CHƯƠNG 4: ĐẶC ĐIỂM, VAI TRÒ, GIÁ TRỊ CỦA TÍN NGƯỠNG THỜ NGUYỄN TRUNG TRỰC Ở NAM BỘ VÀ MỘT SỐ BÀN LUẬN
4.2 VAI TRÒ CỦA VIỆC THỜ PHỤNG NGUYỄN TRUNG TRỰC TRONG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA CƯ DÂN NAM BỘ
4.3.3 Giá trị giáo dục
Trong tín ngưỡng dân gian, hoạt động của lễ hội không thể thiếu nhằm thỏa mãn nhu cầu về văn hóa tâm linh của nhân dân. Lễ hội phản chiếu đời sống xã hội, tái hiện sinh động các sự kiện, các nhân vật lịch sử đã diễn ra trong quá khứ hào hùng dưới hình thức tế lễ, diễn xướng, trò chơi dân gian. Giá trị giáo dục của lễ hội luôn hướng con người về cội nguồn dân tộc, nhắc nhở mọi người trong cộng đồng những bài học về đạo lý truyền thống cha ông, về lịch sử dân tộc. Mọi người đến lễ hội với lòng kính
trọng, biết ơn các bậc tiền nhân đã khai hoang, mở cõi, bảo vệ nhân dân, gìn giữ đất nước. Do đó, tín ngưỡng – lễ hội có giá trị giáo dục đạo đức, giáo dục truyền thống lịch sử của quê hương, đất nước.
4.3.3.1. Giáo dục truyền thống lịch sử
Nguyễn Trung Trực là nhân vật lịch sử có thân thế rõ ràng, ở Ông toát lên phẩm chất Trung – Hiếu – Tiết – Nghĩa vẹn toàn. Sau khi mất, Ông được nhân dân thiêng hóa và đi vào huyền thoại trở thành bất tử, là nhân thần tiêu biểu cho ý chí bất khuất trước giặc ngoại xâm, một hình mẫu văn hóa của cư dân Nam Bộ. Qua điền dã, hầu hết các đình thờ Nguyễn Trung Trực là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh nổi bật trong các dạng thức tín ngưỡng dân gian trong vùng. Người dân đến đình ngoài cầu mong, ước vọng cho bản thân, gia đình, đất nước còn được các vị cao niên kể chuyện xưa, thưởng thức hát bội, cải lương, đàn ca tài tử về cuộc đời sự nghiệp Nguyễn Trung Trực. Qua đó, lễ hội giáo dục người dân lòng yêu quê hương đất nước, căm thù giặc cướp nước, lòng tự hào dân tộc. Trong buổi đầu kháng chiến chống Pháp, đạo Hòa Hảo tổ chức lực lượng vũ trang lấy tên Bộ đội Nguyễn Trung Trực gồm bảy chi đội vũ trang hơn hai mươi ngàn binh sĩ tham gia. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Tỉnh ủy Sóc Trăng chọn đình Nguyễn Trung Trực ở Rạch Giồng, Cù Lao Dung làm Trường Chính trị đầu tiên của tỉnh, hiện nay phía trước đình còn có bia tưởng niệm sự kiện này. Theo các vị trong Ban Quản trị đình, Tỉnh ủy mong muốn các học viên có tinh thần kiên dũng và cách sống hiếu nghĩa như vị anh hùng của người dân Nam Bộ.
Từ lâu, các đình Nguyễn Trung Trực tại các địa phương Nam Bộ luôn là điểm đến trong các hoạt động ngoại khóa, về nguồn của đoàn viên, của giáo viên, học sinh. Họ đến đây để thể hiện sự kính ngưỡng, ôn lại chiến công, bày tỏ lòng biết ơn với người anh hùng bên cạnh việc tổ chức kể chuyện về người anh hùng Nguyễn Trung Trực, các cuộc thi về lịch sử kháng Pháp… Đình Nguyễn Trung Trực ở Bạc Liêu, Sóc Trăng luôn là điểm về nguồn của các Chi đoàn học sinh. Đình Nguyễn Trung Trực ở xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú, Trà Vinh được chọn là điểm xuất quân trong các kỳ tuyển quân của Ban Chỉ huy Quân sự địa phương hàng năm. Đình Nguyễn Trung Trực ở Rạch Giá (Kiên Giang), mỗi ngày tiếp hàng trăm lượt đoàn khách đến viếng, tham quan; học sinh các trường phổ thông đưa vào chương trình ngoại khóa. Khu Di tích vàm Nhật Tảo ở Long An bên cạnh là nơi về nguồn của các sở, ngành còn là nơi ngoại khóa của học sinh, sinh viên ở địa phương và khu vực. Nhân dịp lễ hội, đông đảo tình nguyện viên là học sinh có dịp thể hiện lòng
tôn kính với vị anh hùng dân tộc, người con kiệt xuất của quê hương Long An bằng hành động thiết thực là phục vụ khách thập phương trong dịp lễ hội tưởng niệm Nguyễn Trung Trực. Qua quan sát thực tế, NCS nhận thấy học sinh chia nhau ra phục vụ nước uống thức ăn khi khách thập phương đến viếng; một số học sinh được Ban tổ chức phân công thay phiên đọc thuyết minh cho những người lớn tuổi tham quan các khu trưng bày về Nguyễn Trung Trực.
