Chương 8. Vấn đề khiếu nại vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa
2.2 Các vấn đề pháp lý về chủ thể hợp đồng mua bán hàng hóa và tư cách đương sự
5.1.1 Nghĩa vụ giao hàng của bên bán
Nghĩa vụ giao hàng là nghĩa vụ cơ bản nhất của bên bán được pháp luật thương mại quy định dưới hình thức một quy phạm bắt buộc, theo đó bên bán phải giao hàng, chứng từ theo thỏa thuận trong hợp đồng về số lượng, chất lượng, cách thức đóng gói, bảo quản và các quy định khác trong hợp đồng31. Như vậy, nghĩa vụ giao hàng của bên bán không chỉ giới hạn ở nghĩa vụ giao hàng phù hợp với thỏa thuận hợp đồng về sô lượng, chất lượng, cách thức đóng gói, bảo quản, mà còn bao gồm nghĩa vụ giao hàng đúng thời hạn, địa điểm, phương thức theo thỏa thuận trong hợp đồng. Trường hợp không có thỏa thuận cụ thể, bên bán có nghĩa vụ giao hàng và chứng từ liên quan theo quy định của pháp luật thương mại. Ở phần này, nhóm nghiên cứu tập trung phân tích về nghĩa vụ giao hàng đúng thời hạn, địa điểm, phương thức của bên bán.
Thứ nhất, về nghĩa vụ giao hàng đúng thời hạn: Theo khoản 1 Điều 37 LTM 2005, bên bán phải giao hàng vào đúng thời điểm giao hàng đã thỏa thuận trong hợp đồng32. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định, thời điểm giao hàng và thời điểm nhận hàng có thể không trùng lặp nhau tùy thuộc vào thỏa thuận của các bên trong hợp đồng. Việc phân biệt các thời điểm này rất cần thiết cho việc xác định thời điểm hoàn thành nghĩa vụ giao hàng của bên bán và thời điểm phát sinh nghĩa vụ nhận hàng của bên mua, từ đó là cơ sở để xác định trách nhiệm của các bên liên quan đến hành vi giao nhận hàng hóa. Trong một số vụ việc cụ thể, theo thỏa thuận của các bên trong hợp đồng, khi hàng hóa đã được đặc định hóa và được bên bán đặt dưới quyền định đoạt của bên mua thì bên bán được coi là đã thực hiện nghĩa vụ giao hàng vào đúng thời điểm giao hàng đã thoả thuận trong hợp đồng mà không phụ thuộc vào thời điểm nhận hàng của bên mua hay việc đã thực tế giao hàng cho bên mua hay chưa.
Theo LTM 2005, trường hợp chỉ có thỏa thuận về thời hạn giao hàng mà không xác định thời điểm giao hàng cụ thể thì bên bán có quyền giao hàng vào bất kỳ thời điểm nào trong thời hạn đó và phải thông báo trước cho bên mua. Trường hợp không có thỏa thuận về thời hạn giao hàng thì bên bán phải giao hàng trong một thời hạn hợp lý sau khi giao kết hợp đồng33. Như vậy, trong các trường hợp này, LTM
31 Khoản 1 Điều 34 LTM 2005
32 LTM 1997 cũng có quy định tương tự, theo đó người bán phải giao hàng đúng thời hạn theo thỏa thuận trong hợp đồng (khoản 1 Điều 60 LTM 1997)
33 Điều 37 LTM 2005
2005 quy định theo hướng trao quyền chủ động cho bên bán trong việc tự mình xác định thời điểm giao hàng cụ thể - bất kỳ thời điểm nào trong thời hạn giao hàng nếu chỉ có thỏa thuận về thời hạn giao hàng mà không xác định thời điểm giao hàng cụ thể hoặc thời hạn hợp lý sau khi giao kết hợp đồng nếu không có thỏa thuận về thời hạn giao hàng với điều kiện thông báo trước cho bên mua. Quy định này phần nào phản ánh sự phù hợp của LTM 2005 khi điều chỉnh quan hệ mua bán hàng hóa vì nghĩa vụ giao hàng trong thương mại áp đặt cho bên bán trách nhiệm nặng nề hơn nghĩa vụ nhận hàng của bên mua. Bên bán có trách nhiệm phải giao hàng phù hợp với thỏa thuận trong hợp đồng và bản thân bên bán phải thực hiện nhiều hành vi phức tạp trước đó như thu mua hoặc sản xuất/chế tạo, đóng gói, xác định bằng ký mã hiệu, thu xếp việc vận chuyển và các hành vi khác để đi đến hành vi giao nhận cuối cùng34. Về vấn đề này, LTM 1997 không quy định cụ thể về cách thức xác định thời hạn giao hàng trong trường hợp hợp đồng không có thỏa thuận về thời hạn này. Lý do nhà