Chương 2. Chủ thể hợp đồng mua bán hàng hóa và tư cách đương sự trong tố tụng
2.1 Các vấn đề pháp lý về chủ thể hợp đồng mua bán hàng hóa và tư cách đương sự
2.1.1 Tư cách chủ thể hợp đồng
Xem xét từ góc độ pháp luật thương mại thì một hợp đồng đương nhiên được xem là hợp đồng trong hoạt động thương mại, nếu các bên tham gia hợp đồng đều là thương nhân. Theo quy định tại khoản 1 Điều 6 LTM 2005 thì “thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh”. Như vậy, có thể phân loại thương nhân thành hai nhóm là “tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp” và “cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh”. Nhưng bản thân pháp luật thương mại chỉ điều chỉnh các mối quan hệ giữa các thương nhân, chứ không điều chỉnh việc thành lập, đăng ký kinh doanh, tổ chức và quản lý hoạt động của thương nhân. Các vấn đề này thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật về chủ thể kinh doanh, bao gồm pháp luật doanh nghiệp và pháp luật hợp tác xã.
Theo pháp luật về chủ thể kinh doanh thì có thể phân loại tổ chức kinh tế thành hai nhóm, bao gồm (i) doanh nghiệp các loại được điều chỉnh bởi LDN 2005 và (ii) hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã được điều chỉnh bởi Luật HTX 2003. Trong đó, doanh nghiệp được định nghĩa là “tổ chức kinh tế có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch ổn định, được đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật nhằm mục đích thực hiện các hoạt động kinh doanh” (khoản 1 Điều 3 LDN 2005). Cụ thể, theo pháp luật hiện hành doanh nghiệp bao gồm công ty TNHH các loại, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân. Trong đó công ty các loại đều có tư cách pháp nhân (Điều 38, 63, 77, 130 LDN 2005), chỉ có doanh nghiệp tư nhân không phải là pháp nhân. Còn hợp tác xã (HTX) được định nghĩa là “là tổ chức kinh tế tập thể do các cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân (gọi chung là xã viên) có nhu cầu, lợi ích chung, tự nguyện góp vốn, góp sức lập ra theo quy định của Luật này để phát huy sức mạnh tập thể của từng xã viên tham gia hợp tác xã, cùng giúp nhau thực hiện có hiệu quả các hoạt động sản xuất, kinh doanh và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước” (Điều 1 Luật HTX 2003). Trong khi đó, liên hiệp hợp tác xã (LHHTX) lại là tổ chức kinh tế hoạt động theo nguyên tắc tổ chức và hoạt động của HTX, nhằm mục đích nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các HTX thành viên, hỗ trợ nhau trong hoạt động và đáp ứng các nhu cầu khác của các thành viên tham gia (Điều 44 Luật HTX 2003). HTX và LHHTX đều có tư cách pháp nhân (Điều 1, 44 Luật HTX 2003).
Bên cạnh các chủ thể kinh doanh được xem là tổ chức kinh tế như nêu trên còn có một loại chủ thể kinh doanh được LDN 2005 giao cho Chính phủ điều chỉnh, đó là hộ kinh doanh. “Hộ kinh doanh do một cá nhân là công dân Việt Nam hoặc một nhóm người hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng không quá mười lao động, không có con dấu và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh” (khoản 1 Điều 49 Nghị định số 43/2010/NĐ-CP).4
Trong các loại chủ thể kinh doanh nêu trên thì việc xác định tư cách chủ thể trong quan hệ hợp đồng đối với các chủ thể kinh doanh có tư cách pháp nhân là đã rõ ràng, không tranh cãi. Các chủ thể kinh doanh có tư cách pháp nhân chính là các chủ thể hợp đồng. Bởi vì, với tư cách pháp nhân các chủ thể này có thể “nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập” (khoản 4 Điều 84 BLDS 2005).
