CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU, CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN
1.2 CƠ SỞ LÝ LUẬN
1.3.4 Khái quát tín ngưỡng, lễ hội ở Nam Bộ
Là vùng đất đa tộc người, Nam Bộ có tín ngưỡng tôn giáo phong phú ở Việt Nam.
Vùng đất này là nơi gặp gỡ các tín ngưỡng, tôn giáo có sẵn từ Bắc Bộ, Trung Bộ khi người Việt di dân vào, đồng thời, nơi đây sản sinh những tín ngưỡng tôn giáo mới. Khi vào đến
Nam Bộ, vùng đồng bằng rộng lớn, người Việt không khỏi ngỡ ngàng trước không gian mênh mông của vùng đất mới, vì trước đó, trong hàng thế kỷ, tầm nhìn của họ đã bị khép chặt trên những cánh đồng duyên hải chật hẹp. Trong quá trình khai phá đất phương Nam, người Việt vượt qua khó khăn tự tạo cho mình bản lĩnh trong cuộc sống, dám nghĩ dám làm, một mặt tiếp tục phát huy văn hóa truyền thống, mặt khác không câu nệ tập tục. Do cuộc sống tương đối dễ dàng hơn rất nhiều so với cuộc sống ở vùng đất cũ, tâm lý của người dân cũng dần thay đổi. Họ trở nên rộng rãi, phóng khoáng hơn. Bên cạnh đó, trong cuộc khai khẩn, đấu tranh gian khổ với thiên nhiên, người dân luôn luôn cần có bè bạn để giúp đỡ vượt qua khó khăn. Nhu cầu sinh tồn đó dần hình thành tính nghĩa hiệp, sẵn sàng giúp đỡ những người chẳng may lâm nạn với tinh thần cao thượng, làm việc nghĩa một cách vô điều kiện nhớ câu kiến nghĩa bất vi; Làm người thế ấy cũng phi anh hùng (Nguyễn Đình Chiểu). Quá trình khai phá vùng đất mới, người Việt đã tiếp cận với các nền văn hóa Khmer, Hoa, Chăm, văn hóa tại chỗ; các yếu tố tích cực của văn hóa các tộc người đã đóng góp tích cực vào văn hóa nói chung, tín ngưỡng Nam Bộ nói riêng.
Tín ngưỡng Nam Bộ phản ánh những đặc trưng của nền nông nghiệp lúa nước.
Người dân tiếp nhận cởi mở thần linh của các dân tộc mà họ đã giao lưu trên đường Nam tiến. Từ những điều kiện lịch sử - địa lý, giao lưu với các tộc người ở vùng đất mới, tín ngưỡng Nam Bộ chịu ảnh hưởng bởi thiên thần, nhiên thần, nhân thần. Tuy nhiên, hệ thống thần linh của Nam Bộ so với Bắc Bộ có số lượng không nhiều, chủ yếu gắn bó với các giai đoạn lịch sử từ thời các Chúa Nguyễn về sau. Về thiên thần, những vị thần thờ phụng ở lưu vực sông Hồng ít thấy ở tín ngưỡng Nam Bộ, các văn hóa Khmer, Hoa, Chăm được chấp nhận và đưa vào hệ thống thần linh ở Nam Bộ, như Thánh mẫu Po Nagar dưới tên gọi là Thiên Y A Na, bà Chúa Ngọc, Chúa Tiên. Hiện tượng này còn được thấy ở Đông Nam Bộ như Bà Đen, ở Tây Nam Bộ như Bà Chúa Xứ. Nhiên thần là tín ngưỡng sùng bái tự nhiên, trong đó có Thổ Thần (Thổ Địa), Thần Hổ, Thần Cá Voi. Khác với Thành Hoàng có nguồn gốc nhân thần ở miền Bắc, miền Trung, Thành Hoàng Bổn Cảnh ở Nam Bộ là nhiên thần, chỉ có danh hiệu chứ không có lý lịch, thần tích, và chỉ một phần trong số đó có sắc phong thần của triều đình với tên gọi chung là Thành Hoàng Bổn Cảnh. Nhân thần là tín ngưỡng sùng bái con người. Đó là những người có công khai phá Nam Bộ, như Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Văn Thoại (Thoại Ngọc Hầu); những khai quốc công thần, như Lê Văn Duyệt, Nguyễn Huỳnh Đức; thờ
các vị anh hùng kháng Pháp, như Trương Định, Thiên Hộ Dương, Nguyễn Trung Trực.
