Chương 6. Vấn đề thanh toán tiền hàng trong hợp đồng mua bán hàng hóa
6.1 Các vấn đề pháp lý về nghĩa vụ thanh toán tiền hàng
6.1.1 Căn cứ phát sinh và nội dung nghĩa vụ thanh toán tiền hàng
Trong quan hệ hợp đồng mua bán hàng hóa thì thanh toán tiền hàng là nghĩa vụ cơ bản của bên mua. Tuy nhiên, pháp luật thương mại luôn quy định nghĩa vụ này dưới dạng “bên mua có nghĩa vụ thanh toán tiền hàng theo thỏa thuận trong hợp đồng” (Điều 46 LTM 1997, Điều 50 LTM 2005). Bởi vậy, thỏa thuận hợp đồng là cơ sở để xác định nội dung của nghĩa vụ thanh toán tiền hàng và trước hết đó là thỏa thuận về giá cả và phương thức thanh toán. Thực tiễn hợp đồng cho thấy, điều khoản về phương thức thanh toán có thể bao gồm thỏa thuận về việc thanh toán một lần hay thanh toán nhiều đợt, thời điểm thanh toán, điều kiện thanh toán, thanh toán bằng tiền mặt, séc hay chuyển khoản, chứng từ thanh toán, đồng tiền dùng để thanh toán, căn cứ quy đổi giữa giá cả và đồng tiền thanh toán. Thỏa thuận hợp đồng về nghĩa vụ thanh toán là căn cứ để bên mua thực hiện nghĩa vụ và cũng là căn cứ để giải quyết tranh chấp phát sinh.
Pháp luật thương mại cũng không quy định thứ tự hay trật tự nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng mua bán hàng hóa. Như vậy, có thể bên bán phải giao hàng thì bên mua mới phải thanh toán, nhưng cũng có thể việc bên mua trả tiền là điều kiện để bên bán giao hàng. Thực tiễn hợp đồng cho thấy, thỏa thuận bên mua trả trước một tỷ lệ phần trăm giá cả là phổ biến, đặc biệt là đối với hợp đồng mua bán hàng hóa là động sản hình thành trong tương lai hoặc hàng hóa được bên bán mua vào từ bên thứ ba.
Riêng đối với vấn đề giá cả hàng hóa, LTM 1997 và LTM 2005 đã có các quy định khác biệt. Theo quy định tại Điều 50 LTM 1997 thì hợp đồng mua bán hàng hóa phải có thỏa thuận về giá cả với tư cách là một nội dung chủ yếu của hợp đồng. Điều 12 Pháp lệnh HĐKT 1989 cũng quy định hợp đồng kinh tế phải có điều khoản về giá cả là điều khoản chủ yếu của hợp đồng kinh tế. Nhưng cả hai văn bản pháp luật này đều không quy định về hệ quả pháp lý của việc không thỏa thuận về giá cả, như trong trường hợp đó thì hợp đồng mua bán hàng hóa được coi là đã xác lập hay chưa?45 Trong khi đó khoản 1 Điều 401 BLDS 1995 có quy định rất rõ ràng hệ quả pháp lý của việc không thỏa thuận về giá cả, theo đó nội dung chủ yếu của hợp đồng (bao
45 LTM 1997 chỉ quy định rõ ràng về hệ quả pháp lý của việc không thỏa thuận điều khoản giá cả trong hợp đồng mua bán hàng hóa với thương nhân nước ngoài. Theo đó, hợp đồng mua bán hàng hóa với thương nhân nước ngoài chỉ có hiệu lực khi đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Điều 81 Luật này, bao gồm phải có các nội dung chủ yếu của hợp đồng mua bán hàng hóa quy định tại Điều 50 Luật này (bao gồm điều khoản về giá cả).
gồm điều khoản về giá cả) là những điều khoản mà thiếu những điều khoản đó, thì hợp đồng không thể giao kết được. Tuy nhiên, LTM 1997 và BLDS 1995 không có quan hệ luật chung (lex generalis) và luật riêng (lex specialis), nên không thể áp dụng quy định tại khoản 1 Điều 401 BLDS 1995 để nhận định rằng một hợp đồng mua bán hàng hóa theo LTM 1997 được coi là chưa xác lập nếu các bên chưa thỏa thuận về giá cả. Bởi vậy, chỉ riêng việc xem xét trên cơ sở quy định pháp luật không cho câu trả lời chắc chắn về việc liệu hợp đồng mua bán hàng hóa theo LTM 1997 có bắt buộc phải có điều khoản giá cả hay không.
