Chương 4. Vấn đề hàng hóa không phù hợp với hợp đồng
4.1 Các vấn đề pháp lý về hàng hóa không phù hợp với hợp đồng
Nghĩa vụ giao hàng phù hợp với hợp đồng là nghĩa vụ cơ bản của bên bán trong hợp đồng mua bán hàng hóa. Theo quy định tại khoản 1 Điều 34 LTM 2005, bên bán phải giao hàng theo thỏa thuận trong hợp đồng về số lượng, chất lượng, cách thức đóng gói, bảo quản và các quy định khác trong hợp đồng. Quy định này cho phép hiểu rằng hàng hóa phù hợp với hợp đồng là hàng hóa được bên bán giao theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng về số lượng, chất lượng, cách thức đóng gói, bảo quản và các quy định khác trong hợp đồng. Như vậy, thỏa thuận trong hợp đồng là căn cứ quan trọng để xác định hàng hóa được giao là hàng hóa phù hợp với hợp đồng hay không. Trong trường hợp thỏa thuận hợp đồng không cung cấp được căn cứ để xác định hàng hóa có phù hợp với hợp đồng hay không thì quy định của LTM 2005 được áp dụng để xác định vấn đề này. Theo đó, trường hợp hợp đồng không có quy định cụ thể thì hàng hóa được coi là không phù hợp với hợp đồng khi hàng hóa đó thuộc một trong các trường hợp sau đây (khoản 1 Điều 39):
(i) Không phù hợp với mục đích sử dụng thông thường của các hàng hóa cùng chủng loại;
(ii) Không phù hợp với bất kỳ mục đích cụ thể nào mà bên mua đã cho bên bán biết hoặc bên bán phải biết vào thời điểm giao kết hợp đồng;
(iii) Không bảo đảm chất lượng như chất lượng của mẫu hàng hóa mà bên bán đã giao cho bên mua;
(iv) Không được bảo quản, đóng gói theo cách thức thông thường đối với loại hàng hóa đó hoặc không theo cách thức thích hợp để bảo quản hàng hóa trong trường hợp không có cách thức bảo quản thông thường.
Về nghĩa vụ giao hàng của bên bán, LTM 1997 cũng có quy định tương tự (khoản 1 Điều 60), theo đó người bán phải giao hàng đúng số lượng, chất lượng, quy cách, bao bì và đúng thời hạn theo thỏa thuận trong hợp đồng. Trên cơ sở quy định này, có thể hiểu rằng LTM 1997 cũng đặt ra yêu cầu đối với hàng hóa được giaolà phải đúng số lượng, chất lượng, quy cách, bao bì và đúng thời hạn theo thỏa thuận trong hợp đồng. Tuy nhiên, nội hàm của quy định tại khoản 1 Điều 34 LTM 2005 rộng hơn so với quy định tại khoản 1 Điều 60 LTM 1997 khi quy định hàng được giao không chỉ đúng về số lượng, chất lượng, cách thức đóng gói, bảo quản theo thỏa thuận trong hợp đồng mà còn phải đúng với các quy định khác trong hợp đồng. Trong khi đó quy định tại khoản 1 Điều 60 LTM 1997 chỉ thu hẹp trong quy định về hàng hóa đúng số lượng, chất lượng, quy cách, bao bì và đúng thời hạn theo thỏa thuận trong
hợp đồng. Cách thức quy định của LTM 1997 như vậy dẫn đến hệ quả không bao quát hết các trường hợp hàng hóa được giao không phù hợp với hợp đồng để từ đó ràng buộc trách nhiệm của người bán đối với hàng không phù hợp với hợp đồng như quy định tại Điều 68 LTM 1997.
