MỘT SỐ BÀN LUẬN VIỆC THỜ PHỤNG ANH HÙNG DÂN TỘC NGUYỄN

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Tín ngưỡng thờ anh hùng Nguyễn Trung Trực trong đời sống văn hóa cư dân Nam Bộ (Trang 167 - 173)

CHƯƠNG 4: ĐẶC ĐIỂM, VAI TRÒ, GIÁ TRỊ CỦA TÍN NGƯỠNG THỜ NGUYỄN TRUNG TRỰC Ở NAM BỘ VÀ MỘT SỐ BÀN LUẬN

4.4 MỘT SỐ BÀN LUẬN VIỆC THỜ PHỤNG ANH HÙNG DÂN TỘC NGUYỄN

4.4 MỘT SỐ BÀN LUẬN VIỆC THỜ PHỤNG ANH HÙNG DÂN TỘC NGUYỄN TRUNG TRỰC

Thờ cúng anh hùng dân tộc là tín ngưỡng phổ biến của người Việt Nam. Qua bao thăng trầm của lịch sử, trong khi nhiều tín ngưỡng dân gian không còn giữ được vai trò và vị trí vốn có trước kia của mình phải tích hợp vào tôn giáo hoặc các tín ngưỡng khác thì tín ngưỡng thờ AHDT vẫn có vị trí thiêng liêng trong đời sống tinh thần của dân tộc ta. Dù ở những mức độ khác nhau, qua nhiều giai đoạn của lịch sử dân tộc, tín ngưỡng này luôn được thừa nhận, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân. Từ đặc điểm, vai trò, giá trị của tín ngưỡng thờ Nguyễn Trung Trực trong đời sống nhân dân vùng Nam Bộ và từ những kết quả nghiên cứu thực tiễn, với sắc thái mỗi vùng, mỗi tỉnh khác nhau, NCS đưa ra một số vấn đề luận bàn dưới đây.

Thời gian tổ chức lễ giỗ nên theo truyền thống văn hóa, lịch sử của từng địa phương được hình thành từ khi bắt đầu lập đình thờ Nguyễn Trung Trực. Việc tổ chức thờ phụng Nguyễn Trung Trực đã có ngay sau khi Ông hy sinh, từ một vài địa phương dần mở rộng ra cả vùng. Việc thờ phụng Ông là liên tục, dù có lúc công khai, có lúc không công khai.

Vì nhiều lý do, thời gian tổ chức cúng tế ngày giỗ Nguyễn Trung Trực tại các đình chưa có sự thống nhất. Hiện nay ở TP Rạch Giá (Kiên Giang) và phần lớn các nơi ở Nam Bộ hàng năm tổ chức tưởng niệm Nguyễn Trung Trực vào ngày 27, 28, 29 - 8 âl; ở Long An, Khu di tích vàm Nhật Tảo, Bia Ghi danh Xóm Nghề tổ chức vào ngày 12 - 9 âl. Đây là hai nơi tổ chức tưởng niệm lớn anh hùng Nguyễn Trung Trực ở hai thời điểm khác nhau trong năm. Qua gặp gỡ, ông Mười Thọ khẳng định, tổ chức tưởng niệm ông Nguyễn ngày 12 - 9 là đúng. Tuy nhiên, việc tổ chức hai thời điểm khác nhau có dấu ấn lịch sử. Sau khi Ông hy sinh, nhân dân thương tiếc đưa bài vị Ông thờ cúng trong đền thờ thần Nam Hải (đình Nguyễn Trung Trực ở TP Rạch Giá ngày nay), nhưng do giặc Pháp cấm đoán không cho nhân dân thờ cúng những người chống lại chúng nên các bô

