Các công trình nghiên cứu trong nước

Một phần của tài liệu Chính sách giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay (Trang 24 - 30)

Chương 1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU

1.2. Nghiên cứu về chính sách GDĐH

1.2.1. Các công trình nghiên cứu trong nước

Vấn đề giáo dục nói chung và GDĐH nói riêng ở Việt Nam từ xưa cho tới nay đã có nhiều công trình nghiên cứu như các luận văn, luận án, các đề tài NCKH, sách chuyên khảo, đề án... Dưới các khía cạnh và mức độ nghiên cứu khác nhau về 4 vấn đề nổi bật của GDĐH hiện nay là về quy mô, cơ cấu;

về chất lượng; về hoạt động quản lý nhà nước và hoạt động hợp tác quốc tế.

Có thể liệt kê các công trình tiêu biểu có liên quan đến luận án như:

Công trình nghiên cứu “Đổi mới giáo dục đại học Việt Nam” của tác giả Bành Tiến Long (2005) tác giả đã khái quát cụ thể yêu cầu của việc đổi mới GDĐH Việt Nam trên cơ sở phân tích những hạn chế, bất cập còn tồn tại trong GDĐH, tập trung vào công tác đào tạo, hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học dưới góc độ của một nhà khoa học và quản lý giáo dục. Tác giả đưa ra nhiều vấn đề cần đổi mới GDĐH ở Việt Nam, cụ thể: 1- xây dựng và phát triển đội ngũ GV có trình độ chuyên môn cao, phong cách giảng dạy tiên tiên, hiện đại, có đạo đức, lương tâm nghề nghiệp; 2- Đổi mới cơ chế tài chính giáo dục đại học nhằm đa dạng hóa nguồn lực và hiệu quả đầu tư; 3- Đổi mới cơ chế quản lý theo hướng dịch vụ hóa tránh mâu thuẩn lợi ích và quản lý chồng chéo [64]. “Về khuôn mặt mới của giáo dục đại học Việt Nam” của Phạm Phụ (2005) bao gồm những bài báo, kiến nghị, tham luận, phản biện, trả lời phỏng

vấn của báo chí, các bài viết của tác giả cho các hội nghị, hội thảo được tập hợp lại. Nội dung các bài viết bao gồm rất nhiều các vấn đề trong giáo dục đại học, từ cơ cấu hệ thống, tổ chức quản lý, chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy, quy mô và chất lượng, tuyển sinh đại học...cho đến kinh tế - tài chính đại học, cơ chế thị trường, công bằng xã hội trong GDĐH [71].

Cuốn sách “Đổi mới GDĐH từ ý tưởng đến thực tiễn” (2021) của Đặng Ứng Vận là tổng hợp có chọn lọc các bài viết, ý kiến phát biểu của tác giả tại các hội nghị, hội thảo, bàn tròn tư vấn...với 5 chủ đề liên quan đến đổi mới GDĐH bao gồm: ý tưởng đổi mới; kinh tế thị trường và cách mạng công nghiệp 4.0; quản trị đại học; các trường ngoài công lập; chất lượng đầu vào cho GDĐH [105]. Một cuốn sách khác của tác giả“Phát triển giáo dục đại học trong nền kinh tế thị trường” của Đặng Ứng Vận (2007), được viết trên cơ sở kết quả đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ do tác giả làm chủ biên.

Trong cuốn sách chuyên khảo này tác giả đã trình bày khá đầy đủ, chi tiết những quan điểm, luận cứ về GDĐH, tình hình phát triển GDĐH trên thế giới cũng như thực tiễn phát triển GDĐH ở Việt Nam thông qua một số ví dụ điển hình. Từ đó đưa ra các giải pháp phát triển GDĐH Việt Nam trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa [104].

“Giáo dục đại học một góc nhìn” của Võ Xuân Đàn (2006), tác giả đã phác họa về sự phát triển của giáo dục ở nước ta. Những yêu cầu mà các trường đại học phải thực hiện trong sự nghiệp đổi mới. Đồng thời tác giả cũng nêu một số đặc điểm về GDĐH thông qua việc liên hệ vận dụng thực tế của trường ĐH Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh [39].

