Tài phán về nghĩa vụ nhận hàng của bên mua

Một phần của tài liệu Các vấn đề pháp lý của hợp đồng mua bán hàng hóa qua thực tiễn xét xử của tòa án và trọng tài tại việt nam (Trang 98 - 104)

Chương 8. Vấn đề khiếu nại vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa

2.2 Các vấn đề pháp lý về chủ thể hợp đồng mua bán hàng hóa và tư cách đương sự

5.2.2 Tài phán về nghĩa vụ nhận hàng của bên mua

Bản án số 95/2008/KT-PT ngày 02/05/2008 của Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội v/v tranh chấp hợp đồng mua bán

Trong vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán thiết bị y tế giữa nguyên đơn (bên bán) là Công ty điện tử công nghiệp và bị đơn (bên mua) là Trung tâm y tế huyện Thanh Trì được xét xử sơ thẩm bởi TAND thành phố Hà Nội bằng bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 124/2006/KDTM-ST ngày 28/12/2006 và xét xử phúc thẩm bởi Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội bằng bản án phúc thẩm số 95/2008/KT-PT ngày 02/05/2008, một trong những vấn đề pháp lý được Tòa án xem xét là tính hợp pháp của hành vi từ chối nhận hàng của bên mua làm cơ sở để xác định liệu bên mua có vi phạm nghĩa vụ nhận hàng theo hợp đồng hay không.

Trong vụ án này, các bên giao kết hợp đồng ngày 06/12/2005, theo đó bên bán giao cho bên mua 12 máy siêu âm Toshiba chính hiệu Nhật Bản, 12 máy nghe tim thai và một số thiết bị y tế khác với các quy định cụ thể về mã ký hiệu, chất lượng, xuất xứ và các tiêu chuẩn kỹ thuật của từng loại hàng phù hợp với hồ sơ thầu. Thực hiện hợp đồng, bên mua đã tạm ứng tiền hàng cho bên bán và bên bán đã giao hàng nhưng bên mua không đồng ý nhận hàng đối với toàn bộ các máy siêu âm và máy nghe tim thai.

Theo bên mua, việc không đồng ý nhận hàng là do: (i) đối với 12 máy siêu âm, các chứng từ do bên bán cung cấp là chưa có căn cứ pháp lý để xác định các máy này được sản xuất và lắp ráp tại Nhật Bản và (ii) đối với 12 máy nghe tim thai, bên bán đã giao máy không có thiết bị đầu dò tần số 2,5MHz. Tuy nhiên, trên cơ sở đánh giá các

tình tiết và chứng cứ vụ án, tòa án ấp phúc thẩm đã kết luận bên bán giao hàng phù hợp với hợp đồng đã ký và hồ sơ thầu được duyệt, từ đó tuyên buộc bên mua phải nhận số hàng hóa trên (đồng thời phải thực hiện các nghĩa vụ khác như nghĩa vụ thanh toán, trả tiền phạt vi phạm hợp đồng...).

Như vậy, thông qua vụ án này, có thể nhận thấy hành vi từ chối nhận hàng của bên mua nhưng không chứng minh được bên bán giao hàng không phù hợp với hợp đồng cấu thành vi phạm của bên mua về nghĩa vụ nhận hàng.

Bản án số 54/2008/KDTM-PT ngày 11/03/2008 của Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội v/v tranh chấp hợp đồng mua bán43

Trong vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán nhôm thỏi giữa nguyên đơn (bên bán) là Công ty Welcome Trading Co. Pte. Ltd và bị đơn (bên mua) là Công ty Cổ phần Công nghiệp Tự Cường được xét xử sơ thẩm bởi TAND thành phố Hà Nội bằng bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 120/2007/KDTM-ST ngày 21/09/2007 và xét xử phúc thẩm bởi Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội bằng bản án kinh doanh, thương mại phúc thẩm số 54/2008/KDTM-PT ngày 11/03/2008, một trong những vấn đề pháp lý được Tòa án xem xét là việc xác định vi phạm của bên mua về nghĩa vụ nhận hàng đúng thời hạn và địa điểm theo thỏa thuận trong hợp đồng.