Nhưng ngày nay không còn phải đặt ra vấn đề đó nữa. Bởi vì theo quy định tại Điều 52 LTM 2005 thì “trường hợp không có thỏa thuận về giá hàng hóa, không có thỏa thuận về phương pháp xác định giá và cũng không có bất kỳ chỉ dẫn nào khác về giá thì giá của hàng hóa được xác định theo giá của loại hàng hóa đó trong các điều kiện tương tự về phương thức giao hàng, thời điểm mua bán hàng hóa, thị trường địa lý, phương thức thanh toán và các điều kiện khác có ảnh hưởng đến giá”. Như vậy, ngày nay, dưới hiệu lực của LTM 2005, một hợp đồng mua bán hàng hóa không cần thiết phải có điều khoản về giá cả. Quy định này một mặt là phù hợp hơn với thực tiễn hợp đồng, mặt khác đã giúp quy định của LTM 2005 về hợp đồng mua bán hàng hóa xích lại gần hơn với Công ước Viên về mua bán hàng hóa quốc tế (CISG). Bởi vì, theo Công ước này, hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế cũng được coi là đã xác lập mà không có điều khoản về giá cả.46
Như đã đề cập ở trên, bên mua có nghĩa vụ thanh toán tiền hàng theo thỏa thuận trong hợp đồng, nên thỏa thuận hợp đồng là căn cứ trước hết để xác định các nghĩa vụ cụ thể của bên mua bao hàm trong nghĩa vụ thanh toán tiền hàng. Các thỏa thuận liên quan đến thanh toán tiền hàng có thể bao gồm thỏa thuận về (i) điều kiện thanh toán, (ii) thời hạn thanh toán, bao gồm thanh toán một lần hay thanh toán theo đợt, (iii) hình thức thanh toán (tiền mặt, séc hay chuyển khoản), (iv) đồng tiền thanh toán, (v) căn cứ quy đổi giữa đồng tiền giá cả và đồng tiền thanh toán v.v.. Trường hợp các bên không thỏa thuận thì các quy định pháp luật về các vấn đề tương ứng mới được áp dụng, như quy định tại Điều 54 LTM 2005 về địa điểm thanh toán, Điều 55 LTM 2005 về thời hạn thanh toán (LTM 1997 không có quy định cụ thể về địa điểm và thời hạn thanh toán áp dụng cho trường hợp các bên không có thỏa thuận về vấn đề này).
6.1.2 Bản chất của quyền tạm ngừng thanh toán tiền hàng
Liên quan đến nghĩa vụ thanh toán, pháp luật thương mại tập trung điều chỉnh các trường hợp bên mua có quyền tạm ngừng thanh toán như là biện pháp đáp trả sự
46 Về vấn đề này tham khảo: Bùi Ngọc Hồng (2004), “Điều khoản giá cả và vấn đề giao kết hợp đồng theo quy định của Công ước Viên 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế”, Tạp chí Khoa học pháp lý, số 6(25)/2004, tr. 24-31.
vi phạm nghĩa vụ của bên bán cũng như nhằm buộc bên bán thực hiện nghĩa vụ của mình để được thanh toán.
Tuy nhiên, còn có vấn đề cần được đặt ra là liệu quyền tạm ngừng thanh toán tiền hàng của bên mua là một loại chế tài trong thương mại hay là một loại quyền độc lập với các chế tài trong thương mại quy định tại chương IV của LTM 1997 hay chương VII của LTM 2005? Việc giải đáp câu hỏi này là cần thiết, bởi nếu coi quyền tạm ngừng thanh toán tiền hàng là một quyền độc lập với các chế tài trong thương mại thì điều kiện thực hiện quyền này là khác với trường hợp coi đó là một loại chế tài trong thương mại.
Theo quan điểm của nhóm nghiên cứu thì quyền tạm ngừng thanh toán tiền hàng của bên mua không phải là loại quyền được áp dụng chế tài do vi phạm hợp đồng quy định tại chương IV của LTM 1997 hay chương VII của LTM 2005. Quan điểm này không dựa trên thực tế là các quy định về quyền tạm ngừng thanh toán tiền hàng được các luật này quy định ngoài chương quy định về chế tài trong thương mại, vì các quy định về chế tài trong thương mại tại các luật này là chế tài áp dụng chung cho tất cả các loại hoạt động thương mại, nên đối với từng hoạt động thương mại cụ thể luật vẫn có thể quy định thêm các chế tài áp dụng riêng cho hoạt động thương mại cụ thể đó. Thay vì điều đó, quan điểm này dựa trên sự khác biệt trong quy định về cách thức thực hiện quyền tạm ngừng thanh toán tiền hàng của bên mua so với cách thức áp dụng các chế tài trong thương mại quy định tại chương IV của LTM 1997 hay chương VII của LTM 2005. Theo đó, bên mua có quyền tạm ngừng thanh toán tiền hàng khi điều kiện tạm ngừng thanh toán xảy ra mà không cần phải thông báo cho bên bán về việc tạm ngừng thanh toán, trong khi đó để áp dụng chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng theo quy định tại Điều 308 LTM 2005 thì bên áp dụng chế tài này phải thông báo cho bên vi phạm biết về việc áp dụng chế tài (Điều 315 LTM 2005). Và nếu bên bị vi phạm áp dụng chế tài trong thương mại mà không thông báo cho bên vi phạm biết thì chính bên áp dụng chế tài lại bị coi là vi phạm hợp đồng.
