CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU, CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN
1.2 CƠ SỞ LÝ LUẬN
1.2.2 Các lý thuyết tiếp cận
1.2.2.3 Lý thuyết vùng văn hóa
Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, trên cơ sở nghiên cứu về người da đỏ ở châu Mỹ, các nhà nhân chủng học người Mỹ đã đưa ra lý thuyết vùng văn hóa mà đại diện là F. Boas, CL.Wisler, AL. Kroeber. Lý thuyết này như một tuyên ngôn mới trong khoa học về nhân học và văn hóa, một mặt, chống lại quan điểm tiến hóa của L. Morgan và E.B.Tylor, mặt khác, nó phê phán quan điểm khuếch tán văn hóa cực đoan của Truyền bá luận Tây Âu (126, 2015, tr.32). Theo F. Boas, một mặt, ông thừa nhận tính thống nhất và qui luật chung của phát triển văn hóa nhân loại, mặt khác, ông khẳng định văn hóa mỗi dân tộc được hình thành gắn với môi trường xã hội, điều kiện địa lý cụ thể. Từ quan niệm đó, vấn đề đặt ra là cần xây dựng bằng phương pháp khoa học để nhận thức các vùng văn hóa, những tác động qua lại, tìm ra nguyên nhân để giải thích sự hình
thành, phát triển của các vùng văn hóa.
Từ thực tế nghiên cứu, CL.Wisler đã từng bước đặt ra những vấn đề nêu trên qua cuốn sách Người Mỹ da đỏ xuất bản năm 1917. Theo đó, CL.Wisler tập trung xem xét vùng văn hóa từ cơ sở tập hợp nhiều yếu tố văn hóa, trong đó người nghiên cứu lựa chọn một tập hợp các yếu tố đặc trưng mà ông gọi là loại hình văn hóa. Một luận điểm quan trọng về lý thuyết vùng văn hóa của CL.Wisler là trung tâm văn hóa. Theo ông, vùng văn hóa hình thành chịu ảnh hưởng bởi văn hóa trung tâm, mặt khác, văn hóa trung tâm bao giờ cũng biến đổi mạnh hơn các vùng xa trung tâm. Tiếp thu có phê phán và phát triển vùng văn hóa của CL.Wisler, A.L.Kroeber tiếp tục phát triển sâu sắc hơn lý luận vùng văn hóa của CL.Wisler về các đặc trưng vùng, ranh giới giữa các vùng văn hóa, trung tâm văn hóa. Để hình thành các vùng văn hóa khác nhau, A.L.Kroeber đã tính đến các yếu tố lịch sử, đến các tính chất phát triển không đồng đều giữa các cư dân trong vùng, nhất là giữa trung tâm với vùng ngoại vi. Ông còn quan tâm đến việc thực hiện việc chuyển đổi trọng tâm phân tích từ văn hóa và lịch sử của một đơn vị xã hội cụ thể theo quan điểm liên văn hóa thành một tổng thể phức hệ vùng. Khái niệm vùng văn hóa đã được các nhà nhân học Mỹ phát triển, về cơ bản là một công cụ thực nghiệm chứng minh tính hữu dụng của nó cho phân loại bảo tàng, thư viện và cho mục đích chỉ dẫn người tham quan, nghiên cứu, học tập. M. Herskovits định nghĩa vùng văn hóa là một vùng ít nhiều là một đơn vị thống nhất, các tộc người có vô số cách thể hiện văn hóa với tư cách là tộc người có các văn hóa điển hình. Sau đó, ông đã sử dụng một phương pháp tương tự để vạch ranh giới các vùng văn hóa chủ yếu tại châu Phi.