Mặt khác, từ quy định tại khoản 1 Điều 39 LTM 2005 về căn cứ xác định hàng hóa không phù hợp với hợp đồng trong trường hợp hợp đồng không có quy định cụ thể , có thể nhận thấy Luật này tiếp cận các quy định về chất lượng, số lượng, bao bì, đóng gói hàng hóa không theo cách thức mà LTM 1997 đã áp dụng khi quy định các nghĩa vụ giao hàng của bên bán liên quan đến chất lượng, số lượng, bao bì, đóng gói theo các tiêu chuẩn bắt buộc nếu hợp đồng không có quy định cụ thể. Theo quy định tại khoản 2, 3 Điều 60 LTM 1997 thì (i) trong trường hợp chất lượng hàng hóa không được xác định cụ thể trong hợp đồng thì người bán phải giao hàng có chất lượng trung bình của loại hàng hóa đó được lưu thông trên thị trường tại thời điểm giao hàng hoặc (ii) trong trường hợp bao bì hàng hóa không được quy định cụ thể trong hợp đồng thì người bán phải giao hàng với bao bì thường dùng cho loại hàng này; bao bì phải bảo đảm an toàn hàng hóa trong quá trình vận chuyển, có tính đến khả năng chuyển tải trong điều kiện bốc dỡ thông thường và phải phù hợp với thời gian, phương tiện vận tải. LTM 2005 không còn quy định nghĩa vụ giao hàng với chất lượng trung bình hay giao hàng với bao bì thường dùng trong trường hợp chất lượng hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa không được quy định cụ thể trong hợp đồng, mà thay vào đó Luật này quy định các trường hợp hàng hóa được xem là không phù hợp với hợp đồng và trách nhiệm của bên bán đối với hàng hóa không phù hợp với hợp đồng cũng như các biện pháp pháp lý được áp dụng trong trường hợp giao hàng không phù hợp với hợp đồng19. Tuy cách thức tiếp cận khác nhau nhưng LTM 2005 và LTM 1997 về cơ bản đều dựa trên việc xác định hàng hóa không phù hợp với hợp đồng để từ đó ràng buộc trách nhiệm của bên bán đối với hàng hóa trong trường hợp này và quy định các quyền của bên mua cũng như nghĩa vụ pháp lý của bên bán phát sinh do hành vi giao hàng không phù hợp với hợp đồng. Sự khác biệt giữa LTM 2005 và LTM 1997 chủ yếu ở các quy định cụ thể về trách nhiệm của bên bán đối với hàng hóa không phù hợp với hợp đồng (như được phân tích ở phần sau) và một số quy định về quyền của bên mua và nghĩa vụ của bên bán trong trường hợp bên bán giao hàng không phù hợp với hợp đồng (ví dụ: nghĩa vụ giao hàng với chất lượng trung bình hay giao hàng với bao bì thường dùng trong trường hợp chất lượng hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa không được quy định cụ thể trong hợp đồng theo LTM 1997 nhưng nghĩa vụ này của bên bán được loại bỏ theo LTM 2005).
19 Với cách tiếp cận này, LTM 2005 cũng tách khỏi ý niệm về chất lượng của vật mua bán của BLDS 2005 với quy định khi các bên không có thỏa thuận và pháp luật không có quy định về chất lượng thì chất lượng của vật mua bán được xác định theo mục đích sử dụng và chất lượng trung bình của vật cùng loại (khoản 3 Điều 430 BLDS 2005). Về vấn đề này, tham khảo Phan Huy Hồng, “Nguyên tắc lỗi trong pháp luật thương mại Việt Nam”, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 11(270)/2010, trang 19-33.
Như vậy, căn cứ xác định hàng hóa không phù hợp với hợp đồng có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định các quyền và nghĩa vụ pháp lý của bên mua và bên bán, từ đó xác định trách nhiệm của bên bán đối với hàng hóa không phù hợp với hợp đồng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định, việc dựa trên thỏa thuận trong hợp đồng và các quy định của pháp luật thương mại để xác định liệu hàng hóa được giao có phù hợp với hợp đồng hay không trở nên không đơn giản. Quá trình nghiên cứu, phân tích các bản án và các quyết định trọng tài cho thấy nhiều vấn đề pháp lý phát sinh liên quan đến căn cứ xác định hàng hóa không phù hợp với hợp đồng và cùng với đó là các quan điểm xét xử của Tòa án hoặc Trọng tài (được đề cập ở phần thực tiễn tài phán của tòa án và trọng tài thương mại về hàng hóa không phù hợp với hợp đồng). Thông qua các nghiên cứu, phân tích này có thể nhận thấy sự ảnh hưởng nhất định từ các quan điểm xét xử của Tòa án hoặc Trọng tài đối với việc áp dụng pháp luật thương mại về xác định hàng hóa không phù hợp với hợp đồng.
