Tài phán về chế tài phạt vi phạm

Một phần của tài liệu Các vấn đề pháp lý của hợp đồng mua bán hàng hóa qua thực tiễn xét xử của tòa án và trọng tài tại việt nam (Trang 154 - 159)

Chương 8. Vấn đề khiếu nại vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa

2.2 Các vấn đề pháp lý về chủ thể hợp đồng mua bán hàng hóa và tư cách đương sự

7.2.3 Tài phán về chế tài phạt vi phạm

Bản án số 95/2008/KT-PT ngày 02/5/2008 của Tòa Phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội về việc tranh chấp hợp đồng mua bán72

Đây là vụ án kinh doanh, thương mại về việc tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa giữa nguyên đơn (bên bán) là Công ty Điện tử công nghiệp và bị đơn (bên mua) là Trung tâm y tế huyện Thanh Trì (nay là Phòng y tế huyện Thanh Trì kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng) được xét xử sơ thẩm bởi TAND TP. Hà Nội bằng bản án án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 134/2006/KDTM-ST ngày 28/12/2006 và xét xử phúc thẩm bởi Tòa Phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội bằng bản án số 95/2008/KT- PT ngày 02/5/2008.

Trong vụ án này hai bên tranh chấp về nghĩa vụ nhận hàng và thanh toán tiền hàng. Trong khi nguyên đơn cho rằng nguyên đơn đã giao hàng phù hợp với hợp đồng và hồ sơ mời thầu của bị đơn và yêu cầu buộc bị đơn nhận hàng và thanh toán tiền hàng, chịu tiền phạt vi phạm và tiền lãi do chậm thanh toán thì bị đơn lại cho rằng các chứng từ kèm theo do nguyên đơn xuất trình không có giá trị pháp lý để khẳng định hàng được giao đúng xuất xứ theo thỏa thuận hợp đồng và đối với một loại thiết bị thì cấu hình không đúng như trong catalog do nhà sản xuất cung cấp, không đúng với hồ

70 Xem hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán TANDTC về giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu tại Nghị quyết số 04/2003/NQ-HĐTP ngày 27/5/2003. Xem thêm Quyết định giám đốc thẩm số 04/2004/HĐTP-KT ngày 27/04/2004 của Hội đồng thẩm phán TANDTC về vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán lắp đặt dây chuyền chế biến cà phê.

71 Xem bình luận của Đỗ Văn Đại (2006), “Thực hiện hợp đồng bị tuyên bố vô hiệu”, Tạp chí Khoa học pháp lý, số 5/2006, tr. 15 về Quyết định giám đốc thẩm số 04/2004/HĐTP-KT ngày 27/04/2004.

72 Quyết định này cũng còn được đề cập tại Chương 6 (Vấn đề thanh toán tiền hàng trong quan hệ hợp đồng mua bán hàng hóa).

sơ mời thầu nên không nhận hàng và không thanh toán tiếp 67% giá trị tiền hàng. Sau khi xác định hàng hóa mà nguyên đơn giao cho bị đơn là phù hợp hợp đồng, các chứng từ kèm theo là có giá trị khẳng định hàng hóa đúng xuất xứ như thỏa thuận hợp đồng và một loại thiết bị thì có cấu hình phù hợp với hợp đồng và hồ sơ mời thầu, tòa án cấp sơ thẩm đã quyết định buộc bị đơn phải tiến hành nhận hàng, chịu phạt vi phạm hợp đồng, nhưng bác yêu cầu đòi tiền lãi của nguyên đơn.

Trong đó, căn cứ để tòa sơ thẩm quyết định buộc bị đơn chịu phạt vi phạm hợp đồng là thỏa thuận hợp đồng cũng như yêu cầu của nguyên đơn về khoản phạt vi phạm. Theo đó, tại hợp đồng và biên bản bổ sung hợp đồng có thỏa thuận, nếu vi phạm về thời hạn giao hàng, về việc tiếp nhận hàng hay vi phạm nghĩa vụ thanh toán thì các bên liên quan đến phần nghĩa vụ của mình sẽ chịu phạt và bồi thường thiệt hại (nếu có). Trong trường hợp này, các bên không thỏa thuận mức phạt vi phạm. Tại thủ tục sơ thẩm nguyên đơn đã yêu cầu phạt vi phạm đối với bị đơn với mức phạt bằng 8% phần giá trị hợp đồng bị vi phạm. Bị đơn cũng có yêu cầu phản tố, trong đó yêu cầu phạt vi phạm nguyên đơn với mức phạt bằng 8% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm. Tòa án xét xử cấp phúc thẩm đã xác nhận mức phạt 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm mà Tòa án cấp sơ thẩm xác định là đúng, chỉ thay đổi khoản tiền phạt do dựa trên cách tính giá trị phần hợp đồng bị vi phạm khác đi.