lão lúc bấy giờ phải đổi ngày, duy trì cho đến tận ngày nay. Như vậy, theo lệ, thời gian tháng 8 âl đã ăn sâu vào ký ức của người dân Nam Bộ, hàng năm cứ vào ngày này, người dân tề tựu về đình thờ Ông ở Rạch Giá để cúng tế. Khi gia tộc Nguyễn Trung Trực, các nhà nghiên cứu khẳng định ngày 12 – 9 âl là ngày giỗ Ông thì ở Kiên Giang vẫn duy trì và chuyển ngày 26, 27, 28 – 8 âl thành ngày lễ hội truyền thống để đáp ứng nhu cầu tâm linh của nhân dân. Nói như ông Nguyễn Văn Sáo ở huyện Châu Thành, Kiên Giang: Ở đình Tà Niên, hàng năm tổ chức lễ hội lớn vào ngày 16 ,17, 18 tháng Giêng âl, là lễ cầu an, để cầu quốc thới dân an, bên cạnh đó cũng tưởng niệm AHDT Nguyễn Trung Trực, nhưng đình vẫn cúng giỗ Ông vào ngày 28 tháng 8. Khi thân tộc cụ Nguyễn đến dự và cho rằng cúng giỗ Ông là ngày 12 - 9, giả thiết đưa ra cũng hợp tình hợp lý. Từ đó, UBND tỉnh vẫn tổ chức tưởng niệm Ông vào ngày 28 – 8 và chuyển đổi thành lễ hội truyền thống AHDT Nguyễn Trung Trực chứ không còn lễ giỗ AHDT Nguyễn Trung Trực như trước nữa. (PL 3.7).

Như vậy, lễ giỗ - lễ hội AHDT Nguyễn Trung Trực dù tổ chức thời gian nào cũng đều có dấu ấn lịch sử. Ở Kiên Giang và nhiều nơi ở Nam Bộ ngày 27, 28 – 8 âl vừa là ngày tưởng niệm vừa là ngày lễ hội AHDT. Một số nơi tổ chức giỗ Ông cùng với lễ Kỳ yên, nhân dân nơi đó nghiễm nhiên xem Ông như Thành hoàng bổn cảnh ở địa phương.

Còn ở Long An, chính quyền và thân tộc Nguyễn Trung Trực tổ chức lễ giỗ - lễ hội Nguyễn Trung Trực vào đúng ngày Ông hy sinh. Do vậy, chúng tôi nghĩ, thời gian khác nhau, nhưng không nhất thiết phải thay đổi, vì tổ chức tưởng niệm Ông ngày nào thì ngày đó đã trở thành ngày hội của cộng đồng địa phương.

Về quy mô và cách thức tổ chức cúng tế tại các đình thờ phụng Nguyễn Trung Trực ở các địa phương, chính quyền tham gia lễ hội với nhiệm vụ quản lý nhà nước công việc tế lễ nên để cho người dân tổ chức thực hiện. Thực tế, ở Nam Bộ quy mô và nghi thức cúng tế gắn với việc tổ chức lễ hội ở các đình thờ Nguyễn Trung Trực không giống nhau: có địa phương có quy mô cấp vùng như Rạch Giá (Kiên Giang), Chợ Mới (An Giang), Nhật Tảo (Long An); có những đình mang quy mô cấp tỉnh như Long Phú (Sóc Trăng), An Trạch (Bạc Liêu); cũng có những nơi chỉ mang tính địa phương nhỏ hẹp như tại An Quảng Hữu, Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú (Trà Vinh), huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng)... Tấ cả nằm trong sự đa sắc màu của văn hóa. Do vậy, những bàn luận, đề xuất cúng tế chung cho tất cả các địa phương là vấn đề chưa gắn với thực tiễn, thiếu tính khoa học.

Tại xã Long Giang, huyện Chợ Mới và một số nơi ở An Giang do những yếu tố thiêng

hóa của tôn giáo, Nguyễn Trung Trực được thờ với tư cách là AHDT hơn nữa người dân và phật tử tôn vinh Ông là quan Thượng đẳng đại thần. Nơi thờ tự không gọi là đình như các nơi khác mà tôn danh là Ngôi thờ, nhân dân gọi là Dinh, do đó cách thức tổ chức cúng tế, lễ bái, tổ chức các lễ hội liên quan vừa mang hình thức lễ cúng đình vừa mang màu sắc tôn giáo có phần khác biệt so với các địa phương khác trong vùng. Tại đây, một Phó Chủ tịch phụ trách văn xã trên địa bàn là thành viên Ban Quản trị đình sẽ hỗ trợ các thủ tục pháp lý cần thiết khi đình có sự việc liên quan đến lễ tiết, chữa bệnh thiện nguyện cũng như lo khâu an ninh, trật tự trong lễ hội tại ngôi thờ. Có thể nói, việc phái sinh nhiều công năng cho ngôi thờ tại xã Long Giang, Chợ Mới (An Giang) như khám chữa bệnh, xe cứu thương nhân đạo, việc cứu tế thiện nguyện đã góp phần to lớn làm cho tín ngưỡng thờ Quan thượng đẳng đại thần bén rễ ngày càng sâu vào tâm thức của cư dân vùng này; làm cho sự gần gũi, gắn bó, tôn kính của người dân tăng lên gấp bội và lan xa theo từng bước chân mưu sinh của họ nơi xứ lạ quê người. Để khi đến dịp lễ giỗ Ông, mọi người thu xếp về, có người còn mời cả bạn bè, đồng nghiệp cùng về dự. Công tác tổ chức và các hoạt động thiện nguyện của các cơ sở thờ phụng Nguyễn Trung Trực và các dạng thức liên quan là một mô hình tốt để ngành văn hóa tham khảo và nhân rộng.