4.1.2 Trách nhiệm của bên bán đối với hàng hóa không phù hợp với hợp đồng Theo quy định của LTM 2005, trách nhiệm của bên bán đối với hàng hóa không phù hợp với hợp đồng được phân định rõ trong hai trường hợp: (1) các bên có thỏa thuận để bên mua hoặc đại diện của bên mua tiến hành kiểm tra hàng hóa trước khi giao hàng và (2) các bên không có thỏa thuận về việc bên mua kiểm tra hàng hóa trước khi giao hàng.
Đối với trường hợp thứ nhất, các bên có thỏa thuận để bên mua hoặc đại diện của bên mua tiến hành kiểm tra hàng hóa trước khi giao hàng:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 44 LTM 2005, việc kiểm tra hàng hóa trước khi giao hàng chỉ trở thành nghĩa vụ của bên mua nếu trong hợp đồng có thỏa thuận.
Pháp luật thương mại nhấn mạnh nghĩa vụ này ở khoản 2 Điều 44 LTM 2005, theo đó trừ trường hợp có thỏa thuận khác, bên mua hoặc đại diện của bên mua “phải kiểm tra hàng hóa trong một thời gian ngắn nhất mà hoàn cảnh thực tế cho phép”. Quy định này thể hiện sự ràng buộc của pháp luật thương mại không chỉ đối với việc phải thực hiện nghĩa vụ kiểm tra hàng hóa của bên mua theo thỏa thuận với bên bán mà còn ràng buộc về thời hạn kiểm tra - trong một thời gian ngắn nhất mà hoàn cảnh thực tế cho phép. Việc bên mua không thực hiện kiểm tra hàng hóa trong một thời gian ngắn nhất mà hoàn cảnh thực tế cho phép sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nghĩa vụ của bên mua thông báo về khiếm khuyết của hàng hóa cho bên bán trong thời hạn hợp lý và vì vậy dẫn đến những hậu quả bất lợi nhất định cho bên mua. Theo quy định tại khoản 4 Điều 44 LTM 2005, bên bán không phải chịu trách nhiệm về những khiếm khuyết của hàng hóa mà bên mua hoặc đại diện của bên mua đã biết hoặc phải biết nhưng không thông báo cho bên bán trong thời hạn hợp lý sau khi kiểm tra hàng hóa. Tuy nhiên, bên bán không thể viện dẫn quy định tại khoản 4 Điều 44 LTM 2005 đối với những khiếm khuyết mà bên mua không biết hoặc không buộc phải biết khi kiểm tra hàng hóa. Vì vậy, theo quy định tại khoản 5 Điều 44 LTM 2005, bên bán phải chịu trách
nhiệm về những khiếm khuyết của hàng hóa mà bên mua hoặc đại diện của bên mua đã kiểm tra nếu các khiếm khuyết của hàng hóa không thể phát hiện được trong quá trình kiểm tra bằng biện pháp thông thường và bên bán đã biết hoặc phải biết về các khiếm khuyết đó nhưng không thông báo cho bên mua. Cần lưu ý rằng, quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 44 LTM 2005 là những quy phạm bắt buộc, các bên không thể thỏa thuận khác đi. Từ những quy định này có thể thấy rằng LTM 2005 không dồn toàn bộ trách nhiệm cho bên bán đối với khiếm khuyết của hàng hóa trong trường hợp các bên có thỏa thuận để bên mua hoặc đại diện của bên mua tiến hành kiểm tra hàng hóa trước khi giao hàng mà phân định trách nhiệm của bên bán trong các trường hợp khác nhau quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 44 của Luật này.
Liên quan đến quy định về kiểm tra hàng hóa trước khi giao hàng và xác định trách nhiệm của bên bán đối với hàng hóa không phù hợp với hợp đồng, LTM 1997 có những khác biệt cơ bản so với LTM 2005. Theo LTM 1997, người bán phải giao hàng đúng số lượng, chất lượng, quy cách, bao bì và đúng thời hạn theo thỏa thuận trong hợp đồng20. Đồng thời Luật này cũng quy định trước khi giao hàng, người bán phải kiểm tra chất lượng hàng hóa, chịu chi phí kiểm tra và cung cấp giấy chứng nhận chất lượng theo các điều kiện đã thỏa thuận với người mua. Trong trường hợp không có thỏa thuận cụ thể về việc kiểm tra thì người bán phải kiểm tra chất lượng hàng hoá theo các điều kiện thường được áp dụng đối với loại hàng hoá này (Điều 61). Trường hợp người mua hoặc đại diện người mua tham dự việc kiểm tra chất lượng hàng hóa, người bán vẫn phải chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa (khoản 3 Điều 62). Như vậy, theo quy định của LTM 1997, kiểm tra hàng hóa là nghĩa vụ của người bán và không phụ thuộc vào việc người mua có tham dự kiểm tra hàng hóa hay không hoặc kiểm tra hàng hóa bằng biện pháp nào thì người bán vẫn phải chịu trách nhiệm đến cùng về chất lượng hàng hóa.
