CHƯƠNG 3 VĂN HOÁ ỨNG XỬ VỚI THỜI TIẾT, ĐỘNG VẬT, THỰC VẬT CỦA NGƯỜI KHMER ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
3.2. VĂN HOÁ ỨNG XỬ VỚI ĐỘNG VẬT, THỰC VẬT
3.2.2. Văn hoá khai thác và tận dụng động vật, thực vật
3.2.2.2. Khai thác và tận dụng thực vật
Người Khmer ở ĐBSCL có thói quen cư trú trên những giồng đất cao. Những giồng đất phù sa cổ thích hợp để người Khmer trồng các loại cây cổ thụ chịu được sự thiếu nước vào những tháng mùa khô. Trong xây dựng chùa chiền, nhà cửa, người Khmer chuộng xử dụng các loại gỗ để xây dựng. Chùa Khmer thường được sử dụng các loại gỗ quý, thân to để làm cột, mái, dùng lá để lợp. Ngày nay các chùa hầu như thay bằng lợp ngói nhưng vẫn giữ lại cột gỗ, mái gỗ. Trong xây cất nhà ở, người Khmer truyền thống thường chọn chất liệu gỗ, lá để xây dựng, phổ biến nhất là cách làm nhà sàn. Nhà sàn của người Khmer có bộ khung gỗ liền cột chịu lực, chân sàn cao, mái nhà dốc gồm hai có khi ba hoặc bốn mái. Một loại nhà khác được cải tiến từ nhà sàn và cũng dùng chất liệu gỗ để xây dựng. Loại nhà này thay vì để sàn trống họ dừng vách như kiểu nhà trệt có ván của người Việt. Nội thất bên trong nhà của người Khmer như bàn ghế, giường, tủ cũng đa phần sử dụng chất liệu thực vật như ván gỗ hoặc tre.
Trong văn hoá ứng xử với thực vật của người Khmer, họ cho rằng thực vật ngoài giá trị vật chất, phục vụ nhu cầu cư trú còn có những giá trị về mặt tinh thần. Đó có các loại cây sao, cây dầu và cây mù u là những loại cây cổ thụ có rất nhiều xung quanh nơi cư trú của người Khmer. Theo quan niệm của người Khmer, các loài thực vật đều có linh hồn và các loại cổ thụ thường có thần linh trú ngụ. Trong khuôn viên
chùa Khmer, nhiều loài sinh vật như chim, cò đến trú ngụ trên các cây cổ thụ này. Sư sãi và bà con phum sóc không đuổi đi mà ngược lại còn rất trân quý và nghiêm cấm hành vi săn bắt trong khuôn viên chùa. Việc trồng cây trong chùa còn giúp cho bà con Phật tử tích được nhiều phước báu đồng thời việc chặt phá cây, làm tổn hại đến cây trong chùa là một điều cấm kị đối với bà con Phật tử Khmer.
Cây sao là loại cây gỗ quý được trồng khá nhiều tại những nơi cư trú của người Khmer. Cây sao là loại cây lấy gỗ, thân suông thẳng, có cành nhánh ít và không đối xứng. Sao thường trổ bông vào khoảng tháng ba âm lịch. Cây sao trưởng thành có chiều cao khoảng 30 đến 40 mét. Cây sao với đặc tính suông thẳng nên phù hợp để lấy gỗ. Gỗ sao là loại gỗ tốt nên người Khmer thường dùng cho việc đóng ghe Ngo, xây cất chùa và cũng có thể dùng để điêu khắc tượng Phật. Người Khmer thường cho rằng, gỗ sao là gỗ quý và mang giá trị tâm linh nên không được dung gỗ sao cho việc xây cất nhà ở. Nếu xây cất nhà ở bằng gỗ sao gia chủ sẽ không may mắn và gặp nhiều bất trắc về sức khoẻ và việc làm ăn. Do gắn với yếu tố tâm linh nên hiện nay cây sao đa phần được sử dụng cho việc đóng ghe Ngo hoặc xây cất chùa. Trong khuôn viên chùa, người Khmer trồng rất nhiều sao nhưng không ai làm tổn hại đến loại cây này bởi người Khmer cho rằng nó có chức năng che chắn, bảo vệ khuôn viên chùa. Cây sao còn là nơi trú ngụ của nhiều sinh vật như chim, cò, dơi, v.v…
Bên cạnh cây sao, cây dầu là loại cây được người Khmer trồng rất nhiều tại phum, sóc của mình. Dầu là loại cây thân gỗ lớn và có thể dùng làm bóng mát, che chắn cho khuôn viên chùa. Cây dầu không gắn với yếu tố tâm linh như cây sao mà mang tính ứng dụng và giá trị kinh tế khá cao trong văn hoá người Khmer. Dầu là loại cây sinh trưởng nhanh hơn sao. Người Khmer thường dùng cây dầu trong nghi lễ hoả táng. Khi chẳng may nhà có người chết, người Khmer thường dùng cây dầu để đóng thành quan tài. Công việc này thường do những người có kinh nghiệm của phum, sóc thực hiện. Quan tài bằng gỗ dầu rất dễ cháy dù cho cây còn tươi. Với đặc tính như thế nên cây dầu có giá trị trong nghi lễ hoả táng của người Khmer.
