Chương 3. THỰC TRẠNG CHÍNH SÁCH GIÁO DỤC ĐẠI HỌC Ở VIỆT
3.2. Thực trạng chính sách GDĐH ở Việt Nam hiện nay
3.2.1. Thực trạng hiện mục tiêu chính sách
Trong những thập niên vừa qua với quan điểm coi giáo dục là quốc sách hàng đầu sự nghiệp giáo dục đào tạo của nước ta nói chung và GDĐH nói riêng đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ và gặt hái được những thành tựu quan trọng như chuyển từ nền giáo dục khép kín sang nền giáo dục mở, quy mô và mục tiêu đào tạo được mở rộng, ngành nghề đào tạo được đa dạng hóa, phương pháp học tập, giảng dạy được cải tiến…góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân.
- Thực trạng thực hiện mục tiêu chính sách GDĐH ở giai đoạn 10 năm đầu tiên của quá trình đổi mới GDĐH (1987 - 1997): Trước những yêu cầu về đổi mới đặt ra (chuyển từ cơ chế bao cấp kế hoạch hóa, tập trung, chỉ huy chuyển sang cơ chế thị trường (định hướng xã hội chủ nghĩa)), ngành giáo dục đã xây dựng một chương trình phát triển (gồm 10 tư tưởng chỉ đạo) giáo dục 3 năm (từ 1987 - 1990) với một hệ thống đề án gồm 38 tiêu chí. Trên cơ sở này, GDĐH cũng đề ra 4 tiền đề đổi mới và 3 chương trình hành động cụ thể nhằm thực hiện quy trình đào tạo mới, tăng quy mô, đa dạng hóa các loại
hình
đào tạo, gắn giảng dạy với nghiên cứu thực nghiệm khoa học sản xuất, cải thiện điều kiện vật chất, kỹ thuật của đào tạo, phân cấp và dân chủ hóa việc quản lý ngành.
Kết quả của việc thực hiện mục tiêu chính sách: (1) Quy mô đào tạo được mở rộng sau nhiều năm thu hẹp, trong 3 năm (1987 - 1990) đã tuyển chọn được
81.500 SV cho hệ chính quy và 37.493 SV hệ mở rộng và tại chức; Hệ chuẩn của GDĐH được hình thành bước đầu ở phần lớn các trường ĐH và đang tiếp tục pháp triển trên cơ sở những kết quả đổi mới đã được thể chế hóa về tuyển sinh, quy trình đào tạo mới theo 2 giai đoạn, quy chế mới về thi, kiểm tra, đánh giá, xếp hạng SV…; Sự đa dạng hóa về các loại hình đào tạo; Cơ cấu mới của hệ thống GDĐH đang được hình thành. (2) Các trường ĐH bước đầu xây dựng được vốn tự có đạt khoảng 10 - 30% ngân sách cấp, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, củng cố và mở rộng cơ sở vật chất kỹ thuật nhà trường; Nhiều cán bộ giáo dục được tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao trình độ. Một bộ phận SV được tham gia nghiên cứu đề tài, các hợp đồng, bắt đầu xuất hiện những mầm mống tài năng trẻ thể hiện qua các thành quả của các hội nghị khoa học kỹ thuật của SV ở các trường; Trung tâm NCKH thực sự trở thành cầu nối giữa đào tạo, khoa học kỹ thuật và kinh tế. (3) Tiến hành dân chủ hóa trong nhà trường với nội dung cụ thể, thiết thực; Thực hiện lần đầu tiên một số chế độ chính sách với nhà giáo như thâm niên giảng dạy, sắp xếp cán bộ giáo dục theo 3 chức danh đầu, phong tặng danh hiệu nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú… [60, tr 272].
