Hoàn thiện về thể chế chính sách

Một phần của tài liệu Chính sách giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay (Trang 174 - 182)

Chương 4. PHƯƠNG HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH GIÁO DỤC ĐẠI HỌC Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

4.2. Các giải pháp hoàn thiện chính sách GDĐH ở Việt Nam trong giai đoạn từ

4.2.1. Hoàn thiện về thể chế chính sách

Thực hiện nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác giáo dục và đào tạo, đặc biệt là GDĐH; quán triệt thực hiện đầy đủ, đồng bộ các quan điểm,

định hướng mục tiêu lớn của Đảng đối với GDĐH thông qua các nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận BCH Trung ương, Ban Bí thư, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã ban hành; Xây dựng thể chế là trách nhiệm của Nhà nước.

Đồng thời phát triển, định hướng, điều chỉnh các thể chế bất thành văn là việc của xã hội. Đối với nhà nước cần tập trung bổ sung, hoàn chỉnh và xây dựng mới hệ thống các văn bản quy phạm luật pháp và chính sách về huy động nguồn lực từ doanh nghiệp cho giáo dục đại học. Thể hiện cho được tư duy đổi mới trong hệ thống các văn bản, đặc biệt chú trọng đến các nội dung cụ thể sau đây:

Một là, thể chế hóa các hình thức liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp (liên doanh)

Thể chế này áp dụng cho bất kỳ công ty liên doanh hoặc thỏa thuận tương tự giữa các trường đại học và một hoặc nhiều đối tượng chịu thuế nhưng vẫn đảm bảo quyền miễn thuế của trường đại học (với các trường phi lợi nhuận). Những hình thức liên doanh có thể là:

(1) Trường đại học chia sẻ thu nhập với đối tác;

(2) Đối tác kiểm soát chương trình, dự án và trường đại học tham gia;

(3) Đối tác được trao quyền sử dụng tên hoặc biểu tượng của trường bên ngoài các thỏa thuận cho phép thường xuyên do trường Đại học tiến hành;

(4) Trường Đại học bảo lãnh những món nợ của đối tác;

(5) Trường ĐH tham gia vào các hoạt động có thể được hiểu là ngoài nhiệm vụ (từ thiện) của mình để thực hiện giáo dục và các hoạt động nghiên cứu;

(6) Trường đại học sở hữu chung với đối tác một doanh nghiệp hoặc các loại hình doanh nghiệp khác. Nói cách khác, Liên doanh được hiểu là có quyền sở hữu chung hoặc các hợp đồng thông qua đó trường đại học và các đối tác thỏa thuận để cùng nhau thực hiện một doanh nghiệp kinh doanh cụ thể, đầu tư, hoặc hoạt động có thu nhập.

Hai là, đổi mới thể chế tài chính trong giáo dục đại học nói riêng và giáo dục nói chung.

Chuyển cơ chế cấp phát kinh phí bình quân sang đặt hàng trên cơ sở hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật và tiêu chí, tiêu chuẩn của từng loại hình

dịch vụ giáo dục; đảm bảo suất đầu tư trên mỗi người học tương ứng với chất lượng,

phù hợp ngành nghề và trình độ đào tạo. Nhà nước hỗ trợ hoặc bao cấp cho giáo dục mầm non, phổ thông; công tác phổ cập; những ngành nghề đặc biệt quan trọng; đối tượng chính sách và vùng khó khăn. Chuyển đầu tư nhà nước qua cơ sở giáo dục và đào tạo sang trực tiếp người được thụ hưởng. Thể chế hóa trách nhiệm của các doanh nghiệp, cá nhân sử dụng lao động tham gia đầu tư cho giáo dục.

Tiếp tục hoàn thiện chính sách và cơ chế tín dụng cho học sinh, sinh viên, nhà giáo trẻ có hoàn cảnh khó khăn được vay để chi trả cho việc học.

Khuyến khích việc hình thành các quỹ học bổng giúp cho sinh viên nghèo và sinh viên giỏi; Cơ chế nhà nước hỗ trợ các trường ĐH tư thục, đặc biệt là các trường ĐH tư thục phi lợi nhuận.

Ba là, thể chế hóa quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục công dựa trên phương thức quản lý kiểu doanh nghiệp công khai, minh bạch và được kiểm định về chất lượng và kiểm toán. Giải quyết vấn đề này, Nghị quyết VIII đã đưa ra nguyên tắc “đặt hàng cho giáo dục” trên cơ sở hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng của một số loại hình dịch vụ đào tạo (không phân biệt loại hình cơ sở đào tạo), bảo đảm chi trả tương ứng với chất lượng, phù hợp với ngành nghề và trình độ đào tạo”.

Cấp qua người học là một phương án khác cần được xem xét.

Bốn là, thể chế hóa trách nhiệm công khai, tạo sự đồng thuận trong xã hội của các cấp quản lý trước khi triển khai các cơ chế, chính sách mới. Thể chế hóa trách nhiệm giáo dục của gia đình và xã hội. Điều này đặc biệt quan trọng đối với một nền giáo dục mở.