Trong vụ án này, các bên giao kết hợp đồng mua bán nhôm thỏi ngày 22/4/2005, theo đó bên mua có nghĩa vụ thanh toán (80% giá trị hợp đồng) sau khi bên bán đưa ra thông báo giao hàng tạm thời. Thực hiện hợp đồng, bên bán đã chuyển hàng đến kho ngoại quan TP. Hồ Chí Minh (với toàn bộ chứng từ giao hàng) và chỉ thị cho Công ty kho hàng ngoại quan TP. Hồ Chí Minh (Công ty C. Steinweg) thực hiện việc giao hàng tạm thời cho bên mua. Ngày 12/5/2005, Công ty C. Steinweg đã gửi thông báo giao hàng cho bên mua nhưng bên này không đến nhận hàng. Tòa án cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm đều thống nhất với nhận định rằng nguyên đơn đã thực hiện đúng hợp đồng cả về thời gian và địa điểm giao hàng và thực tế đã chuyển hàng để giao cho bị đơn tại kho ngoại quan TP. Hồ Chí Minh, bị đơn đã vi phạm hợp đồng khi không đến nhận hàng theo thỏa thuận. Trong trường hợp này, nghĩa vụ nhận hàng của bên mua chỉ phát sinh khi bên này nhận được thông báo giao hàng tạm thời mà không phụ thuộc vào thời điểm bên bán đã thực tế giao hàng đến kho ngoại quan TP.

Hồ Chí Minh. Tương tự như vậy, bên bán cũng chỉ được coi là hoàn thành nghĩa vụ giao hàng từ thời điểm đưa ra thông báo giao hàng tạm thời, chứ không phải vào thời điểm hàng được lưu trong kho sẵn sàng cho việc giao cho bên mua.

Như vậy, vấn đề không chỉ dừng lại ở việc xác định hành vi vi phạm của bên mua liên quan đến nghĩa vụ nhận hàng mà còn phải xác định chính xác thời điểm phát sinh hành vi vi phạm để làm căn cứ xác định trách nhiệm của bên mua do vi phạm nghĩa vụ nhận hàng (trong trường hợp này là các khoản tính toán nhằm xác định giá

43 Bán án này còn được đề cập tại Chương 7 (Chế tài đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng trong quan hệ mua bán hàng hóa).

trị bồi thường thiệt hại khi bên bán áp dụng chế tài buộc bồi thường thiệt hại theo quy định).

Quyết định của Hội đồng trọng tài thuộc Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam bên cạnh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VIAC) trong vụ kiện “Tranh chấp trong hợp đồng mua bán chè”44 Theo hợp đồng mua bán hàng hóa được ký kết giữa các bên, nguyên đơn (bên mua Ba Lan) mua của bị đơn (bên bán Việt Nam) chè đen rời loại D và sau đó số hàng này được xác định là không đạt yêu cầu về chất lượng, dẫn đến hệ quả bị đơn phải chịu trách nhiệm về việc giao hàng không phù hợp với hợp đồng.

Cụ thể, trong vụ kiện này, một trong những yêu cầu của nguyên đơn là buộc bị đơn bồi thường thiệt hại do hành vi giao hàng không phù hợp với hợp đồng. Hội đồng trọng tài cũng đã kết luận bị đơn vi phạm nghĩa vụ giao hàng phù hợp với hợp đồng và xác định việc áp dụng chế tài buộc bồi thường thiệt hại của nguyên đơn là hợp pháp. Tuy nhiên, liên quan đến yêu cầu đòi bồi thường của nguyên đơn (cụ thể là việc tính toán mức bồi thường), Hội đồng trọng tài cho rằng “Nguyên đơn cũng tỏ ra thiếu sự kiểm tra chặt chẽ việc thực hiện Hợp đồng: chưa kiểm tra phẩm chất của chè cũng như chưa kiểm tra kỹ về tính chuẩn mực của giấy chứng nhận chất lượng, số lượng của Vinacontrol mà đã mở L/C - tức là đã có hành vi chấp nhận hàng. Do đó, nguyên đơn cũng phải chia sẻ phần thiệt hại phát sinh”.

