Chương 1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
1.1. Những nghiên cứu liên quan đến luận án
Trong phạm vi luận án này, nhóm các công trình nghiên cứu lý luận về khoa học chính sách công được coi là khối kiến thức nền móng, nói cách khác đây được xem là nhóm vấn đề nghiên cứu cơ bản. Đã có rất nhiều các học giả nghiên cứu và tiếp cận khoa học chính sách công ở các góc độ khác nhau.
Tiêu biểu trong đó có các công trình nghiên cứu sau:
- Nhóm các công trình nghiên cứu là các luận án tiến sĩ chính sách công và trong các lĩnh vực khác nhau là nguồn tài liệu học thuật khá phong phú, đa dạng về hệ thống khái niệm chính sách, chính sách công, các đặc điểm của, đánh giá, hoạch định chính sách. Tiêu biểu có: Luận án tiến sĩ chính sách công của Nguyễn Việt Hà (2022), “Chính sách xuất bản của Việt Nam hiện nay” [46], “Chính sách khen thưởng cho người lao động ở Việt Nam hiện nay”
của Phạm Thu Thủy (2023) [85], “Chính sách phát triển bền vững làng nghề từ thực tiễn tỉnh Quảng Nam” [86] của Đặng Thị Đào Trang (2020), “Chính sách phát triển giảng viên chính trị ở Việt Nam hiện nay” [47] của Nguyễn Thị Hoa (2018). Ở những công trình nghiên cứu này, mỗi tác giả có cách tiếp cận khác nhau về lý luận chính sách, theo Nguyễn Việt Hà về hệ thống mục tiêu, giải pháp, công cụ chính sách. Tác giả Nguyễn Thị hoa lại tiếp cận lý thuyết nghiên cứu về hoạch định, đánh giá và các yếu tố cấu thành chính sách. Theo Phạm Thu Thủy tiếp cận nghiên cứu chính sách ở nội dung, đánh giá thực trạng, đề xuất quan điểm, giải pháp hoàn thiện chính sách.
Luận án tiến sỹ chính trị học “Trách nhiệm giải trình của Chính phủ trong hoạch định và thực hiện chính sách công ở Việt Nam” (2018) của Bùi Thị Cần đã làm rõ những vấn đề lý luận cơ bản về trách nhiệm giải trình của chính phủ trong hoạch định, thực hiện chính sách công. Thông qua khảo sát thực trạng, phân tích, đánh giá để đề xuất quan điểm định hướng, giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao trách nhiệm giải trình của Chính phủ trong hoạch định, thực hiện hính sách công ở Việt Nam [18].
Luận án tiến sỹ chính trị học “Tác động của nhóm lợi ích kinh tế đến quá trình hoạch định chính sách công ở Việt Nam” (2017) của Trần Mai Hùng, nghiên cứu hệ thống những vấn đề lý luận và thực tiễn về tác động (tích cực và tiêu cực) của nhóm lợi ích kinh tế đến quá trình hoạch định chính sách công. Làm rõ cơ sở kinh tế, chính trị - xã hội, pháp lý; đặc điểm, nội dung, hình thức, cơ chế và hậu quả những tác động của nhóm lợi ích kinh tế đến quá trình hoạch định chính sách công ở Việt Nam. Chỉ ra thực trạng, nguyên nhân và những vấn đề đặt ra khi nhóm lợi ích kinh tế tác động đến quá trình hoạch định chính sách công ở Việt Nam; Đề xuất quan điểm và giải pháp nhằm xây dựng, hoàn thiện cơ chế tác động của nhóm lợi ích kinh tế đến hoạch định chính sách công ở Việt Nam [57].
- Nhóm các công trình nghiên cứu dưới dạng sách, sách chuyên khảo, tiêu biểu như: “Đại cương về Chính sách công” tác giả Nguyễn Hữu Hải - Lê Văn Hòa (2013) [55]; Đại cương về chính sách công” của tác giả Ngô Hoài Sơn (2016) và “Tổng quan về chính sách công” (2017) của tác giả Đỗ Phú Hải, các tác giả đã đưa ra cái nhìn tổng quát về khung lý thuyết Chính sách công như phân tích khái niệm; bản chất; vai trò của chính sách; hoạch định chính sách; thực hiện chính sách; đánh giá chính sách...“Khoa học chính sách công” (2008) của Học viện Báo chí và Tuyên truyền đề cập đến khái niệm và các đặc trưng của chính sách công; khái niệm và vị trí của giai đoạn thực hiện;
điều kiện và các yếu tố ảnh hưởng; hình thức và phương pháp; công tác tổ chức thực hiện chính sách công; đánh giá và hoàn thiện chính sách công [59].