Bằng đầu óc tinh tế và rất giỏi trong nghệ thuật tạo hình, người Khmer còn tận dụng những rễ cây, gốc cây cổ thụ để tạo ra những sản phẩm điêu khắc tinh tế. Sản phẩm điêu khắc được sáng tạo đa dạng thành bàn, ghế hoặc những con vật dùng để trang trí. Tuỳ vào kích thước và hình dáng sẵn có của rễ cây, các nghệ nhân Khmer dựa vào đó để tạo ra những sản phẩm phù hợp. Tại chùa Hang, Châu Thành, Trà Vinh,
các nhà sư Khmer tạo ra rất nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo. Các nhà sư theo học tại chùa ngoài việc tu học giáo lý nhà Phật còn được truyền dạy cả nghề điêu khắc.
b. Trong lương thực
Trong quá trình canh tác ở vùng ĐBSCL, Người Khmer đã biết khai thác đất đai để trồng lúa nước. Trong quá trình cộng cư giữa các tộc người, người Khmer, người Việt đã trao đổi, đúc kết kinh nghiệm để tạo nên nguồn lương thực dồi dào như hiện nay. Để tạo nên một vụ mùa có năng suất cao, ngoài kinh nghiệm chọn đất, cải tạo đất, xem xét thời tiết thì khâu chọn giống cho phù hợp với kiều kiện thổ nhưỡng là khâu vô vùng quan trọng. Sách Gia Định thành thông chí của (Trịnh Hoài Đức, tái bản lần thứ 1 năm 2016), có viết:
Gia Định đất tốt lại rộng. Lúa có nhiều loại như lúa tàu, lúa sá, lúa móng tay, lúa móng chim, lúa mo cải, lúa cà dông, lúa cà nhe, lúa tráng sẻ nhất, lúa chàng cô (co), tuỳ tên khác nhau, và sớm muộn, dẻo xốp khác nhau nhưng thứ thơm ngon nhất là lúa tàu, nhì là lúa cà nhe. Nếp có nếp hương, nếp sáp, lại có thứ nếp đen có tên nữa là nếp than, sắc tím, nước cốt đen, dung nhuộm màu hồng, khi ăn không cần giã, lấy chõ xôi hấp cho chín (tr.
191).
Người Khmer ở ĐBSCL đã sớm tích luỹ những kinh nghiệm quý báu trong thích nghi với môi sinh đất đai, thổ nhưỡng trong việc chọn giống lúa, chăm sóc cây lúa. Đối với vùng có 3 đến 4 tháng bị ngập trong năm như vùng An Giang bà con Khmer tìm được giống lúa nổi. Cây lúa nổi là loại lúa có thể vươn mình và tồn tại trên mặt nước mênh mông. Cây lúa nổi của cư dân An Giang được xem là một biểu tượng về sự thích nghi và sức sống mãnh liệt trong quá trình mở đất và giữ đất. Lúa nổi hiện nay chỉ còn tên gọi chứ không còn giống lúa nữa. Tuy nhiên, điều đó cũng chứng minh cho một quá trình lao động sáng tạo không ngừng nghỉ của đồng bào.
