Chuyển đổi trong kĩ thuật nuôi trồng

Một phần của tài liệu Văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên của người Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long (Trang 138 - 141)

CHƯƠNG 4 VĂN HÓA ỨNG XỬ VỚI MÔI TRƯỜNG TỰ NHIÊN CỦA NGƯỜI KHMER Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG – MỘT SỐ BIẾN ĐỔI VÀ NHỮNG BÀN LUẬN

4.2. MỘT SỐ XU HƯỚNG CHUYỂN ĐỔI PHƯƠNG THỨC SINH KẾ ĐỂ THÍCH NGHI VỚI MÔI TRƯỜNG TỰ NHIÊN CỦA NGƯỜI KHMER ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG HIỆN NAY

4.3.1. Chuyển đổi trong kĩ thuật nuôi trồng

ĐBSCL là vùng đất phù sa trù phú và MTTN khu vực này có sự phong phú, đa dạng, có đồng bằng, núi, rừng, biển, đảo và có nhiều hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt đã tạo nên nguồn lực dồi dào về lương thực. Tuy nhiên, hiện nay vùng này đang chịu sự tác động lớn của biến đổi khí hậu, đã và đang ảnh hưởng lớn đến sản lượng nông nghiệp, an ninh lương thực và nuôi trồng thuỷ sản. Hằng năm, ĐBSCL đóng góp khoảng 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thuỷ sản và 70% các loại trái cây của cả nước; 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu.

Năm 2019, sản lượng nông nghiệp ở đây không chỉ đạt về lượng mà còn đạt cả về chất với thành tích giống lúa gạo ST 25 đạt giải thưởng gạo ngon nhất thế giới. Như vậy, ĐBSCL có thể nói là cái nôi về xuất khẩu nông sản, thuỷ sản và đóng góp một phần khá lớn cho tỉ trọng GDP cho cả nước.

Tuy nhiên, theo kịch bản biến đổi khí hậu của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2012 đến cuối thế kỉ XXI, mực nước biển có thể dâng cao thêm từ 75cm đến 100cm, có khoảng 40% diện tích trồng trọt, 70% diện tích đất trồng lúa của vùng bị ngập mặn. Các tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất và có thể sẽ bị ngập chìm trong nước biển như Bến Tre, Long An, Trà Vinh, Sóc Trăng… Có thể nói, ĐBSCL đã, đang và sẽ là nơi chịu những tổn thất nặng nề do sự tác động của biến đổi khí hậu mang lại.

Cũng theo kịch bản về biến đổi khí hậu, những biểu hiện cụ thể sẽ diễn ra là:

nhiệt độ thay đổi thất thường hơn, có xu hướng khắc nghiệt hơn như mùa khô diễn ra dài hơn, mùa mưa thường đến trễ hơn và lượng nước lũ ngày càng cạn kiệt. Bên cạnh đó, sự xâm thực, xói mòn bờ biển, bờ sông xảy ra thường xuyên hơn về số lần và nhiều hơn về địa điểm khiến biển càng lấn sâu vào đất liền đến vài trăm mét mỗi năm như Trà Vinh, Cà Mau… Với tình hình nước biển dâng cao thường kèm theo sự xâm nhập mặn kéo dài. Sự nhiễm mặn với cường độ lớn ảnh hưởng nặng nền đến sự thay đổi về môi trường đất.

Người Khmer ở ĐBSCL truyền thống có phương thức sinh kế chính là trồng lúa nước và hoa màu. Vì vậy cuộc sống canh tác nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào lượng nước từ tự nhiên như nước mưa và nước sông. Nước mưa chỉ tập trung vào một số tháng trong năm nên thật sự không thể trông chờ hoàn toàn vào lượng nước do mẹ thiên nhiên mang lại. Để tạo điều kiện tốt, người Khmer cùng các cư dân ở đây cải thiện môi trường bằng cách đào kênh dẫn nước để tăng thêm nguồn nước tưới tiêu. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nước và đất của tự nhiên ở ĐBSCL lại có đặc trưng riêng là thường xuyên nhiễm mặn do sự xâm thực của nước biển trong một số tháng. Hơn nữa, chất lượng đất ĐBSCL còn bị nhiễm chua do phèn; và để đối phó với việc nhiễm phèn, nhiễm mặn người nông dân thường đắp đập để ngăn mặn để giữ hệ sinh thái nước ngọt và có thể trồng lúa quanh năm.

Trong lịch sử khai phá vùng đất ĐBSCL đã từng có nhiều cứ liệu lịch sử viết về quá trình đào kênh để dẫn nước và quá trình xây dựng các đập ở các nhánh sông lớn để nuôi tôm cá tự nhiên vào mùa khô (mùa nước mặn). Sau khi thu hoạch tôm cá xong cư dân sẽ lấy nước ngọt vào mùa mưa để trồng lúa. Tuy nhiên, việc đắp đập, làm cống dễ làm đất canh tác dễ bị nhiễm phèn nhiều hơn và thậm chí không có đủ nước ngọt cho canh tác lúa ngay cả vào mùa mưa. Bởi vì lượng nước chảy qua các cống nhỏ từ bên ngoài đổ vào hệ thống kênh rạch nội đồng không đủ cung cấp cho các cánh đồng lúa trên toàn vùng do địa hình cao thấp khác nhau. Các nông dân bằng mọi cách lấy nước cho đồng ruộng theo cách riêng làm hư hại đến hệ thống đập cùng với các hệ thống đập không được tu sửa. Kết quả hệ thống đập hư hại do yếu tố tự nhiên và con người.