Tuy nhiên, trong giai đoạn này việc thực hiện mục tiêu chính sách còn tồn tại một số hạn chế, chưa đạt được kết quả mục tiêu khi hoạch định chính sách đặt ra, cụ thể: (1) Quá trình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật còn chậm, thiếu sự chỉ đạo sát sao; Vấn đề tiêu cực trong thi cử như quay cóp, thi hộ chưa được giải quyết nghiêm túc; Việc xây dựng giáo trình còn thiếu những nguyên tắc chỉ đạo cụ thể; giữa các cơ sở GDĐH chưa có sự thống nhất trong việc xây dựng hệ chuẩn thiết kế; giữa các trường chưa xây dựng được mối quan hệ hợp tác có hiệu quả để tạo ra sức mạnh tổng hợp; chưa tạo được mối liên kết bền vững giữa GDĐH với các ngành kinh tế - xã hội. (2)
Mối quan hệ giữa các
loại hình đào tạo trong một cơ cấu thống nhất chưa được xác định, chưa được thể chế hóa. Hệ đào tạo mở rộng chưa có hệ thống quy chế học tập, thi cử thích hợp để đảm bảo chất lượng. (3) Việc quy hoạch mạng lưới chưa được giải quyết đúng mức. (4) Vấn đề quy hoạch, bồi dưỡng cán bộ giáo dục; giải quyết sự hụt hẫng của đội ngũ; nâng cao năng lực đội ngũ chưa được quan tâm đúng mực…
- Thực trạng thực hiện các mục tiêu chính sách GDĐH từ 1997 đến nay:
Nghị quyết TW 2, khóa VIII về định hướng hướng chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo trong thời kỳ CNH - HĐH và nhiệm vụ đến năm 2000, chỉ rõ “Giáo dục, đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu”, đã mở ra thời kỳ phát triển mạnh mẽ của giáo dục đào tạo, trong đó có GDĐH. Mục tiêu cụ thể năm 2000 của GDĐH là “Nâng quy mô GDĐH, cao đẳng lên 1,5 lần so với nǎm 1995 với cơ cấu đào tạo hợp lý, theo sát nhu cầu phát triển. Tiếp tục sắp xếp lại các trường ĐH. Xây dựng một số trường ĐH trọng điểm. Xây dựng một số trường cao đẳng cộng đồng ở các địa phương để đào tạo nhân lực tại chỗ. Tǎng nhanh một số người đi học tập, bồi dưỡng ở nước ngoài”.
Sự ra đời của Luật giáo dục (12/1998) đã tạo ra bước tiến lớn: Hệ thống giáo dục quốc dân có đủ cấp học, ngành học, phương thức giáo dục. Số lượng SV, GV ngày càng tăng; hệ thống các trường dạy nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, ĐH tuy phân bố chưa đều nhưng các địa phương trong cả nước đều có ít nhất một trong các loại trường này; Chất lượng đào tạo ở một số ngành nghề như y dược, nông nghiệp, cơ khí, xây dựng, giao thông vận tải…về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu thực tế sản xuất và đời sống tại thời điểm này Quán triệt thực hiện các quan điểm, chủ trương, mục tiêu của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về chính sách giáo dục đào tạo nói chung và chính sách GDĐH nói riêng. Nghị quyết số: 29 - NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban chấp hành TW8, khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế có nêu rõ mục tiêu cụ thể đối với GDĐH: “Tập trung đào tạo nhân lực trình độ cao, bồi
dưỡng nhân tài, phát triển phẩm chất và năng lực tự học, từ làm giàu tri thức, sáng tạo của người học. Hoàn thiện mạng lưới các cơ sở GDĐH, cơ cấu ngành nghề và trình
độ đào tạo phù hợp với quy hoạch phát triển nhân lực quốc gia; trong đó, có một số trường và ngành đào tạo ngang tầm khu vực và quốc tế. Đa dạng hóa các cơ sở đào tạo phù hợp với nhu cầu phát triển công nghệ và các lĩnh vực, ngành nghề; yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế”. Từ mục tiêu chung, các mục tiêu cụ thể đã được triển khai, thực hiện và đạt được các kết quả mong đợi, cụ thể: (1) GDĐH đã đáp ứng được phần lớn nhu cầu học tập ngày càng tăng của nhân dân; (2) Thực hiện được các mục tiêu lớn trong chiến lược phát triển giáo dục: nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước và hội nhập quốc tế thành công; (3) Hệ thống mạng lưới các cơ sở GDĐH được phân bố rộng khắp, khá đồng đều ở các tỉnh thành phố; (4) Chất lượng đào tạo được nâng cao, phương pháp giáo dục được cải thiện, đổi mới; (5) các điều kiện đảm bảo phát triển GDĐH (cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, giáo trình tài liệu…) đáp ứng được phần lớn yêu cầu của hoạt động giáo dục, đào tạo, đảm bảo các điều kiện thúc đẩy sự phát triển của hệ thống GDĐH.
