CHƯƠNG 4: ĐẶC ĐIỂM, VAI TRÒ, GIÁ TRỊ CỦA TÍN NGƯỠNG THỜ NGUYỄN TRUNG TRỰC Ở NAM BỘ VÀ MỘT SỐ BÀN LUẬN
4.1 ĐẶC ĐIỂM CỦA TÍN NGƯỠNG THỜ NGUYỄN TRUNG TRỰC
4.1.1 Anh hùng Nguyễn Trung Trực – vị nhân thần của cư dân Nam Bộ
Song, như một quy luật của văn hóa, những gì do nhân dân sáng tạo, chấp nhận và gìn giữ thì có sức sống trường tồn với thời gian. Ở Việt Nam, mỗi gia đình đều có bàn thờ tổ tiên được đặt ở nơi trang trọng, rộng hơn, trong cộng đồng nhân dân thờ Thành hoàng. Việc thờ cúng tổ tiên là tưởng nhớ, tôn kính ông bà, đấng sinh thành, thờ phụng những vị anh hùng là sự biết ơn, tôn kính công đức các bậc tiền nhân. Như trên đã đề cập, Nam Bộ là nơi các lưu dân vùng Thuận Quảng vào khai hoang, lập ấp. Hành trang của họ ngoài những kỹ năng về nông lâm ngư nghiệp còn là vốn văn hóa từ miền trung nắng gió, là các thiết chế văn hóa mang theo vào vùng đất mới. Ban đầu các thiết chế này, nhất là các ngôi đình/ đền chủ yếu thờ các nhiên thần như Thần Nông, Thần Sông, Thần Đất…Về sau, khi dân cư đông đúc, xóm làng trù phú, nơi đây bắt đầu xuất hiện những yếu tố của việc thờ phụng nhân thần mà trước tiên là những người có công khai làng, lập ấp, lập chợ, khẩn điền kế đến là những anh hùng chống giặc ngoại xâm. Sau khi triều đình để mất ba tỉnh miền Tây, phong trào kháng Pháp trong nhân dân nổ ra mạnh mẽ, nhưng các cuộc khởi nghĩa đều thất bại, các chủ tướng lần lượt rơi vào tay giặc hoặc hy sinh. Sau khi mất, các vị anh hùng kháng Pháp được nhân nhân thương nhớ, tôn thờ, mong họ linh thiêng tiếp tục phù trợ nhân dân với tinh thần Sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc, linh hồn theo giúp cơ binh (Nguyễn Đình Chiểu).
Việc thờ phụng anh hùng dân tộc đều có điểm chung, đó là những người quật cường, đánh Pháp đến cùng, sẵn sàng hy sinh vì đất nước, là người có công với đất nước, với nhân dân. Từ con người lịch sử, họ trở thành những vị thần linh thiêng phù hộ nhân dân trong đời sống; hầu hết các vị anh hùng dân tộc trở thành phúc thần có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa - xã hội cư dân Nam Bộ; nhân dân tin tưởng thờ phụng ở các cơ sở thờ tự và tại gia với niềm tin và sự kính trọng. Trong đó, việc phụng thờ anh
hùng Nguyễn Trung Trực là tín ngưỡng thờ nhân thần tiêu biểu ở Nam Bộ. Thờ cúng Nguyễn Trung Trực là tiêu biểu, bởi lẽ, trong tương quan với các dạng thức cùng loại của các anh hùng kháng Pháp, số lượng đình, ngôi thờ và các hình thức thờ vọng khác, số người dân thường xuyên thực hành tín ngưỡng là lớn và có phạm vi trải khắp Nam Bộ. Như trình bày ở phần khảo sát, khi thực dân Pháp lần lượt đánh chiếm ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ đến miền Tây Nam Kỳ thì hàng loạt các cuộc khởi nghĩa của sĩ phu yêu nước diễn ra toàn vùng. Trong đó, nổi bật là cuộc khởi nghĩa của Định, Huân, Dương, Trực. Đó là những người có thật trong lịch sử và trong huyền thoại. Trương Định, Thủ khoa Huân, Thiên hộ Dương, Nguyễn Trung Trực, tất cả các vị đều di vào sử sách, được nhân dân tôn thờ. NCS tiến hành so sánh nhằm chỉ ra sự tương đồng và khác biệt giữa tín ngưỡng thờ Nguyễn Trung Trực với các vị anh hùng kháng Pháp cùng thời trong đời sống văn hóa cư dân Nam Bộ.