Trong trường hợp này, Trọng tài có thể xem xét lỗi của các bên để từ đó xác định mức bồi thường phù hợp với quy định của pháp luật về áp dụng chế tài bồi thường thiệt hại. Bởi lẽ theo quy định của LTM 1997 (được Trọng tài áp dụng để giải quyết tranh chấp của các bên), yếu tố lỗi của bên vi phạm hợp đồng là một trong những căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại và về nguyên tắc, mức bồi thường thiệt hại sẽ được tính toán dựa trên việc xác định mức độ lỗi này. Tuy nhiên, không thể vì việc xem xét yếu tố lỗi của nguyên đơn trong quá trình giao nhận hàng hóa mà có thể đi đến kết luận nguyên đơn có hành vi chấp nhận hàng. Kết luận này không phù hợp với quy định về nghĩa vụ nhận hàng của bên mua, bởi lẽ việc nhận hàng khi bên bán giao hàng (ngay cả khi đồng thời đã thực hiện nghĩa vụ thanh toán) không đồng nghĩa với việc bên mua đã chấp nhận hàng hóa được giao mà chỉ là tiếp nhận hàng về mặt thực tế. Trên cơ sở hiểu rằng bên mua chỉ tiếp nhận hàng hóa trên thực tế mà không phải là chấp nhận hàng hóa được giao mới có căn cứ để nhận định hành vi nhận hàng trong trường hợp trên không loại trừ quyền của bên mua được áp dụng biện pháp chế tài thích hợp theo quy định của pháp luật cũng như không loại trừ trách nhiệm của bên bán đối với hàng hóa không phù hợp với hợp đồng.

44 Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp DANIDA, Các quyết định trọng tài quốc tế chọn lọc, Nxb Tư pháp, Hà Nội, 2007: Quyết định số 15,

“Tranh chấp trong hợp đồng mua bán chè”, trang 106 – 113.

5.3 Nhận xét chung

Trên cơ sở phân tích các bản án và quyết định trọng tài được chọn lọc trên đây, nhóm nghiên cứu nhận thấy những vấn đề pháp lý cơ bản phát sinh từ nghĩa vụ giao nhận hàng hóa của các bên chủ yếu tập trung ở nghĩa vụ giao hàng đúng thời hạn, địa điểm, phương thức theo hợp đồng của bên bán. Việc xác định thời hạn giao hàng và thời điểm bên bán được coi là hoàn thành nghĩa vụ giao hàng cho bên mua có tính chất quyết định trong việc xác định vi phạm của bên bán liên quan đến nghĩa vụ giao hàng đúng thời hạn theo hợp đồng. Hay nói cách khác, cần phân biệt cụ thể thời điểm giao hàng và thời điểm nhận hàng, thời điểm hoàn thành nghĩa vụ giao hàng của bên bán và thời điểm phát sinh nghĩa vụ nhận hàng của bên mua. Bởi lẽ, trong một số trường hợp cụ thể được đề cập trong các bản án của tòa án và phán quyết trọng tài được phân tích trên đây, căn cứ vào thỏa thuận của các bên trong hợp đồng, khi hàng hóa đã được đặc định hóa cho mục đích giao hàng và được bên bán đặt dưới quyền định đoạt của bên mua thì bên bán được coi là đã thực hiện nghĩa vụ giao hàng vào đúng thời điểm giao hàng đã thỏa thuận trong hợp đồng mà không phụ thuộc vào thời điểm nhận hàng của bên mua hay việc đã thực tế giao hàng cho bên mua hay chưa.

Hoặc trong trường hợp khác, theo thỏa thuận của các bên, nghĩa vụ nhận hàng của bên mua chỉ phát sinh từ thời điểm bên mua nhận được thông báo giao hàng của bên bán mà không phụ thuộc vào việc hàng hóa trên thực tế đã được bên bán đặc định hóa cho mục đích giao hàng, đã được giao đến địa điểm theo thỏa thuận trong hợp đồng và lưu trong kho sẵn sàng cho việc giao cho bên mua. Về vấn đề này, có thể thấy rằng thực tiễn xét xử đã góp phần cụ thể hóa sự cần thiết của việc phân biệt thời điểm giao hàng và thời điểm nhận hàng, thời điểm hoàn thành nghĩa vụ giao hàng của bên bán và thời điểm phát sinh nghĩa vụ nhận hàng của bên mua như được đề cập, bởi đó là cơ sở cho việc xác định trách nhiệm của các bên liên quan đến hành vi giao nhận hàng hóa.