Như vậy, qua vụ án này có thể nhận thấy, trường hợp các bên có thỏa thuận phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận mức phạt vi phạm và nếu nguyên đơn yêu cầu phạt vi phạm với mức bằng 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm (mức tối đa theo quy định tại Điều 301 LTM 2005) thì mức phạt đó được tòa án chấp nhận.

Theo quan điểm của nhóm nghiên cứu thì quyết định của các tòa án trong vụ án này liên quan đến mức phạt vi phạm là chính xác, bởi vì nếu các bên không có thỏa thuận về mức phạt thì khi xảy ra tranh chấp các bên có quyền yêu cầu phạt vi phạm trong hạn mức luật định. Trong trường hợp này nguyên đơn yêu cầu phạt vi phạm với mức phạt tối đa theo quy định tại Điều 301 LTM 2005 thì tòa án được chấp nhận mức phạt đó. Nhưng nếu nguyên đơn yêu cầu mức phạt thấp hơn, ví dụ 5%, thì trên cơ sở nguyên tắc tôn trọng quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự (Điều 5 BLTTDS), tòa án cũng chỉ được chấp nhận mức phạt theo yêu cầu của nguyên đơn nằm trong hạn mức luật định, chứ không được tự động áp dụng mức phạt tối đa theo luật định.

Quyết định Giám đốc thẩm số 03/2009/KDTM-GĐT ngày 09/04/2009 về vụ tranh chấp về hợp đồng mua bán hàng hóa73

Đây là vụ án kinh doanh, thương mại giữa nguyên đơn (bên mua) là Công ty TNHH thương mại Đại Nam và bị đơn (bên bán) là DNTN Nguyệt Phương, được xét xử sơ thẩm bởi TAND tỉnh Tây Ninh bằng bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 03/KDTM-ST ngày 14/7/2008, xét xử phúc phẩm bởi Tòa Phúc thẩm TANDTC tại

73 Quyết định này cũng còn được đề cập tại Chương 1 (Vấn đề luật áp dụng đối với hợp đồng mua bán hàng hóa).

TP. Hồ Chí Minh bằng bản án kinh doanh, thương mại phúc thẩm số 129/2008/KDTM-PT ngày 15/10/2008 và xét xử giám đốc thẩm bởi Hội đồng thẩm phán TANDTC bằng quyết định giám đốc thẩm số 03/2009/KDTM-GĐT ngày 09/4/2009.

Liên quan đến vấn đề đề cập ở đây (phạt vi phạm), tòa án xét xử giám đốc thẩm có các nhận định được trích dẫn như sau:

“1. Công ty Đại Nam và Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Phương tranh chấp với nhau về nghĩa vụ thanh toán phát sinh từ hợp đồng mua bán hàng hóa (các Hợp đồng số 34/HĐĐN-06 và số 35/HĐĐN-06). Trong quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty Đại Nam và Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Phương đã thay đổi nội dung các hợp đồng trên bằng việc lập và ký Biên bản thỏa thuận bán lại khoai mì lát ngày 04/6/2006 và đã thanh lý các Hợp đồng số 34/HĐĐN-06 và số 35/HĐĐN-06 để thay thế hợp đồng khác (Biên bản thỏa thuận bán khoai mì lát ngày 04/6/2006). Sau đó, Công ty Đại Nam và Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Phương đã nhiều lần đối chiếu công nợ.., nhưng Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Phương không trả được nợ theo cam kết, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm xác định đây là vụ án kinh doanh thương mại tranh chấp về hợp đồng mua bán hàng hóa là có căn cứ, đúng pháp luật. Tuy nhiên, việc Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm không có nhận định và không viện dẫn điểm a khoản 1 Điều 29, khoản 2 Điều 34 Bộ luật tố tụng dân sự là thiếu sót.

2. Việc Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng các Điều 428 (quy định về hợp đồng mua bán tài sản), Điều 438 (quy định về nghĩa vụ trả tiền), Điều 476 (quy định về lãi suất) của Bộ luật dân sự năm 2005 và Tòa án cấp phúc thẩm áp dụng các Điều 428 và 438 Bộ luật dân sự để giải quyết vụ án này là không đúng. Đối với vụ án này phải áp dụng quy định tại các Điều 300 (quy định về phạt vi phạm), Điều 301 (quy định về mức phạt vi phạm) và Điều 306 (quy định về yêu cầu tiền lãi do chậm thanh toán) Luật thương mại năm 2005 mới đúng.