4.3.3.2. Giáo dục đạo đức
Bên cạnh giáo dục truyền thống lịch sử, tín ngưỡng – lễ hội góp phần giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ. Theo quan niệm đạo đức bấy giờ người quân tử phải hội đủ năm yếu tố, trong đó nhân nghĩa luôn đặt hàng đầu. Nhân nghĩa là lòng yêu nước thương dân, là tinh thần chính trực, cao thượng. Vì yêu nước thương dân nên Nguyễn Trung Trực lập lời thề đánh Sài lang cứu nước, đồng thời phụng dưỡng cha mẹ thực hiện trung hiếu vẹn toàn như lời hai câu thơ của Nguyễn Đình Chiểu về đạo đức làm người bấy giờ:
“Cơm áo đền bồi ơn đất nước Râu mày giữ vẹn phận tôi con”
(Nguồn: Thơ Điếu Phan Tòng, bài 9, Nguyễn Đình Chiểu) Giặc Pháp chiếm thành Gia Định, ngay sau đó, ngày mùng mười tháng ba năm Canh Thân (1860) Nguyễn Trung Trực làm lễ xuất quân tại quê nhà, lập chiến công vang dội, đánh Pháp đến cùng, thà hy sinh chứ không hàng giặc, với tinh thần: Thà thác mà đặng câu địch khái, về theo tổ phụ cũng vinh; Hơn còn mà chịu chữ đầu Tây, ở với man di rất khổ. (Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc, Nguyễn Đình Chiểu). Đó là tinh thần khảng khái, chính trực trong tính cách văn hóa của người Nam Bộ trọng nghĩa khinh tài, thi ân bất cầu báo. Điều này thể hiện trong cách sống, cách nghĩ hàng ngày, trong thờ cúng, lễ hội. Nó là giá trị đạo đức được trao truyền và gìn giữ qua nhiều thế hệ, được thể hiện rõ ràng, đa dạng trong tín ngưỡng thờ cúng Nguyễn Trung Trực. Tính cách người Nam Bộ hội tụ trong Nguyễn Trung Trực và hành động của Ông bộc lộ rõ ràng tính cách này.
Khi bị bắt, thực dân Pháp và tay sai dùng mọi cách mua chuộc Nguyễn Trung Trực, Ông thà chịu thụ hình chứ nhất quyết không đầu hàng, không tham sang phú quý làm tay sai cho giặc. Tinh thần, khí phách quyết tâm đánh Pháp tới cùng của Nguyễn Trung Trực, của nhân dân Việt Nam thể hiện rõ nhất qua câu nói bất hủ của Ông: Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người người Nam đánh Tây. Cái chết và những huyền thoại xung quanh cái chết của Ông đã phần nào khắc sâu tinh thần, ý chí và đạo lý người
Việt Nam. Do vậy, tín ngưỡng thờ AHDT Nguyễn Trung Trực phần nào đáp ứng được nhu cầu tâm linh của nhân dân. Hàng năm, trước ngày tổ chức lễ hội một tuần, nhiều người dân Nam Bộ đến cơ sở thờ Nguyễn Trung Trực để làm công quả. Mỗi người một việc dọn dẹp, làm vệ sinh, cất lán trại, nấu bánh, nấu ăn… để chuẩn bị lễ giỗ của Ông.
Nhà dân xung quanh đình cũng sửa sang chuẩn bị đón khách thập phương nghỉ ngơi miễn phí, các nhà hàng, khách sạn đồng loạt giảm giá. Thức ăn, nước uống và các vật dụng sinh hoạt lễ hội được người dân khắp nơi chở về phụng hiến miễn phí để phục vụ ăn uống, sinh hoạt cho khách dự hội đình và cúng tế Ông. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao cũng hoàn toàn miễn phí cho đến khi kết thúc lễ. Người đến đình phụ giúp, làm công quả, số lượng ít thì khoảng sáu mươi, bảy mươi người, người phụ nhiều hơn khoảng 150 người như ở Long Giang, huyện Chợ Mới (An Giang), số lượng người làm công quả ở Rạch Giá (Kiên Giang) hơn một ngàn người.
Những thực tế sống động đó là bài học đạo đức đối với người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Nhà trường giáo dục học sinh qua hình tượng Nguyễn Trung Trực ở các môn học, đoàn thể nâng cao nhận thức thanh niên qua tuyên truyền, cắm trại, dã ngoại tìm hiểu về Nguyễn Trung Trực, các đình thờ, khu di tích là nơi thực tế để người dân thăm viếng, tham quan, tưởng nhớ về vị anh hùng. Giáo dục đạo đức trong nhà trường qua thực tiễn nơi thờ phụng AHDT góp phần xây dựng những con người có phẩm chất đáp ứng yêu cầu của gia đình, dòng họ, cộng đồng, đồng thời là quá trình góp phần hình thành nhân cách của thế hệ trẻ. Các nghi thức cúng tế, hội hè được nhân dân coi trọng, tin tưởng là dịp để mọi người tập hợp tưởng nhớ công lao to lớn anh hùng Nguyễn Trung Trực; thanh niên học tập qua các câu chuyện do các vị cao niên kể hoặc qua chương trình văn nghệ đã tái hiện chiến công của tiền nhân. Qua đó, người lớn tuổi khuyên nhủ mọi thế hệ trẻ cố gắng học tập, sống có ích, có trách nhiệm với cộng đồng, làm ăn sinh sống đóng góp cho xã hội.
Tất cả các biểu hiện trên minh chứng cho tinh thần đạo đức nhân sinh trong tín ngưỡng và thực hành tín ngưỡng gắn với lễ hội trong các đình thờ Nguyễn Trung Trực ở Nam Bộ. Các giá trị nhân sinh này được gìn giữ và trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác góp phần tô điểm những căn tính văn hóa của người dân miền cực nam tổ quốc.
Qua thờ cúng tổ tiên, thờ cúng AHDT, các gia đình, các cơ sở thờ tự đã góp phần hình thành cho công dân nhu cầu, niềm tin, ý nghĩa mục đích sống giúp cho mỗi người tự chủ, ham học, luôn phấn đấu vươn lên để tự khẳng định bản thân. Tín ngưỡng thờ