Khái niệm chính sách giáo dục đại học

Một phần của tài liệu Chính sách giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay (Trang 52 - 56)

Chương 2. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ CHÍNH SÁCH GIÁO DỤC ĐẠI HỌC Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

2.1. Một số khái niệm cơ bản

2.1.3. Khái niệm chính sách giáo dục đại học

Để có cái nhìn tổng quan và trả lời cho câu hỏi đặt ra “Chính sách giáo dục đại học là gì?”, tác giả luận án sẽ đi vào phân tích hai thành tố cấu thành nên khái niệm chính sách giáo dục đại học đó là: chính sách và giáo dục đại học.

Chính sách được hiểu là: “chủ trương và các biện pháp của một đảng phái, một chính phủ trong các lĩnh vực chính trị - xã hội” [20]. Thông qua khái niệm có thể hiểu chính sách chính là sự cụ thể hóa chủ trương và các biện pháp của các tổ chức chính trị hoặc tổ chức nhà nước trong các lĩnh vực chính trị - xã hội. Hiểu theo nghĩa rộng chính sách còn bao hàm các chủ trương lớn, đường lối hoặc phương hướng chiến lược của một nước và quốc tế.

Tác giả Võ Kim Sơn (2008) cho rằng “chính sách là những hành vi ứng xử của chủ thể quản lý với các hiện tượng tồn tại trong quá trình vận động phát triển nhằm đạt mục tiêu nhất định” [13]. Nội dung định nghĩa cho thấy chính sách được đặt trong mối quan hệ giữa chủ thể quản lý và khách thể chịu sự tác động với mong muốn đưa hoạt động của khách thể bị quản lý theo ý chí, mục đích của mình.

Theo tác giả Vũ Cao Đàm,“Chính sách là tập hợp các biện pháp được thể chế hóa của một chủ thể quản lý tác động vào đối tượng quản lý nhằm thúc đẩy đối tượng quản lý thực hiện mục tiêu mà chủ thể quản lý vạch ra”

[4]

Chính sách “là giải pháp cùng các biện pháp cụ thể thực hiện giải pháp ấy được một chủ thể quyền lực lựa chọn và thể hiện bằng văn bản có giá trị pháp lý nhằm điều chỉnh hành vi của xã hội hoặc cộng đồng để giải quyết một hoặc một số vấn đề lớn liên quan đến nhiều đối tượng trong một giai đoạn xác định” [19].

Theo Murkus Guba thì có tới 8 cách hiểu khác nhau về chính sách: (1) chính sách là các quyết định hiện hành của cơ quan quản lý, dựa vào đó để điều hành, kiểm tra, phục vụ và tác động đến mọi việc trong phạm vi quyền lực của mình. (2) chính sách là các tiêu chuẩn của cách cư xử được đặc trưng bởi tính kiên định và các quy tắc trong một số lĩnh vực trọng yếu. (3) Chính sách là sự định hướng các hành động mong muốn. (4) Chính sách là cách cư xử đã được thừa nhận thông qua các quyết định của chính quyền một cách chính thức. (5) chính sách là sự xác nhận các ý định và mục đích. (6) chính sách là đầu ra, là kết quả tổng hợp của tất cả các hành động, các quyết định và cách cư xử của các cấp quản lý. (7) chính sách là kết quả của hệ thống hoạch định và thực thi trong quản lý. (8) chính sách là chiến lược dùng để giải quyết hoặc làm cho tốt hơn một vấn đề [109].

Jame Anderson (2003), Chính sách là quá trình hoạt động có mục đích mà một cá nhân hoặc một nhóm theo đuổi một cách kiên định trong việc giải quyết vấn đề [115]. Tác giả K.James và I.Scoones (1999), cho rằng “chính sách là một công cụ có tính ước lệ và không rõ ràng, hàm chứa nhiều nội dung phức tạp được biểu hiện dưới nhiều góc độ, khía cạnh và diễn ra theo những chiều hướng khác nhau, nhưng có liên quan và tác động qua lại với nhau”. [116]

Đối sánh với khái niệm chính sách, ta có thể thấy chính sách giáo dục đại học được Nhà nước hoạch định để đạt được mục tiêu trong GDĐH. Qua đây có thể thấy rằng:

(1) Chính sách GDĐH được ra đời xuất phát từ các yếu tố thực tiễn và

việc sử dụng, vận dụng những lý luận đa dạng trong từng trường hợp cụ thể để

tạo ra sự cân đối, gắn bó với thực tiễn kinh tế xã hội, đáp ứng yêu cầu luôn thay đổi của người dân. Mặt khác, chính sách GDĐH chính là sự cụ thể hóa đường lối, quan điểm và lợi ích của Đảng, Nhà nước (giai cấp cầm quyền) về việc giải quyết các vấn đề phát sinh trong nội bộ của các cơ sở GDĐH (như vấn đề về GV, SV, tài chính, phân bổ nguồn lực đầu tư, chất lượng và hiệu quả của hoạt động dạy và học); mối quan hệ giữa các cơ sở GDĐH với xã hội;

giữa các cơ sở GDĐH với nhau và giữa các cơ sở GDĐH này với hệ thống giáo dục quốc dân trong nước và quốc tế.

(2) Chính sách GDĐH có tầm ảnh hưởng rộng lớn trong xã hội, thể hiện sự tương tác giữa xã hội với các cơ sở GDĐH và mối liên hệ giữa các nhóm có lợi ích chung. Chính sách GDĐH được tham chiếu và gắn kết chặt chẽ với hệ thống pháp luật và quy phạm quản lý hệ thống giáo dục quốc dân của mỗi quốc gia.

(3) Chính sách GDĐH đều có nội dung nghiên cứu cụ thể là: (1) do một chủ thể quyền lực hoặc chủ thể quản lý đưa ra, chính sách GDĐH được ban hành căn cứ vào đường lối chính trị chung và tình hình thực tiễn và nhắm đến một mục đích nhất định nhằm thực hiện một mục tiêu ưu tiên nào đó. Chính sách được ban hành đều có chủ đích với sự tính toán rõ ràng. Và từ những quan điểm nêu trên có thể thấy rằng, chính sách GDĐH là những chuẩn tắc cụ thể để thực hiện đường lối, nhiệm vụ trong một thời gian nhất định, trên những nội dụng cụ thể nào đó. Bản chất, nội dung và phương hướng của chính sách GDĐH tùy thuộc vào tính chất của đường lối, nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Muốn đầu ra chính sách đúng phải vừa giữ vững mục tiêu, phương hướng được xác định trong đường lối, nhiệm vụ chung, vừa linh hoạt vận dụng vào hoàn cảnh và điều kiện cụ thể. Chính sách GDĐH tốt sẽ đóng vai trò tích cực thúc đẩy cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, quốc tế hóa.

Từ những luận điểm nêu trên có thể kết luận rằng: “Chính sách giáo dục đại học là quá trình hiện thực hóa (thể chế hóa) những chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước thông qua hiến pháp, các văn bản pháp luật, các quy định, quyết định thể hiện quan điểm định hướng, nhiệm vụ, giải pháp

thực hiện nhằm đạt được mục tiêu và thỏa mãn sự mong đợi của các tầng lớp nhân dân trong xã hội”.

Một phần của tài liệu Chính sách giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay (Trang 52 - 56)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(235 trang)
w