- Thể chế Pháp luật của Nhà nước

(1) Các thể chế pháp luật: Tiếp tục rà soát, thực hiện, tạo cơ sở pháp lý, điều kiện cần thiết cho hoạch định và thực hiện chính sách GDĐH. Bổ sung, điều chỉnh, ban hành một số quy định đảm bảo lồng ghép giới và thống nhất với quy định của Luật Bình đẳng giới: Sửa đổi, bổ sung quy định chung về độ tuổi để không làm hạn chế cơ hội tuyển dụng của cán bộ, giảng viên nữ; Ban hành các văn bản nhằm cụ thể hóa quy định trong Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị “Thực hiện nguyên tắc bình đẳng giữa nam và nữ về độ tuổi

trong quy hoạch, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm”; Điều chỉnh, bổ sung các quy định chung về độ tuổi cử đi đào tạo sau đại học; quy định về tỷ lệ cán bộ, giảng viên nữ tham gia các khóa đào tạo lý luận chính trị cao cấp và quy định độ tuổi cán bộ, giảng viên nữ 36 tuổi (bằng nam giới) vào đối tượng thuộc diện xét cử đi học tại chức; Có các quy định ưu tiên cho phụ nữ đang nuôi con nhỏ lựa chọn hình thức tham gia đào tạo linh hoạt, phù hợp. Cần có các quy định phù hợp với các đối tượng, vùng miền, cấp học, trình độ đào tạo đối với nhà giáo và cán bộ quản lý. Đặc biệt, cần đưa ra các quy định của Luật pháp về sự đảm bảo chính sách giữa các nhà giáo tại các cơ sở GDĐH công lập và ngoài công lập (số lượng nhà giáo công tác tại các cơ sở GDĐH ngoài công lập chiếm khoảng 10%). Do đội ngũ cán bộ, giảng viên ở các cơ sở GDĐH ngoài công lập được tuyển dụng, bố trí công việc, bồi dưỡng, quản lý, đánh giá theo chế độ riêng (do các cơ sở GDĐH ngoài công lập chủ động quyết định) vì vậy cần có cơ sở pháp lý và chế tài mạnh để bảo vệ nhà giáo;

Chính sách bồi dưỡng và thu hút nhân tài là một trong ba mục tiêu của giáo dục được quy định tại Điều 35, hiến pháp năm 1992 “nhà nước phát triển giáo dục nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”, do vậy cần cải cách chế độ tiền lương, chế độ thi đua khen thưởng, đãi ngộ. Nghị định số 19/2013/NĐ - CP ngày 23/02/2013 của Chính phủ đưa ra quy định khiến nhiều nhà giáo công tác tại các cơ sở GDĐH thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn không đủ điều kiện tiếp tục được hưởng phụ cấp thu hút;

Nghị định số 54/2011/NĐ - CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo chỉ áp dụng cho viên chức đang trực tiếp giảng dạy ở các CSGD công lập;…điều này cho thấy việc cải cách những bất cập, lạc hậu trong hệ thống chính sách tiền lương là cấp bách hơn bao giờ hết. Hiện nay vai trò, trách nhiệm, quyền lợi của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đang được quy định tại Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và Luật viên chức, việc coi nhà giáo như những viên chức đơn thuần và chịu sự điều chỉnh của Luật này là chưa hợp lý và thỏa đáng với vị thế, loại hình lao động đặc biệt của họ. Nhà nước cần phải thực hiện sửa đổi, bổ sung, thay thế các điều khoản quy định về việc tuyển dụng, sử

dụng, luân chuyển đãi ngộ nhà giáo một cách đồng bộ, nhất quán để đảm bảo chất lượng, sự ổn định để đội ngũ nhà giáo yên tâm với nghề.

(2) Thể chế về tổ chức bộ máy:

+ Tôn trọng truyền thống, phát triển tính trác việt của giáo dục đại học: Phát triển tính trác việt về bản chất chính là duy trì và bảo vệ truyền thống của trường ĐH trong giảng dạy, nghiên cứu học thuật (về lý luận và khoa học cơ bản) để chống lại những cám dỗ của thị trường. Uy tín và danh tiếng đối với xã hội không phụ thuộc vào việc nhà trường thu được nhiều hay ít lợi nhuận mà chính là ở tính trác việt này. GDĐH không chỉ đơn thuần cung cấp cho người học sự chuẩn bị về chuyên môn và sự rèn luyện kỹ năng ngành nghề; sự ngành nghề hóa và chuyên môn hóa quá mức sẽ làm cho con người trở thành những robot vô cảm, hạn chế rất nhiều đến năng lực làm việc trong cộng đồng, đến tầm nhìn, tính năng động và tiềm năng phát triển cá nhân.

Không thể phủ nhận rằng, việc các trường ĐH mở các ngành công nghệ cao hoặc hợp tác với các doanh nghiệp đều là sự lựa chọn cho việc trường ĐH thích ứng với thị trường, cũng là điều tất nhiên của việc mở rộng chức năng của trường ĐH.

