Chương 8. Vấn đề khiếu nại vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa
1.2 Chế định khiếu nại trong pháp luật hợp đồng kinh tế, thương mại Việt Nam
8.2.2 Tài phán về chế định khiếu nại của LTM 2005
Bản án số 20/2010/KDTM-ST ngày 05/01/2011 của TAND TP. Hồ Chí Minh về việc tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa
Đây là vụ án kinh doanh, thương mại về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa giữa nguyên đơn (bên bán) là Công ty Bodibasixs Manufacturing Sdn Bhd và bị đơn (bên mua) là Công ty TNHH Dược Phẩm và Thương Mại Việt Mỹ Hòa Phong, được xét xử sơ thẩm bởi TAND TP. Hồ Chí Minh bằng bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 20/2010/KDTM-ST ngày 05/01/2011. Đối tượng tranh chấp là nghĩa vụ thanh toán tiền hàng và tiền lãi do chậm thanh toán của bị đơn từ các hợp đồng được xác lập trong các năm 2007, 2008. Bị đơn đã nêu ra nhiều lý do khác nhau để bác bỏ yêu cầu thanh toán tiền hàng cũng như trả tiền lãi do chậm thanh toán của nguyên đơn, trong đó có lý do nguyên đơn đã không khiếu nại về việc thanh toán trong thời hạn luật định.
Tuy nhiên, bản án không dẫn các trình bày cụ thể của bị đơn về lý do này, mà chỉ có duy nhất nhận định về vấn đề khiếu nại như sau: “Tại phiên tòa hôm nay, bị
đơn cho rằng nguyên đơn không có khiếu nại gì, nên đã mất quyền khởi kiện là không đúng theo quy định của pháp luật; việc không khiếu nại cũng không có căn cứ xác định là số nợ đã được thanh toán".
Nhưng qua đó có thể cho rằng bị đơn đã viện dẫn quy định về khiếu nại và thời hạn khiếu nại tại Điều 318 LTM 2005, vì các hợp đồng là đối tượng tranh chấp đều được xác lập vào các năm 2007 và 2008. Và nếu bị đơn cho rằng (như lời bản án), vì vậy mà nguyên đơn "đã mất quyền khởi kiện", thì việc tòa án nhận định điều đó là
"không đúng quy định pháp luật" là chính xác. Bởi vì Điều 318 LTM không còn có quy định tương tự như Điều 241 LTM 1997, theo đó “quá thời hạn khiếu nại, bên có quyền lợi bị vi phạm mất quyền khởi kiện tại Trọng tài, Tòa án có thẩm quyền". Tuy nhiên, như vậy tòa án này cũng đồng thời không thừa nhận việc nguyên đơn đã mất quyền viện dẫn vi phạm nghĩa vụ thanh toán của bị đơn do đã không khiếu nại về việc thanh toán trong thời hạn khiếu nại. Vậy không rõ đối với tòa án này thì các quy định về khiếu nại tại Điều 318 LTM 2005 có ý nghĩa gì ?
Bản án số 15/2009/KDTM-ST ngày 29/07/2009 của TAND Quận 1, TP.
Hồ Chí Minh và Bản án số 2506/2009/KDTM-PT ngày 24/12/2009 của TAND TP. Hồ Chí Minh về việc tranh chấp hợp đồng quảng cáo Đây là vụ án kinh doanh, thương mại về tranh chấp hợp đồng quảng cáo giữa nguyên đơn là Công ty Quảng cáo Trẻ và bị đơn là Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang được xét xử sơ thẩm bởi TAND Quận 1 TP. Hồ Chí Minh bằng bản án sơ thẩm số 15/2009/KDTM-ST ngày 29/7/2009, xét xử phúc thẩm do kháng cáo của nguyên đơn bởi Tòa Phúc thẩm TANDTC tại TP. Hồ Chí Minh bằng bản án phúc thẩm số 2506/2009/KDTM-PT ngày 24/12/2009 của TAND TP. Hồ Chí Minh.
