Chương 3. Vấn đề hiệu lực của hợp đồng mua bán hàng hóa
3.1 Các vấn đề pháp lý về hiệu lực của hợp đồng mua bán hàng hóa
LTM 2005 không quy định về vấn đề hiệu lực của hợp đồng trong thương mại nói chung, cũng như của hợp đồng mua bán hàng hóa nói riêng. Bởi vậy, theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Luật này thì các quy định về hiệu lực của giao dịch dân sự của BLDS 2005 được áp dụng để xem xét liệu một hợp đồng mua bán hàng hóa có hiệu lực hay không.
Trước thời điểm LTM 2005 và BLDS 2005 có hiệu lực (01/01/2006), hợp đồng mua bán hàng hóa được chịu sự điều chỉnh của LTM 1997. Tuy nhiên, do Luật này chỉ quy định về vấn đề giao kết hợp đồng, mà không quy định vấn đề hiệu lực của hợp đồng trong thương mại nói chung và của hợp đồng mua bán hàng hóa nói riêng, nên các quy định liên quan đến hiệu lực của hợp đồng của Pháp lệnh HĐKT 1989 được áp dụng để xem xét liệu một hợp đồng mua bán hàng hóa có hiệu lực hay không.
Thực tế cho thấy, trong thời kỳ hiệu lực của LTM 1997 và Pháp lệnh HĐKT 1989 việc hợp đồng kinh tế nói chung và hợp đồng mua bán hàng hóa nói riêng bị tòa án tuyên bố vô hiệu xảy ra khá phổ biến. Trong đó phổ biến nhất là trường hợp hợp đồng bị tuyên bố vô hiệu do “một trong các bên ký kết hợp đồng kinh tế không có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật để thực hiện công việc đã thỏa thuận trong hợp đồng” căn cứ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 Pháp lệnh HĐKT 1989.6 Trong hơn một thập kỷ hệ thống cơ quan tài phán đã áp dụng quy định này theo sự giải thích của Trọng tài kinh tế nhà nước. Theo đó, một hợp đồng kinh tế bị coi là vô hiệu ngay từ khi nó “hình thành”, nếu pháp luật quy định để thực hiện công việc đã thỏa thuận trong hợp đồng hai bên phải có đăng ký kinh doanh, mà một trong hai bên không có đăng ký kinh doanh hoặc pháp luật quy định chỉ một bên phải có đăng ký kinh doanh nhưng bên đó không có đăng ký kinh doanh.7 Áp dụng pháp luật để giải quyết tranh chấp theo quan điểm của Trọng tài kinh tế nhà nước có thể dẫn đến bất công trước hết đối với bên “ngay tình”, ngay cả khi giả thiết quy định của BLDS 1995 về xử lý hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu được áp dụng, theo đó bên có lỗi (làm cho hợp đồng vô hiệu) mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Sự bất công đó trở nên nhãn tiền khi áp dụng quy định giải quyết hậu quả hợp đồng vô hiệu theo Pháp lệnh
6 Chi tiết hơn về đánh giá quy định pháp luật và thực tiễn tài phán về căn cứ hợp đồng vô hiệu do “một trong các bên ký kết hợp đồng kinh tế không có đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật để thực hiện công việc đã thỏa thuận trong hợp đồng” tham khảo Phan Huy Hồng (2005), “Bàn về năng lực pháp luật của pháp nhân kinh doanh”, Tạp chí nhà nước và pháp luật, số 5/2005, tr. 54-59.
7 Xem mục VIII.1.b Thông tư của Trọng tài kinh tế nhà nước số 108/TT-PC ngày 19/5/1990 hướng dẫn ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế.