Như vậy, nếu trong văn bản hợp đồng mua bán hàng hóa ghi bên bán là “Công ty TNHH X”, bên mua là “Công ty cổ phần Y” thì Công ty TNHH X và Công ty cổ phần Y đó chính là các chủ thể hợp đồng. Ngay cả đối với loại công ty hợp danh thì vấn đề tư cách chủ thể hợp đồng cũng rõ ràng, không tranh cãi. Khi bất kỳ một thành viên hợp danh nào tiến hành hoạt động kinh doanh nhân danh công ty ký kết hợp đồng thì chủ thể tham gia hợp đồng là công ty hợp danh chứ không phải là thành viên hợp danh (điểm b khoản 1 Điều 134, khoản 1 Điều 137 LDN 2005).
Nhưng đối với các loại chủ thể kinh doanh không có tư cách pháp nhân thì vấn đề tư cách chủ thể hợp đồng của chúng có phần phức tạp hơn và có thể gây tranh cãi.
Đối với doanh nghiệp tư nhân, câu hỏi có thể được đặt ra là chủ thể tham gia giao dịch pháp luật là doanh nghiệp tư nhân hay chủ doanh nghiệp? Theo quan điểm của nhóm nghiên cứu thì trong trường hợp doanh nghiệp tư nhân, chủ thể tham gia giao dịch hợp đồng là doanh nghiệp tư nhân chứ không phải là chủ doanh nghiệp. Bởi vì xét từ góc độ pháp luật doanh nghiệp thì doanh nghiệp tư nhân cũng là tổ chức kinh tế như các loại công ty, và vì vậy không phải chủ doanh nghiệp mà chính doanh nghiệp tư nhân mới là thương nhân và là chủ thể tham gia giao dịch thương mại. Thực tiễn hợp đồng cũng cho thấy, doanh nghiệp tư nhân luôn đứng tên là một bên hợp đồng và được đại diện bởi chủ doanh nghiệp hoặc một đại diện theo ủy quyền nào đó.
Còn đối với hộ kinh doanh thì việc khẳng định ai là chủ thể hợp đồng, chính hộ kinh doanh với tư cách là một chủ thể kinh doanh hay (các) cá nhân, thậm chí là hộ gia đình với tư cách là chủ hộ kinh doanh, có phần không rõ ràng, có thể gây tranh cãi. Bởi vì, một mặt pháp luật về chủ thể kinh doanh không nhìn nhận hộ kinh doanh là một tổ chức kinh tế, nhưng lại rõ ràng được thừa nhận là một loại chủ thể kinh doanh, mặc dù chịu nhiều hạn chế pháp lý như chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm và tiến hành kinh doanh tại địa điểm đó trừ trường hợp buôn chuyến hay
4 Về sự ra đời và phát triển của pháp luật về hộ kinh doanh cũng như bản chất, đặc điểm pháp lý, đăng ký kinh doanh, quản trị và vận hành hộ kinh doanh tham khảo thêm: Ngô Huy Cương, Phân tích pháp luật về hộ kinh doanh để tìm ra các bất cập, Tạp chí khoa học Đại học quốc gia Hà Nội, Luật học số 25 (2009), 2634 – 245
kinh doanh lưu động, chỉ được sử dụng không quá 10 lao động (Điều 49, 54 Nghị định số 43/2010/NĐ-CP). Tuy nhiên, theo định nghĩa thương nhân trong pháp luật thương mại thì tư cách thương nhân dường như lại được dành cho (các) cá nhân đăng ký hoặc tham gia đăng ký kinh doanh, chứ không phải cho hộ kinh doanh (xem khoản 1 Điều 6 LTM 2005). Nhưng theo quan điểm của nghiên cứu này thì một khi đã thừa nhận hộ kinh doanh là một loại chủ thể kinh doanh thì cũng phải thừa nhận tư cách thương nhân của nó, chứ không phải tư cách thương nhân của (những) cá nhân đứng sau đó. Thực tiễn hợp đồng cũng cho thấy, hộ kinh doanh luôn đứng tên là một bên hợp đồng, được đại diện bởi cá nhân là chủ hộ kinh doanh hoặc bởi cá nhân là đại diện hộ gia đình là chủ hộ kinh doanh đó.
