Chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng

Một phần của tài liệu Các vấn đề pháp lý của hợp đồng mua bán hàng hóa qua thực tiễn xét xử của tòa án và trọng tài tại việt nam (Trang 130 - 133)

Chương 8. Vấn đề khiếu nại vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa

2.2 Các vấn đề pháp lý về chủ thể hợp đồng mua bán hàng hóa và tư cách đương sự

7.1.2 Về các loại chế tài trong hoạt động thương mại

7.1.2.1 Chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng

Theo quy định tại khoản 1 Điều 297 LTM 2005 thì “buộc thực hiện đúng hợp đồng là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm thực hiện đúng hợp đồng hoặc dùng các biện pháp khác để hợp đồng được thực hiện và bên vi phạm phải chịu chi phí phát sinh”. Loại chế tài này có chức năng đảm bảo cho hợp đồng được thực hiện như thỏa thuận, phù hợp với mục tiêu hợp đồng mà bên bị vi phạm đã đặt ra vào thời điểm giao kết hợp đồng. Với chức năng như vậy, loại chế tài này thường được bên bị vi phạm ưu tiên áp dụng, mặc dù không bắt buộc phải áp dụng trước, vì nó phù hợp hơn cả để đạt được mục đích đặt ra ban đầu của hợp đồng.

Chế tài buộc thực hiện hợp đồng có thể được một bên (bên bị vi phạm) áp dụng đối với bất kỳ hành vi vi phạm hợp đồng nào của bên kia (bên vi phạm), cho dù đó là vi phạm không cơ bản. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, mặc dù đối với chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng LTM 2005 không quy định dưới dạng “trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”, nhưng trên cơ sở nguyên tắc tự do hợp đồng, các bên có thể thỏa thuận miễn nghĩa vụ thực hiện đúng hợp đồng của bên vi phạm trong một số trường hợp nhất định. Nhưng thực tế điều này là hiếm khi xảy ra, bởi vì loại thỏa thuận như vậy không khuyến khích việc tuân thủ hợp đồng.

Chế tài buộc thực hiện hợp đồng có thể được áp dụng theo hai cách thức khác nhau: Thứ nhất, bên bị vi phạm có thể yêu cầu bên vi phạm thực hiện đúng các thỏa thuận hợp đồng. Thứ hai, bên bị vi phạm có thể dùng các biện pháp khác để hợp đồng được thực hiện.

Bản thân LTM 2005 không quy định chung và trực tiếp về nguyên tắc thứ tự áp dụng hai cách thức này, nghĩa là không quy định liệu trước hết bên bị vi phạm phải yêu cầu bên vi phạm thực hiện đúng hợp đồng (cách thức thứ nhất) và chỉ khi bên vi phạm không thực hiện theo yêu cầu đó thì mới được dùng các biện pháp khác để hợp đồng được thực hiện (cách thức thứ hai) hay được phép dùng ngay các biện pháp khác để hợp đồng được thực hiện mà trước đó không cần phải yêu cầu bên vi phạm thực

hiện đúng hợp đồng. Tuy nhiên, các quy định tại khoản 2, 3 Điều 297 cho thấy, đối với loại hợp đồng mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ thì bên bị vi phạm trước hết phải yêu cầu bên vi phạm thực hiện đúng hợp đồng, và chỉ khi bên vi phạm không thực hiện yêu cầu đó thì mới được dùng các biện pháp khác để hợp đồng được thực hiện. Trên cơ sở nguyên tắc thiện chí của pháp luật hợp đồng thì theo quan điểm của nhóm nghiên cứu cách thức áp dụng chế tài buộc thực hiện hợp đồng như quy định tại khoản 2, 3 Điều 297 cũng phải được áp dụng đối với các loại hợp đồng khác trong hoạt động thương mại. Tuy nhiên, nếu hoàn cảnh cụ thể cho thấy rõ ràng bên vi phạm không có thiện chí hoặc không có khả năng thực hiện đúng hợp đồng thì bên vi phạm có thể dùng ngay các biện pháp khác để hợp đồng được thực hiện. Chỉ như vậy, chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng mới có thể phát huy tốt chức năng đảm bảo cho hợp đồng được thực hiện phù hợp với mục đích hợp đồng mà bên bị vi phạm theo đuổi.

Yêu cầu thực hiện đúng hợp đồng không làm phát sinh nghĩa vụ mới của bên vi phạm, nhưng là điều kiện để bên bị vi phạm dùng cách biện pháp để hợp đồng được thực hiện khi bên vi phạm không thực hiện theo yêu cầu đó. Như vậy, đối với yêu cầu thực hiện đúng hợp đồng thì quy định tại khoản 2 Điều 297 chỉ có tính chất hướng dẫn, chứ không quy định thêm nghĩa vụ mới. Theo đó, trường hợp bên vi phạm giao thiếu hàng hoặc cung ứng dịch vụ không đúng hợp đồng thì phải giao đủ hàng hoặc cung ứng dịch vụ theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng. Trường hợp bên vi phạm giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ kém chất lượng thì phải loại trừ khuyết tật của hàng hóa, thiếu sót của dịch vụ hoặc giao hàng khác thay thế, cung ứng dịch vụ theo đúng hợp đồng. Bên vi phạm không được dùng tiền hoặc hàng khác chủng loại, loại dịch vụ khác để thay thế nếu không được sự chấp thuận của bên bị vi phạm.

