Áp dụng LTM 1997 hay LTM 2005

Một phần của tài liệu Các vấn đề pháp lý của hợp đồng mua bán hàng hóa qua thực tiễn xét xử của tòa án và trọng tài tại việt nam (Trang 21 - 24)

Chương 8. Vấn đề khiếu nại vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa

1.2 Nhận diện vấn đề luật áp dụng đối với hợp đồng mua bán hàng hóa

1.2.3 Áp dụng LTM 1997 hay LTM 2005

Bản án kinh tế sơ thẩm số 141/2008/ST-KDTM ngày 25/01/2008 của TAND TP. Hồ Chí Minh

Trong vụ án kinh doanh, thương mại về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa được xét xử sơ thẩm bởi TAND TP. Hồ Chí Minh bằng bản án kinh tế sơ thẩm số 141/2008/ST-KDTM ngày 25/01/2008 đã được đề cập ở mục 1.2.2 trên đây, hợp đồng được ký kết, bên bán giao hàng và bên mua thanh toán một phần tiền hàng trong năm 2005, như vậy là trước thời điểm LTM 2005 có hiệu lực. Sang năm 2006 (khi LTM 2005 có hiệu lực) hai bên chỉ còn lập biên bản xác nhận số tiền bên mua còn nợ bên bán. Hội đồng xét xử đã nhận định bên mua vi phạm nghĩa vụ thanh toán quy định khoản 1 Điều 71, Điều 73 LTM 1997 và áp dụng Điều 233 LTM 1997 (và cả Điều 305 BLDS 2005) để buộc bên mua (bị đơn) thanh toán tiền hàng còn thiếu và trả tiền lãi do chậm thanh toán.

Như vậy, hội đồng xét xử đã áp dụng luật có hiệu lực tại thời điểm hợp đồng được ký kết và phát sinh nghĩa vụ giao hàng và thanh toán không chỉ để buộc bên mua thanh toán số tiền hàng còn thiếu mà cả tiền lãi trên số tiền chậm trả theo cách tính của luật này (theo lãi suất nợ quá hạn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả). Theo quan điểm của nhóm nghiên cứu thì việc áp dụng pháp luật như vậy là chính xác, bởi vì quyền đòi tiền lãi do chậm thanh toán của bên bán đã phát sinh trong thời gian hiệu lực của LTM 1997 khi bên mua không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thanh toán của mình.

Bản án sơ thẩm số 1184/2007/KDTM-ST ngày 10/7/2007 của TAND TP. Hồ Chí Minh

Còn trong vụ án kinh doanh, thương mại về tranh chấp hợp đồng cung cấp và lắp đặt thiết bị giữa nguyên đơn (bên bán) là Công ty TNHH Kỹ thuật cơ điện XD- TM Sài Gòn và bị đơn (bên mua) là Công ty cổ phần Nam Trung Việt được xét xử sơ thẩm bởi TAND TP. Hồ Chí Minh bằng bản án sơ thẩm số 1184/2007/KDTM-ST ngày 10/7/2007 được đề cập trên thì hợp đồng được ký kết trong năm 2005, hàng (thiết bị) được giao và lắp đặt, chạy thử, vận hành, tiền hàng được thanh toán bằng 85% giá trị hợp đồng đều trong năm 2005. Chỉ việc nghiệm thu là được thực hiện trong năm 2006; nhưng việc nghiệm thu lại làm phát sinh nghĩa vụ của bên mua thanh

toán 15% giá trị hợp đồng còn lại. Trong trường hợp này hội đồng xét xử đã áp dụng LTM 2005 (Điều 306) chứ không áp dụng LTM 1997 (Điều 233) để xác định số tiền lãi trên số tiền chậm thanh toán.

Như vậy, theo quan điểm của nhóm nghiên cứu thì trong trường hợp này việc tòa án căn cứ Điều 306 LTM 2005 mà không căn cứ Điều 233 LTM 1997 để xác định số tiền lãi trên số tiền chậm thanh toán cũng là chính xác, bởi vì khi việc nghiệm thu được thực hiện trong năm 2006 và làm phát sinh nghĩa vụ thanh toán của bên mua cũng như quyền yêu cầu trả tiền lãi do chậm thanh toán của bên bán thì phải áp dụng luật có hiệu lực vào thời điểm phát sinh các quyền và nghĩa vụ đó.