“Giáo dục đại học và quản trị đại học” của Trần Khánh Đức (2012), trình bày về sự phát triển của giáo dục và xã hội hiện đại từ cách tiếp cận nghiên cứu lược sử phát triển giáo dục. Phân tích, đánh giá, so sánh nền văn minh và các tư tưởng, quan điểm GDĐH của phương Đông truyền thống và phương Tây hiện đại. Tác giả nêu các vấn đề về chuẩn phân loại quốc tế về giáo dục và hệ thống GDĐH ở một số nước trên thế giới cùng những xu hướng, đặc trưng của GDĐH Việt Nam và Thế giới. Các quan điểm về quản lý và quản trị hiệu quả của giáo dục đại học… Trong cuốn sách “Mô hình đào tạo phát triển năng lực

và tư duy dáng tạo trong giáo dục đại học” (2017) tác giả đã đưa ra mô hình về quản lý, quản trị của Nhật Bản như một đặc trưng của các nước phát triển ở Châu Á, đó là mô hình quản trị theo hướng tập đoàn hóa [40].

Đề tài cấp Bộ, mã số B2003. 52 - 30 “Tác động của các chính sách đổi mới giáo dục đại học đối với sự phát triển quy mô của hệ thống giáo dục đại học” do TS. Trần Văn Hùng (chủ nhiệm đề tài) cùng một số tác giả, các tác giả đã trình bày cơ sở lý luận về đánh giá tác động chính sách giáo dục đại học; giới thiệu các chính sách đổi mới GDĐH Việt Nam thời kỳ 1986 - 2006 và tác động của chính sách đổi mới GDĐH, đối với sự phát triển quy mô tuyển sinh đại học 1986 - 2006 [58].

Đề tài cấp Viện, mã số V2009-20 “Nghiên cứu chính sách đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội tại một số trường đại học” do Th.S Nguyễn Văn Chiến (chủ nhiệm đề tài) cùng một số tác giả, nhóm tác giả đề tài đã làm rõ các khái niệm về chính sách, nghiên cứu chính sách, chính sách đào tạo theo nhu cầu xã hội; khái quát chủ trương và chính sách đào tạo của nhà nước về đào tạo theo nhu cầu xã hội. Đề tài đã đánh giá được thực trạng triển khai việc thực hiện các chính sách đào tạo theo nhu cầu xã hội tại Đại học Thương Mại Hà Nội, từ đó đề tài đã đề xuất một số khuyến nghị về về chính sách đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội [20].

Luận án tiến sỹ “Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục đại học” (2012) của Nguyễn Thị Thu Hà đã chỉ ra cơ sở lý luận về hiệu lực quản lý nhà nước về GDĐH và luận án cũng đã đưa ra một số tiêu chí đánh giá hiệu lực quản lý nhà nước về GDĐH bao gồm: năng lực xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật về GDĐH, có chiến lược hội nhập quốc tế, xây dựng một số cơ sở GDĐH xuất sắc và một số ngành mũi nhọn được thừa nhận trong khu vực và quốc tế, cơ chế tài chính đa dạng... bên cạnh đó luận án đã chỉ ra thực trạng công tác quản lý nhà nước về GDĐH ở nước ta, từ đó tác giả đã đưa ra quan điểm, mục tiêu và giải pháp nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về GDĐH, các giải pháp cụ thể được đề cập đến bao gồm: đổi mới tư duy quản lý nhà nước về GDĐH kiện toàn bộ máy quản lý, nâng cao năng lực tổ chức thực hiện chính sách nhằm hướng đến thúc đẩy sự phát triển của GDĐH [48].

Hướng tiếp cận từ góc độ thể chế luận án tiến sỹ “Hoàn thiện pháp luật về giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay” (2012) của Lê Thị Kim Dung đã chỉ ra rằng do những yếu tố chủ quan, trình độ quản lý nhà nước và giáo dục chưa theo kịp thực tiễn cũng như nhu cầu phát triển; Mặc dù nền kinh tế đã chuyển từ kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhưng ngành giáo dục vẫn chưa thoát khỏi quan niệm và cách làm mới nên chậm đề ra các định hướng chiến lược và chính sách vĩ mô đúng đắn để xử lý mối tương quan giữa quy mô, chất lượng và hiệu quả giáo dục.

Tác giả đề xuất giải pháp hoàn thiện pháp luật về GDĐH với trọng tâm hướng đến xây dựng Luật giáo dục đại học [33].

Luận án tiến sỹ Quản lý Hành chính công “Quản lý nhà nước về chất lượng giáo dục đại học” (2015) của Đoàn Văn Dũng đã làm rõ vai trò của nhà nước đối với chất lượng giáo dục đại học, phân tích các nội dung quản lý nhà nước về chất lượng giáo dục đại học, các nhân tố tác động đến hiệu quả quản lý. Tác giả phân tích đánh giá thực trạng quản lý nhà nước về chất lượng giáo dục đại học trên các phương diện tư duy quản lý, thể chế, bộ máy, cán bộ, công chưc làm công tác quản lý nhà nước về chất lượng giáo dục...từ đó đề xuất cách thức quản lý và các giải pháp như: hoàn thiện thể chế giáo dục theo hướng toàn diện, thống nhất, đồng bộ với trọng tâm xác định rõ vai trò của nhà nước và vai trò của các cơ sở giáo dục đại học [34].