4.1.1.1 Sự tương đồng
Nam Bộ có là vùng đất mới, trong việc mở đất, người dân luôn đoàn kết chống lại thú dữ, họ lập làng, theo truyền thống, lập đình để làm nơi sinh hoạt, tập hợp dân để truyền với nhau kinh nghiệm sản xuất, chống thú dữ. Họ thờ nhiên thần lẫn nhân thần làm thần Thành Hoàng của làng. Khi giặc đến họ đoàn kết chống giặc, khi hy sinh vì dân vì nước, họ được dân làng thờ phụng. Những lãnh tụ nghĩa quân, người anh hùng nghĩa đảm, người có công với quê hương sinh vi tướng, tử vi thần dù mất đi, nhưng các vị được nhân dân gửi gắm niềm tin, tôn làm Thành Hoàng Bổn Cảnh phù hộ nhân dân làm ăn sinh sống.
Trương Định, Thủ Khoa Huân, Thiên Hộ Dương, Nguyễn Trung Trực đều được nhân dân Nam Bộ tôn thờ với những nét tương đồng.
Thứ nhất, các vị đều là người yêu nước, anh hùng dân tộc, trong hoàn cảnh cả vùng Nam Bộ lần lượt rơi vào tay giặc các ông đã tập hợp nghĩa sĩ, nhân dân lập căn cứ kháng Pháp vào nửa cuối thế kỷ XIX.
Thứ hai, các vị anh hùng kháng Pháp được nhân dân đặt trọn niềm tin, lúc sống nhân dân theo các vị đánh giặc, sau khi hy sinh các vị thành thần Thành hoàng, được nhân dân thành kính tôn thờ. Từ niềm tin, nhân dân đã huyền thoại hóa các vị thành những vị thần linh thiêng qua các câu chuyện truyền thuyết; nhân dân lập đình, đền thờ phụng, thực hành nghi thức cúng bái với lòng biết ơn, ngưỡng mộ.
Thứ ba, các vị tứ hùng kháng Pháp được nhân dân sùng bái, tôn thờ đều trở thành phúc thần phù hộ nhân dân làm ăn, sinh sống đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa tinh thần
của nhân nhân Nam Bộ.
Sự tương đồng của các vị anh hùng kháng Pháp được tích hợp trong hình tượng Nguyễn Trung Trực. Người xưa sau khi qua đời, con cháu, nhân dân thỉnh bài vị làm bằng gỗ mít có ghi tên, tước vị người đã mất để thờ cúng. Sau khi bị thực dân Pháp xử chém, nhân dân Kiên Giang, An Giang lập bài vị Nguyễn Trung Trực âm thầm thờ vọng. Vào giữa thế kỷ XX, sau sự hy sinh của Trần Văn Ơn, thực dân Pháp khủng bố dữ dội cuộc đấu tranh của phong trào học sinh sinh viên ở Sài Gòn. Các nhà báo yêu nước chuyển sang đấu tranh gián tiếp qua lịch sử bằng cách nhờ họa sĩ vẽ, in hình chân dung và những câu nói nổi tiếng của các nhân vật lịch sử, những vị anh hùng chống ngoại xâm. Thời gian này, phụ bản các báo có in hình Nguyễn Trung Trực với câu nói nổi tiếng: Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người Nam đánh Tây. Hình ảnh của Ông được các họa sĩ vẽ lại lưu truyền đến ngày nay qua các tấm ảnh, tượng được nhân dân, các ban quản trị đình thờ phụng, trở thành biểu tượng cho lòng thành kính tôn thờ của người dân đối với vị AHDT. Theo các nhà nghiên cứu, nguồn gốc hình ảnh Nguyễn Trung Trực được họa sĩ mô phỏng những anh hùng khác mà vẽ lại: đôi mắt của Thủ Khoa Huân, tai mũi miệng của Phan Đình Phùng, ria mép của Hoàng Hoa Thám, gương mặt, hình dáng của người nông dân miền Nam. Hình ảnh thờ, tượng thờ Nguyễn Trung Trực, nhưng cũng là biểu tượng của các vị anh hùng, trong đó tiềm ẩn khí tiết của anh hùng kháng Pháp của nghĩa sĩ ba miền Nguyễn Hữu Huân, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám và hơn nữa là của tất cả nông dân Nam Bộ, nông dân Việt Nam. Như vậy, trong tâm tưởng của hậu thế, chân dung Nguyễn Trung Trực vừa có nét tương đồng vừa có tính biểu tượng của người anh hùng chống ngoại xâm.
