CHƯƠNG 2: NGUYỄN TRUNG TRỰC NHÂN VẬT LỊCH SỬ VÀ HUYỀN THOẠI
2.3 NGUYỄN TRUNG TRỰC - NHÂN VẬT HUYỀN THOẠI
2.3.3 Huyền thoại về cái chết và sự thiêng hóa của người anh hùng
Một công thức bất di bất dịch trong lòng văn hóa dân gian Việt Nam là những người anh hùng dân tộc khi chết hoặc sau khi thọ hình đều được phong thần, xoay quanh hình tượng đó là những câu chuyện, những huyền thoại mang đậm màu sắc dân gian, kỳ bí. Cái chết của anh hùng Nguyễn Trung Trực không nằm ngoài quy luật văn hóa đó nhưng những lắng đọng trong trầm tích văn hóa chưa nhiều nên những câu chuyện cũng ít mang yếu tố kỳ ảo, hoang đường, ít màu sắc như những câu chuyện về những người anh hùng ở vùng đất cổ là Bắc Bộ. Tuy vậy, người dân cũng dành cho người anh hùng của mình những câu chuyện kỳ ảo, gắn với lịch sử dân tộc. Có một sự thật được ghi nhận vào nửa cuối thế kỷ XIX, nhân dân Nam Bộ đã sinh ra, che chở, đùm bọc người ngư dân Nguyễn Trung Trực và người ngư dân ấy ra đi vì nghĩa lớn; đã chiến đấu vì nhân dân Nam Bộ và sự hy sinh của người anh hùng sống mãi trong lòng nhân dân Nam Bộ.
Hầu hết các tài liệu đều ghi nhận, sau khi di lý Nguyễn Trung Trực từ Phú Quốc về Sài Gòn khảo cung và dùng mọi cách mua chuộc dụ dỗ bất thành, thực dân Pháp quyết định hành hình Ông tại Rạch Giá để thị uy dân chúng và trấn áp tinh thần các cuộc khởi nghĩa khác. Chính sử ghi nhận chi tiết về cuộc thọ hình của Nguyễn Trung Trực tại Rạch Giá, nhưng dân gian với lòng kính ngưỡng sâu sắc đã thiêng hóa cái chết, phong cho Ông là thần, làm cho Ông hóa thành bất tử.
Ngày giặc đưa Nguyễn Trung Trực ra pháp trường hành quyết tại Rạch Giá, Ông bảo chúng cởi trói và mở khăn bịt mắt, rồi ông nhìn trời, nhìn đồng bào, tươi cười. Đoạn Ông quay nhìn đám đao phủ, hỏi Hà nhân sát ngã? (người nào giết ta?). Đám đao phủ rạp người quỳ mọp không dám ngẩng lên. Sau khi Bòn Tưa, tên đồ tể chuyên nghiệp vung tay chém đầu Ông, hai tay Ông bợ giữ đầu lại không cho rơi xuống đất, ánh mắt liếc về kẻ chém Ông, tên đồ tể ngã ra hộc máu chết ngay tại chỗ (PL2 1.6). Hay, khi bị
Pháp hành hình, Ông trong tư thế đầu chưa đứt hẳn, máu từ cổ phun ra như cầu vồng.
Mắt ông mở to, nhìn thẳng vào kẻ thù vừa chém đầu mình. Hắn lăn ra, tắt thở. Điều này thể hiện nhân dân đề cao Nguyễn Trung Trực nhằm ca ngợi hình tượng vừa hào hùng vừa bi tráng của một anh hùng đi vào lịch sử dân tộc.(69, 1968, tr.71)
Trong công trình Văn học dân gian Đồng bằng sông Cửu Long, NCS bắt gặp chi tiết Nguyễn Trung Trực được dân gian miêu thuật về khí phách trước khi thọ hình, mắt ông mở to, nhìn thẳng vào kẻ thù vừa chém đầu mình, hắn lăn ra tắt thở. Đặc biệt, còn có những chi tiết được thần thánh hóa: Mắt Ông nghiêng về bên trái, một lũ Pháp và tay sai gục xuống. Mắt Ông nghiêng về bên phải, bọn bên phải gục xuống. Bọn Pháp hoảng hốt, cắt rời đầu Ông, chôn kín một nơi không ai biết. (47, 1999, tr.68). Tương tự như câu chuyện về khí phách nêu trên của người anh hùng. Một lưu truyền tương đồng, song có vài chi tiết khác, tục truyền, ông Nguyễn bị chém, nhưng ông không để đầu rơi xuống đất.
