CHƯƠNG 2 VĂN HÓA ỨNG XỬ VỚI ĐẤT VÀ NƯỚC CỦA NGƯỜI
2.2. VĂN HOÁ ỨNG XỬ VỚI NƯỚC
2.2.4.2. Lễ nghi cầu nước, đưa nước
Trong tín ngưỡng của người Khmer, nước có ý nghĩa về mặt vật chất lẫn tinh thần. Vào những tháng mùa khô, khi trời nắng hạn không đủ nước để người Khmer làm ruộng họ sẽ có nghi lễ cầu mưa (cầu đảo). Lễ nghi cầu mưa của người Khmer có nơi được thực hiện riêng lẻ, có nơi được tích hợp với nghi lễ cầu an (Bon Kom – San – Sroc) của phum, sóc.
Thời điểm thực hiện nghi lễ cầu mưa diễn ra vào khoảng tháng 4 dương lịch hàng năm. Có những năm hạn hán kéo dài, nghi lễ này được thực hiện ở khắp các phum, sóc. Lễ vật thực hiện cúng gồm có: đầu heo hoặc thịt heo luộc, gà luộc, hoa quả, bánh ngọt và nhang đèn. Buổi lễ được diễn ra dưới sự hướng dẫn của Achar và được tổ chức tại miếu Neak-ta (vì vậy một số nơi tích hợp lễ cầu an với lễ cúng Neak- ta của phum, sóc). Những người tham gia lễ xếp thành một hàng trước miếu Neak-ta sau đó đi vòng quanh miếu ba lần rồi từng người cắm nhang vào bàn thờ Neak-ta.
Ngày xưa, những nơi có ghe (thuyền), họ còn tổ chức cúng lễ và đua ghe trên cạn (um Tuk – lơ – kôk). Nếu như các nghi lễ cầu mưa đã xong mà vẫn không có mưa sẽ có một lễ khác gọi là “Bon sâum tuk phliêng” (lễ xin nước mưa). Lễ xin nước mưa được tiến hành bằng cách mời khoảng mười vị sư sãi ra đứng phơi nắng ở giữa sân chùa, sân nhà hoặc đứng ngay giữa cánh đồng khô cháy. Trước mặt các vị sư sẽ là một hố sâu, hoặc một chậu khô. Trong hố và chậu thả con cá lóc, ếch, cua…Đây có thể là một phương thuật, biểu hiện cùng cực của sự khô cháy làm “động lòng” để trời ban phước, mưa xuống cứu vớt chúng sinh. Lễ cầu mưa vẫn tồn tại cho đến nay mỗi khi thời tiết khô hạn kéo dài.
Nghi thức cầu mưa, cầu nước xuất hiện trong tín ngưỡng của các cư dân làm nông nghiệp. Các dân tộc làm nông nghiệp ở ĐBSCL cũng vậy. Mỗi dân tộc có các nghi thức, cách thể hiện khác nhau nhưng tựu trung là sự thể hiện tôn sùng và cần có nước. Nước giúp cho cây lúa, hoa màu tốt tươi và nước mang đến cho một cuộc sống ấm no, an lành.
Nước là một phần rất quan trọng trong đời sống của người Khmer. Trong sinh hoạt, sản xuất họ cần nước vừa đủ để sinh sống và canh tác. Khi nước quá thừa hoặc quá thiếu vượt ngoài năng lực con người tác động họ sẽ trông chờ vào các thế lực siêu nhiên. Vì thế, người Khmer không chỉ có nghi lễ cầu nước mau đến còn có các nghi lễ mang ý nghĩa cầu nước mau rút đi. ĐBSCL là vùng khi nắng hạn, thiếu nước cho sản xuất khi lại mưa nhiều, nước dâng gây ngập úng đồng ruộng. Lễ hội Ok - Om - Bok ngoài ý nghĩa cảm tạ thần mặt trăng còn mang ý nghĩa cầu nước mau rút để người Khmer có thể làm vụ mùa mới.