Ở huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng do những đặc điểm lịch sử mà ngay từ những năm Pháp còn đô hộ đất nước ta, việc tưởng niệm và cúng tế Nguyễn Trung Trực phải lồng ghép vào lễ Kỳ yên hàng năm. Từ đó, việc cúng tế theo lệ này vẫn còn lưu truyền cho đến nay trở thành ngày lễ của các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, ngày hội của nhân dân nơi này. Ông Trần Văn Vui - Trưởng Ban Quản trị đình cho biết, hằng năm khi tổ chức lễ Kỳ yên thì Ban quản trị đình có mời các cơ sở tôn giáo địa phương, đại diện đình thờ Nguyễn Trung Trực ở trong vùng tham dự. Đình có tổ chức hội thao (bóng đá) và hội chợ cho người dân đến tham dự kết hợp cúng tế và giải trí. Quan sát tham dự lễ hội tại đình năm 2018, NCS nhận thấy trước khi tiến hành đại lễ Kỳ yên, đông đảo người dân, đại diện chính quyền, đoàn thể và Ban quản trị cùng kính cẩn, nghiêm trang hát quốc ca và chào cờ nước. Bên cạnh đó, trước khi vào ngày lễ chính một ngày, Ban Quản trị tổ chức lễ thỉnh sắc phong thần được để tại nhà của một Kỳ lão có uy tín ở địa phương, trong đoàn rước có có đội kèn tây phục vụ, có học trò lễ, có Quan Công đi trước dẫn đường và đông đảo cư dân, khách thập phương đi phía sau với tinh thần phấn khởi. Việc có đội kèn Tây phục vụ là chưa phù hợp so với truyền thống văn hóa Việt Nam, các cơ quan quản lý văn hóa ở địa phương, Ban Quản trị đình nên cân nhắc không thực hiện nghi thức này tại lễ hội.

Cơ quan quản lý văn hóa cần hỗ trợ cho việc chuyển tên các đình thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh thành đình Nguyễn Trung Trực theo tâm nguyện của nhân dân ở một số địa phương. Hậu Giang, Sóc Trăng là những địa phương xuất hiện nhiều hiện tượng Nguyễn Trung Trực hóa các đình cổ truyền vốn trước kia thờ Thần Hoàng Bổn Cảnh. Hiện nay, có một số đình ở huyện Long Mỹ (Hậu Giang), huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) chính danh là đình thần nhưng qua quan sát, nghiên cứu, trong các điện thần của đình này lại thờ thần chủ là thờ Nguyễn Trung Trực. Nhân dân và Ban Quản trị các đình có dự tính đổi tên thành đình Nguyễn Trung Trực, do đó, các cấp, các ngành văn hóa, tôn giáo cần có sự hỗ trợ về mặt pháp lý để các đình này được mang tên đình Nguyễn Trung Trực theo nguyện vọng của người dân có một vị thần cụ thể, một vị AHDT để thờ phụng.

Mặc dù, Cà Mau là tỉnh không có đình thần nào mang tên Nguyễn Trung Trực nhưng lại là địa bàn mà có mộ phần song thân Ông ở xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi với truyền thuyết Bảy ghe sáu gánh còn lưu truyền trong dân gian. Tại khu mộ này, NCS thấy người thân và nhân dân địa phương đã lập di ảnh thờ Nguyễn Trung Trực và hương khói hàng ngày, trong dịp giỗ Ông (ngày 12 tháng 09 Âm lịch), chính quyền cũng cử đại diện đoàn thể đến tham gia, cúng tế. Qua thực tế, người dân sinh sống quanh khu vực này mong muốn có một ngôi đình mang tên Nguyễn Trung Trực. Vì vậy, chính quyền địa phương, ngành văn hóa nên nghiên cứu lập dự án xây dựng một ngôi đình mang tên Nguyễn Trung Trực ở khu vực song thân Ông an nghỉ để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của thân tộc Nguyễn Trung Trực, người dân trên địa bàn và các vùng lân cận.