Đối với trường hợp thứ hai, các bên không có thỏa thuận về việc bên mua kiểm tra hàng hóa trước khi bên bán giao hàng:
Theo quy định tại Điều 40 LTM 2005, trong trường hợp giao hàng không phù hợp với hợp đồng, nếu các bên không có thỏa thuận khác, trách nhiệm đối với hàng hóa không phù hợp với hợp đồng được quy định như sau:
(i) Bên bán không chịu trách nhiệm về bất kỳ khiếm khuyết nào của hàng hóa nếu vào thời điểm giao kết hợp đồng bên mua đã biết hoặc phải biết về những khiếm khuyết đó;
(ii) Trừ trường hợp vào thời điểm giao kết hợp đồng bên mua đã biết hoặc phải biết về những khiếm khuyết của hàng hóa, trong thời hạn khiếu nại theo quy định của LTM 2005, bên bán phải chịu trách nhiệm về bất kỳ khiếm khuyết nào của hàng hóa đã có trước thời điểm chuyển rủi ro
20 Khoản 1 Điều 60 LTM 1997
cho bên mua, kể cả trường hợp khiếm khuyết đó được phát hiện sau thời điểm chuyển rủi ro;
(iii) Bên bán phải chịu trách nhiệm về khiếm khuyết của hàng hóa phát sinh sau thời điểm chuyển rủi ro nếu khiếm khuyết đó do bên bán vi phạm hợp đồng.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 40 LTM 2005, trách nhiệm của bên bán về khiếm khuyết của hàng hóa được loại trừ nếu vào thời điểm giao kết hợp đồng bên mua đã biết hoặc phải biết về những khiếm khuyết đó. Quy định này có ý nghĩa nhất định khi được áp dụng cho trường hợp các bên mua bán những hàng hóa đặc định hoặc hàng hóa đã qua sử dụng mà vào thời điểm giao kết hợp đồng, bên mua đã biết hoặc phải biết về những khiếm khuyết của hàng hóa nhưng vẫn đồng ý mua hàng.
Bên bán, nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 40 LTM 2005, phải chịu trách nhiệm về bất kỳ khiếm khuyết nào của hàng hóa đã có trước thời điểm chuyển rủi ro cho bên mua, kể cả trường hợp khiếm khuyết đó được phát hiện sau thời điểm chuyển rủi ro mà không phân biệt khiếm khuyết đó do bên bán vi phạm hợp đồng hay không. LTM 2005 cũng nhấn mạnh vào thời điểm phát sinh khiếm khuyết để làm căn cứ xác định trách nhiệm của bên bán chứ không phải thời điểm phát hiện khiếm khuyết, nhằm bảo vệ bên mua trong trường hợp khiếm khuyết ẩn tì chỉ có thể phát hiện sau thời điểm chuyển rủi ro. Như vậy, quy định tại khoản 2 Điều 40 LTM 2005 ràng buộc trách nhiệm của bên bán đối với khiếm khuyết của hàng hóa đã có trước thời điểm chuyển rủi ro cho bên mua mà không loại trừ trường hợp khiếm khuyết đó không phải do bên bán vi phạm hợp đồng. Trong khi đó, theo khoản 3 Điều 40 LTM 2005, đối với khiếm khuyết của hàng hóa phát sinh sau thời điểm chuyển rủi ro, bên bán chỉ phải chịu trách nhiệm nếu khiếm khuyết đó do bên bán vi phạm hợp đồng.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng chỉ áp dụng các quy định từ khoản 1 đến khoản 3 Điều 40 LTM 2005 để xác định trách nhiệm đối với hàng hóa không phù hợp với hợp đồng nếu các bên không có thỏa thuận nào khác trong hợp đồng. Như vậy, các bên trong hợp đồng, tùy thuộc vào ý chí của mình, hoàn toàn có thể thỏa thuận cách thức xác định trách nhiệm đối với hàng hóa không phù hợp với hợp đồng khác với cách thức luật định. Trong khi đó, về vấn đề này, Điều 68 LTM 1997 quy định về trách nhiệm của người bán đối với hàng hóa không phù hợp với hợp đồng như sau: “Người bán phải chịu trách nhiệm về việc hàng không phù hợp với thỏa thuận trong hợp đồng, trừ trường hợp người bán chứng minh được là mình không có lỗi. Trường hợp hàng không phù hợp với thỏa thuận trong hợp đồng, người bán phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về thiệt hại phát sinh, dù người bán biết hoặc không biết về thiệt hại đó”. Quy định tại Điều 68 LTM 1997 mang tính chất một quy phạm bắt buộc, theo đó thỏa thuận của các bên về cách thức xác định trách nhiệm đối với hàng hóa không phù hợp với hợp đồng không có ý nghĩa, bên bán vẫn phải chịu trách nhiệm đến cùng về việc
hàng không phù hợp với thỏa thuận trong hợp đồng, trừ khi chứng minh được là mình không có lỗi.
