Chuyển đổi phương thức sinh kế

Một phần của tài liệu Văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên của người Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long (Trang 141 - 145)

CHƯƠNG 4 VĂN HÓA ỨNG XỬ VỚI MÔI TRƯỜNG TỰ NHIÊN CỦA NGƯỜI KHMER Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG – MỘT SỐ BIẾN ĐỔI VÀ NHỮNG BÀN LUẬN

4.2. MỘT SỐ XU HƯỚNG CHUYỂN ĐỔI PHƯƠNG THỨC SINH KẾ ĐỂ THÍCH NGHI VỚI MÔI TRƯỜNG TỰ NHIÊN CỦA NGƯỜI KHMER ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG HIỆN NAY

4.3.2. Chuyển đổi phương thức sinh kế

Tình trạng nhiễm phèn, nhiễm mặn không phải đã không từng xảy ra trong lịch sử của người dân ĐBSCL. Tuy nhiên, khi quá trình biến đổi khí hậu có những chuyển biến phức tạp và có xu hướng ngày một tăng cao về số lượng và mức độ nghiêm trọng đã khiến cho người dân ĐBSCL phải đứng trước những thách thức lớn như mùa khô diễn ra dài hơn, nắng gắt hơn; mùa mưa đến chậm hơn, lượng nước mưa ít hơn. Quan trọng hơn nhất là “đặc sản” của vùng đồng bằng châu thổ là “nước nổi” ở đây hầu như cũng đang ngày cạn cạn kiệt. Nếu như xưa kia, bà con nơi đây chờ lũ về thau chua, rửa phèn và tích trữ phù sa cho đồng ruộng, tích trữ tôm cá cho mùa sau thì giờ đây mùa lũ đến rất trễ và lượng nước rất cạn kiệt, thậm chí người dân chờ lũ và khát khao lũ.

Những sản vật mùa lũ như cá linh nếu trước kia là loại sản vật dồi dào, dư dả và không có giá trị kinh tế thì giờ đây cá linh hầu như có rất ít và một số nơi không có cá linh về vào mùa lũ. Xưa kia, một kí cá linh có giá rất rẻ, khoảng vài chục nghìn một kí nhưng hiện nay theo khảo sát của chúng tôi giá một kí cá linh khoảng trên một trăm nghìn khi đến tay người tiêu dùng. Món cá linh non nấu canh chua điên điển hay cá linh non kho mắm là món ăn yêu thích của người miền Tây giờ chỉ còn xuất hiện rất ít và dần trở thành những kí ức ngọt ngào khi mà nguồn sản vật ngày một cạn kiệt.

Những thách thức của biến đổi môi trường đã ảnh hưởng nhiều đến đời sống vật chất và tinh thần của người Khmer vùng ĐBSCL. Đứng trước những thách thức đòi hỏi tìm ra biện pháp nhằm đảm bảo môi trường sống bền vững cho cộng đồng các dân tộc ở Nam Bộ. Trong đó, thay đổi phương thức sinh kế được xem như là phương cách thích nghi với sự chuyển biến của môi trường, khí hậu của địa phương. Từ phương thức canh tác lúa truyền thống sang nuôi trồng thuỷ sản có giá trị kinh tế cao; chuyển từ phụ thuộc hệ sinh thái nước ngọt sang hệ sinh thái nước mặn như một cách thích nghi với biến đổi môi trường sinh thái ở ĐBSCL.

Sự chuyển đổi từ hệ sinh thái nước ngọt sang hệ sinh thái nước mặn, việc làm của người dân có sự chuyển đổi rõ rệt. Trong phương thức sống truyền thống, người Khmer có thể tự sản xuất lúa, trồng hoa màu, cây ăn trái, nuôi gia súc, gia cầm để tự túc tiêu thụ và buôn bán nhỏ quanh năm. Người Khmer còn nhờ vào hệ sinh thái nước ngọt mà có thể đánh bắt nội đồng với số lượng tương đối lớn. Ngày nay, khi chuyển đổi kinh tế, người Khmer ít phụ thuộc vào kinh tế tự cấp tự túc nữa mà thay vào đó là hướng đến kinh tế thị trường. Phương cách sống của cư dân Khmer cũng có sự thay

