Chương 8. Vấn đề khiếu nại vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa
2.2 Các vấn đề pháp lý về chủ thể hợp đồng mua bán hàng hóa và tư cách đương sự
3.2.4 Hợp đồng mua bán hàng hóa vô hiệu do một trong các bên giao dịch không có đăng ký kinh doanh
Quyết định giám đốc thẩm số 04/2004/HĐTP-KT ngày 27/04/2004 của Hội đồng thẩm phán TANDTC về vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán lắp đặt dây chuyền chế biến cà phê15
Điển hình của việc áp dụng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 Pháp lệnh HĐKT về hợp đồng vô hiệu do “một trong các bên ký kết hợp đồng kinh tế không có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật để thực hiện công việc đã thỏa thuận trong hợp đồng” theo hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán TANDTC tại Nghị quyết số 04/2003/NQ-HĐTP là Quyết định giám đốc thẩm số 04/2004/HĐTP-KT ngày 27/4/2004 về vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán, lắp đặt dây chuyền chế biến cà phê giữa nguyên đơn (bên bán) là Công ty cơ khí ô tô 3/2 Đăk Lăk và bị đơn (bên mua) là Công ty cà phê EASIM.
Trong phiên xét xử sơ thẩm hai bên chỉ tranh chấp về thanh toán tiền hàng còn thiếu và tiền lãi do chậm thanh toán; tòa án cấp sơ thẩm (TAND tỉnh Đăk Lăk) đã chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, tuyên buộc bị đơn thanh toán khoản tiền hàng còn thiếu và tiền lãi do chậm thanh toán. Tuy nhiên, bị đơn đã kháng cáo đề nghị tòa án xét xử phúc thẩm (Tòa Phúc thẩm TANDTC tại Đà Nẵng) tuyên bố hợp đồng vô hiệu toàn bộ. Tòa án xét xử phúc thẩm đã tuyên hợp đồng vô hiệu toàn bộ, buộc nguyên đơn (bên bán) phải hoàn trả toàn bộ số tiền hàng đã nhận, buộc bị đơn (bên mua) phải hoàn trả hàng hóa là dây chuyền chế biến cà phê tươi và dây chuyền sấy cà phê thóc đã lắp đặt. Tòa án xét xử giám đốc thẩm (Hội đồng thẩm phán TANDTC) đã quyết định sửa bản án phúc thẩm, tuyên hợp đồng vô hiệu toàn bộ, nhưng chỉ buộc bị đơn (bên mua) thanh toán khoản tiền tương ứng với tiền hàng còn thiếu. Trong phần “Xét thấy”, Hội đồng thẩm phán TANDTC đã dẫn như sau:
15 Quyết định này còn được đề cập tại Chương 7 (Chế tài đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng trong hợp đồng mua bán hàng hóa).
“Theo hợp đồng kinh tế số 39/HĐKT ký ngày 04-09-1997 giữa Nông trường cà phê EASIM (nay là Công ty cà phê EASIM) với Xí nghiệp sửa chữa ô tô 3/2 Đăk Lăk (nay là Công ty cơ khí ô tô 3/2 Đăk Lăk) thì công việc mà hai bên thỏa thuận là Xí nghiệp sửa chữa ô tô 3/2 Đăk Lăk nhận chế tạo, lắp đặt chạy thử, nghiệm thu, hướng dẫn sử dụng, chuyển giao công nghệ hệ thống chế biến cà phê cho Nông trường cà phê EASIM, gồm các dây chuyền thiết bị:
1- Dây chuyền chế biến cà phê tươi công suất l0 tấn/giờ;
2- Dây chuyền sấy cà phê thóc 16 m3/mẻ.