Hơn 150 năm Nguyễn Trung Trực hy sinh, cũng chừng ấy thời gian đình ở TP Rạch Giá trân trọng phụng thờ vị AHDT đến nay. Di tích, lễ hội Nguyễn Trung Trực từ đây dần dần mở rộng, lan tỏa ở Nam Bộ, mặt khác thu hút đông đảo cư dân khắp vùng, do đó, lễ hội Nguyễn Trung Trực ở nơi đây được công nhận lễ hội cấp quốc gia là phù hợp với tâm nguyện của nhân dân. Hơn ba mươi năm qua, mộ và đình Nguyễn Trung Trực ở TP Rạch Giá (Kiên Giang) được Bộ VHTTDL công nhận là di tích Lịch sử văn hóa quốc qia. Từ đó, lễ hội nơi đây có sức ảnh hưởng lớn đến đời sống tinh thần của người dân trong vùng; thu hút hơn một triệu lượt khách đến tham quan, tri ân, ngưỡng mộ vị AHDT. Một nét văn hóa độc đáo của lễ hội nơi đây, người dân khắp nơi đến làm công quả, sửa sang đình thờ, dựng trại, làm bánh…trước khi lễ hội diễn ra một tuần. Kinh phí lễ hội do người dân và doanh nghiệp tự nguyện đóng góp, việc ăn nghỉ, khám chữa bệnh, xem văn nghệ miễn phí. Bên cạnh đó, hàng năm, di tích đón từ hai đến ba triệu lượt khách đến viếng, là điểm du lịch văn hóa tâm linh

đặc biệt. Qui mô rộng, tầm ảnh hưởng của lễ hội lớn, vì vậy, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch sớm hỗ trợ, hoàn tất các thủ tục pháp lý công nhận lễ hội Nguyễn Trung Trực là di sản phi vật thể quốc gia. Điều này không những đáp ứng mong mỏi của đại đa số người dân trong nước mà còn kiều bào ở nước ngoài.

Chính quyền cấp tỉnh, nơi có cơ sở thờ tự Nguyễn Trung Trực cần có chính sách bảo tồn, phát huy các di sản nói chung, các cơ sở thờ tự AHDT Nguyễn Trung Trực nói riêng; tăng cường công tác sưu tầm tài liệu, hiện vật liên quan đến cuộc đời sự nghiệp và cuộc khởi nghĩa của AHDT Nguyễn Trung Trực; ngành giáo dục tăng cường lồng ghép, tuyên truyền, phổ biến về tinh thần yêu nước, yêu quê hương của anh hùng Nguyễn Trung Trực vào các tiết học lịch sử, các chuyến về nguồn của học sinh. Bên cạnh đó, cần lập quy hoạch các dự án cụ thể để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá của các di tích và lễ hội gắn với phát triển du lịch; đồng thời, phải được gắn với quy hoạch phát triển của các lĩnh vực khác như giao thông, phát triển hạ tầng điện, nước... Ban Dân tộc, Ban Tôn giáo và các cơ quan hữu quan cần kết hợp với Ban Quản trị các đình các địa phương và Hội thân quyến của Nguyễn Trung Trực trong việc đẩy mạnh tuyên truyền nhận thức khoa học về bản sắc hóa độc đáo của các nghi thức, những thực hành trong lễ giỗ để tín ngưỡng này hoạt động đúng sắc thái dân gian như đã có. Lễ hội đình thờ Nguyễn Trung Trực là cầu nối tâm linh giữa con người với tiền nhân, giữa quá khứ với hiện tại, thể hiện tinh thần tưởng nhớ về cội nguồn góp phần làm phong phú đời sống văn hóa, tính liên kết cộng đồng. Những biến đổi là không tránh khỏi theo thời gian cùng tinh thần sáng tạo của nhân dân. Song, cộng đồng cũng cần nhận thức và gìn giữ truyền thống về nghi lễ, thực hành lễ hội bên cạnh những công nghệ hiện đại, không để thương mại hóa lễ hội.

