Chương 8. Vấn đề khiếu nại vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa
2.2 Các vấn đề pháp lý về chủ thể hợp đồng mua bán hàng hóa và tư cách đương sự
6.2.2 Tài phán về quyền tạm ngừng thanh toán tiền hàng
Bản án số 87/2007/KDTM-PT ngày 10/9/2007 của Tòa Phúc thẩm TANDTC tại TP. Hồ Chí Minh về việc tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa
Trong vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa giữa nguyên đơn (bên bán) là Công ty TNHH thương mại và sản xuất Gia Lợi và bị đơn (bên mua) là Cơ sở Thuận Lợi, được xét xử sơ thẩm bởi TAND TP. Hồ Chí Minh bằng bản án kinh tế sơ thẩm số 217/KTST ngày 25/08/2004, xét xử phúc thẩm bởi Tòa Phúc thẩm TANDTC tại TP. Hồ Chí Minh bằng bản án kinh tế phúc thẩm số 12/KTPT ngày 24/02/2005, xét xử giám đốc thẩm bởi Hội đồng thẩm phán TANDTC bằng quyết định giám đốc thẩm số 09/2006/KDTM-GĐT ngày 07/12/2006 và xét xử phúc thẩm lại bởi TAND TP. Hồ Chí Minh bằng bản án kinh doanh, thương mại phúc thẩm số 87/2007/KDTM- PT ngày 10/9/2007, một trong những vấn đề pháp lý được đề cập là nghĩa vụ thanh toán tiền hàng của bên mua trong trường hợp hàng hóa chưa được nghiệm thu do không đúng chất lượng như thỏa thuận hợp đồng.
Tóm tắt vụ án:
Theo xác định của Tòa án xét xử phúc thẩm lại (TAND TP. Hồ Chí Minh) thì nguyên đơn (bên bán) và bị đơn (bên mua) đã ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa số 01/MBND/2001, theo đó nguyên đơn bán cho bị đơn tổ máy đựng bao ống từ vải dệt PP/PE, giấy, mới 100%, chế tạo năm 2001, xuất xứ từ Trung Quốc, giá 149.000 USD.
Trị giá hợp đồng được thanh toán làm ba đợt: Đợt 1, ký quỹ 29.800 USD sau khi ký hợp đồng; Đợt 2, thanh toán 89.400 USD trong vòng 03 ngày khi bên bán thông báo thiết bị đã nhập cảng TP. Hồ Chí Minh; Đợt 3, trả 29.800 USD còn lại trong vòng 10 ngày kể từ ngày bên mua đồng ý ký nghiệm thu máy theo phụ lục A. B, F (Phụ lục A:
chi tiết thông số máy; Phụ lục B: các yêu cầu khác về đặc tính kỹ thuật và thành phẩm; Phụ lục F: yêu cầu về nghiệm thu).
Về thực hiện hợp đồng: Bên mua, đã trả đủ 80% giá trị hợp đồng (đợt 1 và 2), đã cùng bên bán sang Trung Quốc giám định thiết bị; Bên bán đã giao và lắp đặt xong tại nhà máy bên mua.
Theo trình bày của nguyên đơn thì nguyên đơn đã hoàn thành nghĩa vụ cam kết trong hợp đồng, đã giải quyết toàn bộ các tồn tại trong biên bản ngày 27/2/2002, bên mua đã cùng ký tên trên Giấy tổng kết công tác chạy thử ngày 23/4/2002 với chuyên gia Trung Quốc và ngày 21/5/2002 bên mua và bên bán đã ký Biên bản giảm
giá hợp đồng; Việc bên mua cho rằng máy in chồng màu không chính xác, yêu cầu bên bán phải điều chỉnh máy, cũng như các tiêu chuẩn kỹ thuật của máy đều không quy định trong hợp đồng, nên bên bán không có trách nhiệm, yêu cầu bên mua phải thanh toán ngay số tiền còn thiếu theo hợp đồng số 01/MBND/ 2001 là 23.143 USD.