đổi. Nước mặn được xem là một nguồn nguyên liệu quý và người dân tận dụng nước mặn để nuôi tôm vào mùa mưa. Nếu như không có điều kiện tiền vốn để nuôi tôm họ có thể để đất trống làm nghề khác chứ không trồng lúa như truyền thống do giá trị kinh tế của cây lúa không cao như xưa nữa. Tại một số vùng như Vĩnh Châu ở Sóc Trăng giờ đây ruộng lúa đã trở thành những ao tôm mang lại hiệu quả kinh tế rất tích cực cho đồng bào Khmer nơi đây. Phương thức sinh sống thích nghi nhiều hơn vào hệ sinh thái nước mặn.

Tuy có sự chuyển đổi kinh tế từ lúa sang tôm phần nào cải thiện được thu nhập của người dân ở ĐBSCL tuy nhiên theo kết quả nghiên cứu của Ngô Thị Phương Lan cũng cho rằng việc nuôi tôm hiện này cũng mang nhiều rủi ro đáng kể trong đó có tính bất ổn về sự ô nhiễm môi trường. Cụ thể là sự ô nhiễm môi trường chủ yếu do hoạt động thâm canh không kiểm soát và cách xử lý nước thải chưa tốt. Hệ thống cấp thoát nước trong nuôi tôm vẫn chưa hoàn thiện và thiếu quy hoạch nên phần lớn các vuông tôm trong vùng vẫn dùng chung hệ thống cấp và xả nước (Ngô Thị Phương Lan, 2017), 35. Như vậy, dường như có một sự mâu thuẫn khi người dân khi thích ứng với BĐKH, thích nghi với sự biến thiên của môi trường, họ tìm cách chuyển đổi sinh kế để không quá lệ thuộc vào tự nhiên nhưng trong quá trình canh tác này, nếu không có phương pháp, kế hoạch đầu tư kĩ lưỡng thì vô hình chung lại càng khiến cho sự ô nhiễm môi trường càng trở nên trầm trọng hơn.

Khi điều kiện môi trường càng ngày càng có nhiều biến chuyển tiêu cực, nhiều người dân Khmer ở ĐBSCL đã chuyển đổi phương thức sinh kế. Nếu xưa kia, đời sống của người dân là cuộc sống nương tựa hoàn toàn vào tự nhiên để sinh kế như trồng lúa, trồng rẫy, hoa màu thì giờ đây họ có thể chuyển đổi phương thức sinh kế, chuyển đổi ngành nghề. Trong giai đoạn Việt Nam mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài, nhiều công ty, xí nghiệp được xây dựng ở các vùng nông thôn ở ĐBSCL. Người nông dân Khmer muốn có kinh tế ổn định, không phải chịu cảnh mất mùa do nước mặn, do hạn hán đã di chuyển đến các khu công nghiệp để sinh kế. Năm 2019, khi điền dã tại huyện Trà Cú chúng tôi đã quan sát cách sinh kế của bà con nơi đây. Hiện nay, tại địa bàn Tập Sơn, hầu như các nam nữ thanh niên đang trong độ tuổi lao động (từ 18 tuổi đến 45 tuổi) đa phần làm công nhân ở các khu công nghiệp. Nam nữ thanh niên ở ấp Bà Tây B làm công nhân tại công ty giày da Mỹ Phong của huyện Trà Cú, công ty da Vina ở Long Đức, Trà Vinh. Một bộ phận khác đi làm xa tại Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai. Thông thường khi có dịp lễ lớn