TIỂU KẾT

Từ khảo sát cơ sở thờ tự Nguyễn Trung Trực làm chính thần, NCS rút ra được những đặc điểm cơ bản và vai trò tín ngưỡng thờ Nguyễn Trung Trực ở Nam Bộ. Trước tiên, việc phụng thờ Nguyễn Trung Trực là tín ngưỡng thờ nhân thần tiêu biểu ở Nam Bộ.; tín ngưỡng này mang đậm yếu tố sông nước trong đặc trưng của văn hóa Nam Bộ, tập trung chủ yếu ở vùng Nam sông Hậu; hiện nay, tín ngưỡng thờ Nguyễn Trung Trực đang lan tỏa và sẽ được mở rộng trong tương lai. Những đặc điểm trên chứng tỏ, vai trò của tín ngưỡng thờ Nguyễn Trung Trực ngày càng sâu đậm trong lòng nhân dân. Từ lâu, việc thờ phụng Ông đã tác động nhất định đến đời sống văn hóa cư dân Nam Bộ. Ngay

sau khi Ông hy sinh, nhân dân đã tìm mọi cách để dựng đình, miếu thờ phụng, cúng tế.

Từ Kiên Giang dần lan tỏa khắp vùng. Việc này không những đáp ứng nhu cầu văn hóa tín ngưỡng, tâm linh của đại bộ phận người dân trong khu vực mà còn góp phần hình thành những sản phẩm văn hóa gắn liền với hình tượng người anh hùng. Theo thời gian, việc thực hành tín ngưỡng gắn với ngôi đình này đã làm phái sinh nhiều nhu cầu mới như khám chữa bệnh, các hoạt động thiện nguyện, nhu cầu tâm linh cũng như bảo tồn di tích, mở rộng các thiết chế văn hóa.

Bên cạnh đặc điểm, vai trò, tín ngưỡng thờ Nguyễn Trung Trực có một giá trị nhất định trong đời sống văn hóa tâm linh của cư dân Nam Bộ, đó là giá trị cố kết cộng đồng, giá trị lịch sử, giá trị giáo dục. Tín ngưỡng thờ Nguyễn Trung Trực một mặt đáp ứng nhu cầu tâm linh mang lại niềm tin cho con người mặt khác là nơi lưu giữ, truyền lại đạo lý làm người của cha ông cho thế hệ sau. Với ý nghĩa và giá trị thiêng liêng tín ngưỡng thờ Nguyễn Trung Trực sẽ vẫn luôn tồn tại trong đời sống văn hóa của cư dân vùng Nam Bộ. Nguyễn Trung Trực vẫn luôn là người hùng dân tộc mà người dân vì Ông là vị Thần do dân gian phong, tôn thờ, họ vẫn luôn tin vào sự hiện diện và sự phù hộ của ông trong đời sống tâm linh. Tuy nhiên, cũng như nhiều hiện tượng văn hóa khác, tín ngưỡng thờ Nguyễn Trung Trực không phải là hiện tượng bất biến mà nó luôn vận động và biến đổi song hành cùng với những biến chuyển của đời sống xã hội và chủ thể sản sinh ra nó. Các hoạt động tín ngưỡng thờ Nguyễn Trung Trực sẽ trở nên đa dạng và phong phú hơn, thúc đẩy theo hướng xã hội hóa theo hướng mở rộng, tôn tạo không gian di tích và điện thờ, giản lược, cải biên, bổ sung những nghi lễ mới, sự sáng tạo trong cơ cấu tổ chức quản lý và điều hành lễ hội. Hoạt động hưởng thụ văn hóa ngày càng gia tăng thể hiện ở số lượng người tham gia cũng như các chi phí cho từng nghi lễ. Các hoạt động bảo tồn, giáo dục, trao truyền văn hóa...tiếp tục được duy trì và phát triển trong điều kiện đời sống văn hóa mới. Thời gian tới, tín ngưỡng thờ Nguyễn Trung Trực sẽ được mở rộng, tầm ảnh hưởng sẽ lớn hơn khi lễ hội Nguyễn Trung Trực ở Rạch Giá (Kiên Giang) được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Tín ngưỡng thờ anh hùng Nguyễn Trung Trực trong đời sống văn hóa cư dân Nam Bộ (Trang 167 - 173)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(266 trang)