CHƯƠNG 2: NGUYỄN TRUNG TRỰC NHÂN VẬT LỊCH SỬ VÀ HUYỀN THOẠI
2.2 NGUYỄN TRUNG TRỰC – NHÂN VẬT LỊCH SỬ
Nguyễn Trung Trực tên thật là Nguyễn Văn Lịch, sinh năm 1838 tại xóm nghề thôn Bình Nhựt, tổng Cửu Cư Hạ, huyện Cửu An, phủ Tân An, tỉnh Gia Định (nay thuộc ấp 1, xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An). Nguyên quán Nguyễn Trung Trực ở xóm Lưới, thôn Vĩnh Hội, tổng Trung An, huyện Phù Cát, trấn Bình Định (ngày nay là thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định). Ông nội là Nguyễn Văn Đạo, cha là Nguyễn Văn Phụng (tục danh là Thăng), mẹ là bà Lê Kim Hồng. Khi chiến tranh Tây Sơn nổ ra, ông nội của Nguyễn Trung Trực vào Long An định cư và sinh sống bằng nghề chài lưới vùng hạ lưu sông Vàm Cỏ Đông. Tiếp bước cha ông, thuở nhỏ Nguyễn Trung Trực làm nghề chài lưới và giỏi võ. Năm 1859, khi Pháp chiếm Gia Định, Ông tham gia nghĩa quân, chiến đấu giữ đồn Chí Hòa. Sau khi đồn Chí Hòa thất thủ, Nguyễn Trung Trực về Tân An. Năm 1860, Ông chiêu mộ một số nghĩa binh và tuyên thệ xuất quân. Ngày 12 - 4 - 1861, thành Định Tường thất thủ, quân Pháp kiểm soát vùng Mỹ Tho, thường cho những tàu chiến vừa chạy tuần tra vừa làm đồn nổi di động.
Một trong số đó là chiếc tiểu hạm Espéance (Hy Vọng), án ngữ nơi vàm Nhựt Tảo (nay thuộc xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An). Năm 1861, ông đã chỉ huy đốt cháy tàu Espérance của thực dân Pháp trên vàm sông Nhật Tảo, giết chết và làm chết đuối hầu hết quân Pháp trên tàu, khiến chính quyền thực dân vô cùng hoảng sợ. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử chống Pháp, nghĩa quân đã đốt cháy một tàu chiến địch. Tháng 6 năm 1867, Nguyễn Trung Trực được vua Tự Đức phong chức Thành Thủ úy, nhậm chức ở Hà Tiên giữa lúc Hà Tiên thất thủ. Nguyễn Trung Trực không đầu hàng cũng không cộng tác với Pháp mà ông rút về Hòn Chông xây dựng căn cứ chống Pháp với khẩu hiệu dân chúng tự vệ. Hòn Chông được chọn làm căn cứ chính của cuộc kháng
chiến, ngoài ra còn có các căn cứ khác như Tà Niên, Sân Chim, Phú Quốc, Núi Sập…
Chiến thắng oanh liệt tiếp theo của ông là trận tập kích vào Rạch Giá. Ngày 16 - 6 - 1868, nghĩa quân tiến công bằng hai mũi, từ Hòn Chông bằng đường biển, từ Tà Niên bằng đường bộ. Một trận đánh chớp nhoáng, dũng cảm, nội ứng ngoại hợp. Nghĩa quân đồng loạt xông vào đồn giết tên chủ tỉnh và hầu hết quân Pháp trong trại, thu trên 100 khẩu súng, nhiều đạn dược; làm chủ hoàn toàn tỉnh lỵ Rạch Giá sáu ngày. Đây là một trong những trận đánh làm rung chuyển Soái phủ Nam Kỳ. Thực dân Pháp tập trung lực lượng đánh xuống Rạch Giá. Thế giặc mạnh, nghĩa quân rút về Hòn Chông rồi ra Phú Quốc.
Trong trận quyết chiến cuối cùng ở Phú Quốc, Nguyễn Trung Trực bị sa vào tay giặc.
