CHƯƠNG 2: NGUYỄN TRUNG TRỰC NHÂN VẬT LỊCH SỬ VÀ HUYỀN THOẠI
2.1 BỐI CẢNH LỊCH SỬ
2.1.1 Tình hình Việt Nam nửa cuối thế kỷ XIX
Vào giữa thế kỷ XIX, trước khi bị thực dân Pháp xâm lược, Việt Nam là một quốc gia độc lập, có chủ quyền, đạt được những tiến bộ nhất định về kinh tế, văn hóa. Tuy nhiên, ở giai đoạn này, chế độ phong kiến Việt Nam đang có những biểu hiện khủng hoảng nghiêm trọng trên nhiều phương diện. Nông nghiệp sa sút. Nhiều cuộc khẩn hoang được tổ chức khá quy mô, nhưng đất đai mà nhân dân khai khẩn được lại rơi vào tay địa chủ, cường hào. Đê điều không được chăm sóc. Nạn mất mùa, đói kém xảy ra liên miên. Công thương nghiệp bị đình đốn. Xu hướng độc quyền công thương của Nhà nước đã hạn chế sự phát triển của sản xuất và thương mại. Chính sách bế quan tỏa cảng của nhà Nguyễn khiến cho nước ta bị cô lập với thế giới bên ngoài. Quân sự lạc hậu, chính sách đối ngoại có những sai lầm, nhất là việc cấm đạo, đuổi giáo sĩ phương Tây, đã gây ra những mâu thuẫn, làm rạn nứt khối đoàn kết dân tộc, nhân dân lưu tán, gây bất lợi cho cuộc kháng Pháp sau này. Nhiều cuộc khởi nghĩa chống triều đình đã nổ ra như: khởi nghĩa Phan Bá Vành ở Nam Định, Thái Bình (1821), của Lê Duy Lương ở Ninh Bình (1833), Lê Văn Khôi ở Gia Định (1833), của Nông Văn Vân ở Tuyên Quang, Cao Bằng (1833 - 1835)…
Cuối thế kỷ XVI, những người phương Tây đầu tiên là các lái buôn Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha đã đến Việt Nam. Đầu thế kỷ XVII, người Anh đã định chiếm đảo Côn Lôn của Việt Nam, nhưng không thành. Trong cuộc chạy đua thôn tính phương Đông, tư bản Pháp đã lợi dụng việc truyền đạo Thiên Chúa để chuẩn bị tiến hành cuộc xâm lược Việt Nam. Cuối thế kỷ XVIII, khi phong trào nông dân Tây Sơn nổ ra, Nguyễn Ánh cầu cứu các thế lực nước ngoài để khôi phục lại quyền lực. Giám mục Bá Đa Lộc đã nắm cơ hội đó, tạo điều kiện cho tư bản Pháp can thiệp vào Việt Nam. Đến giữa thế kỉ XIX, nước Pháp phát triển nhanh trên con đường tư bản chủ nghĩa, càng ráo riết tìm cách đánh chiếm Việt Nam để tranh giành ảnh hưởng với Anh ở khu vực châu Á. Sau nhiều lần đưa quân tới khiêu khích, ngày 31 - 8 - 1858 liên quân Pháp - Tây Ban Nha với khoảng ba ngàn binh lính, bố trí trên mười bốn chiếc thuyền, kéo tới dàn trận trước cửa biển Đà Nẵng. Âm mưu của Pháp là chiếm Đà Nẵng làm căn cứ, rồi tấn công ra Huế, nhanh chóng buộc triều đình nhà Nguyễn đầu hàng. Sáng 1 - 9 - 1858, liên quân Pháp - Tây Ban Nha đã