Luật GDĐH ra đời năm 2012 đã tạo bước ngoặt lớn cho sự phát triển của GDĐH ở Việt Nam. Tại Luật này, một lần nữa các quan điểm, chủ trương, mục tiêu chính sách phát triển GDĐH ở của Đảng, Nhà nước được khẳng định (tại Điều 5). Các mục tiêu chung mang tính chiến lược và mục tiêu cụ thể được hoạch định cụ thể: (1) Mục tiêu chung: Đào tạo nhân lực, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài; nghiên cứu khoa học, công nghệ tạo ra tri thức, sản phẩm mới, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế; Đào tạo người học có phẩm chất chính trị, đạo đức; có kiến thức, kỹ năng thực hành nghề nghiệp, năng lực nghiên cứu và phát triển ứng dụng khoa học và công nghệ tương xứng với trình độ đào tạo; có sức khỏe; có khả năng sáng tạo và trách nhiệm nghề nghiệp, thích nghi với môi trường làm việc; có ý thức phục vụ Nhân dân”. (2) Mục tiêu cụ thể: Đào tạo trình độ đại học để sinh viên có kiến thức chuyên môn toàn diện, nắm vững nguyên lý, quy luật tự nhiên - xã hội, có kỹ năng thực hành cơ bản, có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo và giải quyết những vấn đề thuộc ngành được đào tạo; Đào tạo trình độ thạc sĩ để học viên có kiến thức khoa học nền tảng, có kỹ năng chuyên
sâu cho nghiên cứu về một lĩnh vực khoa học hoặc hoạt động nghề nghiệp hiệu quả, có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo và có năng lực phát hiện, giải quyết những vấn đề thuộc chuyên ngành được đào tạo; Đào tạo trình độ tiến sĩ để nghiên cứu sinh có trình độ cao về lý thuyết và ứng dụng, có năng lực nghiên cứu độc lập, sáng tạo, phát triển tri thức mới, phát hiện nguyên lý, quy luật tự nhiên - xã hội và giải quyết những vấn đề mới về khoa học, công nghệ, hướng dẫn nghiên cứu khoa học và hoạt động chuyên môn.
Tóm lại, từ năm 1986 đến nay các mục tiêu chính sách GDĐH ở nước ta được các cơ sở GDĐH thực hiện đồng bộ hệ thống chính sách trong đó trọng tâm là chính sách cơ cấu; chính sách chất lượng; chính sách quản lý;
chính sách quan hệ quốc tế. Việc thực hiện tốt chính sách GDĐH sẽ tạo ra chuyển biến tích cực trong quy mô, cơ cấu, chất lượng, khả năng hội nhập quốc tế của hệ thống GDĐH “để chống nghèo đói, để phát triển bền vững, để thiết lập công bằng xã hội” [94].
Tuy nhiên, trước sự vận động và phát triển không ngừng của khoa học kỹ thuật và tri thức nhân loại nền GDĐH của Việt Nam đang đứng trước những yêu cầu đổi mới để khắc phục những hạn chế, khiếm khuyết như: chất lượng GDĐH vẫn chưa đáp ứng tốt và kịp thời cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế; tri thức khoa học được tạo ra ở các trường ĐH còn hạn chế chưa đáp ứng được kỳ vọng của xã hội; đội ngũ GV chưa đáp ứng được cả về số lượng và chất lượng; cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn trong quá trình đào tạo còn nghèo nàn, lạc hậu; quy hoạch mạng lưới chưa đồng bộ, thiếu khoa học…