HĐKT 1989, theo đó “thiệt hại phát sinh, các bên phải chịu” mà không xem xét mức độ lỗi của các bên.8
Tuy nhiên, đến năm 2003, Hội đồng thẩm phán TANDTC đã đưa ra một giải thích tạo nên một sự thay đổi đáng kể trong việc áp dụng quy định này. Theo đó, một hợp đồng kinh tế chỉ bị coi là vô hiệu, nếu khi ký kết một trong các bên chưa có đăng ký kinh doanh mà trong quá trình thực hiện giữa các bên phát sinh tranh chấp và đến trước thời điểm phát sinh tranh chấp bên chưa có đăng ký kinh doanh khi ký kết hợp đồng vẫn chưa có đăng ký kinh doanh để thực hiện công việc đã thỏa thuận.9 Phải nói rằng Nghị quyết 04/2003/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TANDTC là sự “phản ứng” mặc dù khá chậm nhưng đúng đắn xuất phát từ thực tiễn xét xử nhằm khắc phục sự bất công có thể phát sinh khi áp dụng luật ban hành. Mặc dù vậy, có thể nói qua đó Hội đồng thẩm phán đã vượt qua giới hạn cho phép của hoạt động giải thích luật, mà đã bước sang phạm vi làm “luật thẩm phán”, không còn chỉ là sự tìm ra ý chí đích thực của nhà lập pháp, là đã là sự “sửa chữa” luật ban hành.
Bên cạnh căn cứ hợp đồng vô hiệu đặc thù của pháp luật hợp đồng kinh tế như đề cập trên đây, Pháp lệnh HĐKT 1989 cũng còn quy định các căn cứ hợp đồng vô hiệu khác như “nội dung hợp đồng kinh tế vi phạm điều cấm của pháp luật”, “người ký hợp đồng kinh tế không đúng thẩm quyền hoặc có hành vi lừa đảo”. Tuy nhiên, thực tiễn tài phán về hợp đồng kinh tế vô hiệu nói chung, hợp đồng mua bán hàng hóa vô hiệu nói riêng cho thấy các căn cứ làm hợp đồng vô hiệu này không phải đã được xác định một cách rõ ràng và nhất quán, đặc biệt là trong việc áp dụng căn cứ “nội dung hợp đồng kinh tế vi phạm điều cấm của pháp luật”. Điều này xảy ra một phần cũng do không chỉ bản thân Pháp lệnh HĐKT 1989 không có điều khoản giải thích
“điều cấm của pháp luật”, mà BLDS 1995 cũng không giải thích thuật ngữ hay khái niệm này.
Nhưng kể từ ngày BLDS 2005 và LTM 2005 có hiệu lực, việc xem xét hiệu lực của giao dịch dân sự nói chung, của hợp đồng trong thương mại và hợp đồng mua bán hàng hóa nói riêng chỉ còn căn cứ các quy định của BLDS này. Có thể dễ dàng nhận thấy, BLDS 2005 không có quy định tương tự quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 Pháp lệnh HĐKT như đã đề cập ở trên. Vậy, vấn đề được đặt ra là liệu dưới hiệu lực của BLDS 2005 thì một hợp đồng được giao kết mà “một trong các bên không có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật để thực hiện công việc đã thỏa thuận trong hợp đồng” có bị coi là vô hiệu hay không? Chưa có nhiều nhà khoa học đề cập vấn đề này, hoặc có đề cập thì cũng chỉ nêu quan điểm mà không thể khẳng định, bởi họ không phải là người được phán quyết về điều đó10.
8 Xem khoản 2 Điều 39 Pháp lệnh HĐKT 1989.
9 Xem mục I.1.a Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao số 04/2003/NQ-HĐTP ngày 27/5/2003 hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong việc giải quyết các vụ án kinh tế (sau đây: Nghị quyết số 04/2003/NQ-HĐTP).
10 Về vấn đề này tham khảo Phan Huy Hồng, tlđd.
Tương tự như vậy, việc xem xét liệu hợp đồng do người không có quyền đại diện ký kết có vô hiệu hay không ngày nay chỉ căn cứ vào quy định tại Điều 145 BLDS 2005 về hậu quả của giao dịch dân sự do người không có quyền đại diện xác lập, thực hiện. Tuy nhiên, do Hội đồng thẩm phán TANDTC đã giải thích căn cứ hợp đồng vô hiệu “do người ký kết hợp đồng kinh tế không đúng thẩm quyền” theo hướng phù hợp với tinh thần quy định tại Điều 154 BLDS 199511 nên các quan điểm áp dụng luật (đồng thời trở thành quy phạm pháp luật) đó vẫn có giá trị đối với việc áp dụng quy định tương ứng tại Điều 145 BLDS 2005.