nổ súng rồi đổ bộ vào Đà Nẵng, nhưng chúng bị cầm chân suốt năm tháng (từ cuối tháng 8 - 1858 đến đầu tháng 2 - 1859) trên bán đảo Sơn Trà. Khí thế kháng chiến sục sôi trong nhân dân cả nước. Cuộc chiến đấu của quân dân ta đã bước đầu làm thất bại âm mưu đánh nhanh thắng nhanh của Pháp. Không thể chiếm được Đà Nẵng, Pháp quyết định đưa quân vào Gia Định. Từ Gia Định, Pháp làm bàn đạp tấn công và thôn tính nhanh chóng 3 tỉnh Nam Kỳ, buộc triều đình Huế phải ký hòa ước Nhâm Tuất (5 - 6 - 1862). Hòa ước này có 12 điều khoản, trong đó có những điều khoản chính như: triều đình nhượng hẳn cho Pháp ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ (Gia Định, Định Tường, Biên Hòa) và đảo Côn Lôn; bồi thường 20 triệu quan (ước tính bằng 280 vạn lạng bạc). Thực hiện những điều đã cam kết với Pháp trong Hiệp ước 1862, triều đình Huế ra lệnh giải tán nghĩa binh chống Pháp ở các tỉnh Gia Định, Định Tường, Biên Hòa. Mặc dù vậy, phong trào chống Pháp của nhân dân ba tỉnh miền Đông vẫn tiếp diễn. Các sĩ phu yêu nước vẫn bám đất, bám dân, cổ vũ nghĩa binh đánh Pháp và chống phong kiến đầu hàng.
Phong trào tỵ địa diễn ra sôi nổi, khiến cho Pháp gặp rất nhiều khó khăn trong việc tổ chức, quản lí những vùng đất chúng mới chiếm được. Các đội nghĩa quân vẫn không chịu hạ vũ khí mà hoạt động ngày càng mạnh mẽ. Sau khi chiếm được ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ, thực dân Pháp bắt tay ngay vào việc tổ chức bộ máy cai trị và chuẩn bị mở rộng phạm vi chiếm đóng. Năm 1863, thực dân Pháp dùng vũ lực áp đặt nền bảo hộ lên đất Campuchia. Sau đó, chúng vu cáo triều đình Huế vi phạm các điều đã cam kết trong Hiệp ước 1862, yêu cầu triều đình giao nốt cho chúng quyền kiểm soát cả ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ. Nhà Nguyễn vô cùng lúng túng. Lợi dụng sự bạc nhược của triều đình Huế, ngày 20 - 6 - 1867, quân Pháp kéo đến trước thành Vĩnh Long, ép Phan Thanh Giản (lúc đó đang giữ chức Kinh lược sứ của triều đình) phải nộp thành không điều kiện. Chúng còn khuyên ông viết thư cho quan quân hai tỉnh An Giang và Hà Tiên hạ vũ khí nộp thành.
Trong vòng năm ngày, từ 20 đến 24 - 6 - 1867, thực dân Pháp đã chiếm gọn ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ (Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên) mà không tốn một viên đạn. Sau khi ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ rơi vào tay Pháp, phong trào kháng chiến trong nhân dân vẫn tiếp tục dâng cao. Một số văn thân, sĩ phu yêu nước bất hợp tác với giặc, tìm cách vượt biển ra Bình Thuận (Nam Trung Kỳ) nhằm chuẩn bị cuộc kháng chiến lâu dài. Một số khác ở lại bám đất, bám dân, tiếp tục tiến hành cuộc vũ trang chống Pháp. Trong điều kiện khó khăn hơn nhiều so với thời kì thực dân Pháp mới xâm chiếm Nam Kỳ, phong trào kháng chiến ở ba tỉnh miền Tây vẫn diễn ra sôi nổi, bền bỉ. Song, tương quan lực lượng, vũ khí
ngày một chênh lệch nên các phong trào yêu nước đều bị đàn áp và thất bại. Các cuộc kháng Pháp của nhân dân Nam Kì nói chung, của nhân dân ba tỉnh miền Tây nói riêng tạm thời lắng xuống, nhưng lòng yêu nước nồng nàn, ý chí bất khuất chống ngoại xâm không bao giờ nguôi.