4.1.1.2 Sự khác biệt
* Về không gian phân bố di tích
Để nhận rõ sự phân bố di tích ở các tỉnh thành Nam Bộ, NCS tiến hành thống kê số lượng các di tích thờ các vị anh hùng và địa bàn phân bố di tích
Bảng 4. 1 Số lượng và địa bàn thờ phụng các vị anh hùng ở Nam Bộ
STT ANH HÙNG SỐ LƯỢNG ĐỊA BÀN PHÂN BỐ
1 Trương Định 3 Tiền Giang
2 Thiên hộ Dương 2 Đồng Tháp
3 Thủ khoa Huân 2 Tiền Giang
4 Nguyễn
TrungTrực 37 Long An, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Hậu Giang, Cần Thơ
(Nguồn: NCS, PL4. 3.16)
Qua bảng 4.1, cho thấy số lượng các di tích của Trương Định, Thủ Khoa Huân, Thiên Hộ Dương tập trung ở địa bàn các vị anh hùng hoạt động, khởi nghĩa. Thực tế cho thấy số cơ sở thờ tự và địa bàn phân bố các di tích liên quan đến Nguyễn Trung Trực có một phổ văn hóa rộng, kéo dài từ Long An qua các tỉnh miền Nam sông Hậu, tứ giác Long Xuyên và ra tận đảo Phú Quốc. Với mục đích tôn vinh, tưởng niệm công lao của Ông với dân tộc, đáp ứng nhu cầu văn hóa, người dân Nam Bộ đã sáng tạo các sản phẩm văn hóa gắn liền với thờ phụng Nguyễn Trung Trực. Các sản phẩm đó tồn tại trong đời sống cư dân Nam Bộ từ sau ngày Ông hy sinh, phát triển đến nay là minh chứng cho tấm lòng của người dân đối với tiền nhân.
* Mức độ ảnh hưởng trong đời sống văn hóa của nhân dân
Khi Pháp tấn công thành Gia Định, Nguyễn Trung Trực tham gia nghĩa quân Trương Định đánh Pháp; thành Gia Định thất thủ Ông lui về Long An tổ chức lực lượng kháng Pháp làm nên trận Nhật Tảo rung động đất trời. Sau đó, ông đánh Pháp vài trận ở quê nhà rồi di chuyển đến hoạt động chủ yếu ở vùng Tứ giác Long Xuyên cho đến lúc hy sinh ở Rạch Giá. Sau khi mất, ông được nhân dân ngưỡng vọng, lập đền, đình thờ phụng ở Kiên Giang, An Giang sau đó lan tỏa khắp vùng sông nước Nam Bộ. Nếu như ở Bắc Bộ, thần Thành Hoàng của làng thường là một vị thần cụ thể gắn với mỗi làng, với thần phả khá rõ ràng thì ở Nam Bộ việc thờ thần Thành Hoàng tại các đình làng nhìn chung đơn giản, thường chỉ thờ một vị thần mang tính tượng trưng là thần Thành Hoàng Bổn Cảnh, nghĩa là vị thần Thành Hoàng của một vùng đất. Tỉnh Sóc Trăng có 77 đình, trong đó có sáu đình thờ Nguyễn Trung Trực với ý nghĩa suy tôn Ông là thần Thành Hoàng, số đình còn lại thờ thần Thành Hoàng nhưng không rõ lai lịch của thần. Điều đó cho thấy thời gian trước 1868, tất cả các đình nơi đây đều thờ thần Thành Hoàng chung như các đình ở Nam Bộ. Thời gian sau khi Nguyễn Trung Trực hy sinh, nghĩa quân trốn lánh đến nơi này đã lập đền, đình thờ tưởng nhớ Ông, tiêu biểu đình thờ Nguyễn Trung Trực ở huyện Long Phú được lập năm 1885, từ đó số lượng đình ở Sóc Trăng mở rộng đến ngày nay. Đồng thời, việc này chứng tỏ mức độ ảnh hưởng của nhân thần Nguyễn Trung Trực mạnh mẽ trong đời sống văn hóa của nhân dân ở địa phương này. Qua khảo sát, số lượng và địa bàn phân bố các di tích thờ tự của Nguyễn Trung Trực ở khắp Nam Bộ với 37 cơ sở thờ tự, tập trung ở Nam sông Hậu với 33 cơ sở thờ tự. Phạm vi ảnh hưởng việc thờ phụng Nguyễn Trung Trực trải rộng qua số lượng các di tích, các địa bàn có di tích và số lượng đông đảo người dân tham gia lễ hội như bảng dưới đây
Bảng 4. 2 So sánh số người dự lễ hội đình các vị anh hùng dân tộc ở Nam Bộ
STT ANH HÙNG LỄ HỘI,
LỄ GIỖ
ĐỊA PHƯƠNG
SỐ NGƯỜI THAM DỰ
QUY MÔ 1 Trương Công Định
1820-1864
19-20 tháng 8