Hai tay ông nâng lấy đầu mình. Đôi mắt ông trợn ngược, tròng mắt đảo qua đào lại, chiếu thẳng vào tên đao phủ. Hắn hốt hoảng, rủ lên thất thanh và hộc máu chết ngay tại chỗ.
Bọn lính Pháp bồng sủng đứng sắp hàng ở pháp trường hãi hùng, nhìn tránh đi nơi khác…
Người dân Cẩn Đưởc xác nhận rằng, đôi mắt vẽ trên mũi ghe Cần Đước là đôi mắt đầy khi phách của người anh hùng dân chài trong giờ phút cuối cùng ấy (PL2 1.5).
Cũng liên quan đến việc Nguyễn Trung Trực bị thọ hình, NCS thu nhận được một dị bản từ lời kể của ông Hà Văn Vân, sinh 1921, ở Long Giang, Chợ Mới, An Giang như sau: Khi Pháp đem Quan thượng đẳng ra chém đầu ở Rạch Giá thì một số dân vùng này người kéo về dưới rần rần chờ cơ hội cướp pháp trường, số còn lại, theo lời truyền của Đức Quản Cơ (Trần Văn Thành, đại đệ tử của Phật Thầy Tây An) lập hương án cầu nguyện (PL 5.13). Theo những người chứng kiến cuộc thọ hình tại Rạch Giá về kể lại:
thì tên Phấn (Đội Phấn, một Việt gian trước đây cùng với Nguyễn Trung Trực trong hàng ngũ nghĩa quân của Trương Định), chứ không phải Bòn Tưa, một người Khmer, phải mất ba lần mới chém được thủ cấp của Ông. Lần thứ nhất chém, Ông giơ tay hứng rồi ráp lại, lần thứ hai cũng thế đến lần thứ ba tên đao phủ dùng rượu thoa vào thanh đao và Pháp cho bắt mẹ Ông đến Pháp trường dọa giết. Ông nhìn về phía mẹ khóc rồi mới chịu ra đi. Cũng chi tiết hành hình này, tại Trà Vinh, Sóc Trăng và Hậu Giang lại có một tình tiết khá thú vị, theo lời kể của ông Lê Phúc Hồng, 82 tuồi, (cháu nội Ông Lê Văn Nên, từ đình đầu tiên, hiện có phần mộ được chôn trong khuôn viên đình Nguyễn Trung Trực, phường Bình Thạnh, thị xã Long Mỹ, Hậu Giang) người đang lo việc nhang khói
tại đình, thuật lại thì theo lời kể của ông nội ông: Hồi đó, Pháp xử bắn chứ không có chém, bắn không được nên nó mới dùng bùa chém, tương truyền, khi xử tử Nguyễn Trung Trực để thị uy và đàn áp khởi nghĩa, Pháp cho lập hẳn một đội hành quyết gồm 7 tên với súng trường trên tay. Ông không chịu cột, không chịu bịt mắt mà yêu cầu được mở mắt để nhìn thấy đồng bào, thấy kẻ thù giết mình. Nhưng, kỳ lạ thay, súng nổ liên hồi mà không có viên đạn nào ghim được tới Ông, những viên đạn chúng bắn vội, văng trúng chết mấy tên lính đứng gần đó, hoảng quá chúng mới dùng mẹ Ông uy hiếp và dùng bùa yếm vào thanh đao hành quyết, ông mới ra đi. (PL 5.19)
Qua các câu chuyện trên, chúng tôi thấy có mô-tip về chung người anh hùng bị chém đầu khi thấy mẹ mới chịu nhắm mắt. Trong Người anh hùng làng Gióng, Cao Huy Đỉnh đã phát hiện nét độc đáo trong cái chết của người anh hùng. Người anh hùng không chết trong tay giặc, càng không đầu hàng giặc. Người anh hùng bị chém đầu vẫn tỉnh táo nhặt đầu về cho mẹ và chỉ chết khi có lệnh của mẹ mà thôi. Đây là dạng thức người anh hùng bị chém rơi đầu, với cái chết thần kỳ mà nhân dân trân trọng gọi là Ngài hóa, rất linh thiêng. Với nhân dân Nam Bộ vốn thủ lễ nghĩa Nho gia thì chữ Hiếu được đặt lên hàng đầu, nhân dân đã để người anh hùng chết vì Hiếu trước, Nghĩa sau cũng là một điều mang tính tất yếu trong văn hóa dân gian.
