích nghi với các hiện tượng nắng hạn, ngập úng, nước nhiễm mặn, nhiễm phèn. Năm 2016 - 2017 Viện lúa ĐBSCL đã công nhận và đưa vào sản xuất hơn 50 giống lúa mới có khả năng thích nghi với các hiện tượng biến đổi khí hậu đó. Các giống lúa mới có thể nhóm thành các nhóm chính như giống lúa cực ngắn ngày, giống lúa chịu mặn, giống lúa chịu hạn và giống lúa giàu vi chất dinh dưỡng. Trong đó, riêng giống lúa cực ngắn ngày có thời gian sinh trường từ 85 đến 90 ngày giúp cho nông dân Khmer có thể làm tăng thêm vụ thứ ba mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.

Ngoài ứng xử với các giống lúa mới, trong nông nghiệp hiện đại của người Khmer ở ĐBSCL họ còn phải ứng xử với các loại giống hoa màu mới. Các loại giống hoa màu truyền thống như bí rợ, bầu, khoai, dưa nếu trồng trong điều kiện môi trường hiện nay rất khó có thể cho năng suất cao. Sự phá hoại của sâu rầy, sâu đục trái, ruồi đục trái rất dễ làm cho cây cho trái èo uột, chất lượng nông sản không cao. Để ứng phó với tình hình này, người nông dân Khmer ở ĐBSCL được cán bộ nông nghiệp địa phương hỗ trợ, hướng dẫn trồng các loại nông sản giống mới như bí hồ lô, bầu cao sản

v.v. Các loại nông sản này có thể thích nghi với biến đổi khí hậu đồng thời có thể kháng lại các loại sâu rầy.

Bên cạnh thích nghi với các giống cây trồng mới trong nông nghiệp, cách chăm sóc cây trồng của người Khmer hiện nay cũng có thay đổi. Trong nông nghiệp truyền thống, người Khmer thường thường dùng các loại phân bón hữu cơ như thân cây, vỏ cây hay phân động vật được ủ hoai mục để sử dụng làm phân bón cho cây trồng. Thân cây đậu phộng, gốc, rễ cây lúa (rạ) dùng để bón ruộng lúa rất tốt mà lại không làm tổn hại đến chất lượng đất trồng. Khi người Khmer làm ruộng xen canh một vụ múa và một vụ màu mỗi khi thu hoạch vụ mùa xong họ sẽ để lại phần thân, rễ để dành ủ hoai mục để bón cho vụ sau. Còn nếu họ chỉ làm độc canh cây lúa, khi thu hoạch (gặt) lúa xong, họ sẽ để lại gốc rạ ngoài ruộng, chờ mưa xuống lấy nước mưa để làm ẩm và hoai mục thành phân. Khi đến vụ mới, họ chỉ cần cày ải (có thể bật các gốc rạ lên) là có thể gieo hạt. Gốc rạ hoai mục kết hợp với lượng phù sa do mùa lũ về là chất dinh dưỡng tốt nhất không cần phải dùng phân bón gì khác. Còn đối với trồng màu, người Khmer còn bón thêm các loại phân bón hữu cơ từ chất thải của động vật như phân bò, phân gà rất tốt cho các loại hoa màu. Họ chỉ cần làm đất kĩ, đất tơi xốp được bón thêm các loại phân hữu cơ là có thể mang đến một vụ mùa tốt. Hơn nữa, trong nông nghiệp truyền thống, người Khmer chỉ làm ruộng một năm một vụ hoặc một vụ lúa một vụ màu nên có rất nhiều thời gian cho đất nghỉ và tái tạo lại đất. Hiện nay, do áp dụng làm nông nghiệp tăng vụ, thời gian đất nghỉ không còn nên buộc phải can thiệp các kĩ thuật khoa học hiện đại như bón phân vô cơ, dùng các loại thuốc để tăng năng suất cho cây, thuốc diệt các loại sâu bọ.

