Chế tài bồi thường thiệt hại

Một phần của tài liệu Các vấn đề pháp lý của hợp đồng mua bán hàng hóa qua thực tiễn xét xử của tòa án và trọng tài tại việt nam (Trang 135 - 145)

Chương 8. Vấn đề khiếu nại vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa

2.2 Các vấn đề pháp lý về chủ thể hợp đồng mua bán hàng hóa và tư cách đương sự

7.1.2 Về các loại chế tài trong hoạt động thương mại

7.1.2.3 Chế tài bồi thường thiệt hại

Theo quy định tại khoản 1 Điều 303 LTM 2005 thì “bồi thường thiệt hại là việc bên vi phạm bồi thường những tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra cho bên bị vi phạm. Giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm”. Như vậy, bồi thường thiệt hại với tư cách là chế tài trong thương mại có chức năng bù đắp tổn thất vật chất cho bên bị vi phạm, làm cho hành vi vi phạm hợp đồng trở nên vô hại về mặt vật chất đối với bên bị vi phạm.

Theo quy định tại Điều 303 LTM 2005 thì trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 Luật này, bồi thường thiệt hại phát sinh khi có đủ ba yếu tố, đó là (i) hành vi vi phạm hợp đồng, (ii) có thiệt hại thực tế và (iii) hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại. Quy định này không đề cập yếu tố lỗi của chủ thể có hành vi vi phạm, nên thực tế có các quan điểm khác nhau về việc liệu lỗi có phải là một yếu tố bắt buộc làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại hay không? Có ý kiến cho rằng, LTM 2005 không nêu rõ yếu tố lỗi là bởi vì trong hoạt động thương mại khi một bên vi phạm hợp đồng thì được suy đoán là bên đó có lỗi (còn gọi là “lỗi suy đoán”). Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu không tán thành quan điểm như vậy, mà cho rằng Luật thương mại không đòi hỏi lỗi là một yếu tố bắt buộc mà có nó mới phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Quan điểm của nhóm nghiên cứu dựa trên các lập luận như sau59: Thứ nhất, việc phân tích văn bản cho thấy LTM 2005 nêu rất rõ ba yếu tố làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại, mà không nêu yếu tố lỗi. Thứ hai, việc nghiên cứu tài liệu lập pháp cho thấy, đến dự thảo thứ 3

59 Về các trình bày tiếp theo đây, tham khảo thêm: Phan Huy Hồng (2010), Nguyên tắc lỗi trong pháp luật thương mại Việt Nam, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 11(271)/2010, tr. 19-33.

của dự án luật này60 lỗi vẫn còn được quy định là một trong các căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại; tuy nhiên từ dự thảo thứ 6 trở đi căn cứ này đã được lược bỏ61. Một số chuyên gia pháp lý đã phát hiện sự thay đổi này, và các ý kiến được đăng tải đều cho rằng cần phải bổ sung (lấy lại) căn cứ lỗi của bên vi phạm với lập luận rằng đây là căn cứ bắt buộc, không thể thiếu.62 Các ý kiến này đã không nhận được sự phản hồi của Ban soạn thảo; LTM 2005 được ban hành cũng cho thấy chúng đã không được tiếp thu. Thực tế đó cho thấy rằng, việc lược bỏ căn cứ lỗi trong quy định tại Điều 303 LTM 2005 không thể do lỗi biên tập. Thứ ba, việc nghiên cứu lịch sử pháp luật về chế định bồi thường thiệt hại cho thấy pháp luật dân sự nhất quán trong việc quy định lỗi là một trong các căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại63; trong khi đó pháp luật về hợp đồng kinh tế, pháp luật thương mại đã có các nhận thức khác nhau về vấn đề này. Trong khi Pháp lệnh HĐKT 1989 hoàn toàn không đề cập đến yếu tố lỗi, thì LTM 1997 quy định căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại bao gồm cả yếu tố lỗi,64 còn LTM 2005 thì dường như quay lại với ý niệm của Pháp lệnh HĐKT 1989. Vì vậy, sự thay đổi này không thể là ngẫu nhiên, mà rõ ràng xuất phát từ sự thay đổi ý niệm về chế định bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng trong hoạt động kinh tế, thương mại. Thứ tư, việc giải thích quy phạm pháp luật bằng phương pháp hệ thống cho thấy, nếu các nhà làm luật không có ý định quy định khác đi về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng trong hoạt động thương mại so với chế định bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ dân sự theo Luật dân sự thì Điều 303 LTM 2005 là hoàn toàn không cần thiết. Bởi vì trong trường hợp đó quy định tương ứng của BLDS 2005 sẽ được áp dụng, theo nguyên tắc luật riêng không quy định thì áp dụng quy định của Luật chung (khoản 3 Điều 4 LTM 2005). Thứ năm, nghiên cứu so sánh cho thấy có căn cứ để khẳng định rằng LTM 2005 đã có phần tiếp thu cách giải quyết vấn đề của Công ước Viên về mua bán hàng hóa quốc tế năm 1980 (CISG). Công ước này đã thể hiện sự dung hòa giữa nguyên tắc lỗi (fault principle) là nguyên tắc cơ bản của luật nghĩa vụ (chủ yếu là các hệ thống pháp luật dân sự châu Âu lục địa - civil law) và các hệ thống luật dân sự mà trách nhiệm nghiêm ngặt (strict liability hay objective liability) được sử dụng phổ biến để chế tài các vi phạm hợp đồng (chủ yếu trong hệ thống thông luật - common law). Cụ thể, theo Điều 74 CISG thì trong mua bán hàng hóa quốc tế nguyên tắc lỗi và trách nhiệm nghiêm ngặt được dung hòa dưới hình thức lỗi không còn được xem là căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại, nhưng bên vi phạm được miễn trách nhiệm trong những trường hợp xảy ra các sự kiện mà bên đó không lường trước được và