Hiện nay, trong bối cảnh ảnh hưởng nặng nề của biến đổi môi trường nên sản xuất nông nghiệp của người Khmer ở ĐBSCL gặp nhiều khó khăn. Đó là tình trạng ô nhiễm môi trường gây thiếu nước, kiệt nước đối với vùng cư trú cao ráo như vùng Bảy Núi, Tịnh Biên tỉnh An Giang và xâm mặn, nhiễm mặn, nước biển dâng đối với vùng thấp, nhất là các vùng cư trú ven biển như vùng Trà Vinh và Sóc Trăng ngày càng trầm trọng. Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp, tại ĐBSCL, dự báo năm 2020 tình trạng xâm nhập mặn, thiếu nước cao hơn năm 2015 - 2016 (hạn nhất trong lịch sử). Tình hình xâm nhập mặn đến sớm hơn và thường kéo dài hơn. Đến năm 2020, một số nơi ở ĐBSCL xâm nhập mặn có thể vào tới 100 km (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2016).

Sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu diễn ra trên diện rộng tại ĐBSCL, nhất là các tỉnh ven biển quá trình xâm thực của nước biển khiến cho cây trồng, vật nuôi bị ảnh hưởng nặng nề. Hầu như ở mỗi tỉnh đều triển khai các chương trình hành động nhằm đối phó và thích ứng với những biến đổi. Cụ thể như tại Sóc Trăng, do nằm trên vùng đệm ven biển cho nên phường 2 (Vĩnh Châu) là nơi chịu ảnh hưởng lớn vì nước mặn tràn vào khi gió mùa Tây Bắc về, làm ảnh hưởng không nhỏ đến diện tích sản xuất của người dân vùng đệm, kể cả tại các cửa sông, ven sông. Trên toàn phường 2, hệ thống kinh rạch cũng tương đối nhiều như kinh Trà Niên, kinh Giồng Me, kinh Sang Giữa, kinh T4, kinh bao vùng chuyên màu và hàng trăm kinh sườn nối liền với các kinh lớn đầu nguồn, phục vụ tốt cho việc tưới tiêu, nuôi trồng thủy sản cũng như thoát nước trong mùa mưa bão, phục vụ cho sản xuất của nhân dân. Để chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, trên địa bàn Phường 2 thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng đã triển khai thực hiện mô hình thí điểm sử dụng phân vi sinh và tiết kiệm nước trong sản xuất lúa, màu tại 3 khóm Cà Săng, Cà Lăng A và Vĩnh Bình. Đa phần người Khmer trên địa bàn đã ý thức tốt đến việc bảo vệ nguồn tài nguyên đất nước, biết sử dụng tài nguyên đúng mục đích, tăng giá trị trên 1 đơn vị héc-ta đất sản xuất, nâng cao thu nhập cho gia đình, cải thiện đáng kể mức sống. Trong quá trình xử dụng đất, người Khmer trong vùng đã từng bước cải tạo đất thích nghi với từng loại cây trồng. Trên nền đất cát, cát pha cải tạo lại bằng việc đổ thêm đất thịt vào để tăng độ pH cho đất, trồng các loại màu, cây ăn trái, cây lâu năm. Diện tích đất bị nhiễm phèn mặn chủ yếu tập trung tuyến ven biển và một ít vùng trũng thấp khu vực 2 đã được người dân cải tạo thành ao vuông nuôi tôm sú, tôm thẻ và các loài thủy sản khác.

Ở Trà Vinh, người Khmer làm nông nghiệp cũng chịu ảnh hưởng tình hình khô cạn, đồng ruộng nứt nẻ vào mùa nắng. Các cánh đồng dọc theo các con giồng Duyên Hải, Tiểu Cần, Châu Thành vào mùa nắng hầu như không còn sự sống. Người dân ở Duyên Hải – Trà Vinh dùng cụm từ “đồng khô cỏ cháy’’ để miêu tả các con giồng vào mùa nắng. Cái nắng hạn tháng 3 như thiêu như đốt các đồng ruộng. Người Khmer làm nông nghiệp ở Trà Cú, Duyên Hải – Trà Vinh ngoài hứng chịu cái hạn tháng nắng còn chịu ảnh hưởng bởi triều cường và xâm mặn của nước biển. Bình thường người nông dân có thể canh tác 2-3 vụ/ năm nhưng khi tình trạng nắng kéo dài và những đợt nhiễm mặn nặng chỉ canh tác 1 vụ/ năm. Những biến đổi thất thường của thời tiết, môi trường đã ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế của người Khmer vùng ĐBSCL.

Một phần của tài liệu Văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên của người Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long (Trang 138 - 141)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(210 trang)