Ok - Om - Bok là một lễ hội lớn của người Khmer được tổ chức thống nhất ngày 15, 16 và 17 tháng 10 dương lịch để cảm tạ thần mặt trăng. Người Khmer coi mặt trăng là một vị thần bảo hộ cho mùa màng tốt tươi. Họ quan niệm mặt trăng là đối tượng thờ cúng thiêng liêng. Sau một năm làm mùa người Khmer lại cúng để cảm tạ mặt trăng đã phò trợ cho mưa thuận gió hòa, mang đến cho người nông dân những vụ mùa bội thu. Lễ cúng mặt trăng được tổ chức vào thời điểm thu hoạch lúa mới. Để cảm tạ công ơn của mặt trăng người Khmer lấy lúa nếp mới giã thành cốm để cúng trăng.
Lễ cúng trăng được tiến hành trước khi trăng lên. Trước tiên, người Khmer thường chọn những khoảng đất trống trong chùa hoặc khuôn viên rộng rãi trong phum, sóc nhưng đặc biệt phải là nơi cao ráo và không có bóng cây che khuất. Các lễ vật dùng để cúng là khoai lang, chuối, dừa… và nhất định phải có cốm dẹp (Om – Bok).
Các thành viên trong buổi lễ được ngồi hàng ngang trước bàn lễ vật và hướng về phía trăng mọc để cầu cúng. Người đứng ra tổ chức cầu cúng cho buổi lễ nếu ở chùa là sư sãi còn nếu như ở phum, sóc thường là những vị Achar.
Trong đêm của lễ cúng trăng, các chùa còn tổ chức lễ thả đèn nước và thả đèn gió. Đèn nước có hình dáng như một ngôi đền làm bằng thân và bẹ chuối. Đầu đèn, người ta treo cờ phướn, chung quanh cắm đèn cầy và nhang, bên trong bày các vật cúng như trái cây, bánh, kẹo, gạo, muối… Mở đầu buổi lễ, sư sãi và thành viên trong phum, sóc cắm đèn cầy và nhang xung quanh đèn và đọc kinh tưởng nhớ đến Đức Phật, xin lỗi đất và nước. Người Khmer cho rằng trong suốt một năm trồng lúa và hoa màu họ đã làm cho đất và nước bị ô uế. Sau nghi thức đọc kinh người Khmer thả những chiếc đèn xuống nước. Nơi thả đôi khi là kênh, rạch hay ao xung quanh chùa.
Hàng năm, ở Trà Vinh nghi thả đèn nước được thực hiện tại Ao Bà Om diễn ra rất long trọng, lễ hội thu hút hàng ngàn người dân trong và ngoài tỉnh đến tham dự. Hiện
như đã trở thành một lễ hội chung của các tộc người cùng sinh sống. Trong lễ hội, người Khmer, người Việt, người Hoa cùng tham gia hội như một lễ hội của chung của cộng đồng. Đó là kết quả của quá trình giao lưu, tiếp biến văn hoá của các dân tộc anh em ở ĐBSCL.
Trong đời sống thường nhật, người Khmer tôn trọng và gìn giữ nguồn nước.
Khi cảm thấy có lỗi với nước người Khmer lại có những nghi thức cầu cúng tạ tội mong thần nước bỏ qua và mang đến nguồn nước dồi dào phong phú để họ có một vụ mùa suôn sẻ. Người Khmer làm nông và sống dựa nhiều vào yếu tố tự nhiên nên tâm thức tín ngưỡng tự nhiên nói chung và tín ngưỡng nước nói riêng là một điều dễ hiểu.
Tín ngưỡng nước của người Khmer thể hiện rõ nét trong lễ hội Ok - Om - Bok. Ngoài lễ cúng trăng, nghi thức thả đèn nước, tín ngưỡng nước còn thể hiện trong hội đua ghe ngo. Có thể nói, hội đua ghe ngo là một ngày hội được người Khmer mong chờ nhiều nhất trong năm. Lễ đua ghe ngo được xem là lễ tống tiễn thần nước, thần của mùa mưa. Ghe ngo là một loại thuyền độc mộc dài khoảng 24m, đoạn giữa rộng khoảng 1,2m, thường được làm bằng các loại gỗ tốt. Ghe ngo có hình dáng thon, dài mô phỏng như thân hình của rắn Naga. Ghe ngo là một loại ghe thiêng chỉ dùng vào mục đích bơi thi trong ngày hội. Sau khi tham gia hội xong ghe được đưa về cất giữ và bảo quản cẩn thận trong chùa. Vì ghe ngo mang tính thiêng nên trước khi tổ chức bơi thường có nghi thức cúng ghe. Lễ vật không cầu kì chỉ có ít trái cây, hoa, nhang , đèn... Phía trước đầu ghe ngo thường treo cờ cá sấu. Cờ cá sấu là một biểu tượng cho tín ngưỡng tô tem của người Khmer.