60 Xem Điều 70 Dự thảo 3 ngày 02/4/2004.

61 Xem Điều 287 Dự thảo 6, Điều 289 Dự thảo 8, Điều 305 Dự thảo 9.

62 Xem bản Tổng hợp ý kiến của các doanh nghiệp và chuyên gia tại hội thảo lấy ý kiến Dự án Luật Thương mại (dự thảo 8) do VCCI tổ chức tại Hà Nội, Hải Phòng, Tp. Hồ Chí Minh – tháng 12/2004, http://www.vibonline.com.vn/vi-VN/Forum/TopicDetail.aspx?TopicID=283; Nguyễn Hồng Chung, Một số ý kiến về Dự thảo Luật Thương mại, http://www.vibonline.com.vn/vi- VN/Forum/TopicDetail.aspx?TopicID=776.

63 Xem Điều 43 Pháp lệnh Hợp đồng dân sự ngày 07/5/1991, Điều 309 BLDS 1995, Điều 308 BLDS 2005.

64 Xem Điều 230 LTM 1997.

không chế ngự được hoặc không tránh được. Như vậy, nguyên tắc lỗi không bị loại bỏ hoàn toàn, mà trách nhiệm nghiêm ngặt cũng không được áp dụng cho mọi trường hợp. Căn cứ để cho rằng LTM 2005 đã tiếp thu cách giải quyết của CISG là các trình bày về sự cần thiết ban sửa đổi Luật Thương mại và những nguyên tắc chỉ đạo soạn thảo Luật này tại Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật Thương mại sửa đổi. Theo đó, “Luật Thương mại cần được sửa đổi, bổ sung do chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hội nhập kinh tế quốc tế”; “việc thu hẹp sự bất tương thích giữa pháp luật thương mại của Việt Nam và pháp luật thương mại quốc tế là một ưu tiên hàng đầu, trong đó chủ yếu nhằm: … khắc phục những điểm chưa tương thích giữa Luật Thương mại và pháp luật, tập quán thương mại quốc tế … như Công ước Viên 1980 về mua bán hàng hoá quốc tế”.65 Đồng thời, Tờ trình cũng khẳng định, một trong các nguyên tắc chỉ đạo việc soạn thảo Luật Thương mại (sửa đổi) là “bảo đảm sự phù hợp với các Điều ước quốc tế về thương mại mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập và pháp luật, tập quán thương mại quốc tế”.66