làm luật không dự liệu trường hợp này có lẽ do đã xác định rằng trường hợp này không thể xảy ra. Bởi theo LTM 1997, hợp đồng được coi là chưa hình thành nếu thiếu thỏa thuận về thời hạn giao nhận hàng hóa - một trong những nội dung chủ yếu mà các bên bắt buộc phải thỏa thuận trong hợp đồng mua bán hàng hóa35. Tuy nhiên, thông qua việc nghiên cứu các bản án và phán quyết trọng tài, nhóm nghiên cứu nhận thấy vấn đề pháp lý về xác định thời hạn giao nhận hàng hóa phát sinh khi các bên sửa đổi, bổ sung hợp đồng (theo trình tự và thủ tục phù hợp với quy định của pháp luật). Việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng (phù hợp với ý chí của các bên) làm thay đổi điều kiện thời hạn giao hàng đã được xác định trong hợp đồng nhưng bản thân thỏa thuận sửa đổi lại không xác định rõ thời hạn cần thiết để thực hiện xong việc giao hàng. Vì vậy, có khả năng xảy ra trường hợp quy định của LTM 1997 không đủ cơ sở để ràng buộc trách nhiệm của mỗi bên trong hợp đồng đối với nghĩa vụ giao nhận hàng hóa. Các bên trong hợp đồng nếu không nhận biết vấn đề này để có những thỏa thuận phù hợp có thể phải gánh chịu những hệ quả bất lợi khi hợp đồng không thể được thực hiện đến cùng (do không đủ cơ sở ràng buộc trách nhiệm của mỗi bên như đã đề cập ở trên).
Theo Điều 38 LTM 2005, trường hợp bên bán giao hàng trước thời hạn đã thỏa thuận thì bên mua có quyền nhận hoặc không nhận hàng nếu các bên không có thỏa thuận khác36. Như vậy, nếu không có thỏa thuận khác, khi bên bán giao hàng trước thời hạn đã thỏa thuận thì bên mua có quyền từ chối nhận hàng mà không phân biệt vi phạm của bên bán có cấu thành vi phạm cơ bản hay không hoặc hàng hóa có phù hợp với hợp đồng hay không. Tuy nhiên, bên mua chỉ được quyền từ chối nhận
34 Khác với cách thức tiếp cận của LTM 2005, trong quan hệ mua bán tài sản theo pháp luật dân sự, BLDS 2005 điều chỉnh theo hướng dung hòa quyền của các bên, theo đó khi các bên không thỏa thuận thời hạn giao tài sản thì bên mua có quyền yêu cầu bên bán giao tài sản và bên bán cũng có quyền yêu cầu bên mua nhận tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải thông báo trước cho nhau một thời gian hợp lý (Khoản 2 Điều 432 BLDS 2005).
35 Tham khảo Điều 50 LTM 1997
36 Về vấn đề này, LTM 1997 quy định người bán chỉ có thể giao hàng trước thời hạn, giao hàng từng phần khi có sự thỏa thuận trong hợp đồng hoặc khi được người mua chấp thuận (khoản 5 Điều 60 LTM 1997)
hàng hóa trong khoảng thời gian hàng giao trước thời hạn, nếu đến thời hạn thỏa thuận trong hợp đồng mà bên bán giao hàng trở lại thì bên mua có nghĩa vụ nhận hàng. Quyền không nhận hàng trong trường hợp này được phân biệt với quyền từ chối nhận hàng theo khoản 2 Điều 39 LTM 2005.
Thứ hai, về nghĩa vụ giao hàng đúng địa điểm: Theo quy định tại Điều 35 LTM 2005, bên bán có nghĩa vụ giao hàng đúng địa điểm đã thỏa thuận. Trường hợp không có thoả thuận về địa điểm giao hàng thì địa điểm giao hàng được xác định như sau:
(i) Trường hợp hàng hoá là vật gắn liền với đất đai thì bên bán phải giao hàng tại nơi có hàng hoá đó;
(ii) Trường hợp trong hợp đồng có quy định về vận chuyển hàng hoá thì bên bán có nghĩa vụ giao hàng cho người vận chuyển đầu tiên;
(iii) Trường hợp trong hợp đồng không có quy định về vận chuyển hàng hoá, nếu vào thời điểm giao kết hợp đồng, các bên biết được địa điểm kho chứa hàng, địa điểm xếp hàng hoặc nơi sản xuất, chế tạo hàng hoá thì bên bán phải giao hàng tại địa điểm đó;
(iv) Trong các trường hợp khác, bên bán phải giao hàng tại địa điểm kinh doanh của bên bán, nếu không có địa điểm kinh doanh thì phải giao hàng tại nơi cư trú của bên bán được xác định tại thời điểm giao kết hợp đồng mua bán37.