Ở ĐBSCL có rất nhiều giống lúa khác nhau và các giống lúa này được tập hợp, lưu truyền qua nhiều nguồn khác nhau. Đến thời điểm hiện nay, theo khảo sát của chúng tôi, các giống lúa được đồng bào chọn trồng từ ba nguồn khác nhau: các giống lúa được mang theo từ hành trang của các cư dân đi mở cõi từ miền Trung vào; giống lúa của cư dân tại chỗ và giống lúa được du nhập nước nước ngoài. Do được du nhập từ nhiều nguồn gốc khác nhau nên về tên gọi các giống lúa cũng hết sức đa dạng mà
trong văn hoá truyền thống của đồng bào Khmer, các giống lúa thường gọi ghép với từ Nàng (Neang). Cụ thể có các giống lúa như: Nàng Hương, Nàng Dâu, Nàng Dụ, Nàng Gông, Nàng Lài…
Đối với đồng bào Khmer ở Nam Bộ, cây lúa có một giá trị rất lớn trong đời sống vật chất cũng như tinh thần. Là cư dân nông nghiệp trồng lúa nước nên từ ngàn xưa, đồng bào có hệ thống tri thức trong canh tác trồng lúa từ khâu xem đất, chọn nước, chọn giống, xem thời tiết đến tất cả các giai đoạn sinh trưởng của cây lúa. Đối với đồng bào, mỗi một một khâu đều mang một ý nghĩa cực kì quan trọng, quyết định rất lớn đến năng suất của cây lúa. Người Khmer đã đúc kết kinh nghiệm dân gian trong toàn bộ đời sống sinh trưởng của cây lúa. Từ khi là cây mạ, người Khmer có câu: “Mạ cậy đất, gái cậy trai” để nói lên vai trò của đất từ khi cây lúa còn nhỏ; cho đến khi cây lúa trưởng thành họ có kinh nghiệm để xem cây lúa có trúng mùa hay không qua câu:
“Lúa gục xuống thì được mùa, lúa thẳng ngọn thì mất mùa”.
Trong khâu chọn giống, xưa kia được bà con Khmer chọn rất linh hoạt, tuỳ vào hộ gia đình. Có gia đình chọn giống khi gặt lúa, thấy lúa nào tốt, hạt đều, tròn thì chọn riêng để làm giống cho mùa vụ sau. Tuy nhiên, cũng có những hộ sau khi gặt và cho vào bồ lúa cất giữ rồi đến mùa vụ lại lấy ra riêng, ngâm hạt, làm giống. Dù chọn bằng cách nào thì xưa kia, đồng bào thường có nghi thức cúng giống lúa và cúng vào ngày xuống giống. Trong văn hoá truyền thống của đồng bào Khmer, các nghi thức liên quan đến sinh trưởng của cây lúa đều được bà con tiến hành các lễ nghi cụ thể như:
cúng xuống giống; cúng nhổ mạ; cúng sân lúa…
Bên cạnh đó, để thể hiện tấm lòng thành khẩn với lúa, đồng bào còn có nghi lễ gọi hồn lúa. Theo quan niệm xưa kia của đồng bào, lúa cũng có linh hồn và có khi lúa còn được tôn vinh như một vị thần. Trong kho tàng văn học dân gian Khmer, có một số truyền thuyết về lúa, lúa mang linh hồn và có các đặc tính như con người. Câu chuyện truyền thuyết về cây lúa cho thấy lúa mang hình tượng là một nữ thần đó là Pras Mê (nữ thần lúa). Khi con người còn lệ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên nên những hiện tượng như thất mùa, được mùa được con người cho rằng lúa đó là do thần linh hài lòng hay tức giận. Đồng bào Khmer cũng vậy, trong những năm mất mùa, đồng bào xưa kia cho rằng hồn lúa đã tức giận và bỏ đi nơi khác làm cho đời sống của bà con rơi vào cảnh đói khổ, khó khăn. Với tư duy vạn vật hữu linh như thế nên bà con Khmer có cách để kêu gọi hồn lúa quay trở lại, phò trợ cho con người. Lễ gọi hồn lúa thường
diễn ra khi chuẩn bị bắt đầu mùa vụ mới. Đồng bào thường đem theo bông lúa để cầu hồn lúa năm sau mang đến vụ mùa bội thu, sung túc. Lễ cầu hồn lúa hiện nay hầu như còn rất ít nơi ở ĐBSCL thực hiện mà chỉ còn là những câu chuyện kể thể hiện tàn tích dấu ấn văn hoá nông nghiệp của bà con.
Câu chuyện Cá thác lác đi xin lúa cũng phản ánh về giá trị tinh thần của cây lúa trong văn hoá Khmer. Thưở xa xưa, khi loài người không đông đúc như ngày nay và thiên nhiên cũng dồi dào hoa trái. Con người đi hái lượm không phải nhọc nhằn lắm cũng có thể no bụng. Lúc bấy giờ con người không phải gieo cấy lúa công phu và cực nhọc mà tự nhiên lúa mọc đầy đồng. Đến mùa lúa chín vàng, rồi tự do bay về mọi nhà, rào rào như ong về tổ. Người ta chỉ cần quét dọn nhà cửa sạch sẽ, chuẩn bị kho lẫm để đón lúa về, không phải ra đồng gặt hái, gồng gánh vất vả.