Khi chúng tôi đến phỏng vấn những hộ dân trồng rẫy ở ấp Bà Tây B, xã Phước Hưng, huyện Trà Cú, Trà Vinh chúng tôi thu được kết quả như sau: những hộ dân trồng rẫy nơi đây đều sử dụng phân bón vô cơ để giúp cây tăng trưởng tốt. Loại phân được sử dụng nhiều nhất là NPK. Ngoài ra, theo hộ ông T.P cho biết:

“Ngoài dùng phân NPK để bón cây gia đình ông phải kết hợp dùng các loại thuốc trừ sâu để phòng và trị bệnh cho cây. Với điều kiện tự nhiên hiện nay những động vật thiên địch hầu như rất hạn chế nên buộc người nông dân phải sử dụng các loại phân bón, thuốc trừ sâu hoá học” (Phụ lục 1, nhật kí điền dã tại Trà Vinh).

Qua quan sát thực tế tại rẫy của ông P chúng tôi thấy vẫn còn các hạt phân bón vẫn chưa tan hết trên đất. Khi được hỏi, cách làm này người nông dân có biết sẽ có

làm ảnh hưởng đến MTTN không thì ông trả lời là vẫn biết nhưng không có cách nào khác bởi vì với MTTN đã khác xưa rất nhiều nếu canh tác theo truyền thống ông bà truyền lại và chỉ dựa vào kinh nghiệm dân gian thì cây trồng sẽ không đạt năng suất thậm chí có vụ thất hoàn toàn do sâu rầy phá hoại.

Có thể thấy rằng, các kiến thức khoa học giúp ích rất nhiều cho nông nghiệp hiện đại. Các loại thuốc, chất tăng trưởng giúp cho cây trồng phát triển tốt, năng suất cao, có thể chống lại các loại sâu bệnh. Hơn nữa, trước tình hình biến đổi khí hậu diễn ra mạnh mẽ, để làm được một mùa vụ thành công người Khmer không thể bỏ quá các biện pháp của khoa học kĩ thuật hiện đại. Điều đó là đúng với quy luật vận động và phát triển. Tuy nhiên, khi khảo sát ý kiến của các hộ dân Khmer, chúng tôi nhận thấy rằng, người Khmer vẫn biết một số biện pháp khoa học hiện đại đó giúp ích rất nhiều nhưng nếu lạm dụng nó sẽ rất có hại cho MTTN và cho sức khoẻ con người. Đâu đó trong các vùng nông thôn hiện nay vẫn còn tồn tại hiện trạng “rau hai luống, heo hai chuồng” có nghĩa là người nông dân khi trồng trọt hay chăn nuôi sẽ chia ra làm hai phần rõ rệt: một bên để bán và một bên để ăn. Phần trồng để bán thì xịt thuốc sâu, phân bón hoá học còn phần trồng để ăn thì không xịt thuốc và bón phân hữu cơ.

Từ thực tế đó nên hiện nay, người Khmer ý thức được đó là việc làm sai và về mặt tâm linh đó là việc làm có tội. Vì thế hiện nay người Khmer một số nơi có sự biến đổi trong cách ứng xử với cây trồng. Họ vừa bón phân hoá học nhưng cân nhắc liều lượng và bón thêm các loại phân hữu cơ như phân bò, phân gà, xác thực vật: vỏ đậu phộng, đậu nành v.v. Vì thế, hiện nay các loại phân hữu cơ này được rất nhiều người chuộng mua và có giá trị rất cao. Mỗi bao phân bò có giá dao động từ 15.000đ đến 20.000đ/ bao.

4.3.1.2. Biến đổi trong văn hoá ứng xử với vật nuôi

Đối với các loại vật nuôi, người Khmer ở ĐBSCL hiện nay cũng có những biến đổi nhất định. Nếu như trước kia, các loại vật nuôi phổ biến trong gia đình người Khmer là các loại gia súc để kéo cày và các loại gia cần như gà, vịt để phục vụ cho nhu cầu bữa ăn hàng ngày thì điều này giờ đây cũng có những biến đổi trong văn hoá của người Khmer. Cách chăn nuôi phổ biến của người Khmer mang tính kinh tế hộ gia đình, chăn nuôi nhỏ lẻ chỉ để phục vụ sinh hoạt ăn uống hàng của gia đình, tết, lễ hội khi có thừa thì mang ra bán để mua vật tư sản xuất nông nghiệp. Chỉ một số ít người Khmer mở chăn nuôi chuyên nghiệp theo kiểu trang trại. Trong quá trình chăn nuôi chủ yếu là họ chăn thả trên phần đất gia đình sau khi thu hoạch vụ mùa và ven các bờ