Thực dân Pháp ra sức dụ hàng, nhưng không đạt được kết quả trước khí tiết của ông, chúng xử chém ông ở Rạch Giá. Nghe tin Nguyễn Trung Trực nhận án tử hình, nhân dân Rạch Giá, nhân dân Nam Bộ bàng hoàng, xúc động, mọi người chuẩn bị tiễn đưa người anh hùng vào cõi vĩnh hằng với lòng tiếc thương vô hạn. Trước khi hy sinh, ông đã để lại một lời nói bất hủ về lòng yêu nước, chống ngoại xâm: Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây. Trong tám năm lãnh đạo phong trào khởi nghĩa ở Nam Bộ (1861 - 1868), Nguyễn Trung Trực đã nêu cao tinh thần yêu nước bất khuất, chiến đấu anh dũng với nhiều chiến công oanh liệt.
2.2.2 Những chiến công oanh liệt
Lịch sử Việt Nam ghi nhận những chiến công oanh liệt của Nguyễn Trung Trực nổi bật ở trận đánh chìm tàu Pháp trên sông Nhật Tảo, trận đánh đồn Rạch Giá và lập căn cứ chiến đấu ở Phú Quốc. Chiến công của Nguyễn Trung Trực làm nức lòng nhân dân Nam Bộ, khiến thực dân Pháp hết sức e ngại.
2.2.2.1 Trận Nhật Tảo
Trận Nhật Tảo đã diễn ra vào ngày 10 tháng 12 năm 1861 tại vàm sông Nhật Tảo, nay thuộc xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An. Trận đánh diễn ra nhanh, oanh liệt. Sau trận, nghĩa quân Nguyễn Trung Trực đã đốt cháy tàu Espérance của quân Pháp. Dưới đây là diễn biến trận đánh:
Khoảng trưa ngày 10 tháng 12 năm 1861, sau khi bố trí xong lực lượng phục kích trên bờ, tức thì năm chiếc ghe chở Nguyễn Trung Trực cùng 59 nghĩa quân giả làm đoàn ghe buôn lúa (hoặc đoàn ghe đám cưới) tiến sát tiểu hạm Espérance. Viên sĩ quan trực tưởng là đoàn ghe ghé xin phép lưu thông, nên nghiêng mình ra cửa sổ tàu thì bất ngờ bị vũ khí của nghĩa quân đâm trúng ngực. Liền khi ấy, nghĩa quân tay cầm gươm giáo
và đuốc, từ các ghe nhảy lên, vừa la hét, vừa đánh xáp lá cà với lính thủy Pháp. Ở hai bên bờ, các nghĩa quân cũng nhanh chóng đến tiếp chiến. Nguyễn Học, Hồ Quang Chiêu lấy búa sắt phá tàu không vỡ nên đã cho phóng lửa đốt tàu, đánh chìm. Do bị tấn công bất ngờ nên quân Pháp bị thiệt hại lớn: tiểu hạm Espérance bị đánh chìm, 17 lính và 20 cộng sự người Việt bị giết, chỉ có tám người trốn thoát, gồm hai lính Pháp và sáu lính Tagal (tức lính đánh thuê Philippines, cũng còn gọi là lính Ma Ní). Sĩ quan chỉ huy tàu là Parfait vắng mặt nên cũng thoát chết. Nghĩa quân toàn thắng, nhưng có bốn người hy sinh. Để trả thù, Pháp đã đốt phá nhiều nhà cửa (thiệt hại về người không rõ), rồi sau đó còn cho xây một bia tưởng niệm ở bên bờ sông.Trận Nhật Tảo, nghĩa quân đốt tàu Espérance, giết chết nhiều lính Pháp, tay sai và thu nhiều chiến lợi phẩm. Giữa lúc các cuộc dấy binh của nghĩa quân khắp nơi bằng chiến thuật du kích chỉ giết lẻ tẻ vài tên xâm lược thì chiến công của Nguyễn Trung Trực thật là lừng danh .