Tôn trọng truyền thống nhưng không ngăn cản việc đổi mới. Nhà trường đại học cần được xem như là một xã hội thu nhỏ, cần được hiện đại hoá cả về nội dung, phương thức và tổ chức nhằm giúp cho sinh viên sớm hình thành tư duy mới, tham gia tích cực vào quá trình hiện đại hoá toàn xã hội lúc còn ở trong nhà trường cũng như sau khi tốt nghiệp.

+ Đưa sáng nghiệp thành một chức năng của trường đại học: Bước vào thế kỷ 21, các trường đại học phải là nơi phát sinh tri thức, thu thập các tư duy sáng nghiệp bổ sung chiều thứ ba vào các hoạt động hàn lâm bằng cách chuyển sự sáng tạo thành tầm nhìn, chuyển tư duy đổi mới thành dự án và chuyển sự đam mê thành chấp nhận rủi ro để hành động. Vì vậy, trường đại học phải có chức năng sáng nghiệp, phải thúc đẩy, khuyến khích và ủng hộ mạnh mẽ tinh thần và hành động sáng nghiệp.

+ Phân tầng giáo dục đại học là để thích ứng với cạnh tranh: Về thực chất, đây là một phương thức để các trường ĐH chiếm lĩnh thị trường thích hợp. Khi phân tầng GDĐH chủ thể là hệ thống các trường ĐH. Nhà nước sẽ

không

can thiệp vào việc phân tầng GDĐH, trừ những trường nằm trong quy hoạch phát triển chiến lược (số trường này không thể nhiều) và cũng chỉ trong giai đoạn đầu thành lập hoặc thực hiện quy hoạch.

+ Khuyến khích hình thức tổ chức GDĐH không vì lợi nhuận: Muốn có giáo dục chất lượng cao thì nhà nước phải đầu tư: miễn phí cho giáo dục phổ cập (nhà nước đang thực hiện), đầu tư rất lớn cho nghiên cứu khoa học ở các trường ĐH (như Chính phủ liên bang Hoa Kỳ đã và đang làm). Phải có cơ chế không vì mục đích kinh doanh kiếm lời để bảo đảm cho số tiền đó không rơi vào túi cá nhân cho dù trường công hay trường tư. Cần tạo cơ chế cạnh tranh để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các trường ĐH. Với các trường tư cơ chế vay trả cả vốn và lãi (được tính vào phí đầu tư) người có vốn đầu tư (hay cho vay) vào các cơ sở hoạt động không vì mục đích kinh doanh kiếm lời thì cũng không bị thiệt thòi, được bảo toàn vốn, được hưởng lãi theo một lãi suất nhất định theo số vốn đầu tư. Với các trường công lập không vì lợi nhuận là hình thức bắt buộc.

+ Chú trọng xây dựng các cơ sở GDĐH có sức cạnh tranh quốc tế: Để một mặt nâng cao trình độ, hiệu quả và năng lực tiếp cận của hệ thống GDĐH, mặt khác, hướng sự cạnh tranh vào thị trường GDĐH toàn cầu cần xây dựng các tập đoàn đại học mạnh không vì lợi nhuận trên cơ sở hình thành mới hoặc sáp nhập tự nguyện các trường ĐH công lập, gắn kết bộ ba: nhà nước, trường ĐH và cộng đồng; thiết lập một khung quản trị năng động và độc lập trong một môi trường cạnh tranh lành mạnh và được hoàn toàn tự chủ để phát huy năng lực và bản sắc của mỗi trường; đổi mới công tác quản lý nhà nước để tăng hiệu quả đầu tư của Nhà nước, tăng sức cạnh tranh quốc tế của các trường ĐH; lấy lợi nhuận từ các họat động khác của nhà trường để giảm học phí hoặc tăng quỹ học bổng, quỹ hỗ trợ SV.

+ Coi trọng vai trò của giảng viên: Trong thời đại công nghệ 4.0 chúng ta có Trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối Internet of Things (IoT) và Dữ liệu lớn (Big Data) nhưng may mắn thay, các doanh nhân và các nhà sáng chế phát minh đã và sẽ không thể xây dựng được một nền giáo dục không có GV, hoặc robot hoá GV bởi vì trong bài giảng của thầy cô giáo vẫn còn một thứ gì đó

không mua bán được. Trong xu thế đổi mới giáo dục đại học, xã hội đòi hỏi người thầy phải thay đổi phương pháp, phải từ bỏ cách truyền thụ một chiều, phải ứng dụng công nghệ thông tin và đa phương tiện, phải giúp cho thế hệ trẻ biết sáng tạo, phải giúp cho thế hệ trẻ biết tìm kiếm phân tích, đánh giá và tổng hợp thông tin, phải giúp cho thế hệ trẻ giỏi ngoại ngữ, phải làm được nhiều việc khác nữa cho thế hệ trẻ, vì điều quan trọng là xã hội vẫn cần đến họ. Và cũng may mắn thay, các doanh nhân và các nhà sáng chế phát minh đã và sẽ không thể xây dựng được một nền giáo dục không có giáo viên, hoặc robot hoá GV bởi vì trong bài giảng của thầy cô giáo vẫn còn một thứ gì đó không mua bán được.

Một phần của tài liệu Chính sách giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay (Trang 174 - 182)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(235 trang)
w