Ngoài ra, Hội đồng thẩm phán TANDTC cũng đã có hướng dẫn về việc áp dụng pháp luật để xem xét hiệu lực của hợp đồng đối với trường hợp các bên thỏa thuận giá trị hợp đồng bằng ngoại tệ và thanh toán trên thực tế bằng ngoại tệ hoặc thỏa thuận giá trị hợp đồng bằng ngoại tệ nhưng thanh toán trên thực tế bằng tiền đồng Việt Nam. Theo đó:
“Đối với hợp đồng kinh tế mà trong nội dung của hợp đồng các bên có thỏa thuận giá cả, thanh toán bằng ngoại tệ cần phân biệt như sau:
a. Nếu trong nội dung của hợp đồng kinh tế các bên có thỏa thuận giá cả, thanh toán bằng ngoại tệ trong khi đó một hoặc các bên không được phép thanh toán bằng ngoại tệ, thì hợp đồng kinh tế bị coi là vô hiệu toàn bộ thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 Pháp lệnh HĐKT (các bên vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý ngoại tệ). Trong trường hợp này nếu một hoặc các bên có yêu cầu Tòa án giải quyết thì Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu và giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu theo thủ tục chung.
b. Nếu trong nội dung của hợp đồng kinh tế các bên có thỏa thuận giá cả, thanh toán bằng ngoại tệ trong khi đó một hoặc các bên không được phép thanh toán bằng ngoại tệ, nhưng sau đó các bên có thỏa thuận thanh toán bằng Đồng Việt Nam hoặc trong nội dung của hợp đồng kinh tế các bên thỏa thuận sử dụng ngoại tệ làm đồng tiền định giá (để bảo đảm ổn định giá trị của hợp đồng) nhưng việc thanh toán là bằng Đồng Việt Nam, thì hợp đồng kinh tế không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 Pháp lệnh HĐKT và do đó không bị coi là vô hiệu toàn bộ.”12
Hướng dẫn này đã giúp việc áp dụng pháp luật được thống nhất, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn kinh doanh, thương mại. Cần lưu ý rằng, mặc dù các nội dung trên đây nhằm hướng dẫn áp dụng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 Pháp lệnh HĐKT về căn cứ hợp đồng vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật, nhưng vẫn có giá trị áp dụng trong việc giải quyết tranh chấp hợp đồng trong kinh doanh, thương mại nói chung và hợp đồng mua bán hàng hóa nói riêng cả sau khi Pháp lệnh này hết hiệu lực. Bởi vì, điểm a khoản 1 Điều 8 Pháp lệnh HĐKT là điều khoản có nội dung dẫn chiếu đến điều cấm trong các văn bản pháp luật khác, nên chỉ được viện dẫn đồng thời với một điều cấm nhất định để tuyên bố hợp đồng vô hiệu. Cho nên các hướng
11 Xem mục I.2 Nghị quyết số 04/2003/NQ-HĐTP.
12 Xem mục I.3 Nghị quyết số 04/2003/NQ-HĐTP.
dẫn trên đây của Hội đồng thẩm phán TANDTC vẫn có giá trị để xem xét áp dụng quy định về giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật tại Điều 128 BLDS 2005.
Tuy nhiên, vấn đề “hiệu lực của hợp đồng” không đồng nghĩa với vấn đề “hợp đồng vô hiệu”, bởi vì vấn đề “hiệu lực của hợp đồng” còn bao gồm một số vấn đề khác như liệu một hợp đồng đã được xác lập hay chưa.
Việc xem xét các bản án liên quan đến hiệu lực của hợp đồng mua bán hàng hóa sau đây có thể giúp nhận thấy các quan điểm xét xử của tòa án và trong chừng mực nhất định giúp nhận thấy sự định hình cũng như xu hướng vận động của các quan điểm đó.