2.2.2.2 Trận tập kích đồn Rạch Giá
Trận đồn Kiên Giang hay trận đồn Rạch Giá xảy ra vào ngày 16 tháng 6 năm 1868 và kết thúc khoảng năm ngày sau đó. Cuộc đánh chiếm này do Nguyễn Trung Trực khởi xướng, và đã gây cho Pháp nhiều thiệt hại. Tuy nghĩa quân làm chủ tòa thành có năm ngày, nhưng sự kiện này đã được NCS George Tônirrwell đánh giá là một sự kiện bi thảm (un événement tragique) của thực dân Pháp ở Việt Nam. Sau Hòa ước Nhâm Tuất 1862, ba tỉnh miền Đông lọt vào tay Pháp. Nguyễn Trung Trực rút quân về hoạt động ở ba tỉnh miền Tây. Đầu năm 1867, ông được triều đình phong chức Hà Tiên thành thủ úy để trấn giữ đất Hà Tiên, nhưng chưa kịp đến nơi thì tòa thành này đã bị quân Pháp chiếm vào ngày 24 tháng 6 năm 1867. Không theo lệnh triều đình rút quân ra Bình Thuận, Nguyễn Trung Trực đem quân về lập chiến khu ở Sân chim (tả ngạn sông Cái Lớn, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang). Từ nơi này, ông lại dẫn quân đến Hòn Chông (nay thuộc xã Bình An, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang, lập thêm căn cứ kháng Pháp. Sau khi nắm được tình hình của đối phương và tập trung xong lực lượng, vào khoảng nửa đêm ngày 16 tháng 6 năm 1868, Nguyễn Trung Trực cùng nghĩa quân bất ngờ dùng ghe chèo di chuyển theo bờ biển, đổ bộ lên bờ rạch Lăng Ông, Rạch Giá. Sau khi hợp với đoàn nghĩa quân đến từ Hòn Chông, khoảng 4 giờ sáng, Nguyễn Trung Trực cho người lẻn vào giết chết lính canh, rồi phát lệnh tấn công. Lập tức, người thì trèo tường, người thì phá cổng. Đang lúc say ngủ, quân Pháp không kịp phản ứng gì, nên đồn bị nghĩa quân chiếm lĩnh khá nhanh chóng...
Sau trận đồn Rạch Giá, về phía Pháp có 5 sĩ quan người Pháp, trong số đó có Chủ tỉnh là trung úy hải quân Chánh Phèn, 67 lính (gồm người Pháp và người Việt) bị giết.
Nghĩa quân thu được khoảng trăm khẩu súng đủ loại cùng nhiều đạn dược. Đây là lần đầu tiên, lực lượng nghĩa quân với trang bị thô sơ đã chủ động tấn công thực dân Pháp ngay tại trung tâm đầu não của tỉnh và giành thắng lợi. Cho nên, khi nhận tin Chủ tỉnh Rạch Giá cùng vài sĩ quan khác bị giết ngay tại trận, George Tônirrwell đã gọi đây là một sự kiện bi thảm (un événement tragique).
2.2.2.3 Lập căn cứ kháng chiến ở Phú Quốc
Sau trận đánh đồn Rạch Giá, nghĩa quân làm chủ tình hình sáu ngày. Sau đó, Bộ chỉ huy Pháp ở Mỹ Tho điều động lực lượng phản công. Do quân địch quá mạnh, Nguyễn Trung Trực phải rút về Hòn Chông (Kiên Lương) rồi vượt biển ra đảo Phú Quốc, đóng quân tại vùng rừng ở Cửa Cạn. Tháng 9 - 1868, Pháp tiếp tục điều động lực lượng hùng hậu ra đảo Phú Quốc truy đuổi nghĩa quân Nguyễn Trung Trực. Nghĩa quân đã chống trả quyết liệt hàng tháng trời trên đảo, đến khi biết không thể địch nổi thế giặc mạnh, để bảo toàn tính mạng cho nghĩa quân, người dân và để làm tròn chữ hiếu, Nguyễn Trung Trực tự nộp mình cho Pháp.
