Những thay đổi trong đường lối, chủ trương về văn hóa và tôn giáo, tín ngưỡng là nguyên nhân chủ quan dẫn đến những biến đổi trong đời sống tín ngưỡng, cũng như tín ngưỡng thờ Nguyễn Trung Trực của cư dân Nam Bộ

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Tín ngưỡng thờ anh hùng Nguyễn Trung Trực trong đời sống văn hóa cư dân Nam Bộ (Trang 132 - 135)

CHƯƠNG 3: KHẢO SÁT VIỆC THỜ PHỤNG NGUYỄN TRUNG TRỰC Ở NAM BỘ

3.3 NHỮNG BIẾN ĐỔI VÀ NGUYÊN NHÂN BIẾN ĐỔI CỦA TÍN NGƯỠNG THỜ NGUYỄN TRUNG TRỰC Ở NAM BỘ

3.3.2 Nguyên nhân biến đổi tín ngưỡng thờ phụng Nguyễn Trung Trực

3.3.2.1. Những thay đổi trong đường lối, chủ trương về văn hóa và tôn giáo, tín ngưỡng là nguyên nhân chủ quan dẫn đến những biến đổi trong đời sống tín ngưỡng, cũng như tín ngưỡng thờ Nguyễn Trung Trực của cư dân Nam Bộ

Nguyễn Trung Trực là vị anh hùng trong tâm thức dân gian, với nhiều chiến công vang dội được triều đình phong kiến ghi nhận công lao. Sau khi Ông mất ba năm, triều đình nhà Nguyễn hay tin, vua Tự Đức cho người dò la nắm sự việc nhằm hậu báo tri ân.

Các Châu bản Tự Đức năm thứ 23, 24 (1871) cho hậu thế thấy rõ sự ghi nhận công lao đóng góp của những vị anh hùng kháng Pháp, trong đó có Nguyễn Trung Trực. Tuy nhiên, do lúc này triều đình Tự Đức hoàn toàn bị động và chịu nhiều áp lực từ thực dân đang từng bước thôn tính Việt Nam nên việc truy tặng và phong thần cho các anh hùng kháng Pháp tử tiết không thể thực hiện, song, người dân vẫn bằng cách này hay cách khác thể hiện sự ngưỡng vọng của mình với những người đã vị quốc vong thân. Tín ngưỡng thờ anh hùng Nguyễn Trung Trực đã hình thành như một quy luật tất yếu của văn hóa trong đời sống tâm linh của cư dân Nam Bộ.

Sau khi bình định Việt Nam, cuối thế kỷ XIX, Pháp bắt đầu tổ chức bộ máy cai trị với chính sách khai hóa thâm độc. Trong lĩnh vực tôn giáo, tín ngưỡng, ngoài việc ủng hộ Thiên Chúa giáo, Pháp mị dân bằng các chiêu bài dân chủ, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của người Việt Nam. Sự công nhận, cho phép các tôn giáo người Việt hoạt động công khai trong đời sống xã hội Nam Bộ của chính quyền thực dân Pháp là một điều kiện thuận lợi cho tín ngưỡng thờ anh hùng Nguyễn Trung Trực có cơ sở bám trụ vững chắc và phát triển bán công khai với hình thức của tôn giáo. Mặt khác, thực

dân lại tăng cường khủng bố, đốt phá những cơ sở thờ tự thờ các anh hùng kháng Pháp hay nghi ngờ những vị có dính líu đến quốc sự. Cũng trong thời gian này, tín ngưỡng thờ anh hùng Nguyễn Trung Trực không những không bị triệt tiêu mà còn lan rộng sang các vùng phía Nam sông Hậu theo bước chân của những nghĩa binh lánh nạn, tỵ địa kháng Pháp. Từ sau năm 1954, đất nước bị chia cắt thành hai miền. Ở miền Nam, tín ngưỡng thờ AHDT trong các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng bị ảnh hưởng nhiều do chiến tranh, nhưng việc thờ phụng và các hoạt động tưởng niệm Nguyễn Trung Trực trong dân gian và giới nghiên cứu vẫn tiến triển. Năm 1951, những bức phác họạ chân dung đầu tiên về người anh hùng Nguyễn Trung Trực đã xuất hiện ở Sài Gòn, năm 1957, Trường trung học đầu tiên của tỉnh Kiên Giang được mang tên Nguyễn Trung Trực, năm 1968 Tập san Sử Địa đã dành một đặc khảo viết về Ông.

