Chương 4. PHƯƠNG HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH GIÁO DỤC ĐẠI HỌC Ở VIỆT NAM HIỆN NAY
4.3. Đề xuất, kiến nghị
4.3.1. Đề xuất các nguyên tắc đảm bảo nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách 138
(1) Đảm bảo sự hợp Hiến, hợp Pháp của chính sách
Chính sách giáo dục đại học là chính sách nằm trong hệ thống chính
sách giáo dục nói chung được ban hành nhằm giải quyết các vấn đề phát sinh từ các
quan hệ xã hội liên quan đến sự hình thành và phát triển hệ thống giáo dục đại học. Nguyên tắc đảm bảo sự hợp Hiến, hợp Pháp của chính sách có nghĩa là đảm bảm đúng chức năng, thẩm quyền của các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục. Đảm bảo các chủ trương, quan điểm, đường lối của đảng và Nhà nước về giáo dục đại học được cụ thể hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật, trong chỉ đạo điều hành của Bộ GD & ĐT và các cơ sở GDĐH.
(2) Đảm bảo tính kế thừa và phát triển
Chính sách phải được sửa đổi, bổ sung kịp thời theo quan điểm, định hướng của Đảng về sự phát triển GDĐH trong giai đoạn mới. Tuy nhiên đổi mới hay hoàn thiện không có nghĩa là xóa bỏ hoàn toán cái cũ và phủ nhận sạch trơn những thành công đã từng tồn tại của chính sách cũ đem lại. Vì vậy, khi xây dựng chính sách mới phải kế thừa, phát huy những nội dung phù hợp, khắc phục được những hạn chế của chính sách cũ nhằm phát huy hiệu quả thực tế của chính sách, đảm bảo sự đồng bộ với các chính sách giáo dục khác, không tạo ra sự chồng chéo và đảm bảo sự hợp lý giữa các chính sách trong hệ thống chính sách giáo dục nói chung. Các giải pháp phải tiến hành đổi mới một cách dần dần, tuần tự, điều chỉnh, cải tạo thay thế những điểm chưa hợp lý, những điểm đã lỗi thời bằng những điểm mới, hợp lý hơn nhằm đáp ứng tốt nhất của chính sách GDĐH trong thời kỳ CNH, HĐH và cuộc cách mạng 4.0 hiện nay.
(3) Đảm bảo tính khả thi, công khai, minh bạch
Một “chính sách tốt” chính là vừa thể hiện ý chí của Nhà nước vừa đáp ứng nguyện vọng của nhân dân và khi 2 “điều kiện” này được thỏa mãn chính sách ban hành sẽ đảm bảo tính khả thi (vì biến mong muốn của nhà nước và nhân dân thành hiện thực). Khi ban hành một chính sách phải tính đến việc chính sách có khả thi hay không, chính sách có đem lại hiệu quả tích cực hay không. Tính khả thi chính là thước đo, là tiêu chí đánh giá hiệu quả của chính sách được ban hành. Đồng thời, mục tiêu của chính sách thống nhất với ý nguyện của nhân dân sẽ thu hút đông đảo nhân dân tham gia vào thực hiện chính sách tạo động lực mạnh để thực hiện tốt các mục tiêu phát triển. Tính khả thi của chính sách nói chung và chính sách GDĐH nói riêng phải được xem xét trên nhiều phương diện từ việc xác định đúng các nguyên nhân làm
xuất hiện
vấn đề chính sách đến việc xác định mục tiêu chính sách và các biện pháp để thực hiện nội dung chính sách. Muốn chính sách có tính khả thi phải tạo được sự đồng thuận xã hội thì mục tiêu và biện pháp chính sách phải hợp lý. Sự hợp lý của chính sách GDĐH cần được hiểu là sự cân đối, hài hòa giữa mục tiêu của chính sách với đối tượng của chính sách, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước với lợi ích của cộng đồng; lợi ích của các cơ sở GDĐH, của GV, Nhân viên, người lao động và SV.
Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa “của dân, do dân và vì dân” vì vậy tính công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý là yêu cầu khách quan, là nguyên tắc xuyên suốt trong mọi hoạt động quản lý nhà nước nói chung và quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục đào tạo nói riêng, là thước đo sự tín nhiệm của bộ máy công quyền. Công khai, minh bạch cũng là công cụ, giải pháp rất quan trọng để làm trong sạch bộ máy quản lý. Trong các cơ sở GDĐH công khai minh bạch chính là điều kiện cơ bản cho sự phát triển lâu dài và bền vững của mỗi nhà trường. Trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước, công khai, minh bạch là nguyên tắc quan trọng đòi hỏi các cơ quan nhà nước, các tổ chức, đơn vị khi xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện chính sách phải được tiến hành công khai, minh bạch đảm bảo công bằng, dân chủ theo quy định của pháp luật. Trong hoạt động quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo nói chung, hoạch định và thực hiện chính sách GDĐH nói riêng phải tuân thủ nguyên tắc công khai, minh bạch. Ngoài việc công khai các nội dung chính sách nhà nước cần phải minh bạch ở mỗi chính sách, đồng thời có trách nhiệm trước công chúng, trước toàn xã hội về các quyết định quản lý.
Trong chính sách GDĐH, mỗi cơ sở GDĐH phải công khai, minh bạch tất cả các yếu tốt, điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục như: sứ mạng, mục tiêu, chuẩn đầu vào, chuẩn đầu ra, cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, GV; quy trình tuyển sinh, chương trình đào tạo, xét công nhận tốt nghiệp, cấp văn bằng chứng chỉ...Việc công khai, minh bạch quá trình hoạch định và thực hiện các cơ chế, chính sách GDĐH là rất cần thiết bởi vì nếu vấn đề được đưa ra thảo luận, tranh luận công khai, dân chủ thì cơ chế chính sách tất yếu được bổ sung, hoàn chỉnh
sẽ sát thực, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, mặt khác khắc phục được tình trạng khó khăn, bất cập ở các cơ sở GDĐH hiện nay.
(4) Đảm bảo tính cấp thiết của chính sách
Khi hoàn thiện chính sách GDĐH phải đảm bảo những yêu cầu thực tiễn của từng thời kỳ, giai đoạn. Phải xem xét, đánh giá chính sách trong điều kiện hiện tại của kinh tế - xã hội đất nước thì chính sách Nhà nước hay ngành giáo dục có còn phù hợp với lĩnh vực GDĐH nói riêng và giáo dục nói chung hay không. Xác định rõ trong điều kiện kinh tế - xã hội đất nước phát triển như vậy thì GDĐH cần phải thay đổi như thế nào để đáp ứng được yêu cầu cấp thiết của thực tiễn đặt ra. Mặt khác, chính sách cũng cần phải được đối chiếu ở từng phạm vi áp dụng. Sau đó tổng hợp, lấy ý kiến liên Bộ, Ngành về vấn đề đề xuất cho là cấp thiết, then chốt và đưa ra phương hướng nhiệm vụ và cách thức giải quyết.