của dân tộc như Chôl - Chnăm - Thmây hoặc Sen Đôn - ta họ mới về thăm nhà. Những nam nữ thanh niên có con nhỏ họ phải gửi lại cho ông bà chăm sóc và đi học ở quê. Tình trạng phổ biến ở nông thôn hiện nay chỉ còn người già và trẻ nhỏ nên có những gia đình thà để ruộng bỏ trống chứ không có nhân lực để canh tác. Theo như lý giải của các nông dân là nguồn tiền từ lương công nhân ổn định hơn làm kinh tế nông nghiệp. Khi họ làm công nhân, nếu chịu khó làm tăng ca thì lương ổn định có khi trên 6.000.000 đ nhưng khi làm ruộng rẫy đến mùa thu hoạch nếu trừ các khoảng như tiền giống, tiền phân, thuốc và giống cho vụ sau thì mỗi người trong gia đình chỉ dư vài trăm nghìn. Đó là những lúc mùa màng ổn định còn những khi nước nhiễm mặn, phèn, mùa màng thất, họ còn phải nợ cả tiền giống và phân, thuốc. Vì vậy, chuyển đổi sinh kế từ nông nghiệp sang công nghiệp là cách chuyển đổi giúp ổn định kinh tế của gia đình. Thanh niên trẻ trong độ tuổi lao động, đi làm công nhân hàng tháng gửi tiền về nuôi con cái, nuôi cha mẹ. Nếu như khéo tích cóp họ còn dư tiền để xây nhà cho cha mẹ. Các người già ở nhà thì nhờ vào tiền gửi từ con cháu khi đi làm công nhân hoặc làm các công việc nhẹ như tận dụng các loại rau, quả tự nhiên để làm dưa bán. Như tôi tiếp xúc và trao đổi với bà L.N (68 tuổi) tại ấp Bà Tây B chuyên làm dưa môn để bán ở chợ. Dưa môn là loại dưa làm từ ngó môn. Bà con đem về rửa sạch, cắt nhỏ và nấu nước muối ngâm để làm chua. Loại dưa này đòi hỏi phải có kinh nghiệm làm như: chọn loại môn, sơ chế sạch… để khi ăn không bị ngứa. Kinh tế từ việc làm dưa môn đủ để sinh hoạt, trang trải trong gia đình.

Chuyển đổi phương thức sinh kế ngoài sự tác động của môi trường còn có những yếu tố khách quan khác; trong đó có những trường hợp nguồn lợi tự nhiên có sẵn, không bị tác động bởi môi trường tự nhiên nhưng lại do những sản phẩm tự nhiên chưa tạo được sự thu hút với người tiêu dùng. Như trường hợp về sản phẩm cây thốt nốt ở huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang là một trường hợp như thế. Nếu như trước kia, An Giang có rất nhiều hộ nấu đường thốt nốt nhưng hiện nay chỉ còn lại vài hộ nấu đường. Kinh tế của người dân ở Tri Tôn ngoài nấu đường thốt nốt họ phải làm kinh tế thêm như làm ruộng, nuôi bò mới đủ chi phí cho gia đình bởi giá trị của đường thốt nốt hiện nay không cao và cũng ít có sức hấp dẫn đối với thị trường. Thốt nốt có vị ngọt đậm và có mùi đặc trưng nên có khi rất kén người sử dụng. Từ trước đến nay, đường thốt nốt hầu như chỉ dùng để nấu chè, kho cá hoặc làm ít món bánh như bánh bò thốt nốt. Nhìn chung, Tri Tôn nói riêng và An Giang nói chung có nguồn lợi từ cây thốt nốt nhưng việc khai thác và quảng bá chưa rộng.

Để thích nghi với những biến động của MTTN cùng với chính sách phát triển du lịch địa phương, mô hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng của người Khmer ở ĐBSCL cũng đáp ứng được phần nào vừa đi cùng với chính phát triển của đất nước, vừa cải thiện kinh tế, thu nhập khi nguồn lợi từ nông nghiệp đang có nhiều nguy cơ và nhiều rủi ro. Du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch văn hoá tâm linh hiện nay đang là xu hướng du lịch mới, có triển vọng tiềm năng kinh tế khá lớn. Theo Luật Du lịch năm 2017:

Du lịch sinh thái là loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên, gắn với bản sắc văn hoá địa phương, có sự tham gia của cộng đồng dân cư, kết hợp giáo dục về bảo vệ môi trường” và “Phát triển du lịch bền vững là sự phát triển du lịch đáp ứng đồng thời các yêu cầu về kinh tế - xã hội và môi trường, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch, không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch trong tương lai” (Luật Du lịch, 2017).