Như vậy, liên quan đến quy định về trách nhiệm đối với hàng hóa không phù hợp với hợp đồng, LTM 2005 đã có sự thay đổi cơ bản so với LTM 1997, tiếp cận vấn đề theo hướng nhìn nhận và tôn trọng thỏa thuận của các bên, bởi lẽ chính các bên trong hợp đồng hiểu rõ cách thức phân định trách nhiệm đối với hàng hóa như thế nào là phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của các bên. Trên thực tế, một số hàng hóa do những điều kiện khách quan nhất định, do những yếu tố tác động khác nhau và do chính tính chất của hàng hóa mà rất khó phân định trách nhiệm của các bên sau khi giao hàng, vì vậy sẽ phù hợp hơn khi pháp luật thương mại cho phép các bên có thỏa thuận khác liên quan đến việc xác định trách nhiệm đối với hàng hóa. Có thể do vậy mà quy định tại Điều 40 LTM 2005 là một quy phạm tùy nghi, thể hiện sự thay đổi của LTM 2005 theo hướng quy định phù hợp hơn với thực tiễn thương mại về trách nhiệm đối với hàng hóa không phù hợp với hợp đồng.
Việc nghiên cứu, phân tích các bản án và các phán quyết trọng tài về trách nhiệm đối với hàng hóa không phù hợp với hợp đồng qua các thời kỳ cho phép hiểu rõ hơn sự thay đổi này và thông qua đó cũng để các bên trong hợp đồng có thể nhận thức được ý nghĩa quan trọng của các thỏa thuận mà các bên xác lập nhằm phân định trách nhiệm đối với hàng hóa không phù hợp với hợp đồng trên cơ sở phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của các bên.
4.1.3 Quyền của bên mua trong trường hợp bên bán giao hàng không phù hợp với hợp đồng
Hành vi giao hàng không phù hợp với hợp đồng của bên bán làm phát sinh một số quyền cơ bản của bên mua nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình. Phần này phân tích về các quyền cơ bản của bên mua được pháp luật thương mại quy định qua các thời kỳ nhằm góp phần áp dụng hiệu quả các quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề trên trong bối cảnh mà các quy định này đã có những thay đổi nhất định cùng với sự thay đổi của các văn bản quy phạm pháp luật. Trong trường hợp bên bán giao hàng không phù hợp với hợp đồng, bên mua có thể thực hiện một số quyền cơ bản sau:
Thứ nhất, quyền từ chối nhận hàng: LTM 1997 không quy định về quyền từ chối nhận hàng do hàng hóa không đúng chất lượng theo thỏa thuận trong hợp đồng, tuy nhiên quy định về trách nhiệm do vi phạm hợp đồng kinh tế theo Điều 31 Pháp lệnh HĐKT 1989 lại có đề cập đến quyền này của bên mua. Cũng cần lưu ý rằng nếu hợp đồng mua bán hàng hóa được giao kết và thực hiện vào thời điểm LTM 1997 có hiệu lực thì Luật này là luật áp dụng điều chỉnh quan hệ hợp đồng mua bán hàng hóa của các bên nhưng các bên hoàn toàn có thể áp dụng quy định về trách nhiệm do vi phạm hợp đồng kinh tế theo Điều 31 Pháp lệnh HĐKT 1989 để xác định quyền của bên mua. Giải thích cho vấn đề này, cần hiểu LTM 1997 không thay thế Pháp lệnh