dương lịch Tiền Giang 3000 người Tỉnh 2 Thiên Hộ Dương
1827-1866
14-15-16 tháng 11 Âl
Đồng Tháp Các tỉnh lân
cận
350.000
người Tỉnh 3 Thủ khoa Huân
1830 - 1875 15/4 âm lịch Tiền Giang 1000 người Tinh
4 Nguyễn Trung Trực 1838 -1868
28 -08 Âl Kiên Giang Trên 1 triệu Vùng, quốc gia 12-09 Âl Long An 20000 người Vùng 16,17,18 - 03
Âl Sóc Trăng 8000 người Tỉnh (Nguồn: Tổng hợp từ các Báo cáo tổng kết của các sở VHTTDL năm 2018) Từ số liệu bảng 4.2, NCS nhận thấy số lượng người tham gia vào lễ giỗ - lễ hội tại các đình thờ Nguyễn Trung Trực đông đảo về số lượng. Người dân ở Sóc Trăng dự lễ Kỳ yên, tưởng niệm Nguyễn Trung Trực khoảng 8000 người; lễ hội ở Long An 20000 người; các tỉnh An Giang, Bạc Liêu, mỗi tỉnh khoảng 10000 người dự lễ hội… Ở Kiên Giang, người dân cả nước tham gia vào năm 2018 - kỷ niệm 150 ngày Nguyễn Trung Trực hy sinh - lên đến một triệu người. Qua khảo sát thực địa, các tỉnh có cơ sở thờ Nguyễn Trung Trực, số lượng chủ thể văn hóa tham gia đông đảo lễ hội, lễ giỗ Ông cùng với số lượng di tích trải rộng cả vùng chứng tỏ nhân dân Nam Bộ đặt niềm tin lớn đối với Ông. Từ các minh chứng trên, chúng tôi nhận thấy đặc điểm nổi bật của tín ngưỡng thờ Nguyễn Trung Trực là tiêu biểu cho tín ngưỡng thờ nhân thần ở Nam Bộ.
Nhân dân Nam Bộ phụng thờ Nguyễn Trung Trực bởi tinh thần yêu nước, chiến công vang dội của người anh hùng áo vải. Sau khi Ông hy sinh, nhân dân Nam Bộ âm thầm thờ cúng và gìn giữ, phát triển đến ngày nay. Trong tâm thức của nhân dân, Nguyễn Trung Trực đã hóa thần, trách nhiệm của các thế hệ sau phải trân trọng, tôn vinh. Ông đã trở thành phúc thần được thờ phụng ở Nam Bộ là xuất phát từ tấm lòng của người dân, song trước hết là ở nhân cách lớn của người anh hùng và sự hòa nhập của Ông với Bửu Sơn Kỳ Hương. Sau trận đánh chìm tàu giặc ở vàm sông Nhật Tảo, Nguyễn Trung Trực có khoảng thời gian sinh sống ở vùng An Giang. Ở nơi đây, Ông sống theo nếp sống của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương (tiền thân của Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Phật giáo Hòa Hảo), mặc áo nâu vạt hò, ăn uống đạm bạc, kết thân thường qua lại với Quản cơ Trần Văn Thành, đại đệ tử của Phật Thầy Tây An (người sáng lập đạo Bửu Sơn Kỳ Hương). Quản
cơ Trần Văn Thành là người lập căn cứ Láng Linh (thuộc huyện Châu Phú , tỉnh An Giang) chống Pháp. Với tinh thần yêu nước, ý chí bất khuất, Nguyễn Trung Trực tập hợp lực lượng đánh Pháp, lập nhiều chiến công. Hành động của Ông phù hợp với ân đất nước, ân đồng bào, nhân loại. Thời gian sinh sống, chiêu mộ nghĩa quân ở An Giang, Nguyễn Trung Trực sinh sống, hành xử như lời dạy của Phật Thầy, theo đúng đường hướng của Phật pháp. Dù trong hoàn cảnh nào, Nguyễn Trung Trực luôn lo cho cha mẹ, vì chữ hiếu Ông đã nộp mình cho giặc để cứu mẹ. Tư tưởng và cách hành xử ấy của Nguyễn Trung Trực đã đền đáp trọn vẹn ân tam bảo, ân tổ tiên cha mẹ. Như vậy, Nguyễn Trung Trực đáp ứng đầy đủ Tứ ân mà giáo lý của bổn đạo truyền dạy. Từ mối quan hệ giữa Ông và Bửu Sơn Kỳ Hương nên sau khi hy sinh, Nguyễn Trung Trực được hệ phái Bửu Sơn Kỳ Hương và nối tiếp Phật giáo Hòa Hảo tôn vinh là Quan thượng đẳng đại thần, phật tử trân trọng, ngưỡng vọng, thờ cúng. Vì vậy, tín ngưỡng thờ Nguyễn Trung Trực gắn với tôn giáo và lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, được nhân dân Nam Bộ thờ phụng khắp vùng.