Một hôm lúa chín bay về cả đàn định đổ xuống một gia đình nọ, thì gặp phải một người đàn bà quét sân. Là một người vợ lười biếng, nên mặc dù người chồng đã nhắc chị dọn dẹp trong ngoài để đón lúa về nhưng mãi đến khi lúa bay về, chị mới cầm chổi quét được mấy nhát. Tiện có cây chổi trong tay, lại vốn là người lười nhác, thiếu ý thức, nên đã vung chổi tứ tung, xua đuổi lúa. Bị đánh bất ngờ, cả bầy lúa hốt hoảng bay vội vào núi, trốn vào trong một khe đá hẹp, không dám về nhà ai nữa. Năm ấy, cả vùng, mọi nhà đều không có thóc ăn. Cá thác lác ở dưới sông thấy người đói khổ nên thác lác chúa bèn rủ cả cháu con, chắt, chít của mình, kéo nhau thành đàn lách sâu vào khe núi để tìm gặp thần lúa, yêu cầu thần lúa trở về để mọi người, mọi nhà được no ấm. Đường đi vô cùng vất vả, đàn cá thác lác phải vượt qua những thác ghềnh hiểm trở, những khe đá khúc khuỷu, những chỗ nước cạn quanh co. Cuối cùng đàn cá thác lác vẫn đến được nơi thần lúa ẩn nấp. Mặc dù cá thác lác đã đem hết lời nài nỉ thần lúa vẫn chưa hết sợ, không dám trở về với con người. Nhưng cá thác lác vẫn nài nỉ, khuyên lơn mãi làm cho thần lúa vẫn phải xiêu lòng, thuận trở về, với điều kiện là ở ngoài đồng ruộng chứ không dám vào nhà. Từ đó, con người phải làm lụng chăm sóc cây lúa vất vả. Khi lua chín phải lo gặt hái, gồng gánh chuyên chở về nhà. Truyền thuyết này ngày nay vẫn còn được kể phổ biến trong đồng bào Khmer ĐBSCL. Để nhớ ơn loài vật đã tận tình với con người, hàng năm trên mâm cơm cúng thần lúa, đồng bào thường nước một xâu cá thác lác để bên cạnh những bát gạo mới đầu mùa.
Là cư dân nông nghiệp lúa nước nên cây lúa có một ý nghĩa rất quan trọng không chỉ trong đời sống vật chất mà còn có ý nghĩa trong đời sống tinh thần của người Khmer. Trong những nghi lễ nông nghiệp, nghi lễ tôn giáo của người Khmer thường xuất hiện vật phẩm từ lúa. Trong lễ cắt tóc trả ơn mụ hoặc trong đám tang người Khmer dùng cái thúng trong đựng đầy lúa (gọi là Chơng - Thbâung) làm vật dâng cúng. Hoặc trong các lễ tết, người Khmer đem thóc, gạo dâng vào chùa để cầu phước với ý nghĩa dâng lên vật phẩm quý giá nhất của đồng bào. Như trong lễ Chôl - Chnăm - Thmây hiện nay người Khmer ở một số nơi có nghi thức đắp núi lúa (thay vì đắp núi cát).
Trong ẩm thực của người Khmer ở ĐBSCL được xem là khá đơn giản. Người Khmer vốn có lối sống giản đơn nên các sinh hoạt ăn, ở thường ngày cũng không quá cầu kì mà chủ yếu là tận dụng những nguyên liệu sẵn có xung quanh. Điều đó thể hiện được tính cách văn hoá dung dị, lối ứng xử hài hoà, linh hoạt trong ứng xử với môi trường tự nhiên.
Bữa ăn hàng ngày của người Khmer thiên về thực vật và đạm thuỷ sản với cơ cấu bữa ăn là cơm, rau và cá. Người Khmer ăn cơm là chính. Điều này cũng dễ hiểu bởi thói quen ăn uống này phản ánh đúng với văn hoá sinh kế lúa nước của người Khmer. Người Khmer dùng từ hup-bai (dùng cơm) để mời nhau hoặc hỏi thăm nhau trước các bữa ăn. Bữa ăn chính sau cơm là rau và cá. Trong những dịp lễ đặt biệt, người Khmer sẽ làm rất nhiều loại bánh từ việc tận dụng các nguyên liệu thực vật.
Nguyên liệu bánh thường được sử dụng từ nếp, gạo, bột từ gạo, bột từ nếp, bột từ cây nưa, bột mì… Kết hợp với các loại bột này cũng là các loại đậu, chuối, lá… cũng hoàn toàn từ các vật liệu thực vật từ tự nhiên.