2.1.2 Những anh hùng kháng Pháp tiêu biểu ở Nam Bộ
Ngay khi ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ bị thất thủ, nghĩa quân vùng lên đánh Pháp, nhưng lực lượng còn yếu nên đều bị thất bại. Khi nghiên cứu về cuộc kháng Pháp của Nguyễn Trung Trực, chúng tôi đặt vào bối cảnh chung của Nam Kỳ bấy giờ. Dưới đây là một số cuộc khởi nghĩa tiêu biểu (chủ yếu là của Tứ hùng: Định, Huân, Dương, Trực), từ đó làm rõ vai trò, vị trí của cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Trung Trực trong bối cảnh Nam Kỳ nửa cuối thế kỷ XIX.
2.1.2.1 Cuộc khởi nghĩa của Trương Công Định (Trương Định, 1860 – 1864) Trương Định là con trai của Lãnh binh Trương Cầm, quê ở Quảng Ngãi. Ông theo cha vào Nam từ hồi nhỏ. Năm 1850, ông cùng Nguyễn Tri Phương mộ phu đồn điền, khai khẩn nhiều đất đai, được triều đình phong chức Phó Quản cơ. Năm 1859, khi Pháp đánh Gia Định, Trương Định đã đưa đội quân đồn điền của ông về sát cánh cùng quân triều đình chiến đấu. Tháng 3 - 1860, khi Nguyễn Tri Phương được điều vào Gia Định, ông lại chủ động đem quân phối hợp đánh địch. Tháng 2 - 1861, chiến tuyến Chí Hòa bị vỡ, ông đưa quân về hoạt động ở Tân Hòa (Gò Công), quyết tâm chiến đấu lâu dài. Sau Hiệp ước 1862, triều đình hạ lệnh cho Trương Định phải bãi binh, mặt khác điều ông đi nhận chức Lãnh Binh ở An Giang, rồi Phú Yên. Nhưng được sự ủng hộ của nhân dân, ông đã chống lệnh triều đình, quyết tâm ở lại kháng chiến. Phất lá cờ Bình Tây Đại nguyên soái, hoạt động của nghĩa quân Trương Định đã củng cố niềm tin của dân chúng, khiến bọn cướp nước và bán nước phải run sợ.
Nghĩa quân tranh thủ thời gian ra sức xây dựng công sự, rèn đúc vũ khí, liên kết lực lượng, đẩy mạnh đánh địch ở nhiều nơi. Biết được căn cứ trung tâm của phong trào là Tân Hòa, ngày 28 - 2 - 1863 giặc Pháp mở cuộc tấn công quy mô vào căn cứ này. Nghĩa quân anh dũng chiến đấu suốt ba ngày đêm, sau đó rút lui để bảo toàn lực lượng, xây dựng căn cứ mới ở Tân Phước. Ngày 20 - 8 -1864, nhờ có tay sai dẫn đường, thực dân Pháp đã tìm ra nơi ở của Trương Định. Chúng mở cuộc tập kích bất ngờ vào căn cứ Tân Phước.
Nghĩa quân chống trả quyết liệt. Trương Định trúng đạn và bị thương nặng. Ông đã rút gươm tự sát để bảo toàn khí tiết. Năm đó ông 44 tuổi.