Như vậy, theo quan điểm của nhóm nghiên cứu thì quyền tạm ngừng thanh toán tiền hàng là một loại quyền hợp đồng, phát sinh trước hết từ thỏa thuận của các bên trong hợp đồng mua bán hàng hóa; các quy định tương ứng của luật về tạm ngừng thanh toán tiền hàng chỉ áp dụng khi các bên không có thỏa thuận (Điều 72 LTM 1997, Điều 51 LTM 2005).
6.1.3 Các trường hợp tạm ngừng thanh toán tiền hàng cụ thể
LTM 1997 và LTM 2005 có các quy định tương tự nhau về các trường hợp bên mua có quyền tạm ngừng thanh toán tiền hàng. Điều 72 LTM 1997 quy định về quyền chưa thanh toán tiền mua hàng như sau: (i) Người mua có quyền chưa thanh toán toàn bộ hoặc một phần tiền mua hàng nếu khi nhận hàng phát hiện thấy hàng bị hư hỏng, có khuyết tật và chỉ thanh toán khi người bán đã khắc phục những hư hỏng, khuyết tật đó, trừ trường hợp trong hợp đồng có thỏa thuận khác; (ii) Người mua có
quyền giữ lại toàn bộ hoặc một phần tiền mua hàng nếu có bằng chứng về việc người bán lừa gạt hoặc không có khả năng giao hàng hoặc hàng này đang là đối tượng tranh chấp giữa người bán với người thứ ba cho đến khi các tình trạng này đã được giải quyết xong. Còn theo quy định tại Điều 51 LTM 2005 thì bên mua có quyền ngừng thanh toán tiền mua hàng trong những trường hợp sau: (i) Bên mua có bằng chứng về việc bên bán lừa dối thì có quyền tạm ngừng việc thanh toán; (ii) Bên mua có bằng chứng về việc hàng hóa đang là đối tượng bị tranh chấp thì có quyền tạm ngừng thanh toán cho đến khi việc tranh chấp đã được giải quyết; (iii) Bên mua có bằng chứng về việc bên bán đã giao hàng không phù hợp với hợp đồng thì có quyền tạm ngừng thanh toán cho đến khi bên bán đã khắc phục sự không phù hợp đó.
Tuy nhiên, so với LTM 1997 thì LTM 2005 có những quy định chi tiết hơn bảo vệ quyền cơ bản của bên bán – quyền được thanh toán tiền hàng để đổi lại với việc giao hàng. Theo đó, trường hợp tạm ngừng thanh toán vì hàng hóa đang là đối tượng bị tranh chấp hoặc hàng hóa giao không phù hợp với hợp đồng mà bằng chứng do bên mua đưa ra không xác thực, gây thiệt hại cho bên bán thì bên mua phải bồi thường thiệt hại đó và chịu các chế tài khác theo quy định của LTM 2005 (khoản 4 Điều 51). Vì nghĩa vụ thanh toán là nghĩa vụ cơ bản nhất của bên mua nên việc ngừng thanh toán phải dựa trên thỏa thuận trong hợp đồng hoặc quy định của pháp luật, việc ngừng thanh toán mà không có căn cứ pháp lý là cấu thành một vi phạm cơ bản hợp đồng của bên mua. Quy định tại Điều 51 LTM 2005 là một quy phạm tùy nghi, cho phép các bên trong hợp đồng có thể thỏa thuận các trường hợp khác làm phát sinh quyền ngừng thanh toán tiền hàng của bên mua. Vì vậy căn cứ quy định liên quan của LTM 2005, bên mua cũng có thể thỏa thuận việc ngừng thanh toán tiền mua hàng nếu trước khi đến hạn thực hiện nghĩa vụ giao hàng của bên bán mà có dấu hiệu cho thấy rằng nghĩa vụ giao hàng sẽ không được thực hiện hoặc không thể thực hiện47. Tuy nhiên các thỏa thuận loại này phải ràng buộc các điều kiện cụ thể để không xâm phạm quyền của bên bán, nhất là trong trường hợp bên bán có thể cung cấp những bảo đảm đầy đủ cho việc thực hiện nghĩa vụ của mình.