3. Theo Biên bản thỏa thuận bán khoai mì lát ngày 04/6/2006 thì Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Phương cam kết đến ngày 15/8/2006 trả đủ 8,8 tỷ đồng cho Công ty Đại Nam, nếu quá thời hạn trên mà chưa trả đủ thì phải chịu lãi suất chậm thanh toán là 1.1%/tháng và phải chịu phạt thêm 5%/tháng trên số tiền còn nợ cho Công ty Đại Nam; tổng hai khoản là 6,1%/tháng.

Vào các ngày 11/7/2006, 12/8/2006 và 30/8/2006, Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Phương đã thanh toán được 800 triệu đồng; như vậy, tính đến ngày 30/8/2006, Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Phương còn nợ Công ty Đại Nam 8 tỷ đồng tiền gốc.

Tại Phụ lục Biên bản thỏa thuận bán khoai mì lát ngày 30/8/2006, Công ty Đại Nam yêu cầu Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Phương thanh toán số tiền trên trước ngày 30/9/2006, nếu quá hạn thì phải chịu lãi suất là 1,1%/tháng và chịu

phạt vi phạm 10%/tháng trên số tiền chậm thanh toán; còn Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Phương cam kết đến ngày 30/9/2006 trả hết số nợ còn lại và đề nghị được tính mức lãi và mức phạt vi phạm theo Biên bản thỏa thuận bán khoai mì lát ngày 04/6/2006 là 6,1%/tháng.

Sau đó, Công ty Đại Nam và Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Phương còn nhiều lần đối chiếu công nợ và Công ty Đại Nam đưa ra mức phạt vi phạm hợp đồng lên đến 15%/tháng và lãi suất chậm thanh toán là 1,1%/tháng. Đến ngày 14/9/2007, Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Phương lại xin được trả lãi theo lãi suất ngân hàng là 1,5%/tháng kể từ ngày 01/7/2007.

Như vậy, Công ty Đại Nam và Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Phương chỉ thống nhất được với nhau về mức lãi suất chậm thanh toán là 1,1%/tháng; thỏa thuận của các đương sự về trách nhiệm thanh toán tiền lãi do chậm thanh toán là không trái pháp luật. Riêng về việc phạt vi phạm hợp đồng, các đương sự có thỏa thuận và thỏa thuận này là không trái pháp luật; nhưng các đương sự không thống nhất được với nhau về mức phạt sau mỗi lần đối chiếu công nợ.

Hơn nữa, mức phạt vi phạm nghĩa vụ hợp đồng mà các đương sự đưa ra (5%/tháng, 10%/tháng hay 15%/tháng) đều không đúng pháp luật. Theo quy định tại Điều 301 Luật thương mại năm 2005 thì mức phạt (hoặc tổng mức phạt đối chiếu với nhiều vi phạm) do các bên thỏa thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm.

Toà án cấp sơ thẩm căn cứ các Điều 428, 438 và 476 Bộ luật dân sự năm 2005 để buộc Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Phương phải chịu lãi suất nợ quá hạn do Ngân hàng Nhà nước công bố và không phải chịu phạt vi phạm hợp đồng là không đúng pháp luật và không đúng với thỏa thuận không trái pháp luật của đương sự (thỏa thuận về trách nhiệm thanh toán tiền lãi do chậm thanh toán và về phạt vi phạm nghĩa vụ hợp đồng của Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Phương và Công ty Đại Nam tại Biên bản thỏa thuận bán khoai mì lát ngày 04/6/2006).

Tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận cách tính lãi của Tòa án cấp sơ thẩm, không chấp nhận mức lãi suất (1,1%/tháng) và mức phạt vi phạm (15%/tháng) là 16,1%/tháng do nguyên đơn đưa ra và buộc bị đơn trả lại số tiền nợ của 5.000 tấn khoai mì lát theo thời giá tại thời điểm xét xử sơ thẩm là 3.600đ/kg (theo Báo giá khoai mì do nguyên đơn cung cấp) cũng là không đúng pháp luật.