2.1.2.2 Thủ Khoa Huân (Nguyễn Hữu Huân) chiến đấu ở Mỹ Tho và Tân An (1862 – 1875)
Thủ Khoa Huân tên thật là Nguyễn Hữu Huân, sinh năm 1830 tại làng Tịnh Hà, huyện Kiến Hưng, tỉnh Định Tường. Nay là xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo tỉnh Tiền Giang. Cha của ông là Nguyễn Hữu Cẩm một nông dân khá giả trong vùng. Thuở nhỏ, ông nổi tiếng thông minh, khảng khái, học rất giỏi và rất chăm chỉ học tập. Năm 1852, ông dự thi hương tại Gia Định, đỗ thủ khoa. Sau đó, ông được bổ nhiệm làm giáo thọ, tức đốc học ở huyện Kiến Hưng, tỉnh Định Tường. Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta (tháng 2 - 1859), ông bỏ chức giáo thọ, từ biệt gia đình tham gia kháng chiến, liên kết với các sĩ phu yêu nước, chiêu mộ nghĩa binh đứng lên chống giặc. Tháng 4 – 1861, Pháp chiếm Mỹ Tho, ông cùng Thiên Hộ Dương phát động khởi nghĩa, hoạt động ở Tân An và lan rộng đến Mỹ Tho, rất ảnh hưởng đối với sĩ phu Nam Kỳ. Lúc đó Thiên Hộ Dương làm Chánh Quản đạo, ông làm Phó. Đầu năm 1862 Pháp đánh úp, bắt được ông và giải về Sài Gòn. Ông thoát được, trở lại hoạt động liên kết với Trương Định. Tháng 6 - 1863 giặc phát hiện căn cứ ông ở Thuộc Nhiêu (Cai Lậy) nên bao quây càn quét.
Ông và Thiên Hộ Dương chạy thoát về An Giang xây dựng căn cứ Bảy Núi. Dựa vào điều ước Nhâm Tuất, chúng gửi tối hậu thư buộc quan tỉnh An Giang giao nộp Thủ Khoa Huân và Thiên Hộ Dương. Biết tin, Thiên Hộ Dương trốn thoát sau đó chuyển căn cứ về Đồng Tháp Mười còn Thủ Khoa Huân bị bắt giao nộp cho Pháp. Chúng khép ông vào tội chống lại nhà nước Lang Sa (Pháp), kết án mười năm khổ sai và đày ra đảo Réunion. Sau bảy năm tù, chúng ân xá và đưa ông về quản thúc tại nhà Đỗ Phương với hy vọng lôi kéo ông về phía chúng. Ông lợi dụng điều kiện dạy học để liên lạc với các sĩ phu yêu nước và hội kín Hoa kiều. Kế hoạch bị lộ, ông trở về Mỹ Tho hợp cùng Âu Dương Lân tiến hành khởi nghĩa. Địa bàn hoạt động từ Cai Lậy đến Mỹ Quý (Sa Đéc ), gây tiếng vang toàn cõi Nam Kỳ.
Để đối phó, giặc sai Trần Bá Lộc đem quân từ Vĩnh Long đến Mỹ Tho để đàn áp. Năm 1875, Đốc binh Hương bị Trần Bá Lộc mua chuộc dẫn quân bắt Nguyễn Hữu Huân ở Chợ Gạo ngày 15 - 5 - 1875, giam ở Mỹ Tho. Sau bốn ngày chiêu dụ không thành, giặc Pháp khép ông vào án tử hình. Ngày 19 – 5 – 1875, chúng cho tàu chở ông theo dòng Bảo Định về Mỹ Tịnh An để hành hình. Năm ấy, ông 45 tuổi. Suốt 15 năm hoạt động, ba lần khởi nghĩa, ba lần bị bắt, Thủ Khoa Huân luôn nêu cao tấm gương tận trung báo quốc, vì dân vì nước. Lúc đầu, mộ của ông được đắp bằng đất. Đến năm 1927,
con cháu ông và nhân dân địa phương xây lại bằng đá xanh. Để tỏ lòng tôn kính, người dân địa phương đã lập đền thờ cách nơi ông bị hành hình 100m. Đến năm 1995, mộ Thủ Khoa Huân được dời về ấp Hòa Quới, xã Hòa Tịnh, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang. Hằng năm, ngày 15/4 âl nhân dân tổ chức lễ thờ cúng ông tại đền thờ rất trọng thể.