Sau năm 1975, do những đặc điểm và hoàn cảnh chính trị, các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng bị hạn chế. Việc tế lễ thực hiện trong phạm vi hẹp, các cơ sở thờ tự ít được quan tâm sửa chữa, xây mới. Đình Nguyễn Trung Trực ở các địa phương cũng rơi vào tình trạng tương tự. Từ sau thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã có những thay đổi trong tư duy lý luận, đường lối và chính sách với những quan điểm mới về tôn giáo tín ngưỡng. Những quan điểm, chủ trương đó được thể hiện cụ thể sinh động trong hàng loạt các văn bản pháp lý. Đó là sự ra đời của Nghị quyết 24 - NQ/TW ngày 16/10/1990 của Bộ Chính trị khóa VI Về tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới, được coi là dấu mốc mở đầu cho sự thay đổi mang tính đột phá về nhận thức, quan điểm về tôn giáo và những đổi mới về chủ trương chính sách đối với tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta. Sau đó là hàng loạt các văn kiện, văn bản khác như Chỉ thị 37 - CT/TW ngày 02/7/1998 của Bộ Chính trị khóa VIII Về công tác tôn giáo trong tình hình mới, Nghị quyết 25 (12/3/2003) Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX Về công tác tôn giáo, đặc biệt là Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo (7/2004), Nghị định 22/CP của chính phủ ban hành vào 01/3/2005 Hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo đã tạo ra sự đổi mới mạnh mẽ trong chính sách tôn giáo ở nước ta trong nhiều thập kỷ qua. Nội dung đổi mới tập trung ở nhận thức mới về tôn giáo, phương hướng và quan điểm mới về công tác tôn giáo. Các Nghị quyết của Đảng khẳng định: Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu văn hóa đã chỉ rõ sinh hoạt tâm linh tín ngưỡng không chỉ là một

phần quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần mà còn là thành tố văn hóa quan trọng giúp nhân dân hiểu tâm hồn, tình cảm, bản sắc văn hóa dân tộc.

Tất cả những thay đổi trên đã tạo nên một bầu không khí xã hội mới với sự cởi mở, tự do hơn trong đời sống văn hóa tâm linh góp phần tạo nên động lực để các hoạt động tín ngưỡng tôn giáo ở nước ta hồi sinh và phát triển mạnh mẽ. Nhờ các chính sách sau thời kỳ đổi mới, các đình thờ Nguyễn Trung Trực được nhân dân đầu tư sửa chữa, khôi phục, một số đình được xây dựng mới; các di vật lưu lạc nhiều nơi được người dân tìm kiếm, phụng hiến trưng bày trong các cơ sở thờ tự; nhân dân đến lễ hội với tinh thần tự nguyện. Các nghi thức cúng tế, hoạt động lễ hội dân gian dần được khôi phục. Sau khi Nguyễn Trung Trực thụ hình, nhân dân đã tìm thi hài Ông để lập mộ phần, thỉnh bài vị của Ông vào thờ ở đền thờ Cá Ông (nay là đình Nguyễn Trung Trực ở Rạch Giá) mở đầu cho việc lập đền, miếu tưởng nhớ Ông ở các tỉnh lân cận, hình thành tín ngưỡng thờ Nguyễn Trung Trực. Sau thời kỳ đổi mới, đình thờ Nguyễn Trung Trực ở Rạch Giá được quan tâm đầu tư, mở rộng, bảo tồn được nhà nước công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia năm 1988 (theo Quyết định số 191, ngày 22 – 3 – 1988), tiếp tục mở đầu việc phục hồi tín ngưỡng thờ Nguyễn Trung Trực. Từ đó, đình thờ Nguyễn Trung Trực ở các tỉnh được sửa sang, lễ hội được phục dựng, tín ngưỡng thờ phụng Nguyễn Trung Trực được lan tỏa cả vùng. Tuy nhiên, theo dòng thời gian các hình thức diễn xướng như hát bội trong cúng đình dần mai một, các nghi thức trong tế lễ cũng như các nghi trình và thủ tục trong lễ hội đình được bảo lưu không nhiều.

Đến nay, các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo được đưa về đúng vị trí của nó, phát triển mạnh mẽ. Nhờ chính sách của nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ, cùng sự nương nhờ trong tôn giáo và trong tâm thức nhân dân, tín ngưỡng thờ Nguyễn Trung Trực lưu truyền bền bỉ, không ngừng mở rộng, đặc biệt sau thời kỳ đổi mới 1986. Một trong những mục tiêu quan trọng được đặt lên hàng đầu trong các chính sách văn hóa là sự phục hưng văn hóa truyền thống. Nó là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa. Chính vì vậy, trong hơn thập kỷ qua, với sự nỗ lực của Đảng và Nhà nước, của chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể, nhiều giá trị văn hóa truyền thống được phục hồi sau một thời gian dài bị ẩn chìm, mai một trong những năm tháng chiến tranh hay bị phá bỏ bởi những quan niệm, định kiến, nhận thức sai lầm. Các di tích lịch sử văn hóa được công nhận, nhiều lễ hội truyền thống, các trò chơi dân gian, phong tục tập quán... được

phục hồi và mở rộng khắp cả nước góp phần không nhỏ trong việc xây dựng và phát triển nền văn hóa mới ở nước ta.

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Tín ngưỡng thờ anh hùng Nguyễn Trung Trực trong đời sống văn hóa cư dân Nam Bộ (Trang 132 - 135)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(266 trang)