Chương 3. THỰC TRẠNG CHÍNH SÁCH GIÁO DỤC ĐẠI HỌC Ở VIỆT
3.3. Đánh giá chính sách GDĐH ở Việt Nam hiện nay
3.3.3. Các yếu tố ảnh hưởng đến chính sách
(1) Về môi trường chính trị: Mọi chính sách luôn phải lấy quan điểm, lý thưởng, đường lối nguyên lý của Đảng làm kim chỉ nam để xây dựng. Và tất nhiên chính sách GDĐH cũng không nằm ngoài quy luật này. Giáo dục có vai trò phục vụ cho mục tiêu chính trị của các đảng phái chính trị bởi giáo dục đào tạo ra con người phục vụ chính nền chính trị đó. Chính sách GD&ĐT nói chung và GDĐH nói riêng phải đáp ứng được sự quan tâm của các nhóm lợi ích khác nhau trong xã hội. Sự cân bằng và hài hòa của kinh tế và chính trị là yêu cầu cần thiết để một chính sách giáo dục thành công.
Từ năm 1986 đến nay tư duy chính trị của Đảng cũng thay đổi và chính điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến chính sách GDĐH. Nếu như ở năm đầu của thời kỳ đổi mới (1986) chúng ta mới chỉ xác định được “kế hoạch phát triển giáo dục phải gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội…..chuẩn bị ban hành Luật giáo dục” [27], tư tưởng còn khép kín do đó việc phát triển GDĐH còn hạn chế. Trong giai đoạn hiện nay trước nhu cầu phát triển đất nước theo hướng CNH, HĐH đặc biệt là ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (4.0) chính sách tư duy, mục tiêu chính trị của Đảng đã thay đổi dẫn đến sự điều chỉnh chính sách GDĐH và nâng mục tiêu chính sách lên một tầm cao mới.
(2) Về môi trường pháp lý (luật pháp): Khung thể chế của GDĐH bao gồm Đạo luật là Hiến pháp quy định quyền và nghĩa vụ của công dân đối với GD&ĐT và các văn bản luật bao gồm: Luật Giáo dục; Luật GDĐH, Luật Đầu tư, các Quyết định, Nghị định, Chỉ thị, Thông tư…với phạm vi hẹp hơn, cụ thể hơn để giải thích hướng dẫn hoặc quy định chi tiết các quyền và nghĩa vụ.
Thực tế hiện nay ở nước ta, việc thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục và đào tạo còn chậm, có phần lúng túng. Việc xây dựng tổ chức thực hiện các chiến lược, kế hoạch, chương trình
phát triển giáo dục đào tạo nói chung và GDĐH nói riêng chưa đáp ứng được yêu cầu xã hội.
(3) Về môi trường kinh tế - xã hội: Kinh tế và chính sách xã hội luôn có mối quan hệ tương quan. Kinh tế đóng vai trò quyết định đối với một chính sách giáo dục. Mô hình kinh tế thế nào thì cần phải có mô hình chính sách tương thích. Nếu mô hình kinh tế lạc lậu, tập trung, quan liêu, bao cấp thì chính sách giáo dục và nền giáo dục sẽ phản ảnh và tuân thủ theo quy luật của mô hình kinh tế này. Ngược lại, nếu mô hình kinh tế thị trường thì đòi hỏi chính sách phải có những thay đổi để phù hợp với các quy luật của kinh tế thị trường. Sự tăng trưởng kinh tế ở các lĩnh vực: nông nghiệp, lâm ngư nghiệp và công nghiệp sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng việc làm, nhu cầu nhân lực theo trình độ đào tạo và chuyên môn. Sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ đòi hỏi chính sách GDĐH phải điều chỉnh về mạng lưới cơ sở đào tạo, mở ngành nghề mới, phát triển đội ngũ, quy mô đào tạo, tăng cường đầu tư về nguồn lực tài chính. Nếu nền kinh tế dựa trên tri thức thì chính sách GDĐH cần hướng tới việc phát triển nhân lực trình độ cao trong các trường ĐH nghiên cứu chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho nền kinh tế đó. Giữa các vùng miền có sự phát triển kinh tế, trình độ phát triển kinh tế khác nhau và không đồng đều thì đòi hỏi chính sách GDĐH cần bảo đảm cơ hội tiếp cận các dịch vụ giáo dục, việc quy hoạch mạng lưới cơ sở đào tạo, ngành nghề đào tạo, CTĐT được điều chỉnh hợp lý.
Trong quá trình chính sách các yếu tố xã hội liên quan đến dân số, lao động việc làm, giới tính, dân tộc, khoảng cách giàu nghèo…đều được xem xét. Vì sự phát triển của xã hội, GDĐH cũng phải hiện đại hóa, hội nhập và phát triển để đáp ứng được nhu cầu của xã hội.