Không gian cư trú và bản văn hoá của người Khmer ở ĐBSCL có nhiều lợi thế tiềm năng để phát triển loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và du lịch văn hoá tâm linh. Với đặc trưng có nhiều lễ hội lớn trong năm như Chôl – Chnăm – Thmây, Sen Đôn - ta, Ok – Om – Bok nên du lịch văn hoá Khmer là loại hình du lịch rất nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế yêu thích. Nhiều địa phương ở ĐBSCL hiện nay đã và đang triển khai các kế hoạch phát triển du lịch cộng đồng của người Khmer như lễ hội đua bò ở An Giang, lễ hội đua ghe Ngo ở Sóc Trăng, Trà Vinh .v. Đến với loại hình du lịch này du khách được giới thiệu các giá trị văn hoá Khmer như văn hoá lễ hội, đời sống tâm linh tôn giáo, văn hoá sinh hoạt thường nhật với các hoạt động giã cốm dẹp hay thưởng thức các món ăn đặc sản của người Khmer.

Loại hình khai thác văn hoá địa phương để phát triển du lịch này tạo ra nguồn thu cho kinh tế nước nhà đồng thời có thể tạo thêm việc làm, cải thiện thu nhập cho đồng bào dân tộc Khmer. Hơn nữa, trong tình hình BĐKH hiện nay, nông nghiệp thất mùa, việc phát triển kinh tế du lịch là một việc làm đúng hướng. Tại Trà Vinh, năm 2018 đã triển khai đưa vào hoạt động du lịch Làng Văn hóa Khmer tại xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, thành phố Trà Vinh. Làng Văn hoá Khmer được khai thác trên cơ sở là một phum của người Khmer tại Trà Vinh. Trong cách khai thác du lịch này, người Khmer là đối tượng chính trong hoạt động du lịch. Khách du lịch khi đến làng được

sống trong không gian văn hoá cư trú của người Khmer, tham gia vào sinh hoạt thường nhật cũng như hoạt động hội hè của người Khmer.

Tuy có nhiều lợi ích như phát triển kinh tế, tạo thu nhập và giải quyết việc làm cho người dân nhưng vấn đề giữ gìn môi trường sinh thái bền vững cho cộng đồng cũng phải đáng được quan tâm. Không gian cư trú của người Khmer ở ĐBSCL đến hiện nay vẫn còn giữ được không gian sinh thái trong lành và hầu như chưa bị tác động nhiều bởi những biến đổi xã hội. Trong các chùa Khmer vẫn còn được bao bọc bởi những hàng cây cổ thụ xanh mát. Tuy nhiên, theo dự báo nếu khai thác du lịch văn hoá Khmer mà không chú ý đến yếu tố cảnh quan, môi trường sinh thái sẽ dễ dẫn đến tình trạng phá huỷ môi trường và mất cân bằng sinh thái trong cộng đồng Khmer. Theo quan sát thực tế hiện nay có một số chùa Khmer do có nhiều khách du lịch đến nên hiện tượng rác thải bừa bãi, ồn ào, nhiều loại sinh vật không còn trú ngụ trong chùa như trước nữa. Hình thức du lịch được hoà nhập vào lối sống cộng đồng, được sinh hoạt văn hoá cộng đồng rất được khách du lịch ưa chuộng. Hiện nay, một số tỉnh ở ĐBSCL xúc tiến khai thác các tuyến điểm du lịch cộng đồng, trong đó có xu hướng khai thác văn hoá cộng đồng người Khmer ngày một gia tăng. Chúng tôi cho rằng, khai thác du lịch cộng đồng là cần thiết để phát triển kinh tế nhưng cần phải đảm bảo những bước đi ổn định, lâu dài và bền vững trong việc vừa phát triển du lịch cộng đồng vừa bảo vệ được tài nguyên môi trường.

Một phần của tài liệu Văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên của người Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long (Trang 141 - 145)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(210 trang)