Quy định về cách thức xác định địa điểm giao hàng như trên thể hiện sự khác biệt giữa LTM 2005 áp dụng điều chỉnh hợp đồng mua bán hàng hóa và BLDS 2005 điều chỉnh hợp đồng mua bán tài sản. Theo đó, BLDS 2005 quy định địa điểm giao tài sản do các bên thỏa thuận, trường hợp các bên không có thỏa thuận thì địa điểm được xác định là (i) nơi có bất động sản, nếu đối tượng của hợp đồng là bất động sản; (ii) nơi cư trú hoặc trụ sở của bên mua (bên có quyền), nếu đối tượng của hợp đồng không phải là bất động sản38. Như vậy, BLDS 2005 quy định theo hướng bất lợi cho bên bán, đối với tài sản không phải là bất động sản, nếu không có thỏa thuận về địa điểm giao tài sản thì tài sản được giao tại nơi cư trú hoặc trụ sở của bên mua. Ngược lại, LTM 2005 quy định theo hướng bất lợi cho bên mua, theo đó đối với hàng hóa không là vật gắn liền với đất đai, nếu không có thỏa thuận về địa điểm giao hàng thì hàng được giao tại kho chứa hàng, địa điểm xếp hàng, nơi sản xuất, chế tạo hàng hóa, địa điểm kinh doanh hoặc nơi cư trú của bên bán. Bên mua trong quan hệ hợp đồng mua bán hàng hóa cũng cần nhận thức rõ vấn đề này để thỏa thuận cụ thể về địa điểm giao hàng nhằm hạn chế rủi ro cũng như các chi phí phát sinh liên quan đến nghĩa vụ nhận hàng.
37 LTM 1997 không quy định về cách thức xác định địa điểm giao hàng trong trường hợp hợp đồng không có thỏa thuận về vấn đề này. Tương tự như được phân tích ở phần quy định về thời hạn giao hàng, nhà làm luật không dự liệu trường hợp này bởi lẽ theo Điều 50 LTM 1997, địa điểm giao nhận hàng hóa là một trong những nội dung chủ yếu mà các bên bắt buộc phải thỏa thuận trong hợp đồng mua bán hàng hóa.
38 Tham khảo Điều 433 BLDS 2005 và Khoản 2 Điều 284 BLDS 2005
Thứ ba, về nghĩa vụ giao hàng đúng phương thức: Các bên có thể thỏa thuận trong hợp đồng về phương thức giao hàng, theo đó việc giao hàng có thể thực hiện theo phương thức (i) giao hàng trực tiếp từ người bán cho người mua, hoặc (ii) giao hàng thông qua người vận chuyển hoặc (iii) giao hàng cho người nhận hàng để giao mà không phải là người vận chuyển; hoặc (iv) các phương thức khác phù hợp với điều kiện giao nhận của các bên. Đối với phương thức giao hàng thông qua người vận chuyển, hàng hóa phải được xác định rõ bằng ký mã hiệu, chứng từ vận chuyển hoặc bằng cách thức khác, nếu không thì bên bán phải thông báo cho bên mua về việc đã giao hàng cho người vận chuyển và phải xác định rõ tên và cách thức nhận biết hàng hóa được vận chuyển. Nếu bên bán có nghĩa vụ thu xếp việc chuyên chở hàng hóa thì nghĩa vụ này ràng buộc trách nhiệm của bên bán phải đảm bảo việc chuyên chở được thực hiện đến đích bằng các phương tiện chuyên chở thích hợp với hoàn cảnh cụ thể và theo các điều kiện thông thường đối với phương thức chuyên chở đó. Việc quyết định phương tiện chuyên chở phù hợp (vận chuyển bằng phương tiện vận tải đường bộ, đường sắt, đường hàng không, hàng hải, thủy nội địa hoặc đường ống) cùng với cách thức chuyên chở tương ứng (hàng được chở tách biệt hoặc hàng phải chở ghép với hàng hóa khác trước khi đến đích hoặc các cách thức khác) phải tuân thủ các điều kiện giao hàng do các bên thỏa thuận. Các vi phạm về nghĩa vụ giao hàng đúng phương thức của bên bán thường dẫn đến các vi phạm về nghĩa vụ giao hàng đúng thời hạn, nghĩa vụ giao hàng phù hợp với hợp đồng (chẳng hạn như phương tiện chuyên chở và cách thức chuyên chở không phù hợp là nguyên nhân dẫn đến việc giao hàng chậm hoặc hàng hóa không phù hợp với hợp đồng về số lượng, chất lượng, bao bì đóng gói...). Các vi phạm mang tính chất dây chuyền như vậy thường làm phức tạp thêm tranh chấp của các bên trong hợp đồng mua bán hàng hóa, nhất là trong trường hợp rất khó phân định trách nhiệm của các bên đối với hàng hóa sau khi bên mua đã có hành vi tiếp nhận mà không kiểm tra hàng.