Đối với việc xác định thời hạn giao hàng và thời hạn nhận hàng, các cơ quan xét xử đều đã thống nhất căn cứ để xác định phải dựa trên thỏa thuận của các bên trong hợp đồng, trừ các trường hợp việc thay đổi thời hạn giao nhận hàng hóa từ quyết định gia hạn của một bên do bên kia vi phạm hợp đồng. Chẳng hạn như trong một vụ án cụ thể được phân tích ở trên, Tòa án đã nhận định rằng việc gia hạn thời hạn nhận hàng khi bên mua vi phạm nghĩa vụ nhận hàng là quyền của bên bán phù hợp với quy định của pháp luật và thời hạn gia hạn mà bên bán đặt ra được coi là thời hạn gia hạn hợp đồng mà không phụ thuộc vào ý chí của bên mua (trường hợp này cần phân biệt với trường hợp thay đổi thời hạn nhận hàng trên cơ sở thỏa thuận của các bên với tính chất là thỏa thuận sửa đổi, bổ sung hợp đồng). Thỏa thuận của các bên trong hợp đồng về thời hạn giao nhận hàng hóa là cơ sở để xác định việc thực hiện đúng nghĩa vụ giao nhận hàng hóa của các bên theo hợp đồng. Tuy nhiên trong trường hợp các bên không thỏa thuận thời hạn giao hàng, theo nguyên tắc áp dụng pháp luật, thời hạn này được xác định theo quy định của pháp luật thương mại. Về vấn đề này, thông qua các nghiên cứu và phân tích ở phần trên, có thể nhận thấy sự khác biệt cơ bản giữa LTM 2005 và LTM 1997 quy định về việc xác định thời hạn giao hàng trong trường hợp

các bên trong hợp đồng không thỏa thuận về thời hạn này. Theo LTM 2005, trường hợp không có thỏa thuận về thời hạn giao hàng thì bên bán phải giao hàng trong một thời hạn hợp lý sau khi giao kết hợp đồng. Trong khi đó, LTM 1997 không quy định cụ thể về cách thức xác định thời hạn giao hàng trong trường hợp hợp đồng không có thỏa thuận về thời hạn này, vì theo LTM 1997, các bên buộc phải thỏa thuận nội dung về thời hạn giao nhận hàng hóa, nếu không thỏa thuận nội dung chủ yếu này, hợp đồng mua bán hàng hóa giữa các bên coi như chưa được xác lập. Tuy nhiên đã có trường hợp cho thấy các bên sửa đổi, bổ sung hợp đồng (theo trình tự và thủ tục phù hợp với quy định của pháp luật) với ý chí làm thay đổi điều kiện thời hạn giao hàng đã được xác định trong hợp đồng nhưng bản thân thỏa thuận sửa đổi lại không xác định rõ thời hạn bao lâu là cần thiết để thực hiện xong việc giao hàng. Vì vậy, thực tiễn áp dụng pháp luật cho thấy trong một số trường hợp nhất định, quy định của LTM 1997 về thời hạn giao hàng không đủ cơ sở để ràng buộc trách nhiệm của mỗi bên trong hợp đồng đối với nghĩa vụ giao nhận hàng hóa. Trong vụ án liên quan đến vấn đề được đề cập này, cơ quan xét xử đã nhận định chưa có cơ sở để kết luận một bên vi phạm hợp đồng (cụ thể trong vụ kiện là bên mua vi phạm nghĩa vụ nhận hàng) vì các bên cho đến thời điểm khởi kiện vẫn chưa có thỏa thuận cụ thể về thời hạn giao nhận hàng hóa. Từ đó có thể thấy rằng việc dựa trên căn cứ pháp lý cụ thể để làm cơ sở xác định đúng yêu cầu của mình có ý nghĩa quan trọng đối với các bên tranh chấp vì điều này ảnh hưởng đến phạm vi yêu cầu được tòa án chấp nhận. Nhưng vấn đề không chỉ là việc rút ra kinh nghiệm cho các bên khi đưa ra yêu cầu giải quyết tranh chấp mà còn nhấn mạnh tính chất cần thiết của việc các bên cần thỏa thuận điều khoản giao nhận cụ thể trong hợp đồng phù hợp với yêu cầu và khả năng thực tế của các bên, bởi lẽ yêu cầu hoàn thiện pháp luật thương mại luôn được đặt ra qua các thời kỳ nhưng vẫn có thể tồn tại những hạn chế nhất định chưa được khắc phục khi áp dụng pháp luật trong các trường hợp cụ thể.

