Chương 1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
1.2. Nghiên cứu về chính sách GDĐH
1.2.2. Các công trình nghiên cứu nước ngoài
“Chính sách giáo dục: Quy trình, Chủ đề và Tác động” của tác giả Les Bell và Howard Stevenson (2006). Cuốn sách được chia làm ba phần, khám phá và kết nối ba khía cạnh chính của chính sách: 1- Chính sách và Giáo dục:
khám phá bản chất của chính sách và bắt đầu xác định một số vấn đề vĩ mô liên quan đến xây dựng và thực hiện chính sách; 2 - Các chủ đề trong chính sách giáo dục khám phá và các lực lượng hình thành chính sách với sự nhấn mạnh đặc biệt các các chủ đề của lý thuyết vốn, công lý xã hội và trách nhiệm giải trình; 3 - Tác động của chính sách giáo dục: Minh họa cách thức phát triển chính sách thông qua ba nghiên cứu tình huống, dựa trên nghiên cứu làm nổi bật việc áp dụng chính sách trong nhiều tình huống từ việc xây dựng các
chính sách, thực hiện
chính sách chiến lược và quy hoạch trong bố cảnh quốc tế [117].
Tác giả cho rằng “bản chất của chính sách giáo dục ở một mức độ nào đó bắt nguồn từ những giả định về các quá trình chính trị. Các chính sách được định hình bởi chủ nghĩa đa nguyên có thể khác biệt đáng kể với các chính sách được xác định từ quan điểm của nhà cấu trúc. Mối quan hệ giữa quá trình giáo dục và nhà nước và các giả định về mục đích giáo dục tất cả đều định hình bản chất của chính sách”. Đồng thời tác giả cũng cho rằng
“tác động của Chính sách giáo dục được xem xét dựa trên việc thực hiện các chính sách cụ thể trong các bối cảnh cụ thể ở cấp địa phương và thể chế”.
Trong nghiên cứu “Việt Nam: giáo dục đại học và kỹ năng cho tăng trưởng” của Ngân hàng thế giới năm 2008 đã khẳng định giáo dục Việt Nam đang đối mặt với những thách thức của thế kỷ mới về việc xây dựng kỹ năng cho người học, chất lượng GDĐH cần được nhấn mạnh ở khía cạnh kỹ năng.
Dự án “Chất lượng giảng dạy trong giáo dục đại học: chính sách và thực tiễn” (OECD (IMHE), 2007) là công trình nghiên cứu đã chỉ ra được giảng dạy chất lượng là gì? Tại sao lại quan trọng? Những việc khuyến khích việc giảng dạy chất lượng thể hiện ở các cơ sở GDĐH như thế nào? Những thách thức của GDĐH đang chịu từ nhiều hướng khác nhau. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, các cơ sở GDĐH là những tổ chức phức tạp, trong đó tầm nhìn và chiến lược của một tổ chức cần phải phù hợp với thực tiễn. Dựa trên những nghiên cứu điển hình về các chính sách giảng dạy nghiên cứu đã cung cấp các phương pháp tiếp cận và thực tiễn mới đồng thời đưa các giải pháp đòn bẩy chính sách như: Nâng cao nhận thức về chất lượng giảng dạy; Phát triển GV giỏi: Thu hút SV; Xây dựng tổ chức thay đổi và lãnh đạo giảng dạy; Phối hợp các chính sách thể chế để thúc đẩy việc giảng dạy chất lượng; Đẩy mạnh đổi mới làm động lực thay đổi; Đánh giá tác động [125].
Báo cáo chuyên đề “Quốc tế hóa giáo dục đại học trên thế giới: Chính sách và Chương trình Quốc gia” của Tác giả Robin Matross Helms và các tác giả (2015), nghiên cứu cho thấy để hiểu rõ hơn về chính sách công và các chương trình quốc tế hóa GDĐH cần so sánh, xem xét các vấn đề về hiệu quả, xem xét tương lai và các tác động của các sáng kiến này. Nhóm tác giả đưa ra
các xu hướng chính sách toàn cầu thông qua việc khảo sát chính sách ở tất cả các khu vực trên thế giới với ba điểm chính cần xem xét là: 1- Vai trò trung tâm của các cơ quan chính phủ trung ương trong bối cảnh chính sách; 2- Vai trò “những người có ảnh hưởng khác” trong việc định hình và thực hiện chính sách; 3- Xác định hiệu quả của các chính sách quốc tế hóa GDĐH [127].