Trong vụ án này nguyên đơn kiện đòi bị đơn trả liền lãi do chậm thanh toán tiền dịch vụ theo thỏa thuận tại biên bản thanh lý hợp đồng lập ngày 09/8/2006. Theo đó bị đơn còn nợ nguyên đơn số tiền 653.768.946 đồng; bị đơn phải thanh toán số tiền 342.789.676 đồng trong vòng 15 ngày kể từ ngày lập biên bản thanh lý này và thanh toán 310.979.270 đồng trong vòng 15 ngày kể từ ngày nguyên đơn xuất hóa đơn cho khoản tiền này. Đối với khoản tiền 342.789.676 đồng bị đơn đã thanh toán làm nhiều đợt, đợt đầu tiên vào ngày 07/11/2006, đợt cuối cùng thanh toán hết vào ngày 15/02/2007. Đối với hóa đơn xuất ngày 17/11/2006 cho số tiền 310.979.270 đồng bị đơn đã thanh toán trong hai đợt, đợt đầu vào ngày 14/8/2007, đợt cuối vào ngày 22/11/2007. Nguyên đơn kiện đòi bị đơn trả tiền lãi do chậm thanh toán khoản tiền 342.789.676 đồng là 9.668.127 đồng, do chậm thanh toán khoản tiền 310.979.270 đồng là 21.861.959 đồng, tổng cộng là 31.530.086 đồng.
Bị đơn thừa nhận đã chậm thanh toán cho nguyên đơn, nhưng bác bỏ yêu cầu của nguyên đơn bởi lý do nguyên đơn đã không khiếu nại yêu cầu thanh toán lãi chậm trả trong thời hạn khiếu nại là 9 tháng kể từ ngày bị đơn thanh toán đợt cuối cùng vào ngày 22/11/2007.
Tòa án sơ thẩm nhận định: Tại phiên tòa sơ thẩm luật sư, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn, đã xuất trình một phiếu dịch vụ chuyển phát nhanh ghi tên người gửi là luật sư của nguyên đơn, người nhận là tổng giám đốc của bị đơn, “nội dung yêu cầu thanh toán nợ, ngày gởi là ngày 08/8 không ghi năm, không có chữ ký của người nhận, trong khi đó đại diện bị đơn cho rằng không nhận được văn bản yêu cầu thanh toán nợ nào cả”. “Do đó không có căn cứ để kết luận nguyên đơn đã khiếu nại bị đơn về việc chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán và phải chịu phạt trong thời hạn luật định. Vì vậy yêu cầu của nguyên đơn đòi bị đơn trả tiền phạt do chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán là không có cơ sở để chấp nhận”.
Như vậy, trong vụ án này tòa án xét xử sở thẩm đã nhìn nhận nguyên đơn bị mất quyền viện dẫn việc chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán của bị đơn do đã không khiếu nại trong thời hạn khiếu nại, hay nói cách khác là nguyên đơn không còn có thể chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.
Tuy nhiên, tòa án xét xử phúc thẩm đã quyết định chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, hủy bản án sơ thẩm và buộc bị đơn phải trả cho nguyên đơn khoản tiền lãi do chậm thanh toán như yêu cầu của nguyên đơn. Trong bản án này, tòa án xét xử phúc thẩm không đề cập đến vấn đề khiếu nại mà tòa sơ thẩm đã căn cứ để bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Bản án phúc thẩm có đoạn như sau: “Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy rằng, ngày 03/5/2006 các bên ký kết hợp đồng kinh tế số 432/ĐQ- QCT, như vậy ngày ký kết hợp đồng là ngày Luật Thương mại 2005 đã có hiệu lực pháp luật (Điều 323 Luật Thương mại 2005 quy định có hiệu lực từ ngày 01/01/2006), do đó các bên phải áp dụng Luật Thương mại 2005 để điều chỉnh các quan hệ, trong đó Luật Thương mại 2005 quy định thời hiệu khởi kiện là 2 năm, do đó đại diện của bị đơn cho rằng đã áp dụng luật năm 1997 là áp dụng sai các quy phạm pháp luật. Vì vậy phải sửa bản án sơ thẩm xác định lại thời hiệu khởi kiện được tính từ ngày 22/11/2007, và do vậy thời hiệu vẫn còn và yêu cầu kháng cáo của Công ty cổ phần Quảng Cáo Trẻ là có cơ sở và được chấp nhận”. Như vậy, có thể thấy dường như tòa án xét xử giám đốc thẩm đã không quan tâm đến thời hạn khiếu nại hoặc cho rằng thời hạn khiếu nại và việc không khiếu nại trong thời hạn khiếu nại không có ý nghĩa gì trong việc giải quyết vụ án này.