Việc xác định chính xác rằng lỗi có phải là một trong các căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường do vi phạm hợp đồng trong hoạt động thương mại hay không có ý nghĩa đặc biệt đối với hoạt động thương mại. Bởi vì, các trường hợp miễn trách nhiệm nêu tại các điểm b, c, d khoản 1 Điều 294 LTM 2005 không bao hàm tất cả các trường hợp bên vi phạm được xem là không có lỗi. Rất phổ biến trong hoạt động thương mại là trường hợp vi phạm hợp đồng của một bên có nguyên nhân từ vi phạm nghĩa vụ bởi một bên thứ ba mà bên vi phạm sử dụng hoàn toàn hoặc một phần để thực hiện nghĩa vụ hợp đồng của mình. Trong đa số các trường hợp như vậy, bên vi phạm phải được xem là không có lỗi và không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, nếu như lỗi được đòi hỏi là căn cứ bắt buộc làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Ví dụ, trong quan hệ ủy thác mua bán hàng hóa, bên nhận ủy thác bán sẽ không phải chịu trách nhiệm trước khách hàng (người mua) về việc giao hàng chậm bởi nguyên nhân là do bên ủy thác giao hàng chậm cho bên ủy thác. Ví dụ này có thể cho thấy việc xem lỗi là căn cứ bắt buộc làm phát sinh trách nhiệm bồi thường do vi phạm hợp đồng trong hoạt động thương mại nói chung là không hợp lý. Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng, việc loại trừ một cách hoàn toàn yếu lỗi cũng không phải là hợp lý. Bởi vậy, LTM 2005 vẫn có một số quy định mà ở đó lỗi vẫn đóng một vai trò nhất định trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại như Điều 238 về giới hạn trách nhiệm trong hoạt động logistics, Điều 266 về bồi thường thiệt hại trong trường hợp giám định sai, hay Điều 273 về trách nhiệm đối với tổn thất trong thời hạn thuê.

Giá trị bồi thường thiệt hại, theo quy định tại khoản 2 Điều 303 LTM 2005, bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm. Như vậy, thiệt hại được bồi thường bao gồm hai loại: (i) giá trị tổn

65 Xem mục I.4 Tờ trình.

66 Xem mục II.5 Tờ trình.

thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và (ii) khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm.

Tổn thất thực tế là thiệt hại đã xảy ra; tổn thất trực tiếp là thiệt hại phát sinh trực tiếp từ hành vi vi phạm của bên vi phạm. Khoản lợi trực tiếp đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm là khoản lợi mà bên bị vi phạm chưa có trên thực tế, nhưng nếu không xảy ra hành vi vi phạm và căn cứ theo mục đích mà bên bị vi phạm đặt ra đối với hợp đồng đó cũng như các mối quan hệ hợp đồng mà bên bị vi phạm đã hoặc có thể thiết lập với bên thứ ba thì khoản lợi đó là có thể đạt được. Dù có thể giải thích được một cách khái quát như vậy, nhưng thực tiễn hoạt động thương mại và thực tiễn giải quyết tranh chấp về hợp đồng trong hoạt động thương mại cho thấy, phạm vi bồi thường thiệt hại là nội dung thường được tranh chấp quyết liệt.

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 305 LTM 2005 thì “bên yêu cầu bồi thường thiệt hại phải áp dụng các biện pháp hợp lý để hạn chế tổn thất kể cả tổn thất đối với khoản lợi trực tiếp đáng lẽ được hưởng do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra; nếu bên yêu cầu bồi thường thiệt hại không áp dụng các biện pháp đó, bên vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu giảm bớt giá trị bồi thường thiệt hại bằng mức tổn thất đáng lẽ có thể hạn chế được”.

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 306 LTM 2005 thì “trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng hay chậm thanh toán thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”. Quy định nhằm vào trường hợp vi phạm nghĩa vụ thanh toán, và trong hợp đồng mua bán hàng hóa hay sử dụng dịch vụ thì đó là vi phạm của bên mua hay bên sử dụng dịch vụ, trong quan hệ hợp đồng thương mại khác có thể là bất kỳ bên nào. Trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác, quyền yêu cầu trả tiền lãi do chậm thanh toán mặc nhiên phát sinh kể từ thời điểm bên có nghĩa vụ thanh toán chậm thanh toán. Loại thiệt hại này được coi là đương nhiên xảy ra đối với bên bị vi phạm, bởi vì nhà làm luật xuất phát rằng trong hoạt động thương mại các thương nhân không chỉ kinh doanh bằng vốn tự có, mà còn kinh doanh bằng vốn vay, mặt khác vốn vay hay vốn tự có đều được xem là có giá trị về vốn như nhau. Bởi vậy, bên yêu cầu trả tiền lãi do chậm thanh toán không phải chứng minh là đã sử dụng vốn vay. Như vậy, quyền yêu cầu (hay nghĩa vụ) trả tiền lãi do chậm thanh toán không phải là một dạng của chế tài phạt vi phạm, do đó các bên có thể thỏa thuận về mức hoặc cách thức, chứ không cần phải thỏa thuận về căn cứ phát sinh quyền yêu cầu (hay nghĩa vụ) trả tiền lãi do chậm thanh toán.