Bên mua xác nhận còn nợ bên bán số tiền 23.143 USD và xác nhận bên bán đã thực hiện đúng thỏa thuận theo biên bản ngày 21/5/2002. Tuy nhiên, khi in thử thì chồng màu không chính xác. Vì vậy bên mua không ký biên bản nghiệm thu. Bên mua chỉ đồng ý thanh toán khoản tiền trên nếu bên bán khắc phục được tình trạng máy in chồng màu không chính xác. Việc in phối màu phải theo đúng cuốn “Hướng dẫn sử dụng” do nhà sản xuất cung cấp.
Tại bản án kinh tế sơ thẩm số 217/KTST ngày 25/8/2004 TAND TP. Hồ Chí Minh đã quyết định chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn buộc bị đơn thanh toán số tiền còn nợ theo hợp đồng số 01/MBND/2001 ngày 26/9/2001 với số tiền 23.143,12 USD cho nguyên đơn. Ngày 31/8/2004 bị đơn kháng cáo yêu cầu xem xét lại bản án sơ thẩm. Tại bản án kinh tế phúc thẩm số 12/KTPT ngày 24/02/2005 Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP. Hồ Chí Minh đã quyết định không chấp nhận đơn kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm. Tại quyết định giám đốc thẩm số 09/2006/KDTM- GĐT ngày 07/12/2006 Hội đồng thẩm phán TANDTC đã quyết định hủy bản án kinh tế phúc thẩm số 12/KTPT ngày 24/02/2005 của Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP. Hồ Chí Minh, giao hồ sơ vụ án cho Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP. Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm lại theo quy định của pháp luật.
Tại phiên tòa xét xử phúc thẩm lại bị đơn trình bày: Nhận định của bản án sơ thẩm cho rằng đại diện của bị đơn đã sang Trung Quốc kiểm tra máy, đã ký vào giấy tổng kết công tác chạy thử ngày 23/4/2002 là đã nghiệm thu máy. Nhận định nêu trên là thiếu khách quan, bởi lẽ: Về hình thức các giấy này không có ký xác nhận của hai bên mua và bán. Tất cả các giấy ký xác nhận từ trước ngày 23/4/2001 mới chỉ chạy thử cho một màu. Trong Biên bản ngày 21/5/2002, nguyên đơn xác nhận in thử 3 màu không đạt và thỏa thuận nếu việc in thử nghiệm đạt kết quả hai bên sẽ tiến hành nghiệm thu máy theo hợp đồng. Với xác nhận này nguyên đơn đã khẳng định rằng đến ngày 21/5/2002 hai bên vẫn chưa ký nghiệm thu máy và sau đó cho đến nay nguyên đơn không có chứng cứ nào xác nhận việc in thử nghiệm 04 màu đã đạt tiêu chuẩn như trong sách Hướng dẫn sử dụng máy đã ghi: “.… in 4 màu chính xác không xiêu vẹo (lệch), tỷ lệ thành phẩm lớn hơn 98%”. Do đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 72 Luật Thương mại (1997) bị đơn có quyền không thanh toán cho nguyên đơn số tiền còn lại. Tòa án cấp sơ thẩm không tuyên buộc nguyên đơn gánh chịu chi phí sửa chữa máy là không phù hợp với tình tiết vụ án và quy định của pháp luật. Với thiện chí mong muốn giải quyết việc tranh chấp giữa hai bên kéo dài từ năm 2002 đến nay, bị đơn đồng ý thanh toán cho nguyên đơn 1/2 số tiền còn nợ theo hợp đồng số 01/MBND/2001 ngày 26/09/2001 là 11.571,56 USD, 1/2 số tiền còn lại bị đơn dùng để khắc phục tình trạng máy in chồng màu không chính xác.
Nguyên đơn đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm. Đại diện Viện kiểm sát xét xử phúc thẩm vẫn giữ nguyên nội dung kháng nghị số 58/QĐKN-KT ngày 03/9/2004 của VKSND TP. Hồ Chí Minh, đề nghị chấp nhận kháng nghị nêu trên và kháng cáo của bị đơn, sửa án sơ thẩm, theo đó bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đòi bị đơn phải thanh toán số tiền đồng Việt Nam tương đương 23.143,12 USD còn nợ theo hợp đồng số 01/MBND/2001 ngày 26/09/2001. Nguyên đơn phải thực hiện cam kết trong việc in thử nghiệm 04 màu để hai bên tiến hành nghiệm thu.