Trong cuốn sách “Những vấn đề cơ bản về chính sách công và chu trình chính sách” (2001) của tác giả Lê Chi Mai và “Giáo trình hoạt định và phân tích chính sách công” (2010) của tác giả Nguyễn Hữu Hải đã nghiên cứu với các cách tiếp cận khác nhau về chính sách công, chu trình chính sách. “Giám sát và đánh giá chính sách công” (2016) của tác giả Lê Văn Hòa gồm 8 chương đã nêu lên những vấn đề cơ bản về giám sát và đánh giá chính sách công; những vấn đề cơ bản về đánh giá tác động; đo lường kết quả thực hiện chính sách; tổ chức đánh giá tác động chính sách...[54]. “Chính sách công của Hoa Kỳ: Giai đoạn 1935- 2001” của Lê Vinh Danh (2001), tác giả trình bày kết quả nghiên cứu của mình
về chính sách công của nước Mỹ giai đoạn 1935 - 2001, cụ thể là thực tiễn chính sách công của Hoa Kỳ trong việc thực hiện và điều chỉnh chính sách;
vấn đề quản lý việc thực hiện chính sách; những công nghệ chính trong việc thực hiện và quản lý chính sách; vấn đề quản trị nhân sự chính quyền trong việc thực hiện chính sách [31]. “Chính sách và kế hoạch trong Quản lý giáo dục” của tác giả Đặng Bá Lãm và Phạm Thành Nghị đã đưa ra hệ thống khái niệm về chính sách, chiến lược, kế hoạch và mối quan hệ giữa chúng. Đồng thời tác giả đề cập đến quy trình xây dựng, lập kế hoạch và mô tả sự phức tạp và đa dạng của phạm trù chính sách [62].
- Nhóm các công trình nghiên cứu dưới dạng bài viết khoa học, tiêu biểu có: Bài viết “Đảng cộng sản Việt Nam - Chủ thể chính sách công ở nước ta hiện nay” (2018) của tác giả Hồ Việt Hạnh, thông qua khảo sát thực trạng phong cách lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, xem Đảng cộng sản Việt Nam là một chủ thể Chính sách công. Giải thích về sự tham gia của Đảng cộng sản Việt nam trong hoạch định chính sách, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý quốc gia. Trong bài viết “Bàn về khái niệm chính sách công” (2017) tác giả Hồ Việt Hạnh đã tập trung làm rõ khái niệm chính sách công dựa trên cách tiếp cận quyền lực và so sánh với chính sách tư [49]. “Cơ sở lý luận để xác định vấn đề chính sách công” (2016) của tác giả Văn Tất Thu, trong bài viết tác giả đã lý giải về quan niệm chính sách công đồng thời đưa ra một số vấn đề cần được giải quyết thông qua công cụ chính sách công ở Việt Nam hiện nay [84]. “Đánh giá chính sách công ở Việt Nam: vấn đề lý luận và thực tiễn” (2014) của Tác giả Đỗ Phú Hải đã đề cập đến lý luận và thực tiễn đánh giá chính sách công ở Việt Nam và một số giải pháp cải thiện khâu này ở Việt Nam [53].
Loạt bài viết “Quy trình chính sách công: Một số vấn đề lý luận”
(2016) của tác giả Võ Khánh Vinh đã bước đầu luận giải chính sách công với tư cách là một khoa học, bao gồm làm sáng tỏ những vấn đề: thế giới chính sách công trong quan hệ hiện thực và quan hệ nghiên cứu, hiểu biết chính sách công và khoa học chính sách công, sự hình thành và phát triển khoa học chính sách công, nghề chính sách công, cơ cấu của khoa học chính sách công. Đồng thời tác giả đưa ra một số vấn đề lý luận cơ bản về quy trình chính sách
công bao gồm:
những cách tiếp cận giải thích quy trình chính sách, phân loại và các cấu thành cơ bản của các quy trình, chủ thể của quy trình chính sách công [101].
Như vậy, qua kết quả rà soát các công trình nghiên cứu trên cho thấy mỗi công trình khoa học đều có cách tiếp cận khác nhau do đặc thù khác nhau về từng vấn đề nghiên cứu nhưng đều bám vào lý luận chung về khoa học chính sách công. Các công trình nghiên cứu này là cơ sở, nền tảng khoa học quan trọng để tác giả tiếp cận nghiên cứu, luận giải vấn đề, đưa ra khung lý thuyết của chính sách GDĐH. Đề tài luận án của nghiên cứu sinh sẽ tiếp cận nghiên cứu chính sách GDĐH thông qua nội dung chính sách, sử dụng những kết quả chính sách đã đạt được trong giai đoạn từ 2012 - 2022 để phân tích, đánh giá hiệu quả thực hiện chính sách, đề xuất hoàn thiện chính sách.