Trong lễ hội Ok - Om - Bok, ngoài hội đua ghe ngo phải tổ chức ban ngày, hầu hết các nghi thức của lễ hội đều diễn ra ban đêm. Tổng hợp các yếu tố “ban đêm”,
“nước lớn” và “trăng tròn” có ý nghĩa nhấn mạnh yếu tố âm tính nhằm cảm tạ thần nước đã phò trợ cho mùa màng tươi tốt, vạn vật sinh sôi nảy nở và đưa tiễn nước trở lại nguồn biển. Ở góc độ nghiên cứu văn hóa tộc người thì việc thả đèn trời và đua ghe
“ngor’’ cũng chính là những nghi thức mang tính saman giáo để tiễn mùa mưa, và cầu khấn cho sự may mắn cuộc sống, công việc trong năm mới (Phan An, 2009).
Trong lễ hội của người Khmer ở ĐBSCL dù là phần lễ hay hội cũng đậm chất lễ nghi nông nghiệp. Và thực sự là những lễ hội này đánh dấu thời vụ trong năm: đầu mùa mưa và cuối mùa mưa. Nếu như Chôl - Chnăm - Thmây là lễ hội trong thời điểm nắng hạn thì Ok - Om - Bok là lễ hội ở vào thời điểm cuối mùa mưa. Ở thời điểm nắng
hạn người Khmer cầu mưa đến còn ở thời điểm mùa mưa người Khmer cầu cho mưa dứt, nước rút để họ vào vụ mùa mới. Ok - Om - Bok vừa là lễ hội cúng trăng vừa để tạ lỗi và cám ơn thần nước. Cảm ơn là để cho người nông dân Khmer một vụ mùa tốt tươi, tạ lỗi vì trong năm đã gây tổn hại và ô nhiễm nguồn nước. Trong lễ hội Ok - Om - Bok còn có nhiều nghi thức khác liên quan đến nước: thả đèn nước, đua ghe ngo…
Thủy lợi là vấn đề quan trọng đối với nông dân Khmer trồng lúa nước nên ở nhiều dạng khác nhau lễ cầu nước vẫn tồn tại dai dẳng vào những ngày nắng hạn.
Người Khmer ở Sóc Trăng còn có lễ cúng phước biển cũng mang ý nghĩa cầu mùa, cầu phúc. Lễ này được tổ chức tại chùa Cà Săng vào ngày 14 và 15 tháng 2 âm lịch hàng năm. Trong phần hội của lễ lễ hội cúng phước biển có tổ chức các trò chơi dân gian mô phỏng các cô gái Khmer gánh nước tưới hoa màu, chàng trai Khmer đẩy xiệp đánh bắt cá, đánh xe bò, đua ghe ngo trên cạn phản ánh cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của người Khmer. Có thể nói, nước có một ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống văn hoá của người Khmer và sự cần thiết đó phản ánh dấu ấn của nước trong các phong tục lễ hội của họ.
Tiểu kết chương 2
Tóm lại, nội dung chương 2 đã tập trung phân tích văn hoá ứng xử với hai yếu tố đất và nước trong văn hoá ứng xử của người Khmer ĐBSCL.
Trong văn hoá ứng xử với đất, chúng tôi phân tích hai giá trị văn hoá trong văn hoá của người Khmer là đất trong văn hoá vật chất và đất trong văn hoá tinh thần.
Người Khmer ở ĐBSCL rất quan trọng đất, cụ thể là đất ở và đất canh tác. Từ giai đoạn đầu cư trú, họ có kinh nghiệm lựa chọn những giồng đất cao để ở và để trồng trọt. Tùy vào điều kiện có được mà người Khmer đã linh hoạt trong văn hoá ứng xử với môi trường tự nhiên của mình. Với đất cao người Khmer tận dụng để làm nơi cư trú và trồng những loại cây thích nghi được với đất cao như hành tím, mía...; còn với đất thấp, người Khmer dùng để nuôi tôm, trồng lúa và các loại cây chịu ngập khác.