Nhà nhân học Mỹ George P. Murdock đã tiến hành phân tích các tương đồng và khác biệt liên văn hóa giữa nhiều dân tộc trên phạm vi toàn thế giới. Bắt đầu từ những năm 1930, Murdock đã xây dựng một bộ dữ liệu chuẩn về các đặc điểm dân tộc học, mô tả các công trình dân tộc học và các báo cáo nghiên cứu trường hợp. Sau đó, ông tiến hành thu thập mẫu dữ liệu so sánh liên văn hóa nhằm chứng minh nó có thể được phân tích như thế nào bằng các kỹ thuật thống kê để thu được các đặc điểm tổng hợp về chức năng và các lý thuyết ứng dụng vào quá trình tiến hóa của các đặc điểm này. Các nhà địa lý học cũng sớm vào cuộc nhằm thúc đẩy sự hiểu biết về các vùng văn hóa bằng phương pháp so sánh. Từ thế kỷ XIX nhà địa lý học Pháp Paul Vidal de la Blache đã xây dựng một cách tiếp cận đối với địa lý bằng cách tập trung vào phương pháp vùng chứ không phải là phương pháp hệ thống. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc coi
con người không chỉ liên quan đến môi trường vật chất - các vùng đất, mà là cả môi trường văn hóa của họ nữa, đó chính là lối sống hoặc văn hóa địa phương. Lối sống bao gồm các truyền thống, các thể chế, ngôn ngữ, tập quán …của một dân tộc khiến cho bản sắc vùng gắn liền với các đặc trưng của con người, cũng như các đặc trưng vật chất của nó. Đến giữa thế kỷ XX, nhà địa chất Carl Sauer đã tiếp sinh lực cho khái niệm vùng văn hóa trong lĩnh vực địa lý khi tổng hợp các tư tưởng của trường phái Vòng văn hóa bằng cách tiếp cận nhân học. Chú ý đến giao diện giữa tự nhiên và văn hóa, C.Sauer cho rằng một cảnh quan văn hóa được thành hình từ một cảnh quan thiên nhiên bằng một nhóm văn hóa. Trong đó, văn hóa là tác nhân, tự nhiên là trung gian, và cảnh quan văn hóa là kết quả. Những tìm tòi, nghiên cứu của các nhà nhân học người Mỹ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX về sự phân bố địa lý các hiện tượng văn hóa trên cơ sở lý thuyết vùng văn hóa là đóng góp lớn cho khoa học.
Lý thuyết vùng văn hóa cho rằng, văn hóa của từng tộc người được hình thành và phát triển gắn liền với môi trường xã hội và điều kiện lịch sử cụ thể. Một mặt, các nhà nhân chủng học người Mỹ thừa nhận tính thống nhất và qui luật chung của phát triển văn hóa nhân loại; mặt khác, khẳng định văn hóa của mỗi dân tộc được hình thành trong quá trình lịch sử gắn liền với môi trường xã hội nhất định và trong điều kiện địa lý cụ thể. Như vậy, vùng văn hóa là một không gian văn hóa nhất định được tạo thành bởi các đơn vị dân cư trên phạm vi địa lý của một hay nhiều tộc người, sáng tạo ra một hệ thống các dạng thức văn hóa mang đậm sắc thái tâm lý cộng đồng thể hiện trong mội trường xã hội nhân văn thông qua các hình thức ứng xử của con người với tự nhiên – xã hội và ứng xử với nhau theo một tiến trình phát triển của lịch sử. Hai yếu tố tạo ra bản sắc văn hóa vùng là: môi trường sinh thái tự nhiên và các hình thức biểu hiện văn hóa của con người. Hai yếu tố ấy quy định cách thức cư trú, canh tác, đấu tranh sinh tồn và phát triển; tạo ra cách thức hoạt động, nếp sống, phong tục tập quán, ngôn ngữ, văn học nghệ thuật ... trong cộng đồng dân cư.
Nam Bộ là vùng đất ở phía nam của Việt Nam. Điểm nổi bật của người dân vùng này là các lưu dân đi khai phá vùng đất mới, xuất thân từ nhiều thành phần, nhưng gắn bó vượt qua khó khăn, sống chan hòa. Nói đến văn hóa Nam Bộ là nói đến văn hóa đa sắc tộc, văn hóa của vùng đất mới. Người Việt giao lưu, đoàn kết với người Khmer, Chăm, Hoa tạo nên sắc thái pha trộn giữa những nét văn hóa riêng biệt thành nền văn hóa chung: Văn hóa vùng Nam Bộ. Trong luận án này, lý thuyết vùng văn hóa được vận
dụng nhằm làm sáng tỏ quá trình hình thành, phát triển, biến đổi của tín ngưỡng thờ phụng Nguyễn Trung Trực ở khu vực Nam Bộ, nơi gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của Ông. Sau khi đánh Đà Nẵng không thành, Pháp đánh chiếm Gia Định, làm bàn đạp chiếm cả Nam Bộ. Dù triều đình nhu nhược, song nhân dân vùng này khởi nghĩa đánh Pháp dưới sự lãnh đạo của các sĩ phu yêu nước. Các cuộc khởi nghĩa lần lượt thất bại, nhưng tinh thần yêu nước, ý chí bất khuất của con người vùng sông nước Nam Bộ không bao giờ nguôi. Trong bối cảnh lịch sử bấy giờ, khởi nghĩa của Nguyễn Trung Trực nổi lên như một điểm son sáng chói sau trận đốt tàu Pháp trên vàm sông Nhật Tảo.