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, thì Xí nghiệp sửa chữa ô tô 3/2 Đăk Lăk là doanh nghiệp đoàn thể thuộc Ban Tài chính quản trị Tỉnh ủy Đăk Lăk, sau đó được đổi tên thành Công ty cơ khí ô tô 3/2 Đăk Lăk (Quyết định số 2613/QĐ- UB ngày 10-12- 1997 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đăk Lăk). Trước thời điểm ký hợp đồng số 39/HĐKT nêu trên, ngày 22-07-1997 Xí nghiệp sửa chữa ô tô 3/2 Đăk Lăk được Sở Công nghiệp tỉnh Đăk Lăk cấp giấy chứng chỉ hành nghề công nghiệp với nội dung được phép hành nghề: ''thiết kế, thi công các sản phẩm cơ khí công, nông nghiệp''. Tại giấy chứng chỉ hành nghề này đã ghi:
chứng chỉ hành nghề là điều kiện để được cấp giấy phép kinh doanh. Theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 200793 do Sở kế hoạch và đầu tư tỉnh Đăk Lăk cấp ngày 05-01-1998 cho Công ty cơ khí ô tô 3/2 Đăk Lăk thì kể từ khi đăng ký, bổ sung ngành nghề kinh doanh, Công ty cơ khí ô tô 3/2 Đăk Lăk đã không bổ sung ngành, nghề: thiết kế, thi công các sản phẩm cơ khí công, nông nghiệp. Theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 38-CP ngày 28-04-1997 của Chính phủ về sửa đổi và bổ sung một số điều của Nghị định số 50-CP ngày 28-06- 1996 của Chính phủ về thành lập, tổ chức lại, giải thể và phá sản doanh nghiệp Nhà nước thì doanh nghiệp của các tổ chức Đảng được thực hiện theo Luật doanh nghiệp Nhà nước. Theo quy định tại điểm 1 Điều 11 Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 1995 thì doanh nghiệp nhà nước có nghĩa vụ: “Đăng ký kinh doanh và kinh doanh đúng ngành nghề đã đăng ký...”. Như vậy, tại thời điểm ký hợp đồng số 39/HĐKT, cũng như trong quá trình thực hiện hợp đồng và đến trước thời điểm phát sinh tranh chấp, Công ty cơ khí ô tô 3/2 Đăk Lăk vẫn chưa có đăng ký kinh doanh để thực hiện công việc đã thỏa thuận trong hợp đồng. Do đó, việc Tòa án cấp phúc thẩm kết luận hợp đồng kinh tế số 39/HĐKT ký ngày 04-09-1997 giữa hai bên vô hiệu toàn bộ là phù hợp với quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế.
Tuy nhiên, việc Tòa án cấp phúc thẩm buộc Công ty cơ khí ô tô 3/2 Đăk Lăk phải hoàn trả số tiền đã nhận là 821.376.000 đồng cho Công ty cà phê EASIM và buộc Công ty cà phê EASIM phải hoàn trả hệ thống dây chuyền chế biến cà phê tươi, sấy cà phê thóc cho Công ty cơ khí ô tô 3/2 Đăk Lăk là không đúng với hướng dẫn tại điểm b.1 mục 1 phần II Nghị quyết số 04/2003/NQ-HĐTP ngày 27-05-2003 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao “hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong việc giải quyết các vụ án
kinh tế”, bởi các lý do: vì hai dây chuyền cà phê này đã được Công ty cơ khí ô tô 3/2 Đăk Lăk chế tạo, lắp đặt từ năm 1997; ngày 08-06-1999 hai bên đã lập chung tờ trình số 66/TT gửi Tổng công ty cà phê Việt Nam với nội dung: xin hoàn thiện một số chi tiết thiết bị và giúp cho hai đơn vị có điều kiện thanh toán chi phí đã đầu tư thi công công trình. Tại Tờ trình này hai bên cùng khẳng định: “Đánh giá chất lượng sản phẩm: chất lượng chế biến đạt yêu cầu xuất khẩu, vụ chế biến 1998 - 1999 chế biến được 100 tấn cà phê nhân thóc khô đã được xuất bán...”. Mặt khác, tại biên bản nghiệm thu thiết bị chế biến cà phê lập ngày 27-01-2000, hai bên còn xác định hệ thống chế biến cà phê đạt chất lượng, các bộ phận được lắp đặt đúng như hợp đồng đã ký. Như vậy, hai dây chuyền cà phê này đã được Công ty cà phê EASIM đưa vào khai thác, sử dụng và đã chế biến được cà phê để xuất bán; do đó, không thể coi hai dây chuyền cà phê đã lắp đặt tại Công ty cà phê EASIM chưa được đưa vào khai thác, sử dụng, được bảo quản nguyên vẹn như Bản án kinh tế phúc thẩm số 03/2003/KTPT ngày 01-08-2003 của Tòa phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng đã nhận định. Trong trường hợp này, Công ty cà phê EASIM phải thanh toán số tiền còn thiếu theo hợp đồng cho Công ty cơ khí ô tô 3/2 Đăk Lăk và không phải chịu tiền lãi do chậm thanh toán.”