Hơn ai hết, nhân dân xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành (Kiên Giang) luôn ghi nhớ về truyền thuyết chiếu Tà Niên. Truyền thuyết này gắn với sự hy sinh của Nguyễn Trung Trực. Người dân Tà Niên đẫm lệ dệt chiếu nâng bước chân anh hùng Nguyễn Trung Trực lên đoạn đầu đài đón nhận cái chết đầy dũng khí để rồi sống mãi trong lòng dân tộc. Hay tin Nguyễn Trung Trực sẽ bị hành quyết, đồng bào Tà Niên, nơi có người gia nhập nghĩa quân Nguyễn Trung Trực rất đông và nổi tiếng bởi nghề dệt chiếu, đã bàn với nhau rồi bất kể ngày đêm dệt những chiếc chiếu hoa để trải trên đường đi đưa ông Nguyễn vào cõi thiên thu và cũng để đầu của Ông không rơi xuống đất. Ngày xưa, trên đường vua đi mới trải chiếu. Ở đây, lòng kính trọng của nhân dân đã vượt khỏi lẽ thường tình của tục lệ, làm nên huyền thoại chiếu Tà Niên, Tà Niên chiếu lệ mà hùng.
Tương truyền, khi lưỡi đao của kẻ thù bổ xuống, máu từ cổ người anh hùng phun xuống mặt chiếu Tà Niên, đọng thành hình chữ Thọ. Thương nhớ Nguyễn Trung Trực, người Tà Niên đã mang chiếc chiếu thấm máu người anh hùng về lưu thờ và cũng từ đây, nghề dệt chiếu hoa với chữ Thọ không thể thiếu ở làng chiếu Tà Niên. Hiện nay tại đình Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành (Kiên Giang) có treo tấm chiếu được cho là do
dân làng Tà Niên dệt tiễn Nguyễn Trung Trực tại pháp trường.
Về câu chuyện dân gian, chiếu Tà Niên thấm đẫm máu người anh hùng vị quốc vong thân trong giờ khắc ra pháp trường thể hiện sự hòa quyện đầy chất bi hùng giữa lịch sử và huyền thoại. Nó thể hiện tinh thần ngưỡng mộ, tôn kính sâu sắc của đồng bào với anh hùng Nguyễn Trung Trực khiến cho người nghe khó phân biệt đâu là huyền thoại, đâu là lịch sử. Chữ Thọ được dệt trên chiếu hoa có ý nghĩa dù mất đi, nhưng Nguyễn Trung Trực sống mãi trong lòng nhân dân; là tinh thần bất diệt của nhân dân Nam Bộ trong cuộc kháng Pháp, như xúc cảm của thà thơ Huỳnh Mẫn Đạt trong hai câu kết bài Điếu Nguyễn Trung Trực:
“Anh hùng cương cảnh phương danh thọ Tu sát đê đầu vị tử nhân”
(Anh hùng cứng cổ thơm danh mãi Lũ sống khom lưng chết thẹn dần)
Sau khi Ông mất, bọn thực dân cho chôn thân một nơi, đầu một nơi. Nhưng đêm đêm từ dưới mộ dội lên tiếng gầm thét, tiếng gươm khua, giáo chạm, Pháp phải dùng dây lòi tói lớn xiềng quanh mộ và cho đội kèn đồng thổi hàng đêm. Hay một tình tiết khác, xử tử xong, giặc Pháp vội vã đem chôn ông Nguyễn, đầu một nơi, thân một nơi, giấu không cho ai biết. Chúng sợ ngay cả đến thi hài ông Nguyễn. Dân chúng tìm mãi mới được cái xác không dấu. Họ đem về mai táng ở chỗ khu vực khảm lớn sau này. Mười năm sau, có người tìm được cái đầu của ông, đem về rửa sạch, đặt kính cẩn lên khay, phủ vải đỏ, đem về Vĩnh Huê lập đền thờ. Sau đó lại lập bài vị ông, thờ ở miếu thờ cá Ông ở Vĩnh Thanh Vân và mặc nhiên coi đó là đền thờ ông Nguyễn (PL2 1.6).