Việc áp dụng chế tài bồi thường thiệt hại không ảnh hướng tới hiệu lực của các thỏa thuận hợp đồng. Như vậy, việc bên vi phạm nghĩa vụ giao hàng trả khoản tiền bồi thường thiệt hại không giải phóng bên đó khỏi nghĩa vụ giao hàng. Tuy nhiên,

điều đó không cản trở các bên thỏa thuận sửa đổi, bổ sung hợp đồng, bao gồm giải phóng (miễn trừ) cho nhau một số nghĩa vụ hợp đồng đã được xác lập.

7.1.2.4 Chế tài tạm ngừng thực thực hiện hợp đồng

Từ quy định tại Điều 308 LTM 2005 có thể định nghĩa tạm ngừng thực hiện hợp đồng là một chế tài trong thương mại, theo đó một bên có quyền tạm ngừng thực hiện các nghĩa vụ hợp đồng của mình, khi bên kia của hợp đồng có hành vi vi phạm mà các bên đã thỏa thuận là điều kiện để tạm ngừng thực hiện hợp đồng hoặc có hành vi vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng, nếu các hành vi đó không thuộc một trong các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này.

Có hai loại căn cứ khác nhau làm phát sinh quyền được tạm ngừng thực hiện hợp đồng của bên bị vi phạm: Thứ nhất, đó là khi một bên có hành vi vi phạm hợp đồng thuộc trường hợp các bên đã thỏa thuận là điều kiện để bên kia tạm ngừng thực hiện hợp đồng. Các bên có thể thỏa thuận cả trường hợp vi phạm không cơ bản là điều kiện để tạm ngừng thực hiện hợp đồng (Điều 293 LTM 2005). Thứ hai, không phụ thuộc vào việc các bên có thỏa thuận hay không, bên bị vi phạm được quyền áp dụng chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng khi bên kia vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng.

Riêng đối với hoạt động mua bán hàng hóa thì căn cứ quy định tại Điều 51 LTM 2005 bên mua có quyền tạm ngừng thanh toán trong ba trường hợp: (i) Bên mua có bằng chứng về việc bên bán lừa dối thì có quyền tạm ngừng việc thanh toán; (ii) Bên mua có bằng chứng về việc hàng hóa đang là đối tượng bị tranh chấp thì có quyền tạm ngừng thanh toán cho đến khi việc tranh chấp đã được giải quyết; (iii) Bên mua có bằng chứng về việc bên bán đã giao hàng không phù hợp với hợp đồng thì có quyền tạm ngừng thanh toán cho đến khi bên bán đã khắc phục sự không phù hợp đó. Tuy nhiên, theo quan điểm của nhóm nghiên cứu thì “quyền tạm ngừng thanh toán tiền hàng” theo quy định tại Điều 51 LTM 2005 không phải là chế tài “tạm ngừng thực hiện hợp đồng” và vì vậy bên mua không phải thông báo cho bên bán biết về việc tạm ngừng thanh toán tiền hàng theo quy định tại Điều 315 LTM 2005.67

Về nguyên tắc, nếu không có quy định cụ thể hoặc các bên không thỏa thuận cụ thể thì quyền áp dụng chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng chấm dứt khi bên vi phạm đã thực hiện nghĩa vụ của mình.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 309 LTM 2005 thì khi hợp đồng bị tạm ngừng thực hiện thì hợp đồng vẫn còn hiệu lực. Thực chất quy định này là không cần thiết, vì điều đó là hiển nhiên. Tuy nhiên, nó có thể giúp làm rõ rằng, khi căn cứ để áp dụng chế tài tạm ngừng thực hiện không còn nữa, thì bên bị vi phạm phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ hợp đồng của mình. Còn theo quy định tại khoản 1 Điều 299 LTM 2005 thì

“trừ trường hợp có thỏa thuận khác, trong thời gian áp dụng chế tài buộc thực hiện

67 Về vấn đề này xem thêm nội dung trình bày tại Chương 6 “Vấn đề thanh toán tiền hàng trong quan hệ hợp đồng mua bán hàng hóa qua thực tiễn xét xử của tòa án và trọng tài thương mại”.

Một phần của tài liệu Các vấn đề pháp lý của hợp đồng mua bán hàng hóa qua thực tiễn xét xử của tòa án và trọng tài tại việt nam (Trang 135 - 145)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(206 trang)