Từ những năm 90 của Thế kỷ trước, vấn đề chính sách phát triển GDĐH đã được Unesco quan tâm, nghiên cứu. Vấn đề này đã được các quốc gia thành viên thông qua Nghị quyết tại phiên họp thứ 25 của Đại hội năm 1993, “theo đuổi việc xây dựng một chính sách toàn diện cho Tổ chức bao gồm toàn bộ lĩnh vực GDĐH”. Trong báo cáo chính sách về thay đổi và phát triển GDĐH, xuất bản năm 1995 Unesco đã chỉ ra xu hướng, thách thức, thay đổi và phát triển của GDĐH dựa trên những phân tích, đánh giá ở cả cấp hệ thống và thể chế. Trong Hội nghị Thế giới về Giáo dục Đại học trong thế kỷ 21: Tầm nhìn và Hành động (1998), với mục đích cung cấp các giải pháp cho những thách thức này và đưa ra một quá trình cải cách sâu rộng trong GDĐH trên toàn thế giới [132].
Công trình nghiên cứu “Vai trò của Giáo dục đại học trong việc thúc đẩy học tập suốt đời” (Unesco, 2015) gồm các loạt bài nghiên cứu hữu ích, cung cấp nguồn thông tin có giá trị cho các nhà nghiên cứu giáo dục, các nhà quy hoạch, hoạch định chính sách. Trong nghiên cứu đã phân tích vai trò của các trường đại học trong việc thúc đẩy học tập suốt đời, cũng như vai trò, năng lực của các nhà hoạch định, thực hành chính sách. Thông qua các đóng góp của các nhà khoa học và khảo sát thực tiễn tại Trung Quốc, Nhật Bản, Úc, Đức…, công trình đã chỉ ra những sự khác biệt giữa quốc gia, vùng miền để chỉ ra cách tiếp cận chung cho các cơ sở GDĐH và người học ở mỗi quốc gia, khu vực [138].
Tạp chí chuyên đề “Quản lý và Chính sách giáo dục đại học” (Tập 19, số 3 - OECD, 2007) gồm các bài viết của các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách, các nhà lãnh đạo, quản lý trong lĩnh vực quản lý chính sách
về
thể chế GDĐH như: Tiến sỹ Julia Antonia Eastman, Đại học Victoria, Canada; Giáo sư Ian McNay, Đại học Greenwich, Vương Quốc Anh; Giáo sư Lars Engwall, Đại học Uppsala, Thụy Điển; Tiến sĩ Rukhsana Zia, Ban phát triển nhân viên Punjab, Pakistan…Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng “giáo dục đại học gắn liền với các ngành học và nghề nghiệp, cũng như nhu cầu của sinh viên và nhu cầu của thị trường. Mục tiêu chính sách công phù hợp sẽ thúc đẩy sự phát triển về quy mô và chất lượng giáo dục một cách bền vững”
(Julia Antonia Eastman); Nếu không có GDĐH thì kinh tế không thể phát triển (Ian McNay) [130].
Công trình nghiên cứu “Quản trị đại học ở Châu Âu: Chính sách, cơ cấu, kinh phí và giảng viên giảng dạy” (Eurydice, 2008), Nghiên cứu này nhấn mạnh quá trình hiện đại hoá trong GDĐH ở Châu Âu và các phân tích đặc biệt là các cấu trúc quản trị, các phương pháp sử dụng để tài trợ cho các cơ sở GDĐH và trách nhiệm của họ đối với GV giảng dạy. Nó cũng thu hút sự chú ý đến các mô hình quản trị, ví dụ như về việc gây quỹ tư nhân hoặc các cơ quan ra quyết định bên trong các tổ chức. Nó nhấn mạnh thêm rằng các cuộc tranh luận quan trọng của quốc gia đang được tiến hành liên quan đến các chính sách chiến lược của GDĐH, bao gồm các bên liên quan. Mặt khác, nghiên cứu cũng chỉ rõ cũng như nâng cao hiểu biết của chúng ta về các quy trình quản trị trong GDĐH thông qua việc khảo sát 30 nước châu Âu trong Mạng lưới Eurydice [112].