Trong dịp đón năm mới như Chôl - Chnăm - Thmây, người Khmer làm bánh bánh tét, bánh ít để dâng cúng ông bà ở nhà và đem vào chùa dâng cho sư sãi. Bánh tét là loại bánh được làm từ gạo nếp ngâm với bồ ngót giã lấy nước. Bánh tét của người Khmer truyền thống thường gói với nhân chuối, nhân đậu xanh cùng mỡ heo. Bánh tét là loại bánh làm từ lúa nếp và có mặt hầu hết các lễ hội, lễ tết quan trọng của đồng bào. Món bánh này mang ý nghĩa là một vật phẩm thể hiện thành quả lao động, cụ thể là quá trình làm nông nghiệp của đồng bào nhằm dâng lên thần linh để bày tỏ tất cả lòng thành kính của mình.
Vào lễ hội Ok - Om - Bok người Khmer lấy nhưng hạt lúa nếp mới thu hoạch rang lên rồi giã thành cốm. Cốm dẹp là loại thức cúng không thể thiếu trong lễ hội
cúng trăng này. Cốm dẹp là một vật phẩm dùng để dâng lên thần Mặt Trăng, thể hiện lòng cảm tạ của người Khmer với thần đã cho họ một năm thuận lợi, có nhiều sản vật và đồng thời cũng để cầu xin một năm mới, một mùa vụ mới mưa thuận gió hoà, cây cối tốt tươi. Vật phẩm dâng cúng kèm với cốm dẹp còn có các loại nông sản khác như:
khoai lang, khoai mì, khoai môn, chuối… hoặc những loại bánh được làm từ thực vật như bánh pía (vùng Sóc Trăng). Nhìn chung, lúa là một dạng vật chất nhưng lại vừa có ý nghĩa vật chất và vừa có ý nghĩa tinh thần đối với đồng bào Khmer. Dâng cúng vật phẩm từ lúa là thể hiện tấm lòng tạ ơn những vị thần đã ban cho một vụ mùa tốt tươi và cũng cầu mong cho vụ mùa tới cũng được một vụ mùa bội thu.
Bên cạnh cây lúa, cây thốt nốt có một vai trò, chức năng rất quan trọng trong đời sống vật chất cũng như tinh thần của người Khmer ở ĐBSCL. Thốt nốt (có nơi gọi là thốt lốt) là một loại cây thuộc họ cau có ý nghĩa rất lớn về mặt tinh thần đối với đồng bào Khmer Nam Bộ. Đồng bào thường rất tự hào về cây thốt nốt vì nó mang tính biểu tượng và có ý nghĩa biểu trưng trong văn hoá Khmer.
Về hình dáng, thốt nốt có hình dáng thẳng đứng, cao có thể đến 30 mét và tuổi thọ có thể đến 100 năm tuổi. Thốt nốt khi nhỏ sinh trưởng rất chậm nhưng càng về sau thì nhanh hơn. Theo đồng bào Khmer cho biết, khi cây còn nhỏ, có khi mỗi năm cây chỉ phát triển được một nách lá. Thân thốt nốt suông thẳng và có khi to hơn cả thân cây dừa. Lá thốt nốt có thể vươn ra đến tận 3 mét. Thốt nốt có hai loại là thốt nốt đực và thốt nốt cái. Thốt nốt đực không cho quả. Thốt nốt cái thường cho 50 đến 60 quả một lần. Thốt nốt với các đặc tính chịu được hạn, được nước ngập, thời tiết nóng nên rất thích hợp sinh trưởng ở ĐBSCL.
Về công dụng của cây thốt nốt, bà con Khmer thường tận dụng nước thốt nốt và trái thốt nốt để làm được nhiều món ăn. Nước thốt nốt có vị ngọt mát, thanh và có gas nhẹ. Nước thốt nốt được thu hoạch từ hoa thốt nốt, thường hoa thốt nốt cái sẽ cho nhiều nước hơn hoa thốt nốt đực. Công việc lấy nước thốt nốt thường khá vất vả nhưng lại giá trị kinh tế không cao. Vào chiều tối, người lấy nước thốt nốt sẽ leo lên cây, cắt một đường trên thân hoa, buộc một đầu vào ống tre (khoảng 50 - đến 60 cm) hoặc có khi là một bình nhựa. Đến sáng, họ sẽ lại leo lên một lần nữa để mang ống nước thốt nốt xuống. Một đêm người lấy nước thốt nốt sẽ thu được khoảng một lít nước trên một cây. Nước thốt nốt khi thu về có thể bán nước tươi làm nước giải khát hoặc có thể nấu để làm đường thốt nốt. Với nước thốt nốt tươi khi uống có thể cho thêm trái thốt nốt non, một ít đá để trở thành món giải khát rất thanh mát có chức năng