Tòa án xét xử phúc thẩm lại xét thấy: Theo bản thuyết minh (do nguyên đơn cung cấp khi chào hàng bán) xác định tính năng kỹ thuật máy là “in 4 màu thông qua chỉnh cơ bản chênh lệch, tiện cho đối chiếu vị trí, chính xác in ấn” (tại điểm 3 Điều 2 mục V) và tại điểm 7 Điều 3 ghi “thường xuyên quan sát tình trạng màu sắc 1, 2, 3, 4 và kịp thời xoay chuyển cơ cấu chênh lệch, in chuyển động chỉnh vị trí trang bị hướng ngang, làm cho chính xác màu sắc, không có hiện tượng thiên lệch”. Thực tế, ngay khi lắp đặt và thử nghiệm đã phát hiện máy không bảo đảm chất lượng như bản thuyết minh nêu trên và hợp đồng mà hai bên đã ký kết. Vì vậy nên ngày 27/2/2002 hai bên đã lập biên bản trong đó ghi nhận việc bên bán sẽ cung cấp bổ sung cho bên mua một số phụ tùng, đổi lại trục xâm lỗ không đạt yêu cầu và trục phụ trợ xâm lỗ kê dưới; Bên mua cho biết khi sản xuất các loại bao khác in 04 màu chưa đạt yêu cầu, bị chồng màu, bị lem, chạy khoảng 10 cái thì bị chồng màu; Bên mua đề nghị giữ lại 6000 USD trong số 29.800 USD còn lại, chờ bên bán làm việc với Công ty Guang Hua (Trung Quốc) giải quyết những vấn đề tồn đọng như: bồi thường máy vi tính và phế liệu. Tiếp theo ngày 21/5/2002 hai bên lập biên bản kiểm tra in phối màu và giải quyết tồn đọng của hợp đồng số 01/MBND/2001, các bên đều thừa nhận: Kết quả in thử vào ngày 20/5 và 21/5/2002 đều không đạt phối màu và bên bán phải có nghĩa vụ khắc phục khiếm khuyết trên và nếu việc in thử nghiệm đạt kết quả, hai bên sẽ tiến hành nghiệm thu máy theo hợp đồng. Ngoài ra bên bán cũng đồng ý bồi thường 1.000 USD cho tiền phế liệu thử nghiệm và giảm giá hợp đồng là 5000 USD do không lắp đặt bộ vi tính. Để thực hiện thỏa thuận trên, vào ngày 02/10/2002 và ngày 06/10/2002 chuyên gia Trung Quốc đã tiến hành in thử nghiệm 3 màu nhưng đều không chính xác, bị lệch nhiều.
Từ những căn cứ nêu trên cho thấy: Bên bán đã giao máy không đúng Điều 1 của hợp đồng phần phụ lục A về chi tiết thông số máy (số lượng in 4 màu) và Điều 2 phụ lục B về yêu cầu khác về đặc tính kỹ thuật. Bên bán chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ bảo hành của mình và chưa làm thủ tục lắp đặt và nghiệm thu theo Điều 3 và Điều 6 của hợp đồng. Phía bên bán cho rằng đã thực hiện đúng hợp đồng, những thiếu sót của máy đã được khắc phục sửa chữa nên yêu cầu bên mua phải thanh toán ngay số tiền còn thiếu là chưa phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 72 của Luật thương mại (1997) quy định về quyền chưa thanh toán tiền mua hàng, theo đó người mua có quyền chưa thanh toán toàn bộ hoặc một phần tiền hàng, nếu khi nhận hàng phát hiện thấy hàng bị hư hỏng, có khuyết tật và chỉ thanh toán khi người bán khắc phục những hư hỏng, khuyết tật đó, trừ trường hợp trong hợp đồng có thỏa thuận khác. Đồng thời
cũng trái với thỏa thuận trong hợp đồng về việc thanh toán số tiền còn lại trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ký nghiệm thu máy. Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn cũng thừa nhận hai bên chưa nghiệm thu về chất lượng in phối màu. Do đó, kháng cáo của bị đơn và kháng nghị của VKSND TP. Hồ Chí Minh về việc đề nghị không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn kiện đòi bị đơn phải thanh toán ngay số tiền đồng Việt Nam còn lại tương đương với 23.143,12 USD là có căn cứ. Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay bị đơn đồng ý thanh toán cho nguyên đơn 1/2 số tiền còn nợ theo hợp đồng số 01/MBND/2001 ngày 26/09/2001 là 11.571,56 USD và 1/2 số tiền còn lại bị đơn dùng để khắc phục tình trạng máy in chồng màu không chính xác. Xét yêu cầu trên là chính đáng, đảm bảo quyền lợi của hai bên đương sự nên cần chấp nhận.