8.3 Nhận xét chung
Thực tiễn tài phán về quy định khoản 1 Điều 241 LTM 1997, theo đó “quá thời hạn khiếu nại, bên có quyền lợi bị vi phạm mất quyền khởi kiện tại Trọng tài, Toà án có thẩm quyền“, cho thấy quy định này đã không được các tòa án áp dụng đúng như câu chữ. Một mặt, trên thực tế không một tòa án nào trả lại đơn kiện do nguyên đơn đã mất quyền khởi kiện vì không khiếu nại trong thời hạn khiếu nại. Mặt khác tòa án cũng không thể trả lại đơn kiện vì không thuộc một trong các trường hợp trả lại đơn kiện theo pháp luật tố tụng (Điều 168 BLTTDS). Các tòa án hay trọng tài chỉ bác đơn kiện thông qua bản án hay quyết định trọng tài. Ngoài ra tại các quyết định giám
đốc thẩm, Hội đồng thẩm phán TANDTC đều cho rằng khi xét xử vụ án, tòa án các cấp phải xem xét nguyên đơn hoặc bị đơn đã thực hiện quyền khiếu nại của mình trong thời hạn thỏa thuận hoặc theo luật định hay không mà không phụ thuộc vào việc nguyên đơn hay bị đơn bác bỏ yêu cầu của bên kia bởi lý do bên đó đã không thực hiện quyền khiếu nại hay không.
Việc Điều 318 LTM 2005 không quy định “quá thời hạn khiếu nại, bên có quyền lợi bị vi phạm mất quyền khởi kiện tại Trọng tài, Toà án có thẩm quyền” có thể cho thấy các nhà làm luật đã nhận thức rằng quy định như vậy là bất hợp lý. Bởi vì quy định như khoản 1 Điều 241 LTM 1997 sẽ làm chế định khiếu nại có chức năng tương tự như chế định thời hiệu khởi kiện, nghĩa là đều tước quyền khởi kiện của bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm nếu bỏ qua thời hạn hay thời hiệu.
Nhưng quy định tại Điều 318 LTM 2005 lại chỉ thuần túy quy định về các thời hạn khiếu nại, mà không hề quy định về hậu quả của việc bỏ qua thời hạn khiếu nại.
Do các tài liệu lập pháp không cho thấy rõ chủ ý của nhà lập pháp nên nghiên cứu này mới đưa ra các giả thiết như được trình bày trên đây. Trong đó tỏ ra hợp lý hơn cả là giả thiết, theo đó các nhà làm Luật Thương mại 2005 cho rằng, nếu bên có quyền lợi bị vi phạm không khiếu nại trong thời hạn khiếu nại thì coi như chấp nhận vi phạm của bên vi phạm, và mất quyền viện dẫn các vi phạm của bên vi phạm. Trong trường hợp này bên có quyền lợi bị vi phạm vẫn có quyền khởi kiện nếu thời hiệu khởi kiện vẫn còn. Tòa án không trả lại đơn kiện như trường hợp hết thời hiệu khởi kiện, nhưng phải bác (bằng bản án) yêu cầu của bên bị vi phạm nếu bên vi phạm phản đối việc viện dẫn vi phạm. Áp dụng pháp luật như vậy trước hết là phù hợp với lôgíc pháp lý, bên cạnh đó cũng phù hợp với chế định khiếu nại trong các Bộ luật Thương mại lớn nêu trên, và hơn nữa là với luật mua bán hàng hóa quốc tế (CISG). Như vậy, mặc dù quy định tại Điều 318 LTM 2005 về mặt kỹ thuật lập pháp là không hoàn hảo, nhưng hoàn toàn có thể được áp dụng theo ý nghĩa nêu trên.
Tuy nhiên, thực tiễn tài phán về quy định tại Điều 318 LTM 2005 cho thấy, quan điểm của các tòa án về hậu quả của việc không khiếu nại trong thời hạn khiếu nại còn bất nhất. Bởi vậy, sẽ rất hữu ích cho việc áp dụng thống nhất và đúng pháp luật nếu Hội đồng thẩm phán TANDTC sớm có cơ hội phán quyết về vấn đề này thông qua một quyết định giám đốc nào đó hoặc chủ động thông qua một nghị quyết về việc áp dụng luật tương tự như Nghị quyết số 04/2003/NQ-HĐTP trước đây.