2.2.3 Sự hy sinh anh dũng
Biết không thể mua chuộc Nguyễn Trung Trực, Pháp đưa Ông lên Sài Gòn để lấy khẩu cung, viên thống soái Nam Kỳ lúc đó vừa dụ hàng, vừa hăm dọa, Ông trả lời: Thưa Pháp soái, chúng tôi chắc rằng lúc nào ngài trừ cho hết cỏ trên mặt đất thì chừng đó ngài mới may ra trừ được những người ái quốc của xứ sở này. Cuối cùng, chúng đưa Ông trở về Rạch Giá hành hình ngày 27 tháng 10 năm 1868. Dân chúng từ các nơi trong tỉnh Rạch Giá đến dự khán buổi hành quyết Nguyễn Trung Trực rất đông, cũng là dịp để họ vĩnh biệt vị anh hùng tài đức mà họ vô cùng cảm mến. Khí phách anh dũng và những chiến công oanh liệt mà Nguyễn Trung Trực đã tạo ra, hiếm có người anh hùng dân tộc kháng Pháp có được những huyền thoại gắn liền với hiện thực xã hội, với các cộng đồng dân tộc và cả tôn giáo như Ông.
Về mộ Nguyễn Trung Trực, qua chỉ dẫn của nhà văn Sơn Nam, năm 1986, Sở Văn hóa tỉnh Kiên Giang cho khai quật một ngôi mộ trong khuôn viên Tòa Bố cũ (nay là UBND tỉnh Kiên Giang) và đưa bộ hài cốt về chôn ở đền thờ Nguyễn Trung Trực ở TP Rạch Giá. Hơn 27 năm sau khi hài cốt được cho là của anh hùng Nguyễn Trung Trực được đưa vào đền lập mộ, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau từ phía các nhà nghiên cứu,
lãnh đạo địa phương và đặc biệt là gia đình của vị anh hùng dân tộc. Vấn đề này đã được Báo Thanh Niên phản ánh trong loạt bài: Tranh cãi về ngôi mộ trong đền Nguyễn Trung Trực. Chúng tôi, khi tiếp xúc với ông Nguyễn An Thọ (Mười Thọ), hậu duệ Nguyễn Trung Trực tại Long An cũng ghi nhận về vấn đề này. Song, có lẽ cần nhiều thời gian và luận cứ khoa học từ các cơ quan chuyên môn, như nhà nghiên cứu Trần Văn Giàu khẳng định: có thể cần điều tra, khảo sát thêm cho đến khi nào có bằng cớ là không phải thì ta nhận định lại. Còn bây giờ hãy xem đó là di hài của Nguyễn Trung Trực.
Trong luận án này, NCS không đặt nặng vấn đề trên mà tập trung vấn đề cơ bản:
Nguyễn Trung Trực được người dân Nam Bộ phong thần, được phụng thờ trên một phổ văn hóa rộng. Hằng năm, lễ giỗ của Ông thu hút hàng triệu người thuộc đủ mọi thành phần dân tộc, tôn giáo tham gia và hàng ngày vẫn đang tích hợp mạnh mẽ vào tín ngưỡng thờ thành hoàng trong các đình cổ hoặc mới lập ở Nam Bộ.
Nhận xét
Cuộc kháng Pháp của Nguyễn Trung Trực ở Nam Bộ, tiêu biểu là hai trận đánh thắng lợi là đốt tàu Pháp ở vàm Nhật Tảo, Long An và đánh đồn Rạch Giá, Kiên Giang, nhân dân nhận rõ tài năng, mưu trí của người anh hùng vì dân vì nước. Cuộc chiến đấu chống giặc của Nguyễn Trung Trực chứng minh tinh thần quật cường, lấy ít thắng nhiều, lấy yếu thắng mạnh, vũ khí thô sơ có thể đánh trả vũ khí hiện đại với ý chí bất khuất của con người Việt Nam. Khi có giặc người con trai ra trận. Người con gái trở về nuôi cái cùng con. Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh. Nhiều người đã trở thành anh hùng (Nguyễn Khoa Điềm). Nguyễn Trung Trực vì hiếu quên thân, vì nghĩa quên mình đã tự nộp mình cứu mẹ, cứu nghĩa binh và người dân trên đảo. Khí phách can trường khi ra pháp trường của Nguyễn Trung Trực đã để lại trong lòng những người chống Pháp, người dân Rạch Giá nói riêng, Nam Bộ và cả nước nói chung lòng ngưỡng mộ lẫn kính phục. Sự kính trọng vô bờ bến là yếu tố căn bản, là cơ sở hình thành, phát triển tín ngưỡng và lễ hội về Ông sau này.