Cũng cùng hướng tiếp cận thể chế nhưng ở một góc độ rộng hơn, tác giả Nguyễn Bá Cần (2009) với luận án “Hoàn thiện chính sách phát triển giáo dục đại học Việt Nam hiện nay”, luận án Tiến sỹ kinh tế đã làm rõ những vấn đề cơ bản về chính sách phát triển GDĐH trong nền kinh tế thị trường.

Tác giả cũng đưa ra những đánh giá thực trạng chính sách phát triển giáo dục đại học trong giai đoạn đổi mới từ đó, đề xuất phương hướng và giải pháp hoàn thiện chính sách phát triển GDĐH ở nước ta những năm tới. Theo tác giả, chính sách phát triển GDĐH cần hướng mạnh đến chính sách quản lý chất lượng, đảm bảo hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội của đào tạo đại học, tạo ra những khuôn khổ, thiết chế để thúc đẩy sự phát triển chất lượng GDĐH [17].

Cách tiếp cận từ giải pháp tài chính, Luận án tiến sỹ kinh tế “Hoàn thiện

chính sách tài chính cho giáo dục đại học Việt Nam” (2004) của Lê Phước Minh đã tổng hợp lý luận và thực tiễn cơ bản về tính sách tài chính cho GDĐH trong nước và nước ngoài, trên cơ sở đó phân tích cơ hội, thách thức, quan điểm định hướng nhằm đề xuất các giải pháp hoàn thiện chính sách tài chính cho GDĐH Việt Nam. Luận án tiến sỹ kinh tế “Hoàn thiện cơ chế tự chủ tài chính các trờng đại học công lập ở Việt Nam” (2012) của Trần Đức Cân đã làm rõ những vấn đề lý luận về cơ chế tự chủ tài chính. Nội dung của tự chủ tài chính được phân tích đánh giá gồm quyền phân bổ, sử dụng nguồn tài chính, quyền quản lý đầu tư mua sắm tài sản, vay mượn vốn trên thị trường...Đồng thời luận án cũng đưa ra các tiêu chí đánh giá và khuyến nghị cơ chế quản lý tài chính ở các trường đại học theo cơ chế tự chủ [16].

Các cuốn kỷ yếu Hội thảo quốc gia do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh nhiên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc Hội tổ chức hàng năm, với các chủ đề gồm: “Hoàn thiện chính sách, pháp luật về tự chủ đại học” (2017) gồm 16 bài viết của các tác giả là chuyên gia, các nhà khoa học, lãnh đạo các trường đại học đã phân tích về thực trạng thực hiện pháp luật về quyền tự chủ đại học, đồng thời đưa ra các khuyến nghị, giải pháp nhằm tăng cường quyền tự chủ cho các cơ sở GDĐH [100]. “Giáo dục đại học - chuẩn hóa và hội nhập quốc tế” (2018) gồm 68 bài viết của các nhà quản lý giáo dục, chuyên gia giáo dục và các nhà khoa học trong và ngoài nước đã phác họa lên bức tranh toàn cảnh của hệ thống GDĐH của nước ta trong các vấn đề chính, nổi bật như năng lực hệ thống; Tài chính; Quản lý nhà nước và Quản trị đại học.

Nhiều vấn đề về năng lực hệ thống như triết lý, mục tiêu, mô hình hệ thống và kiểm định chất lượng GDĐH; cơ hội và thách thức đối với hệ thống trong bối cảnh quốc tế hóa đã được đặt ra, phân tích, đánh giá. Các vấn đề về tự chủ tài chính, chính sách học phí, quản lý tài chính - tài sản, cơ chế đầu tư phát triển…

được đề cập, phân tích, đề xuất chính sách cho giai đoạn tới. Vấn đề quản lý nhà nước, quản trị đại học được nhìn nhận, đánh giá và đề xuất đổi mới [101].

Tự chủ trong giáo dục đại học từ chính sách đến thực tiễn” (2020) gồm 87 bài viết của các nhà quản lý giáo dục, chuyên gia giáo dục và các nhà khoa học trong và ngoài nước với các nội dung: 1- Quy định pháp luật về tự chủ đại học; 2- Thực tiễn triển khai tự chủ đại

học; 3- Một số vấn đề, giải pháp nhằm thúc đẩy thực hiện tự chủ một cách thực chất và hiệu quả [102].