1.3 Nhận xét chung

Qua các vụ án kinh doanh, thương mại về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa được đề cập trên đây, có thể nhận thấy rằng các tòa án vẫn còn lúng túng trong việc xác định căn cứ pháp luật để giải quyết vụ án trong bối cảnh tồn tại nhiều nguồn luật khác nhau hoặc việc giao kết và quá trình thực hiện hợp đồng trải dài trong thời gian hiệu lực của các luật khác nhau.

Ngay cả khi một hợp đồng rõ ràng là hợp đồng mua bán hàng hóa và chịu sự điều chỉnh của LTM 2005, nhưng vẫn có tòa án áp dụng các quy định của BLDS về hợp đồng mua bán tài sản để giải quyết tranh chấp. Chỉ đến quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TANDTC mới có được nhận định đúng đắn, theo đó căn cứ pháp luật để giải quyết yêu cầu về phạt vi phạm và trả tiền lãi do chậm thanh toán phải là các điều khoản tương ứng của LTM 2005, chứ không phải là của BLDS 2005.

Đối với vấn đề có phần phức tạp hơn là khi nào các quy định của BLDS 2005 được áp dụng đối với các vấn đề của hợp đồng mua bán hàng hóa chịu sự điều chỉnh của LTM 2005 thì các tòa án cũng tỏ ra lúng túng hơn. Có trường hợp các quy định của LTM 2005 và BLDS 2005 về cùng một vấn đề cùng được viện dẫn (được áp dụng), như trường hợp viện dẫn đồng thời Điều 233 LTM 1997 và Điều 305 BLDS 2005 hoặc Điều 306 LTM 2005 và Điều 305 BLDS 2005, mặc dù các cặp điều khoản này quy định khác nhau về cách tính tiền lãi do chậm thanh toán. Điều đó không chỉ phát sinh từ việc không hiểu đúng nội dung quy định pháp luật, mà quan trọng hơn là từ việc không tuân thủ nguyên tắc quy định của luật riêng loại trừ quy định của luật chung (lex specialis derogat legi generali).

Nhưng trong các vụ án được đề cập trên đây thì các tòa án đã tỏ ra có nhận thức tốt về vấn đề hiệu lực thời gian của luật. Theo đó, LTM 1997 được áp dụng để giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng mua bán hàng hóa được giao kết và thực hiện hoàn toàn trước thời điểm LTM 2005 có hiệu lực, mặc dù việc khởi kiện được thực hiện sau khi LTM 1997 hết hiệu lực. Còn trong trường hợp hợp đồng mua bán được giao kết, hàng được giao và tiền hàng được thanh toán một phần trong thời gian hiệu lực của LTM 1997, nhưng nghĩa vụ thanh toán một phần tiền hàng còn lại phát

sinh sau thời điểm LTM 2005 có hiệu lực, thì yêu cầu trả tiền lãi do chậm thanh toán được chấp nhận theo cách tính của LTM 2005 nếu các bên không có thỏa thuận. Đến thời điểm hiện nay vấn đề áp dụng LTM 1997 hay LTM 2005 hầu như không còn phải được đặt ra trên thực tế. Nhưng việc nắm vững các nguyên tắc liên quan đến việc áp dụng luật cũ, luật mới vẫn luôn có ý nghĩa, bởi LTM 2005 sẽ còn được sửa đổi, bổ sung hoặc thậm chí thay thế.

Danh mục các bản án liên quan

1. Quyết định Giám đốc thẩm số 03/2009/KDTM-GĐT ngày 09/04/2009 về vụ tranh chấp về hợp đồng mua bán hàng hóa

2. Bản án số 1009/2007/KDTM-PT ngày 05/09/2007 của TAND TP. Hồ Chí Minh v/v tranh chấp hợp đồng mua bán

3. Bản án số 1184/2007/KDTM-ST ngày 10/7/2007 của TAND TP. Hồ Chí Minh về việc Tranh chấp hợp đồng cung cấp và lắp đặt thiết bị

4. Bản án số 141/2008/ST-KDTM ngày 25/01/2008 của TAND TP. Hồ Chí Minh về việc tranh chấp hợp đồng mua bán

Một phần của tài liệu Các vấn đề pháp lý của hợp đồng mua bán hàng hóa qua thực tiễn xét xử của tòa án và trọng tài tại việt nam (Trang 21 - 24)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(206 trang)