ĐBSCL từ trước đến nay thường được cho rằng đây là vùng đất trù phú, được mẹ thiên nhiên ưu đãi, là vùng đất con người chỉ cần làm chơi mà ăn thật; tuy nhiên, có thể đây chỉ là cách nói ví von và chỉ nói đến các sản vật như thực vật, thuỷ sản chứ về nguồn tài nguyên đất, nước thì không như cách nói ví von đó. Để ứng phó với môi sinh đất, nước, cư dân vùng đất này phải chung lưng đấu cật, dùng sức lực và tâm trí rất nhiều mới có thể lúc thì đối phó, lúc thì thích nghi.
Văn hoá ứng xử với đất của người Khmer không chỉ trong phương diện văn hoá vật thể mà nội dung chương 2 còn khai thác giá trị văn hoá phi vật thể. Trong văn hoá ứng xử với đất, thái độ của người Khmer đối với đất là sự tôn kính và có tâm thức tín ngưỡng đối với đất. Mỗi khi có sự tác động vào đất như đào giếng, cất nhà người Khmer ĐBSCL đều phải có những nghi thức để cúng thần đất. Người Khmer rất coi trọng thái độ đối với đất, họ cho rằng bên dưới đất luôn tồn tại thần trú ngụ nên các hành động làm dơ bề mặt đất cũng được xem như thái độ bất kính đối với các vị thần đó. Tín ngưỡng đất của người Khmer còn được coi trọng hơn trong việc xác định giới hạn đất đai của nhà chùa. Mỗi chùa người Khmer thường có hình tượng nữ thần đất được trang trí phía sau chính điện. Nữ thần đất có chức năng che chở cho sự yên bình của nhà chùa. Bên cạnh đó, trong quan hệ cộng đồng, người Khmer luôn có sự tôn kính nhất định với phạm vi đất đai của nhà chùa. Đất của chùa dù là đất ruộng hay đất ở cũng không có một thành viên nào có ý nghĩ hay thực hiện lấn đất, chiếm đất của chùa.
Trong văn hoá ứng xử với nước, ở chương 2 này, chúng tôi cũng đã tập trung phân tích văn hoá ứng xử với nước trong đời sống vật chất và đời sống tinh thần của người Khmer. Nước là yếu tố quan trọng và không thể thiếu trong sinh hoạt cũng như trong canh tác của người Khmer. Vì những lý do đó, người Khmer luôn có cách ứng xử trân trọng, giữ gìn nguồn nước. Thái độ tôn trọng nước được biểu hiện qua các tín ngưỡng, lễ hội liên quan đến nước của người Khmer. Trong các nghi lễ vòng đời, nghi lễ tôn giáo, nước thường xuyên xuất hiện với chức năng thanh tẩy đặc biệt. Với người Khmer, nước thơm (tưk-op) có chức năng xua đi những điều không may mắn, không sạch sẽ và nước thơm cùng với những bài kinh tụng của nhà sư có chức năng mang đến sự bình an, hạnh phúc cho con người. Lý thuyết chức năng của Malisnowki được chúng tôi vận dụng để giải mã những tâm thức ứng xử của người Khmer đối với nước, chức năng của nước trong đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của người Khmer.
Theo lý thuyết sinh thái văn hóa của Steward chúng tôi nêu ở chương 1, con người có thể thích nghi để tồn tại bằng những tri thức riêng thuộc về bản sắc tộc người. Ở đây, phân tích trong chương 2 của chúng tôi về cách ứng xử của người Khmer đối với đất và nước cũng cho thấy người Khmer cũng có những cách ứng xử rất riêng mang bản sắc văn hoá tộc người. Đó là thái độ vừa tôn kính vừa sợ hãi đối với đất và nước. Những tri thức về ứng xử đó có thể truyền thừa qua các thế hệ và có
thể được trao đổi, chuyển giao qua lại giữa các tộc người cùng sinh sống trên một khu vực địa lý nhất định. Có thể nói, lý thuyết sinh thái văn hoá của Steward là điểm tựa đã giúp chúng tôi lấy làm cơ cở để phân tích văn hoá ứng xử với đất và nước trong văn hoá của người Khmer ở ĐBSCL.
CHƯƠNG 3