Bài viết “Phân tầng, xếp hạng đại học: Cần tính đến bài học kinh nghiệm của nước ngoài” (2018) của tác giả Trần Khánh Đức đã tập trung phân tích các cơ sở khoa học của lý thuyết hệ thống GDĐH Việt Nam, tiêu chí phân tầng và xếp hạng đại học theo thông lệ quốc tế. Đồng thời đề xuất tháp phân tầng và đưa ra bộ tiêu chí mang tính khuyến nghị cho việc phân tầng và xếp hạng đại học ở Việt Nam hiện nay [41].

Bài viết “Chính sách phát triển giáo dục đại học: những thành công ở các nước phát triển và bài học gợi ý cho Việt Nam” (2017) của tác giả Trịnh Ngọc Thạch, từ quả trình phân tích những thành quả đạt được của GDĐH ở các quốc gia phát triển, để đưa ra những gợi ý về bài học kinh nghiệm trong chính sách phát triển GDĐH của Việt Nam về một số vấn đề như: 1) Đề cao quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở GDĐH; 2) Chính sách đầu tư tài chính cho GDĐH theo mô hình “chia sẻ chi phí”; 3) Tăng cường liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp để tạo cơ chế gắn kết giữa đào tạo, nghiên cứu khoa học với sản xuất và dịch vụ trong các trường đại học; 4) Đào tạo, bồi dưỡng GV để đáp ứng yêu cầu của các chương trình đào tạo chất lượng cao, tạo bước đột phá về chất lượng GDĐH; 5) Xây dựng hệ thống tổ chức kiểm định chất lượng GDĐH độc lập [83].

Bài viết “Giáo dục đại học Việt Nam hiện nay: thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng” của tác giả Lê Hữu Ái - Lâm Bá Hòa, trong bài viết này các tác giả đã tập trung phân tích những bất cập, yếu kém của giáo dục đại học ở nước ta hiện nay, đặc biệt là khía cạnh chất lượng giáo dục và đào tạo.

Trên cơ sở đó, bài viết luận chứng một số giải pháp nhằm nâng cao vai trò của giáo dục đại học trong phát triển kinh tế ở nước ta hiện nay [1].

Tác giả Nguyễn Khắc Bình trong bài báo: “Đổi mới đào tạo trình độ thạc sỹ, tiến sĩ ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế”, hội thảo quốc tế về giáo dục (2015) đã đề cập đến những yếu tố ảnh hưởng đến thực hiện chính sách giáo dục ở Việt Nam đều có yếu tố hợp tác quốc tế. tác giả đã đề cập đến những bất lợi trong việc thực hiện chính sách hợp tác quốc tế trong đào tạo Sau

Đại học ở Việt Nam và nêu lên những định hướng trong việc xây dựng chính sách hợp tác quốc tế trong giáo dục và đào tạo ở Việt Nam trong những năm đầu của thế kỷ 21 [2].

Nghiên cứu vài trò của chính sách GDĐH trong quá trình đổi mới, các nhà nghiên cứu đều cho rằng “Mở rộng quy mô giáo dục đại học là con đường để Việt Nam thu hẹp khoảng cách phát triển” [80]; “Đổi mới cơ chế quản lý

“các doanh nghiệp đại học” giải pháp quyết định để khắc phục những yếu kém và tiêu cực của hệ thống GDĐH ở Việt Nam” [63]; “Đổi mới giáo dục đại học để thực hiện thành công sự công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tham gia hội nhập”

[68] “Chất lượng đội ngũ nhà giáo nhân tố quyết định chất lượng GDĐH” [75]

Bài viết “Tái cơ cấu GDĐH Việt Nam trước yêu cầu thực hiện khâu đột phá chiến lược về đào tạo nhân lực trình độ cao” của tác giả Phạm Đỗ Nhật Tiến (2018), trên cơ sở nhận dạng các điểm yếu của GDĐH ở nước ta thông qua một tiếp cận hệ thống để vừa đánh giá chính sách phát triển nhân lực, vừa đánh giá tổng thể hệ thống GDĐH. Bài viết cũng chỉ ra một số lĩnh vực cần tái cơ cấu, rất quan trọng nhưng hiện chưa được quan tâm thỏa đáng như: tầm nhìn và chương trình hành động; chiến lược và việc tổ chức thực hiện; các cơ chế khuyến khích cơ sở GDĐH; xã hội hóa theo định hướng phát triển quan hệ đối tác công tư PPP; cơ chế giám sát và đánh giá theo kết quả điều tra thông qua hệ thống thông tin quản lý GDĐH [82]

Một phần của tài liệu Chính sách giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay (Trang 24 - 30)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(235 trang)
w