Theo các kỳ lão trong Ban Bảo vệ đình Nguyễn Trung Trực ở Rạch Giá, ngôi đình này có trước năm 1852, ban đầu thờ Nam Hải đại tướng quân (cá voi). Khi Nguyễn Trung Trực hi sinh, trong tình thế bị Pháp khủng bố, ngăn cấm, người dân không thể thờ công khai nên đã lén đưa linh vị ông vào thờ cùng thần Nam Hải. Trong khi Pháp ra sức trấn áp các cuộc khởi nghĩa, truy lùng những sĩ phu yêu nước thì nhân dân luôn nuôi dưỡng ý chí chiến đấu chống giặc, lòng dân tưởng nhớ người anh hùng. Ngay cả trong những người Pháp sinh sống ở Việt Nam bấy giờ cũng có những người cảm tình với người dân Việt, tôn trọng những vị anh hùng, cứu nước. Một chi tiết thú vị, có một viên chức người Pháp tên là Le Nestour làm việc tại Sở Thương chánh tỉnh Rạch Giá, đóng gần đình Nam Hải, rất mến mộ Nguyễn Trung Trực. Năm 1881, khi nghe ban hương
chức làng bàn định việc xây dựng lại ngôi đình để thờ Nguyễn Trung Trực và thần Nam Hải, Le Nestour liền hưởng ứng bằng cách đóng góp nhiều tài vật và tham gia ban xây dựng đình.
Mặc dù có một số chuyện hoang đường nhưng từ sự ngưỡng mộ, từ lòng tôn kính, dân gian cứ tưởng tượng ra để đề cao người anh hùng vì dân vì nước và lưu truyền mãi cho đến ngày nay: Nguyễn Trung Trực là một con người bất tử. Đối chiếu các tư liệu liên quan, các câu chuyện này là cơ sở cần thiết cho luận án trong quá trình giải mã hiện tượng nhân dân phong thần cho ông Nguyễn. Sau khi ông hy sinh, do hoàn cảnh đất nước rơi vào tay Pháp, không thể công khai cúng tế, họ Nguyễn ở Xóm Nghề tổ chức ngày khao binh để tưởng nhớ Nguyễn Trung Trực với danh nghĩa là cúng Việc lề. Từ đó, ngày mùng 10 tháng 3 hàng năm từ ý nghĩa cúng cầu ngư trở thành ngày cúng Việc lề của dòng họ. Ông Mười Thọ cho biết, trong nghi thức lễ, ngoài các mâm cúng Cửu Huyền Thất Tổ, đất đai, chiến sĩ, Nguyễn Trung Trực được dành một nơi trang trọng ở phía trước giữa nhà để thân tộc khấn vái. Không như các nhân vật xuất thân từ nhiên thần, Nguyễn Trung Trực là một nhân vật có thực trong lịch sử. Từ những chiến công và hào khí bất tử, Ông được người dân Nam Bộ thần hóa và theo quy luật của sáng tạo huyền thoại những nhân vật gần gũi, thân thiết với người anh hùng cũng được nhân dân quan tâm và truyền tụng. Đó là cha mẹ, vợ con, bạn bè xoay quanh trục tam cương của Nho gia: Phụ tử, phu thê, bằng hữu của người anh hùng. Điều này càng thể hiện sự thiêng hóa trở nên gần gũi, đi vào lòng người.