Trường hợp này cần phải căn cứ vào các Điều 300, 301, 306 Luật thương mại năm 2005 và thỏa thuận (không trái pháp luật) của các đương sự tại Biên bản thỏa thuận bán lại khoai mì lát ngày 04/6/2006 để xem xét về việc phạt vi phạm nghĩa vụ hợp đồng và khoản tiền lãi trên số tiền chậm thanh toán, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự. Mặt khác, theo Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Phương trình bày thì do bị cháy kho hàng tại Campuchia nên Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Phương gặp khó khăn trong

việc thanh toán tiền cho Công ty Đại Nam. Vì vậy, khi xét xử lại vụ án này, Tòa án các cấp cần yêu cầu đương sự cung cấp lại tài liệu chứng minh thiệt hại thực tế đã xảy ra, nếu có đầy đủ căn cứ thì có thể xem xét giảm một phần mức phạt vi phạm nghĩa vụ hợp đồng cho Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Phương.”

Nhận xét:

Nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng, các nhận định của tòa án xét xử giám đốc thẩm liên quan đến luật áp dụng để giải quyết tranh chấp này cũng như về mức phạt vi phạm mà tòa án có thể quyết định buộc bị đơn phải trả cho nguyên đơn là chính xác và rất đáng lưu ý khi giải quyết các tranh chấp có tình huống tương tự.

Cụ thể, việc xác định các quy định của BLDS 2005 hay LTM 2005 về phạt vi phạm được áp dụng để giải quyết tranh chấp là đặc biệt quan trọng, vì việc áp dụng quy định của luật này hay luật kia sẽ cho ra kết quả rất khác nhau. Nếu áp dụng BLDS sự thì khoản tiền phạt mà bị đơn phải trả cho thời gian chậm thanh toán đến thời điểm xét xử sơ thẩm đã vượt cả số tiền nợ gốc, bởi vì quy định tại Điều 422 BLDS 2005 không giới hạn mức phạt vi phạm tối đa. Trong khi đó, nếu áp dụng LTM 2005 tòa án sẽ chấp nhận mức phạt tối đa bằng 8% trên giá trị khoản tiền chậm trả mà không phụ thuộc vào thời gian chậm trả là bao lâu.

Bên cạnh đó, việc tòa án xét xử giám đốc thẩm khẳng định trong trường hợp này được xem là các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thống nhất được với nhau về mức phạt cũng là chính xác. Bởi vì thỏa thuận phạt vi phạm có thể bao gồm nội dung: (i) thỏa thuận về việc một bên hoặc cả hai bên phải chịu phạt vi phạm khi có hành vi vi phạm và (ii) thỏa thuận về mức phạt vi phạm. Nếu các bên không thỏa thuận về mức phạt vi phạm thì thỏa thuận về việc bên vi phạm phải chịu phạt vi phạm đã làm phát sinh căn cứ áp dụng chế tài phạt vi phạm. Trong trường hợp này, khi mức phạt vi phạm mà bị đơn chấp nhận (5%/ tháng) cũng như yêu cầu phạt vi phạm của nguyên đơn đưa ra (5%/tháng, 10%/tháng hay 15%/tháng) đều vượt quá hạn mức luật định, thì việc tòa án xét xử phúc thẩm nhận định rằng chỉ được chấp nhận mức phạt bằng 8% giá trị phần nghĩa vụ thanh toán bị vi phạm là phù hợp với quy định tại Điều 301 LTM 2005.

Tuy nhiên, việc tòa án xét xử giám đốc thẩm cho rằng nhẽ ra tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm phải xem xét trình bày của bị đơn về việc bị cháy kho hàng nên gặp khó khăn trong việc thanh toán và “cần yêu cầu đương sự cung cấp lại tài liệu chứng minh thiệt hại thực tế đã xảy ra, nếu có đẩy đủ căn cứ thì có thể xem xét giảm một phần mức phạt vi phạm nghĩa vụ hợp đồng cho Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Phương” là không có căn cứ pháp luật. Bởi vì LTM 2005 (và ngay cả LTM 1997) không hề quy định việc xét giảm một phần mức phạt vi phạm nghĩa vụ hợp đồng, ngoài các trường hợp miễn trách nhiệm (miễn chịu phạt vi phạm) quy định tại Điều 294 LTM 2005. Dường như trong trường hợp này tòa án xét xử giám đốc thẩm đã nhận định “theo quán tính”, bởi vì trước đây Điều 40 Pháp lệnh HĐKT 1989 có quy

định việc bên vi phạm hợp đồng kinh tế được xét giảm trách nhiệm tài sản trong một số trường hợp.

Một phần của tài liệu Các vấn đề pháp lý của hợp đồng mua bán hàng hóa qua thực tiễn xét xử của tòa án và trọng tài tại việt nam (Trang 154 - 159)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(206 trang)