Danh mục bản án liên quan
1. Quyết định giám đốc thẩm số 08/KDTM-GĐT ngày 08/12/2005 của Hội đồng thẩm phán TANDTC về vụ án “tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa, dịch vụ bảo trì trạm biến áp”
2. Quyết định giám đốc thẩm số 06/2006/KDTM-GĐT ngày 06/7/2006 của Hội đồng thẩm phán TANDTC về vụ án “Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa”
3. Quyết định giám đốc thẩm số 07/2006/KDTM-GĐT ngày 06/7/2006 của Hội đồng thẩm phán TANDTC về vụ án “tranh chấp hợp đồng MBHH” (thiết bị đông lạnh)
4. Quyết định giám đốc thẩm số 07/2007/KDTM-GĐT ngày 07/8/2007 của Hội đồng thẩm phán TANDTC về vụ án “Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa”
5. Quyết định của Hội đồng trọng tài thuộc Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam bên cạnh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VIAC) trong vụ kiện
“Tranh chấp trong hợp đồng mua bán thiết bị” (theo: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp DANIDA, Các quyết định trọng tài quốc tế chọn lọc, Nxb Tư pháp, Hà Nội 2007: Quyết định số 10, “Tranh chấp trong hợp đồng mua bán thiết bị”, tr. 72-77).
6. Bản án số 20/2010/KDTM-ST ngày 05/01/2011 của TAND TP. Hồ Chí Minh về việc tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa
7. Bản án số 15/2009/KDTM-ST ngày 29/07/2009 của TAND Quận 1, TP. Hồ Chí Minh và Bản án số 2506/2009/KDTM-PT ngày 24/12/2009 của TAND TP. Hồ Chí Minh về việc tranh chấp hợp đồng quảng cáo
KẾT LUẬN CHUNG VÀ KIẾN NGHỊ
Kết quả nghiên cứu cho thấy các vấn đề pháp lý cơ bản nhất của hợp đồng mua bán hàng hóa được đề cập trong khoa học và giảng dạy cũng đều xuất hiện trong thực tiễn tài phán của tòa án và trọng tài thương mại. Đó là các nhóm vấn đề pháp lý cơ bản như: (i) Luật áp dụng đối với hợp đồng mua bán hàng hóa; (ii) Chủ thể của hợp đồng mua bán hàng hóa và tư cách đương sự trong tố tụng; (iii) Hiệu lực của hợp đồng mua bán hàng hóa; (iv) Hàng hóa không phù hợp với hợp đồng; (v) Giao nhận hàng hóa trong hợp đồng mua bán hàng hóa; (vi) Thanh toán tiền hàng trong hợp đồng mua bán hàng hóa; (vii) Chế tài đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng mua bán hàng hóa và (viii) Khiếu nại vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa. Trong từng nhóm vấn đề pháp lý đó thì phần lớn các vấn đề pháp lý được khoa học và giảng dạy quan tâm cũng là mối quan tâm của thẩm phán và trọng tài trong công tác giải quyết tranh chấp của họ.
Kết quả phân tích, so sánh cho thấy đã có thể đạt được sự thống nhất giữa quan điểm khoa học với quan điểm xét xử, đặc biệt của Hội đồng thẩm phán TANDTC, về nhiều vấn đề pháp lý cơ bản của hợp đồng mua bán hàng hóa. Nhưng tính thống nhất trong quan điểm xét xử giữa tòa án các cấp và tòa án các địa phương nhìn chung chưa cao. Bên cạnh đó, cũng còn một số vấn đề quan trọng chưa đạt được sự thống nhất giữa quan điểm khoa học và quan điểm xét xử. Nguyên nhân trước hết nằm ở thuộc tính của luật, đó là tính trừu tượng của quy phạm pháp luật và khả năng diễn giải chúng một cách khác nhau ngay trên bình diện khoa học, chưa nói đến việc áp dụng các quy phạm pháp luật trừu tượng đó đối với các tình huống cuộc sống muôn màu muôn vẻ. Nhưng sự thiếu thống nhất trong nhận thức về một vấn đề pháp lý cơ bản của hợp đồng mua bán hàng hóa cũng còn có nguyên nhân ở sự thiếu rõ ràng, thiếu chính xác của một số quy phạm pháp luật cũng như sự thiếu vắng tài liệu thể hiện ý chí của nhà lập pháp về vấn đề đó. Cụ thể, có thể nêu một số vấn đề như sau:
Thứ nhất, đối với nhóm vấn đề luật áp dụng đối với hợp đồng mua bán hàng hóa: Về cơ bản đã đạt được sự thống nhất trong quan điểm khoa học và quan điểm xét xử, đặc biệt của Hội đồng thẩm phán TANDTC, về vấn đề luật áp dụng đối với hợp đồng. Tuy nhiên, đối với vấn đề các quy định nào của BLDS 2005 được áp dụng đối với vấn đề nào của hợp đồng mua bán hàng hóa theo LTM 2005 vẫn chưa có cơ sở pháp lý vững chắc cho một nhận thức thống nhất. Cụ thể, quy định tại khoản 3 Điều 4 LTM 2005, theo đó “Hoạt động thương mại không được quy định trong Luật thương mại và trong các luật khác thì áp dụng quy định của Bộ luật dân sự” cho phép diễn giải theo nhiều nghĩa. Theo quy định này có thể hiểu rằng hoạt động mua bán hàng hóa được LTM 2005 điều chỉnh nên không áp dụng quy định của BLDS 2005 đối với hoạt động này. Nhưng cũng có thể hiểu rằng những vấn đề pháp lý nào của hợp đồng mua bán hàng hóa không được LTM 2005 điều chỉnh thì áp dụng quy định của BLDS
2005 về vấn đề đó, ví dụ LTM 2005 không quy định vấn đề giao kết hợp đồng trong thương mại nói chung và giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa nói riêng nên áp dụng các quy định của BLDS về giao kết hợp đồng dân sự. Nhóm nghiên cứu cho rằng hiểu quy định tại khoản 3 Điều 4 LTM 2005 theo nghĩa thứ hai mới chính xác và đề xuất sửa lại quy định này như sau: “Những vấn đề pháp lý nào của một hoạt động thương mại không được quy định trong Luật thương mại và trong các luật khác thì áp dụng quy định của Bộ luật dân sự về vấn đề pháp lý đó”.