Sau khi bị Pháp hành hình tại Rạch Giá, để tỏ lòng tôn kính và khâm phục trước sự hy sinh của Ông, nhân dân đã tìm mọi cách thờ phụng, đã mang linh vị của Ông vào thờ ở đền Nam Hải, đã phong thần cho vị anh hùng vị quốc vong thân. Từ đây tín ngưỡng thờ Nguyễn Trung Trực đã hình thành và lan tỏa ra khắp vùng Nam Bộ, đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa xã hội của cư dân vùng này. Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, tín ngưỡng này vẫn giữ một vai trò mạnh mẽ trong nhân dân và không ngừng lan tỏa, tích hợp vào các tín ngưỡng dân gian và tôn giáo như một quy luật tất yếu của văn hóa dân gian. Ở Nam Bộ, số lượng đình, đền, khu tưởng niệm, tượng và thờ phụng Nguyễn Trung Trực tại gia ngày càng tăng về quy mô cũng như các hoạt động văn hóa liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Ông.
Như vậy, cơ sở lý luận mà NCS áp dụng trong luận án là lý thuyết cấu trúc – chức năng, lý thuyết biến đổi và lý thuyết vùng văn hóa để làm rõ tín ngưỡng thờ Nguyễn Trung Trực, một bộ phận của tín ngưỡng thờ cúng AHDT, được gắn kết bởi nhiều yếu tố hợp thành. Trong quá trình hình thành và phát triển, tín ngưỡng thờ AHDT Nguyễn Trung Trực luôn thích nghi với môi trường tự nhiên – xã hội và không ngừng được mở rộng. Sự phát triển đó gắn liền với lịch sử buổi đầu kháng Pháp ở vùng đất mới với những người nghĩa khí, hào hiệp, dám nghĩ dám làm vì đất nước vì dân tộc. NCS nghĩ rằng, những cơ sở lý luận trên là cách tiếp cận phù hợp để tìm hiểu, nghiên cứu về Nguyễn Trung Trực và tín ngưỡng thờ vị anh hùng tiêu biểu trong buổi đầu chống thực dân xâm lược nửa cuối thế kỷ XIX ở Nam Bộ.
1.3 CƠ SỞ THỰC TIỄN 1.3.1 Điều kiện địa lý Nam Bộ
Nam Bộ bao gồm 19 tỉnh, thành phố thuộc trung ương từ Bình Phước đến Bà Rịa
– Vũng Tàu trở xuống phía Nam, trong đó có hai thành phố lớn là Thành phố Hồ Chí Minh và Thành phố Cần Thơ. Nam Bộ có hai tiểu vùng là Đông Nam Bộ có 6 tỉnh và Tây Nam Bộ có 13 tỉnh. Dưới đây là bản đồ Nam Bộ
Hình 1. 1 Bản đồ Nam Bộ
(Nguồn: NCS, PL.1) Địa hình của Nam Bộ khá bằng phẳng, phía tây giáp vịnh Thái Lan, phía đông và đông nam giáp biển Đông, phía bắc và tây bắc giáp Campuchia, phía đông bắc giáp với nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Nam Bộ nằm trong vùng đặc trưng của khí hậu nhiệt đới gió mùa và cận xích đạo, nền nhiệt ẩm phong phú, ánh nắng dồi dào, thời gian bức xạ dài, nhiệt độ cao. Biên độ nhiệt ngày đêm giữa các tháng trong năm thấp và ôn hòa.
Độ ẩm trung bình hàng năm khoảng 80%. Khí hậu hình thành trên hai mùa chủ yếu quanh năm là mùa khô và mùa mưa. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 tới tháng 4. Lượng mưa hàng năm dao động từ 966 – 1325 mm và góp trên 70 - 82% tổng lượng mưa trong suốt cả năm. Mưa phân bố không đều, giảm dần từ khu vực giáp ranh từ Thành phố Hồ Chí Minh xuống khu vực phía tây và Tây Nam. Toàn vùng Nam Bộ nằm trong khu vực của hai dòng sông Đồng Nai và Cửu Long, lại thuộc hạ lưu của hai dòng sông này, do đó, đây là vùng đất cửa sông, giáp biển. Nam Bộ có tới 57.000
km đường kênh rạch, sông nước ở hạ lưu chảy chậm mang theo một lượng phù sa lớn, nên đây là một vùng đồng bằng châu thổ phì nhiêu. Ngoài lúa gạo, các loại nông, lâm sản và thủy hải sản cũng rất phong phú. Các miệt vườn ở đồng bằng sông Cửu Long cung cấp nhiều dừa, xoài, sầu riêng và các loại rau quả khác. Nghề làm vườn ở đây phát triển và có những nét riêng, tạo nên nền văn minh miệt vườn của cư dân Nam Bộ - như nhiều người đã gọi.