Có thể nói, đây là trường hợp điển hình về hợp đồng vô hiệu theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 Pháp lệnh HĐKT. Tuy nhiên, hợp đồng vị tuyên vô hiệu toàn bộ không phải vì vào thời điểm giao kết hợp đồng nguyên đơn (bên bán) không có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật để thực hiện công việc đã thỏa thuận trong hợp đồng, mà vì đến thời điểm xảy ra tranh chấp nguyên đơn vẫn không đăng ký kinh doanh bổ sung để thực hiện công việc đó theo như hướng dẫn tại điểm b khoản 2 mục I Nghị quyết số 04/2003/NQ-HĐTP.
Ngoài ra, về việc xử lý hợp đồng vô hiệu thì đây cũng là quyết định giám đốc thẩm điển hình áp dụng pháp luật theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 04/2003/NQ- HĐTP. Trong trường hợp này tòa án xét xử giám đốc thẩm xác định rằng hàng hóa được nguyên đơn cung cấp và lắp đặt đã được bị đơn đưa vào khai thác, sử dụng và chế biến được sản phẩm để bán, nên thuộc trường hợp “không thể hoàn trả được tài sản đã nhận bằng hiện vật” và do đó “bên nhận tài sản chỉ phải thanh toán bằng tiền cho bên giao tài sản theo giá đã được các bên thỏa thuận, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác không trái pháp luật”.16
Quyết định giám đốc thẩm số 03/2003/HĐTP-KT ngày 24/02/2003 của Hội đồng thẩm phán TANDTC về vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán xe ô tô trả chậm
16 Về quyết định giám đốc thẩm số 04/2004/HĐTP-KT ngày 27/4/2004 này xem thêm bình luận của Đỗ Văn Đại (2006), “Thực hiện hợp đồng bị tuyên bố vô hiệu”, Tạp chí Khoa học pháp lý, số 5/2006, tr.
15
Trong vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán xe ô tô trả chậm giữa nguyên đơn (bên bán) là Công ty liên doanh ô tô Việt Nam Daewoo (Công ty VIDAMCO) và bị đơn là Công ty TNHH xây dựng giao thông thương mại Tân Á (Công ty TANACO) được xét xử sơ thẩm bởi TAND TP. Hồ Chí Minh bằng bản án án kinh tế sơ thẩm số 116/KTST ngày 06/07/200, xét xử phúc thẩm bởi Tòa Phúc thẩm TANDTC tại TP.
Hồ Chí Minh bằng bản án kinh tế phúc thẩm số 02/KTPT ngày 10/ 01/ 2002 và xét xử giám đốc thẩm bởi Hội đồng thẩm phán TANDTC bằng quyết định giám đốc thẩm số 03/2003/HĐTP-KT ngày 24/02/2003, một trong những vấn đề được xem xét là liệu hợp đồng có bị vô hiệu do “một trong các bên không có đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật để thực hiện công việc đã thỏa thuận trong hợp đồng” hay không.
Trong vụ án này, trong phiên sơ thẩm các bên chỉ tranh chấp về việc thanh toán tiền hàng và tiền lãi do chậm trả, nhưng bị đơn đã kháng cáo bản án sơ thẩm đề nghị tòa án cấp phúc thẩm tuyên hợp đồng bị vô hiệu toàn bộ bởi một số lý do, trong đó có lý do nguyên đơn “khi ký hợp đồng chưa có chức năng kinh doanh vận tải hành khách”. Tòa án cấp phúc thẩm đã tuyên hợp đồng vô hiệu toàn bộ bởi một số lý do, trong đó có lý do: “Vào thời điểm hai bên ký hợp đồng số VID-TNC/95702 ngày 07- 07-1995 thì Công ty TANACO chưa có chức năng mua bán xe ô tô, ngày 08-07-1995 mới bổ sung chức năng mua bán xe ô tô, ngày 17-10-1995 mới bổ sung chức năng vận chuyển hành khách bằng xe taxi. Như vậy, đến ngày ký hợp đồng thì Công ty TANACO chưa đăng ký kinh doanh vận chuyển hành khách bằng xe taxi thì việc mua bán xe này là chưa hợp pháp”.