Theo thông báo của Cơ quan thi hành án dân sự TP. Hồ Chí Minh (công văn số 388/THA ngày 25/01/2007) và sự xác nhận của hai bên đương sự thì Cơ quan Thi hành án dân sự TP. Hồ Chí Minh đã thu của bị đơn số tiền 15.801,89 USD để trả nợ cho nguyên đơn. Như vậy, bị đơn đã trả dư cho nguyên đơn số tiền 4.230,33 USD (15.801,89 USD 11.571,56 USD), nay nguyên đơn phải có trách nhiệm hoàn trả lại cho bị đơn số tiền chênh lệch nêu trên. Riêng số tiền 4.718.159 đồng khấu trừ tài khoản Ngân hàng hiện vẫn do Cơ quan Thi hành án dân sự TP. Hồ Chí Minh tạm giữ (Lệnh chuyển có số 00049 ngày 15/8/2005), nên Cơ quan Thi hành án dân sự TP. Hồ Chí Minh lập thủ tục hoàn trả lại số tiền này cho bị đơn.
Do đó tòa án xét xử phúc thẩm lại đã quyết định chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của bị đơn và một phần kháng nghị của VKSND TP. Hồ Chí Minh và sửa bản án sơ thẩm, theo đó: Nguyên đơn phải hoàn trả lại cho bị đơn số tiền 4.230,33 USD, việc thanh toán được thực hiện bằng tiền đồng Việt Nam với tỷ giá bán ra do Ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố ở thời điểm thanh toán; Hoàn trả cho bị đơn số tiền 4.798.159 đồng hiện do Cơ quan Thi hành án dân sự TP. Hồ Chí Minh tạm giữ.
Nhận xét:
Sau khi kết luận bên bán (nguyên đơn) đã giao hàng không đúng thỏa thuận hợp đồng, Tòa án xét xử phúc thẩm lại đã dẫn hai căn cứ để cho rằng bên mua (bị đơn) không vi phạm nghĩa vụ thanh toán, đó là: (1) Người mua có quyền chưa thanh toán toàn bộ hoặc một phần tiền hàng, nếu khi nhận hàng phát hiện thấy hàng bị hư hỏng, có khuyết tật và chỉ thanh toán khi người bán khắc phục những hư hỏng, khuyết tật đó, trừ trường hợp trong hợp đồng có thỏa thuận khác (theo quy định tại khoản 1 Điều 72 LTM 1997) và (2) nghĩa vụ thanh toán số tiền hàng còn lại trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ký nghiệm thu máy theo thỏa thuận hợp đồng chưa phát sinh do hai bên chưa nghiệm thu về chất lượng máy (chất lượng in phối màu). Trong trường hợp cụ thể này việc dẫn đồng thời cả hai căn cứ này là chính xác. Bởi vì, mặc dù bên mua có quyền chưa thanh toán phần tiền hàng còn lại khi phát hiện thấy hàng bị khuyết tật và bên bán chưa khắc phục khuyết tật đó theo quy định tại khoản 1 Điều 72 LTM 1997, nhưng thỏa thuận về việc thanh toán phần tiền hàng còn lại trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ký nghiệm thu máy là “trường hợp hợp đồng có thỏa thuận khác”,
nên nếu hai bên vẫn ký nghiệm thu máy thì nghĩa vụ thanh toán phần tiền hàng còn lại của bên mua vẫn phát sinh theo thỏa thuận hợp đồng, trừ phi bên mua chứng minh được việc ký biên bản nghiệm thu là thiếu tự do ý chí, ví dụ như do bị bên bán cưỡng ép hay lừa dối.