2.1.2 Tư cách đương sự trong tố tụng
Việc xác định tư cách đương sự trong tố tụng độc lập với việc xác định tư cách chủ thể hợp đồng. Bởi vậy có thể xảy ra trường hợp một chủ thể pháp luật có tư cách chủ thể hợp đồng, nhưng không có tư cách đương sự trong tố tụng và ngược lại. Theo quy định tại khoản 1 Điều 56 BLTTDS thì “đương sự trong vụ án dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”.
Các chủ thể kinh doanh là pháp nhân (công ty các loại, HTX và LHHTX) khi tham gia giao dịch hợp đồng thì chính chúng là chủ thể của hợp đồng, đồng thời chúng cũng là đượng sự trong tố tụng liên quan đến các tranh chấp về quyền và nghĩa vụ phát sinh từ hoặc liên quan đến hợp đồng đó. Bởi vì, pháp nhân không chỉ có thể tham gia giao dịch pháp luật một cách độc lập, mà còn phải chịu trách nhiệm bằng chính tài sản của mình (Điều 84 BLDS 2005).
Riêng đối với loại công ty hợp danh, mặc dù có tư cách pháp nhân, nhưng các thành viên hợp danh “chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty” (điểm b khoản 1 Điều 130 LDN 2005) và “liên đới chịu trách nhiệm thanh toán hết số nợ còn lại của công ty nếu tài sản của công ty không đủ để trang trải số nợ của công ty” (điểm đ khoản 2 Điều 134 LDN 2005). Bởi vậy, để được cưỡng chế thi hành án vào khối tài sản riêng của (các) thành viên hợp danh thì bên bị vi phạm hợp đồng phải có được phán quyết của tòa án hoặc trọng tài buộc (các) thành viên hợp danh chịu trách nhiệm tài sản. Điều đó có thể được thực hiện bằng cách đề nghị tòa án đưa (các) thành viên hợp danh vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo quy định tại khoản 4 Điều 56 BLTTDS. Trong trường hợp đó, (các) thành viên hợp danh mặc dù không có tư cách chủ thể hợp đồng, nhưng có tư cách đương sự trong tố tụng.
Còn đối với các chủ thể kinh doanh không có tư cách pháp nhân thì vấn đề lại hoàn toàn khác. Doanh nghiệp tư nhân mặc dù có tư cách chủ thể hợp đồng như đã đề cập ở trên nhưng lại không có tư cách đương sự trong tố tụng. Mà chính chủ doanh nghiệp tư nhân và chỉ chủ doanh nghiệp tư nhân mới có tư cách đương sự trong tố
tụng mà thôi. Bởi vì theo quy định tại khoản 3 Điều 143 LDN 2005 thì “chủ doanh nghiệp tư nhân là nguyên đơn, bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài hoặc Tòa án trong các tranh chấp liên quan đến doanh nghiệp”. Đây là là hệ quả lô-gíc của quy định “tài sản được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của chủ doanh nghiệp tư nhân không phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu cho doanh nghiệp (khoản 2 Điều 29 LDN 2005). Có nghĩa là doanh nghiệp tư nhân là một chủ thể kinh doanh không có tài sản, vì vậy không thể chịu trách nhiệm tài sản.
Tương tự như vậy, cá nhân, hộ gia đình hay nhóm cá nhân đăng ký kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh cũng không phải chuyển quyền sở hữu tài sản được sử dụng vào hoạt động kinh doanh cho hộ kinh doanh. Vì vậy hộ kinh doanh cũng là một chủ thể kinh doanh không có tài sản và không thể chịu trách nhiệm tài sản. Cho nên, mặc dù như đã đề cập trên đây, theo quan điểm của nghiên cứu này thì bản thân hộ kinh doanh là chủ thể hợp đồng, nhưng không thể là đương sự trong tố tụng liên quan đến tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến hợp đồng đó. Đương sự trong tố tụng chỉ có thể là cá nhân đăng ký kinh doanh hộ kinh doanh, hoặc trong trường hợp nhóm cá nhân đăng ký kinh doanh hộ kinh doanh thì toàn bộ hoặc một số cá nhân thuộc nhóm tùy theo sự lựa chọn của đương sự yêu cầu, hoặc trong trường hợp hộ gia đình thì đó là cá nhân đại diện hộ gia đình.