Tuy nhiên, tòa án xét xử giám đốc thẩm lại nhận định: “Trước khi ký hợp đồng nêu trên, Công ty TANACO là doanh nghiệp được thành lập hợp pháp đã có đăng ký kinh doanh cấp ngày 09-11-1994 (xây dựng công nghiệp..., sửa chữa phương tiện vận tải..., đại lý ký gửi hàng hóa cho các doanh nghiệp trong nước). Hợp đồng số VID-TNC/95702 ngày 07-07-1995 là hợp đồng mua bán xe ô tô nhằm chuẩn bị cho việc kinh doanh tắc xi vận tải hành khách... Công ty TANACO mua xe để sử dụng chứ không phải là mua xe để bán (kinh doanh xe nguyên chiếc). Mặt khác, ngay sau ngày ký hợp đồng, ngày 08-07-1995 Công ty TANACO đã có đăng ký bổ sung ngành nghề: “Mua bán hàng nông lâm sản, xe tải, ô tô, xe gắn máy, phân bón” và ngày 17- 10-1995 TANACO đã đăng ký bổ sung ngành nghề vận chuyển hành khách bằng taxi.
Hơn nữa, sau khi ký hợp đồng, ngày 07-08-1995 hai bên còn ký phụ kiện và bản sửa đổi hợp đồng. Bản sửa đổi này có hiệu lực từ ngày 24-01-1996. Như vậy, vào thời điểm có hiệu lực của bản sửa đổi phụ lục hợp đồng Công ty TANACO không những đã có đăng ký bổ sung ngành nghề mua bán xe ô tô, mà còn có đăng ký bổ sung ngành nghề vận chuyển hành khách bằng taxi. Vì vậy, hợp đồng số VID-TNC/95702 ngày 07-07-1995 cũng không bị vô hiệu vì lý do nêu trên.”
Vụ án này được xét xử ở cả ba cấp đều trước thời điểm Nghị quyết 04/2003/NQ-HĐTP ngày 27/4/2003 được ban hành. Nên thực ra việc tòa án cấp phúc thẩm tuyên hợp đồng vô hiệu toàn bộ là phù hợp với hướng dẫn của Trọng tài kinh tế nhà nước trước đây về quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 Pháp lệnh HĐKT. Theo
đó, một hợp đồng kinh tế bị coi là vô hiệu ngay từ khi nó “hình thành”, nếu pháp luật quy định để thực hiện công việc đã thỏa thuận trong hợp đồng hai bên phải có đăng ký kinh doanh, mà một trong hai bên không có đăng ký kinh doanh hoặc pháp luật quy định chỉ một bên phải có đăng ký kinh doanh nhưng bên đó không có đăng ký kinh doanh17. Trong khi đó tòa án xét xử giám đốc thẩm xác định hợp đồng có hiệu lực với các lập luận gần với hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán TANDTC tại Nghị quyết số 04/2003/NQ-HĐTP ngày 27/5/2003 sau đó.
3.3 Nhận xét chung
Từ các bản án mà nhóm nghiên cứu thu thập được và chọn lọc ra để phân tích trên đây, có thể thấy nhóm vấn đề hiệu lực của hợp đồng đóng một vai trò quan trọng trong thực tiễn xét xử. Trong đó các trường hợp cần phải xem xét liệu hợp đồng có vô hiệu do người ký kết hợp đồng không có quyền đại diện, do hợp đồng có thỏa thuận giá cả, thanh toán bằng ngoại tệ và do một hoặc các bên không có đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật để thực hiện công việc được thỏa thuận trong hợp đồng là khá phổ biến trong thực tiễn xét xử. Nghiên cứu này cho thấy, đối với các vấn đề này các hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán TANDTC tại Nghị quyết số 04/2003/NQ-HĐTP ngày 27/5/2003 đã đóng một vài trò quan trọng trong việc đảm bảo hệ thống tòa án
“áp dụng đúng và thống nhất các quy định của pháp luật trong việc giải quyết các vụ án kinh tế, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, phù hợp với thực tiễn sản xuất kinh doanh trọng điều kiện hiện nay”18. Thực tế hệ thống tòa án cũng đã tuân thủ tốt và nhất quán các hướng dẫn áp dụng pháp luật tại Nghị quyết này.