Quan điểm của tòa án xét xử phúc thẩm lại trong việc giải quyết vụ án này cũng vẫn có thể được áp dụng để giải quyết các vụ án có tình tiết và yêu cầu tương tự như vậy dưới hiệu lực của LTM 2005. Bởi vì theo Luật này thì trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, bên mua cũng có quyền tạm ngừng thanh toán tiền hàng, nếu có bằng chứng về việc bên bán đã giao hàng không phù hợp với hợp đồng, cho đến khi bên bán đã khắc phục sự không phù hợp đó (khoản 3 Điều 51).
Quyết định giám đốc thẩm số 07/2006/KDTM-GĐT ngày 06/07/2006 của Hội đồng thẩm phán TANDTC về vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa
Trong vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa giữa nguyên đơn (bên bán) là Công ty TNHH Điện lạnh Sài Gòn (sau đây gọi tắt là Công ty Điện lạnh) và bị đơn (bên mua) là Công ty TNHH Chế biến thực phẩm thương mại Ngọc Hà (sau đây gọi tắt là Công ty Ngọc Hà), được xét xử sơ thẩm bởi TAND TP. Hồ Chí Minh bằng bản án kinh tế sơ thẩm số 94/KTST ngày 10/05/2005, xét xử phúc thẩm bởi Tòa Phúc thẩm TANDTC tại TP. Hồ Chí Minh bằng bản án kinh tế phúc thẩm số 86/2005/KTPT ngày 14/11/2005 và xét xử giám đốc thẩm bởi Hội đồng thẩm phán TANDTC bằng quyết định giám đốc thẩm số 07/2006/KDTM-GĐT ngày 06/07/200652, một trong những vấn đề pháp lý được đề cập là nghĩa vụ thanh toán tiền hàng của bên mua trong trường hợp bên bán giao hàng không đúng chất lượng như thỏa thuận hợp đồng.
Tóm tắt vụ án:
Công ty Điện lạnh và Công ty Ngọc Hà giao kết hợp đồng ngày 27/07/2001 với nội dung Công ty Điện lạnh cung cấp, vận chuyển và lắp đặt cho Công ty Ngọc Hà một hệ thống thiết bị lạnh băng chuyền IQF 500kg/giờ ± 5%, tôm từ 16-20 con/pound; tôm tươi lột vỏ nạp liệu bằng cách sắp tay; tôm tươi có vỏ, tôm luộc nạp liệu tự động; nhiệt độ đầu ra trung tâm sản phẩm là -180C; tổng giá trị của hợp đồng bao gồm cả cung cấp, vận chuyển, lắp đặt và thuế GTGT (5%) là: 137.550 USD.
Ngoài ra hợp đồng còn quy định về phương thức giao nhận, phương thức thanh toán (thanh toán thành 3 lần: Lần 1 sau khi ký hợp đồng tương đương 60.000 USD; lần 2 sau khi đưa máy vào hoạt động tương đương 35.550 USD, lần 3 số tiền còn lại là tương đương 42.000 USD trong vòng 6 tháng kể từ ngày đưa máy vào hoạt động, mỗi tháng tương đương 7.000 USD) và thời hạn bảo hành (12 tháng, kể từ ngày nghiệm thu bàn giao). Thực hiện hợp đồng, Công ty Ngọc Hà đã tạm ứng một phần tiền hàng
52 Vụ án này cũng còn được đề cập đến tại chương 4 (hàng hóa không phù hợp với hợp đồng) và chương 7 (chế tài đối với vi phạm hợp đồng).
cho Công ty Điện lạnh theo thỏa thuận. Từ tháng 7 đến tháng 9-2002, Công ty Điện lạnh hoàn thành việc lắp đặt cho Công ty Ngọc Hà băng chuyền IQF 500kg/giờ.