ao, kinh thủy lợi, vùng ngập mặn, vùng đệm ven biển. Việc chăn nuôi không mang tính thời vụ, không phụ thuộc vào khí hậu, nguồn nước và chỉ kết hợp kinh nghiệm dân gian với tiến bộ KHKT trong chăn nuôi. Cách chăn nuôi này so với truyền thống là không thay đổi nhiều mà chỉ thay đổi về giá trị chọn con vật nuôi trong đời sống của người Khmer. Chẳng hạn, trước kia người Khmer nuôi cả trâu lẫn bò để kéo cày và làm vậy chuyên chở thì hiện nay đa phần người Khmer ở ĐBSCL chỉ chọn nuôi bò vì chức năng hai con vật này làm vật chuyên chở không còn nữa. Đồng ruộng hiện nay được cơ giới hoá, người nông dân không còn sử dụng trâu, bò làm sức kéo nữa nên cách người nông dân ứng xử với trâu, bò cũng có khác. Khi chức năng chuyên chở không còn nữa nên giờ đây người Khmer chỉ còn nuôi bò. Bò là con vật dễ chăm sóc, ít bệnh tật, có giá trị kinh tế cao.

Ngoài những con vật nuôi để làm kinh tế phụ như gia súc, gia cầm, người Khmer ở các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh còn chăn nuôi các loài thuỷ sản như tôm sú, tôm thẻ, cua biển. Chăn nuôi thuỷ sản là ngành chăn nuôi khá mới trong kinh tế của người Khmer. Nếu như xưa kia, người Khmer chỉ quen với tập quán đánh bắt nội đồng thì giờ đây họ còn tham gia vào chăn nuôi thuỷ sản chuyên nghiệp. Để đáp ứng với kĩ thuật nuôi trồng mới họ phải luôn cập nhật kiến thức khoa học về cách chọn con giống, kĩ thuật đất, nước cho ao hồ. Người Khmer ở Vĩnh Châu, Sóc Trăng còn mạnh dạng nuôi thuỷ sản công nghiệp có nghĩa là làm hệ thống màn phủ dưới đáy hồ, đầu tư máy lọc nước, máy oxi để nuôi tôm thẻ, tôm sú. Qua quan sát thực tế, chúng tôi thấy đa phần người Khmer chọn nuôi tôm thẻ vì loại tôm này dễ chăm sóc, ít nhiễm bệnh mà hiệu quả kinh tế không thua gì với tôm càng, tôm sú.

Ngoài các loại động vật kể trên, một bộ phận không nhỏ người Khmer ở Trà Vinh, Sóc Trăng mạnh dạn nuôi các loại giống vật nuôi có thể cải thiện thu nhập như nuôi ếch, nuôi trăn, nuôi dê, nuôi cá ba sa, nuôi dế theo hướng công nghiệp. Các con vật nuôi này trước kia thường chỉ được đánh bắt trong tự nhiên thì bây giờ trước nhu cầu cao của thị trường nên các hộ nông dân ở ĐBSCL đã tiến hành nuôi để đủ cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước. Một số người nông dân Khmer biết kết hợp mô hình vườn – ao – chuồng đạt hiệu quả năng suất khá cao.

Có thể thấy rằng, nếu xưa kia người Khmer có phần thụ động trước MTTN, họ chỉ tận dụng thiên nhiên sẵn có, chăn nuôi nhỏ lẻ gia đình hay đánh bắt nội đồng thì giờ đây họ chủ động trước MTTN, họ biết cải tạo, thích ứng với MTTN như cây trồng, vật nuôi trong tình hình mới. Họ chuyển từ cách ứng xử thụ động một chiều sang cách

ứng xử chủ động tương tác đa chiều. Để có thể thích ứng với những điều kiện biến đổi này đòi hỏi người nông dân Khmer luôn phải cập nhật kiến thức về nông nghiệp như giống cây trồng mới, giống cây trồng thích nghi với biến đổi khí hậu, các giống vật nuôi mới.

Một phần của tài liệu Văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên của người Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long (Trang 133 - 137)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(210 trang)