Mặt khác, cũng cần nhìn nhận rằng: Mặc dù các nội dung hướng dẫn về việc xác định hợp đồng kinh tế vô hiệu và xử lý hợp đồng kinh tế vô hiệu tại Nghị quyết 04/2003/NQ-HĐTP nhằm vào việc áp dụng các quy định của Pháp lệnh HĐKT 1989 nay đã hết hiệu lực, nhưng theo quan điểm của Nhóm nghiên cứu thì hướng dẫn tại Nghị quyết này về căn cứ hợp đồng vô hiệu do một trong các bên hoặc các bên không có đăng ký kinh doanh để thực hiện các công việc đã thỏa thuận vẫn có giá trị tham khảo đối với việc xem xét hiệu lực của hợp đồng theo quy định của BLDS ngày nay.
Bởi vì theo quy định tại Điều 128 BLDS 2005 thì hợp đồng vẫn vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật. Căn cứ định nghĩa về điều cấm của BLDS 2005 thì quy định về nghĩa vụ của doanh nghiệp tại khoản 1 Điều 9 LDN 2005, theo đó doanh nghiệp có nghĩa vụ “hoạt động kinh doanh theo đúng ngành, nghề đã ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh”, hàm chứa điều cấm doanh nghiệp không được tiến hành các hoạt động kinh doanh chưa hoặc không có đăng ký kinh doanh. Bởi vậy theo quan điểm của Nhóm nghiên cứu thì theo pháp luật hiện hành hợp đồng vẫn bị xem là vô hiệu, nếu một trong các bên hoặc các bên không có đăng ký kinh doanh để thực hiện
17 Xem mục VIII.1.b Thông tư của Trọng tài kinh tế nhà nước số 108/TT-PC ngày 19/5/1990 hướng dẫn ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế.
18 Xem phần mở đầu của Nghị quyết số 04/2003/NQ-HĐTP.
các công việc đã thỏa thuận như theo Pháp lệnh HĐKT 1989 trước đây. Tuy nhiên, cũng theo quan điểm của Nhóm nghiên cứu thì tình trạng pháp luật này thể hiện sự hạn chế quá mức quyền tự do kinh doanh của công dân, gây mất an toàn trong giao dịch thương mại và chỉ có lợi cho bên thiếu thiện chí hợp đồng và vì vậy cần được sửa đổi theo hướng quy định việc tiến hành hoạt động kinh doanh mà không hoặc chưa đăng ký kinh doanh ngành, nghề đó là hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh, thương mại, nhưng không ảnh hưởng đến hiệu lực của hợp đồng thương mại được giao kết để thực hiện hoạt động kinh doanh đó.
Danh mục bản án liên quan
1. Quyết định giám đốc thẩm số 08/KDTM-GĐT ngày 08/12/2005 của Hội đồng thẩm phán TANDTC về vụ án “tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa, dịch vụ bảo trì trạm biến áp”
2. Quyết định giám đốc thẩm số 03/2003/HĐTP-KT ngày 24/02/2003 của Hội đồng thẩm phán TANDTC về vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán xe ô tô trả chậm 3. Quyết định giám đốc thẩm số 04/2004/HĐTP-KT ngày 27/04/2004 của Hội đồng
thẩm phán TANDTC về vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán lắp đặt dây chuyền chế biến cà phê
4. Quyết định giám đốc thẩm số 06/2003/HĐTP-KT ngày 29/05/2003 của Hội đồng thẩm phán TANDTC về vụ án tranh chấp hợp đồng cung cấp và lắp đặt hệ thống lọc nước tinh khiết
5. Quyết định giám đốc thẩm số 09/KDTM-GĐT ngày 08/12/2005 của Hội đồng thẩm phán TANDTC về vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa
6. Bản án số 380/2006/KDTM-ST ngày 01/8/2006 của TAND TP. Hồ Chí Minh về việc tranh chấp hợp đồng mua bán
7. Bản án số 2100/2007/KDTM-ST ngày 22/11/2007 của TAND TP. Hồ Chí Minh về việc tranh chấp hợp đồng mua bán
8. Quyết định giám đốc thẩm số 06/2008/KDTM-GĐT ngày 24/6/2008 của Tòa Kinh tế TANDTC về việc tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa
9. Bản án số 1184/2007/KDTM-ST ngày 10/7/2007 của TAND TP. Hồ Chí Minh về tranh chấp hợp đồng cung cấp và lắp đặt thiết bị