2.1.2.3 Thiên Hộ Dương (Võ Duy Dương) lập chiến khu ở Đồng Tháp Mười (1860 – 1886)
Võ Duy Dương sinh năm 1827, là con trai thứ ba trong một gia đình nông dân ở thôn Cù Lâm Nam, thuộc phủ Tuy Viễn, trấn Bình Định (nay là thôn Nam Tượng, xã Nhơn Tân, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định). Tương truyền ông rất khoẻ mạnh và giỏi võ nghệ, được bà con tôn là Ngũ linh Dương. Năm 1857, hưởng ứng chính sách khai hoang của Nguyễn Tri Phương, ông vượt biển vào Nam tìm đến đất Ba Giồng, ven Đồng Tháp Mười (nay thuộc địa bàn các huyện Châu Thành, Cai Lậy, Cái Bè, tỉnh Tiền Giang), quan hệ với nông dân, điền chủ, danh nho địa phương để tìm chỗ cho cuộc chiêu dân, khai hoang lập ấp. Tháng 02 - 1859, Pháp đánh thành Gia Định, ông cùng thủ khoa Nguyễn Hữu Huân, lập đội nghĩa quân ứng kéo về Gia Định đánh Pháp, ông được phong chức Chánh Quản đạo. Thành Gia Định vỡ, ông vượt biển về kinh, bái yết vua Tự Đức hiến kế đuổi giặc. Ông được điều về Quảng Nam dẹp cuộc nổi dậy của người Thạch Bích và được phong hàm Chánh bát phẩm Thiên hộ vào năm 1860. Tháng 5/1861, ông được sung vào phái bộ của Khâm phái quân vụ Đỗ Thúc Tịnh vào Nam với nhiệm vụ chiêu mộ nghĩa dũng chống giặc. Trong một thời gian ngắn, ông chiêu mộ được gần một ngàn người và được phong chức Quản cơ. Ông đóng quân ở Bình Cách, liên kết với Trương Định ở Gò Công (Tiền Giang), Trần Xuân Hoà (phủ Cậu) ở Thuộc Nhiêu (Châu Thành, Tiền Giang) và Đỗ Thúc Tịnh ở Mỹ Quý (Sa Đéc, Đồng Tháp) đánh giặc. Năm 1864, Trương Định hy sinh, Thiên Hộ Dương rút quân về Tháp Mười xây dựng căn cứ. Năm 1865, nghĩa quân đánh vào Cái Bè, Cái Thia, Cai Lậy, Mỹ Quý, nhất là trận Mỹ Trà khiến Phó Đô đốc Roze phải đưa viện binh từ Sài Gòn xuống cứu viện. Tháng 4/1866, De Lagrandìere tập trung quân chia làm ba mũi tấn công vào Đồng Tháp Mười. Sau gần mười ngày quần thảo với giặc, Thiên hộ Dương ra lệnh rút lui về biên giới và Cái Thia (Cái Bè). Tháng 11 - 1886, Thiên hộ Dương vượt biển về kinh, đến cửa Thần Mẫu (Cần Giờ), ông bị bệnh mất. Thiên hộ Dương nằm xuống, nhưng tên tuổi và sự nghiệp chống giặc giữ nước của ông mãi mãi gắn chặt với mảnh đất Đồng Tháp Mười anh hùng.
Để tưởng nhớ người anh hùng có công giữ nước, ngày nay nhân dân xây dựng đền thờ
tưởng niệm tại Gò Tháp, hàng năm có hàng chục ngàn người đến kính bái. Tên ông được đặt cho con đường ở thành phố Cao Lãnh, chợ Thiên Hộ ở Hậu Mỹ huyện Cái Bè (Tiền Giang) ... Ngoài ra, giai đoạn này còn có nhiều cuộc khởi nghĩa kháng Pháp khác của Phan Tòng, Đỗ Trinh Thoại, Đoàn công Bửu, Nguyễn Xuân Phụng, Phan Tôn, Phan Liêm... Nhưng, xét về mặt quy mô, thời gian và lực lượng, các cuộc khởi binh này qui mô không lớn và diễn ra trong thời gian ngắn so với các cuộc khởi nghĩa nêu trên nên luận án chỉ điểm qua nhằm làm sáng tỏ vai trò và vị trí của cuộc khởi nghĩa Nguyễn Trung Trực trong bối cảnh lịch sử Nam Bộ giai đoạn này.