Liên quan đến nghĩa vụ nhận hàng của bên mua, thực tiễn tài phán còn thể hiện quan điểm không phù hợp khi nhận định rằng hành vi nhận hàng nhưng không kiểm tra hàng hóa mà còn thực hiện việc thanh toán tiền hàng là hành vi chấp nhận hàng của bên mua. Về vấn đề này, cần hiểu rằng việc bên mua nhận hàng khi bên bán giao hàng (ngay cả khi đồng thời đã thực hiện nghĩa vụ thanh toán) không đồng nghĩa với việc bên mua đã chấp nhận hàng hóa được giao mà chỉ là tiếp nhận hàng về mặt thực tế. Điều này không loại trừ việc bên mua được thực hiện các quyền cơ bản nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình (như quyền được áp dụng biện pháp chế tài thích hợp theo quy định của pháp luật) cũng như không loại trừ trách nhiệm của bên bán đối với vi phạm về nghĩa vụ giao hàng. Như vậy, đối với nghĩa vụ nhận hàng của bên mua, cần phân biệt hành vi chấp nhận hàng hóa với hành vi tiếp nhận hàng về mặt thực tế, vì vấn đề này ảnh hưởng trực tiếp đến việc xác định trách nhiệm của bên bán trong quá trình thực hiện hành vi giao nhận hàng hóa.

Danh mục bản án và quyết định trọng tài liên quan

12. Quyết định giám đốc thẩm số 05/2004/HĐTP-DS ngày 25/03/2004 của Hội đồng thẩm phán TANDTC về vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán

13. Quyết định giám đốc thẩm số 04/KDTM-GĐT ngày 05/04/2006 của Hội đồng thẩm phán TANDTC về vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa

14. Bản án số 16/KTPT ngày 02/03/2005 của Tòa Phúc thẩm TANDTC tại TP. Hồ Chí Minh về vụ án tranh chấp hợp đồng làm khuôn ép nhựa

15. Bản án số 54/2008/KDTM-PT ngày 11/03/2008 của Tòa Phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội v/v tranh chấp hợp đồng mua bán

16. Bản án số 95/2008/KT-PT ngày 02/05/2008 của Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội v/v tranh chấp hợp đồng mua bán

17. Bản án số 456/2009/KDTM-ST ngày 09/08/2009 của TAND TP. Hồ Chí Minh v/v tranh chấp hợp đồng mua bán

18. Quyết định của Hội đồng trọng tài thuộc Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam bên cạnh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VIAC) trong vụ kiện

“Tranh chấp trong hợp đồng mua gỗ ép” (theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp DANIDA, Các quyết định trọng tài quốc tế chọn lọc, Nxb Tư pháp, Hà Nội, 2007: Quyết định số 6, “Tranh chấp trong hợp đồng mua gỗ ép”, trang 46-52)

19. Quyết định của Hội đồng trọng tài thuộc Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam bên cạnh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VIAC) trong vụ kiện

“Tranh chấp trong hợp đồng mua bán thép” (theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp DANIDA, Các quyết định trọng tài quốc tế chọn lọc, Nxb Tư pháp, Hà Nội, 2007: Quyết định số 9, “Tranh chấp trong hợp đồng mua bán thép”, trang 67-71)

20. Quyết định của Hội đồng trọng tài thuộc Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam bên cạnh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VIAC) trong vụ kiện

“Tranh chấp trong hợp đồng mua bán chè” (theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp DANIDA, Các quyết định trọng tài quốc tế chọn lọc, Nxb Tư pháp, Hà Nội, 2007: Quyết định số 15, “Tranh chấp trong hợp đồng mua bán chè”, trang 106-113)

Một phần của tài liệu Các vấn đề pháp lý của hợp đồng mua bán hàng hóa qua thực tiễn xét xử của tòa án và trọng tài tại việt nam (Trang 98 - 104)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(206 trang)