3.3.3.2. Các yếu tố ảnh hưởng bên ngoài
(1) Về môi trường quốc tế: Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế có ảnh hưởng mạnh mẽ đến chính sách GDĐH. Trong thời đại ngày nay việc mở rộng cửa ra thế giới bên ngoài và đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế là một yêu cầu tất yếu để thực hiện quốc tế hóa nền GDĐH. Quá trình quốc tế hóa nền GDĐH nhằm tiếp cận những tinh hoa của thế giới trong lĩnh vực khoa học,
công nghệ, GD&ĐT trên cơ sở đó nâng cao chất lượng, uy tín và sức cạnh tranh của GDĐH nước nhà với các hệ thống GDĐH trong khu vực và trên thế giới. Nó có vai trò thúc đẩy quá trình hiện đại hóa và nâng cao vị thế của cả hệ thống GDĐH. Thông qua hội nhập và mở cửa hợp tác quốc tế GDĐH từng bước được cải cách về chương trình giảng dạy, các hoạt động NCKH được đổi mới, đầu tư phát triển đội ngũ giảng viên… hướng tới đạt chuẩn quốc tế.
Việc thể chế hóa những chính sách trong GDĐH ở bối cảnh toàn cầu hóa đòi hỏi phải thay đổi điều chỉnh phù hợp với mục tiêu để vừa huy động được nguồn lực, công nghệ, kinh nghiệm giáo dục tiên tiến vừa bảo hệ người học trước dịch vụ giáo dục chất lượng kém, đồng thời vượt qua những thách thức về văn hóa không phù hợp với chuẩn mực đạo đức thuần phong mỹ tục của dân tộc.
(2) Ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0: sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ trong thời đại ngày nay khiến cho GDĐH ở Việt Nam gặp những hạn chế trong việc tiếp cận công nghiệp 4.0. (1) Việt Nam không có những định hướng rõ nét có tính dẫn dắt cho sinh viên hướng tới STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học), dẫn đến tình trạng những sinh viên giỏi nhất thường lựa chọn các ngành kinh tế, ngoại thương, tài chính, ngân hàng..., thiếu hụt nhân lực trong một số ngành công nghệ tăng trưởng nhanh trong thời đại số hóa và tự động hóa, đặc biệt là ngành CNTT.
Báo cáo mới nhất về ngành CNTT của Vietnamworks cho thấy, trong 3 năm gần đây, sổ lượng công việc của ngành này đã tăng trung bình 47%/năm, nhưng số lượng nhân sự chỉ tăng ở mức 8%. (2) Sự kết nối giữa các trường ĐH và các doanh nghiệp hiện nay còn yếu, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo cũng như việc hỗ trợ sinh viên thực tập để có kiến thức thực tế để qua đó dễ dàng xin việc sau khi tốt nghiệp. Kết quả là kể cả trong các ngành tăng trưởng nhanh, sinh viên khi ra trường thiếu nhiều kỹ năng mà doanh nghiệp cần. (3) Việt Nam hiện nay chưa chú trọng đào tạo các kỹ năng nhận thức cấp cao như giải quyết vấn đề, suy luận logic, làm việc theo nhóm, kỹ năng thích nghi nhanh; chưa tạo động lực và khả năng học tập suốt đời và học tập liên tục cho
mọi người, đặc biệt là kỹ năng khai thác các nguồn học liệu mở, các khóa học trực tuyến đại chúng, một phần quan trọng
do trình độ tiếng Anh của sinh viên rất hạn chế. Điều này không những làm lộ rõ những bất cập lớn của hệ thống giáo dục ở Việt Nam sau 35 năm mở cửa và hội nhập. (4) Nội dung chương trình giáo dục các cấp nói chung và bậc đại học nói riêng đang bộc lộ rất nhiều bất cập và hạn chế, không bắt kịp được với nhu cầu phát triển trong bối cảnh hiện này. Nội dung kiến thức đào tạo còn nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành, chưa tạo được sự liên thông giữa các chuẩn mực giáo dục đại học trong nước và quốc tế, chương trình học còn nặng với thời lượng lớn, các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học còn khá lạc hậu, đào tạo tín chỉ ở Việt Nam hiện chưa thực sự đúng với tinh thần của tín chỉ. Cách dạy, học vẫn còn chưa thoát khỏi tinh thần niên chế. Tính chủ động của sinh viên còn yếu. Sự đổi mới về phương pháp giảng dạy trong các trường đại học ở nước ta hiện nay nhiều khi vẫn chỉ mang tính hình thức, khi các thiết bị giảng dạy, như máy chiếu, video... chỉ là phương tiện hỗ trợ để nâng cao chất lượng giảng dạy.
Bốn bất cập, yếu kém kể trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến nền GDĐH nước nhà, tạo ra nguy cơ tụt hậu của GDĐH ở Việt Nam hiện nay và sự tụt hậu này đang tác động tiêu cực đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chất lượng nguồn nhân lực đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, hạn chế về khả năng nghiên cứu và công bố các kết quả nghiên cứu.
Các yếu kém này/ làm giảm khả năng cạnh tranh của nền kinh tế trong điều kiện hội nhập quốc tế.