Thứ hai, đối với nhóm vấn đề chủ thể của hợp đồng mua bán hàng hóa và tư cách đương sự trong tố tụng đã đạt được sự thống nhất giữa quan điểm khoa học và quan điểm xét xử của Hội đồng thẩm phán TANDTC, theo đó chủ thể của hợp đồng mua bán hàng hóa có sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân hoặc hộ kinh doanh chính là doanh nghiệp tư nhân hoặc hộ kinh doanh; nhưng đương sự trong tố tụng lại là chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc (các) chủ sở hữu hộ kinh doanh. Tuy nhiên, tòa án các địa phương vẫn còn bất nhất trong việc xác định đương sự trong các vụ án về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa mà một bên ký kết hợp đồng là doanh nghiệp tư nhân hoặc hộ kinh doanh. Nhóm nghiên cứu khuyến nghị tòa án các địa phương quán triệt quan điểm xét xử của Hội đồng thẩm phán TANDTC.
Thứ ba, đối với nhóm vấn đề hiệu lực của hợp đồng mua bán hàng hóa vẫn còn tồn tại sự không thống nhất ngay trong các quan điểm khoa học và giữa các quan điểm khoa học với quan điểm xét xử về việc liệu một hợp đồng mua bán hàng hóa (và hợp đồng trong hoạt động thương mại nói chung) theo LTM 2005 có vô hiệu hay không, nếu một trong các bên hoặc các bên đến thời điểm phát sinh tranh chấp vẫn chưa (không) có đăng ký kinh doanh để thực hiện công việc đã thỏa thuận). Theo quan điểm của Nhóm nghiên cứu thì trên cơ sở pháp luật hiện hành trong trường hợp này hợp đồng sẽ bị xem là vô hiệu. Bởi vì quy định tại khoản 1 Điều 9 LDN 2005, theo đó doanh nghiệp có nghĩa vụ “hoạt động kinh doanh theo đúng ngành, nghề đã ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh” chứa đựng một điều cấm theo quy định tại Điều 128 BLDS 2005 (cấm doanh nghiệp hoạt động kinh doanh những ngành, nghề không đăng ký). Tuy nhiên, cũng theo quan điểm của Nhóm nghiên cứu thì quy định tại khoản 1 Điều 9 LDN 2005 (hoặc hiểu quy quy định này theo nghĩa như trên) là gây mất an toàn cho giao dịch thương mại và chỉ có lợi cho bên hợp đồng thiếu thiện chí. Vì vậy, nhóm nghiên cứu đề xuất sửa đổi quy định tại khoản 1 Điều 9 LDN 2005 như sau: “Hoạt động kinh doanh theo đúng ngành, nghề đã ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; bảo đảm điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật khi kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Việc chưa hoặc không có đăng ký kinh doanh để thực hiện công việc đã thỏa thuận trong hợp đồng không ảnh hưởng đến hiệu lực của hợp đồng”.
Thứ tư, đối với vấn đề hàng hóa không phù hợp với hợp đồng: Nhìn chung đã đạt được sự thống nhất cơ bản giữa các quan điểm khoa học và quan điểm xét xử về vấn đề hàng hóa không phù hợp với hợp đồng. Thực tế các cơ quan tài phán đã vận dụng tương đối tốt các quy định của pháp luật thương mại qua từng thời kỳ để giải