Theo quy định tại Điều 298, trong trường hợp bên bị vi phạm yêu cầu thực hiện đúng hợp đồng thì bên đó có thể gia hạn một thời gian hợp lý để bên vi phạm thực hiện nghĩa vụ hợp đồng. Tuy nhiên, việc gia hạn thời gian hợp đồng không “hợp thức hóa” vi phạm hợp đồng của bên vi phạm. Điều đó có nghĩa là việc gia hạn thời hạn hợp đồng không loại trừ quyền của bên vi phạm được yêu cầu bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm (nếu các bên có thỏa thuận phạt vi phạm) cũng như tạm ngừng thực hiện nghĩa vụ hợp đồng. Nhưng chỉ khi thời hạn được gia hạn kết thúc mà bên vi phạm vẫn không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ thì bên vi phạm mới được áp dụng chế tài đình chỉ thực hiện hợp đồng hoặc hủy hợp đồng.

Bên bị vi phạm áp dụng cách thức yêu cầu thực hiện đúng hợp đồng thông qua hành vi yêu cầu. Yêu cầu đó có thể được thực hiện bằng văn bản, bằng lời nói hoặc bằng hành vi cụ thể.

Khi bên vi phạm không thực hiện yêu cầu thực hiện đúng hợp đồng (hoặc hoàn cảnh cụ thể cho thấy rõ ràng bên vi phạm không có thiện chí hoặc không có khả năng thực hiện đúng hợp đồng) thì bên bị vi phạm có quyền áp dụng các biện pháp khác để hợp đồng được thực hiện. Chẳng hạn, đối với vi phạm nghĩa vụ giao hàng (không giao hàng) của bên bán, thì bên mua có thể mua hàng của người khác để thay

thế; nếu hàng hóa có khuyết tật thì bên bị vi phạm có quyền tự hoặc thuê người khác sửa chữa khuyết tật của hàng hóa. Việc áp dụng chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng theo cách thức dùng các biện pháp khác để hợp đồng được thực hiện làm phát sinh nghĩa vụ thanh toán khoản tiền chênh lệch mua hàng thay thế, nhận cung ứng dịch vụ thay thế và chi phí liên quan hoặc chi phí thực tế hợp lý để sửa chữa khuyết tật hàng hóa, khắc phục thiếu sót dịch vụ (khoản 3 Điều 297).

Việc áp dụng chế tài buộc thực hiện hợp đồng theo cách thức dùng các biện pháp khác để hợp đồng được thực hiện cũng phải được thông báo cho bên vi phạm biết. Bởi vì hành vi vi phạm của một bên không loại trừ nghĩa vụ thông tin của bên kia và cũng không vô hiệu hóa nguyên tắc thiện chí của pháp luật hợp đồng.

Với chức năng đảm bảo cho hợp đồng được thực hiện như các bên đã thỏa thuận, việc áp dụng chế tài buộc thực hiện hợp đồng không ảnh hưởng tới hiệu lực của hợp đồng. Ngay cả khi bên bị vi phạm áp dụng chế tài theo cách thức yêu cầu bên vi phạm thực hiện đúng các thỏa thuận hợp đồng và gia hạn một thời gian hợp lý để bên vi phạm thực hiện hợp đồng thì thời hạn theo hợp đồng (thời hạn gốc) vẫn là mốc để tính thời hạn khiếu nại, thời hiệu khởi kiện, tính toán thiệt hại xảy ra hay lãi suất chậm trả v.v.., bởi vì hành vi gia hạn thời hạn là hành vi đơn phương của bên bị vi phạm. Chỉ khi cả hai bên cùng thỏa thuận về việc gia hạn thời hạn thì thời hạn được gia hạn đó mới trở thành mốc mới để tính thời hạn khiếu nại và thời hiệu khởi kiện.

Còn trong trường hợp bên bị vi phạm dùng các biện pháp khác để hợp đồng được thực hiện thì các thỏa thuận hợp đồng vẫn là căn cứ để tính khoản tiền chênh lệch và các chi phí liên quan mà bên vi phạm phải trả cho bên bị vi phạm.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 299 LTM 2005 thì “trừ trường hợp có thỏa thuận khác, trong thời gian áp dụng chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng, bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm nhưng không được áp dụng các chế tài khác”. Các chế tài khác không được áp dụng trong thời gian áp dụng chế tài buộc thực hiện hợp đồng chính là chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng, đình chỉ thực hiện hợp đồng và hủy bỏ hợp đồng. Theo quan điểm của nhóm nghiên cứu thì quy định như vậy có phần không chính xác. Bởi vì không thể đồng thời áp dụng chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng (không làm thay đổi hiệu lực hợp đồng) và chế tài đình chỉ thực hiện hợp đồng (làm chấm dứt hiệu lực hợp đồng kể từ thời điểm áp dụng chế tài) hay chế tài hủy hợp đồng (làm hợp đồng không có hiệu lực kể từ thời điểm giao kết), vì chức năng (hướng tác động) của các chế tài này hoàn toàn trái ngược nhau. Như vậy, các bên không thể thỏa thuận khác đi như quy định tại điều khoản này. Duy chỉ có chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng là có thể áp dụng đồng thời với chế tài buộc thực hiện hợp đồng, bởi vì chức năng của chúng không trái ngược nhau.

Chẳng hạn, bên mua (bên bị vi phạm) có thể tạm ngừng thanh toán cho đến khi được bên bán (bên vi phạm) giao hàng hoặc ngược lại. Còn theo quy định tại khoản 2 Điều 299 LTM 2005 thì “trường hợp bên vi phạm không thực hiện chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng trong thời hạn mà bên bị vi phạm ấn định, bên bị vi phạm được áp dụng các chế tài khác để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình”. “Các chế tài khác”

được đề cập trong điều khoản này chính là các chế tài không được đồng thời áp dụng với chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng theo quy định tại khoản 1 Điều 299.

Một phần của tài liệu Các vấn đề pháp lý của hợp đồng mua bán hàng hóa qua thực tiễn xét xử của tòa án và trọng tài tại việt nam (Trang 130 - 133)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(206 trang)