Theo trình bày của nguyên đơn (Công ty Điện lạnh), trong khi chưa nghiệm thu bị đơn (Công ty Ngọc Hà) đã sử dụng băng chuyền đông lạnh này vào sản xuất mặt hàng nghêu với công suất 600kg/giờ. Sau hơn 1 năm, kể từ ngày đưa máy vào hoạt động, Công ty Ngọc Hà vẫn không chịu nghiệm thu và thanh toán tiền hàng còn lại, mặc dù Công ty Điện lạnh liên tục yêu cầu. Do vậy, Công ty Điện lạnh đã khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc Công ty Ngọc Hà thanh toán tiền hàng và tiền lãi do chậm thanh toán. Theo trình bày của bị đơn, việc chưa nghiệm thu là do hệ thống thiết bị lạnh băng chuyền IQF 500kg/giờ không đạt đúng công suất đã thỏa thuận. Bị đơn đã nhiều lần yêu cầu nguyên đơn phải hiệu chỉnh lại hệ thống theo đúng chất lượng đã ký kết. Trong suốt quá trình hiệu chỉnh máy, nguyên đơn chưa lần nào lập được biên bản xác nhận máy chạy đạt được công suất như thỏa thuận trong hợp đồng. Hai bên cũng đã nhiều lần tổ chức nghiệm thu máy, nhưng không thành và đến ngày 22/7/2004 (thời điểm khởi kiện ra Tòa), hai bên vẫn chưa thống nhất được với nhau về cách thức nghiệm thu máy. Vì vậy, một trong những yêu cầu của bị đơn là nguyên đơn phải đảm bảo đúng yêu cầu kỹ thuật của hệ thống thiết bị lạnh như đã cam kết trong hợp đồng, sau khi nguyên đơn đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật thì bị đơn sẽ thanh toán tiền hàng còn lại. Bị đơn cũng không chấp nhận việc trả tiền lãi vì cho rằng nguyên đơn mới là người vi phạm hợp đồng. Theo bị đơn, thực tế máy đã sử dụng một thời gian, nếu công suất không đạt được mức 500kg/giờ thì cũng phải đạt ở mức có thể chấp nhận được (theo kết quả giám định do Toà án trưng cầu thì công suất chỉ đạt 114,75kg/giờ).
Tại bản án kinh tế sơ thẩm số 94/KTST ngày 10/05/2005, Tòa án cấp sơ thẩm tuyên buộc bị đơn phải thanh toán tiền mua máy còn thiếu và tiền lãi do chậm thanh toán cho nguyên đơn. Tại bản án kinh tế phúc thẩm số 86/2005/KTPT ngày 14/11/2005, Tòa án cấp phúc thẩm quyết định không chấp nhận đơn kháng cáo của bị đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm. Tòa án xét xử giám đốc thẩm đã tuyên hủy bản án kinh tế sơ thẩm số 94/KTST ngày 10/05/2005 của TAND TP. Hồ Chí Minh và bản án kinh tế phúc thẩm số 86/2005/KTPT ngày 14/11/2005 của Tòa Phúc thẩm TANDTC tại TP. Hồ Chí Minh. Trong phần “Xét thấy”, Hội đồng thẩm phán TANDTC có đã dẫn hai nội dung liên quan đến vấn đề đề cập ở đây như sau:
“Như vậy, dù xác định theo mốc thời gian nào thì Công ty Ngọc Hà cũng đã khiếu nại về chất lượng máy trong thời hạn luật định và có quyền yêu cầu giải quyết tranh chấp về chất lượng máy. Tòa án cấp sơ thẩm (BL. 226) và cấp phúc thẩm (BL. 269-268) xác định khiếu nại về chất lượng máy của Công ty Ngọc Hà đã quá hạn luật định, nên đã không xem xét, giải quyết tranh chấp về chất lượng máy theo yêu cầu của Công ty Ngọc Hà là không đúng quy định của pháp luật, tước của Công ty Ngọc Hà quyền được yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình - đây là quyền cơ bản được quy định tại Điều 4 Bộ luật tố tụng dân sự”.