Công trình nghiên cứu “Các xu hướng và vấn đề trong giáo dục đại học” (2008) của Heather Eggins đã chỉ ra những ảnh hưởng của xu hướng toàn cầu hóa đối với các nước trên thế giới nói chung và với Châu Âu. Các chính sách công về GDĐH, Sau ĐH, đặc biệt là đối với đào tạo tiến sỹ ở các quốc gia mới nổi, sức hút nguồn nhân lực chất lượng cao trên thế giới đến các nước phát triển đã tác động như thế nào đến các chính sách đào tạo ĐH, Sau ĐH của các nhà nước [117].
Công trình nghiên cứu “Phát huy hiệu quả của giáo dục đại học” của
Ngân hàng thế giới (2012), các nghiên cứu đưa ra bức tranh toàn cảnh về nền GDĐH ở khu vực Đông Á bao gồm những thay đổi của chính sách, sự phát triển qua các giai đoạn, thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục.
Nghiên cứu những kỹ năng làm việc người lao động cần có để tìm được việc làm và làm việc hiệu quả. Khảo sát phương pháp GDĐH để thực hiện những nghiên cứu có khả năng ứng dụng thương mại [135].
Báo cáo chiến lược của nhóm nghiên cứu “Chiến lược quốc gia về giáo dục đại học đến năm 2030” (2011) do Tiến sỹ Colin Hunt làm chủ nhiệm, báo cáo là cơ sở xem xét, triển khai thực hiện cho chính sách của Chính phủ về phát triển giáo dục đại học ở Ai Len trong những thập kỷ tới. Nghiên cứu cũng làm nổi bật vai trò của các cơ sở GDĐH cũng như các chính sách thúc đẩy sự phát triển giáo dục đại học có ảnh hưởng lớn trong nền kinh tế hiện đại tại Ai Len. Việc tái cấu trúc hệ thống GDĐH có thể đáp ứng thành công nhiều thách thức về xã hội, kinh tế, văn hóa…[109].
Công trình nghiên cứu “Tổng hợp nghiên cứu GDĐH: Những gì chúng ta biết” (Syntheses of Higher Education Research: What We Know) (2018) và “Nghiên cứu GDĐH: Lĩnh vực phát triển” (Higher Education Research:
The Developing Field) (2020) của giáo sư Malcolm Tight, Đại học Lacnaster, Vương Quốc Anh. Trong hai cuốn sách này ông đã cung cấp một cái nhìn tổng quan và thực tế về GDĐH thông qua việc tổng hợp hơn 96 đánh giá có hệ thống và 62 phân tích tổng hợp tập trung vào các chủ đề cụ thể trong các nghiên cứu về GDĐH, cung cấp và hướng dẫn cách tiếp cận toàn diện nhất về các vấn đề trong GDĐH hiện nay. Các nghiên cứu ở từng khía cạnh khác nhau được ông đề cập đến đó là những nghiên cứu cụ thể như: nghiên cứu về hoạt động dạy và học; nghiên cứu về chất lượng; nghiên cứu về thiết kế chương trình; nghiên cứu về chính sách quản lý hệ thống; quản lý tổ chức;
học tập, kiến thức và nghiên cứu [124] [125].
Bài viết: “Quản lý công trong GDĐH: phân tích về quản trị đại học ở Việt Nam” (New Public management in higher education: an analysis of
higher
education Governance in Viet Nam (2018) của tác giả Truong Thuy Van, Đại học Tampere, Phần Lan. Bài viết đã chỉ ra xu hướng phát triển chính trong hệ thống quản lý công của Việt Nam là sự chuyển dần từ kiểm soát tập trung sang chỉ đạo của nhà nước và sự cạnh tranh ngày càng gia tăng. Đồng thời, bài viết cung cấp một cách tổng quát và sâu sắc về cải cách GDĐH ở Việt Nam hiện nay. Sự sẵn sàng và khả năng ứng phó của hệ thống GDĐH với những thay đổi đang diễn ra trên toàn thế giới [139].
Nhìn chung, các công trình nghiên cứu nước ngoài đã cung cấp tương đối các căn cứ khoa học về mặt lý luận và thực tiễn cho việc phân tích, đánh giá vai trò, hiệu quả chính sách, các định hướng giải pháp hoàn thiện chính sách. Mặt khác các công trình nghiên cứu này các tác giả đều nhấn mạnh tầm quan trọng của chính sách GDĐH. Tuy nhiên, việc ứng dụng để đánh giá thực trạng chính sách nhằm đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách GDĐH ở Việt Nam nói riêng và giải pháp hoàn thiện chính sách GDĐH ở Việt Nam hiện nay nói chung thì cần linh hoạt và có những điều kiện nhận định.