Người Hoa đóng góp vào tín ngưỡng Nam Bộ thờ Quan Công (thờ Ông) tượng trưng cho trung nghĩa can trường, thờ Thiên Hậu (thờ Bà) bảo trợ ngư phủ, người đi biển…
Về tôn giáo, trong đời sống văn hóa tâm linh, người Việt ở Nam Bộ kế thừa, phát huy những tôn giáo đã du nhập vào Việt Nam như Phật giáo, Hồi giáo, Công giáo,…
Mặt khác, từ nửa cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, vùng này đã hình thành tôn giáo Việt: Bửu Sơn Kỳ Hương, Cao Đài, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Hòa Hảo,…góp phần tạo nên bản sắc văn hóa Nam Bộ. Bửu Sơn Kỳ Hương là một giáo phái có ảnh hưởng lớn đến lịch sử và chính trị ở Nam Bộ vào thế kỷ XIX được ông Đoàn Minh Huyên khai sáng năm 1849. Về sau, ông đến tu tại chùa Tây An (núi Sam, Châu Đốc, An Giang) được người dân tôn kính là Phật Thầy Tây An, lấy Thất Sơn là nơi xuất phát để tỏa sáng năm châu bốn biển. Ðạo Bửu Sơn Kỳ Hương lấy tứ đại trọng ân làm nền tảng. Bốn ân lớn là: Ân tổ tiên, cha mẹ, ân đất nước, ân tam bảo, ân đồng bào, nhân loại. Bửu Sơn Kỳ Hương khuyên mọi người học Phật tu nhân, tích đức. Ðạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa do ông Ngô Lợi (Đức Bổn sư) sáng lập năm 1876. Về giáo lý, Đức Bổn sư tiếp tục hoằng pháp của Bửu Sơn Kỳ Hương là Tứ đại trọng ân, Học Phật - Tu Nhân nhưng không ly gia cắt ái. Tín đồ mặc áo vạt hò, quần lá nem, bới tóc hoặc để xõa tự nhiên và tu đâu cũng được, ít quan tâm đến giáo lý mà chú tâm nhiều đến việc thờ cúng, bố thí. Buổi đầu, đạo là một trong những phong trào Cần Vương nhưng dùng hình thức tôn giáo để qui tập tín đồ, che mắt thực dân Pháp. Sau khi ông Ngô Lợi mất, phong trào cũng tan rã chỉ còn lại hoạt động tín ngưỡng.
Phật giáo Hòa Hảo là một tông phái Phật giáo do ông Huỳnh Phú Sổ (Đức Thầy) sáng lập năm 1939, lấy pháp môn Học Phật – Tu Nhân làm căn bản, truyền bá cho nhân dân tư tưởng Bửu Sơn Kỳ Hương để chấn hưng Phật giáo. Phật giáo Hòa Hảo lấy nền tảng là đạo Phật kết hợp với bài sấm kệ do Đức Thầy biên soạn, chủ trương tu hành tại gia. Đạo Cao Đài được thành lập ở ở Nam Bộ từ đầu thế kỷ XX, là một tôn giáo dung hợp nhiều tôn giáo lớn: Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo, Hồi giáo, Cơ đốc giáo, Thần đạo, một số tôn giáo đa thần thời cổ đại; thờ các nhà chính trị, nhà văn cận đại Tôn Dật Tiên, Victor Huygô và Nguyễn Bỉnh Khiêm. Tín đồ đạo Cao Đài tin rằng Thượng đế là Đấng sáng lập các tôn giáo và vũ trụ. Đạo Cao Đài được Thượng đế trực tiếp khai sáng thông qua Cơ bút với nhiệm vụ Đại Đạo Tam Kỳ phổ độ, nghĩa là nền đạo lớn cứu khổ lần thứ ba.
Về tín ngưỡng tôn giáo, người Việt ở Nam Bộ gửi gắm nhiều cho đạo Phật cùng với tín ngưỡng vạn vật hữu linh, thờ cúng tổ tiên. Chùa chiền có mặt ở khắp nơi của đồng
bằng Nam Bộ. Đạo Phật cũng là cơ sở để hình thành đạo Phật giáo Hòa Hảo, có khoảng hai triệu tín đồ. Đạo Phật cùng đạo Khổng, đạo Lão, đạo Thiên Chúa là cơ sở hình thành đạo Cao Đài, gần ba triệu tín đồ ở Nam Bộ. Bên cạnh đó, đạo Thiên Chúa, Tin Lành ở Nam Bộ cũng khá đông tín đồ. Các tôn giáo trên đã góp phần hình thành nhiều đạo khác, tuy ít tín đồ nhưng đã đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân Nam Bộ, như đạo Dừa, đạo Ông Trần...Ngoài ra, người dân Nam Bộ còn duy trì tín ngưỡng thờ cúng đình, miếu, như: thờ cúng Thành Hoàng, thờ cúng Bà Chúa Xứ, thờ cúng cá Ông... Như vậy, Nam Bộ là vùng đất phong phú nhất về tôn giáo tín ngưỡng ở Việt Nam.
Về lễ hội, tương ứng với sự phong phú về cách thức hoạt động sản xuất và tín ngưỡng, lễ hội của người Việt Nam ở Nam Bộ rất đa dạng: lễ hội nông nghiệp - ngư nghiệp, lễ hội tín ngưỡng - tôn giáo, lễ hội tưởng niệm danh nhân - anh hùng dân tộc; lễ hội hỗn hợp. Ở đình làng, thường xuyên có các lễ hội Kỳ yên tiến hành vào đầu năm và cuối năm, để tạ ơn Thành Hoàng Bổn Cảnh, các thần linh và các bậc tiền hiền, hậu hiền có công khai khẩn, khai cơ, giúp dân an cư lạc nghiệp. Ở vùng ven biển, lễ hội Nghinh Ông là sự kiện quan trọng bậc nhất trong đời sống văn hoá và tâm linh của cư dân. Lễ hội tưởng niệm các danh nhân có công mở đất như Nguyễn Văn Thoại (Thoại Ngọc Hầu), Lê Văn Duyệt... và lễ hội tưởng niệm các anh hùng dân tộc như Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Võ Duy Dương, Nguyễn Hữu Huân... đều là những lễ hội long trọng do nhân dân tổ chức, với sự hỗ trợ của chính quyền. Lễ hội tín ngưỡng - tôn giáo tiêu biểu là lễ hội vía Bà Chúa Xứ ở núi Sam, Châu Đốc (An Giang). Lễ hội người Khmer gồm hai loại chính: lễ hội nông nghiệp - ngư nghiệp, lễ hội tín ngưỡng - tôn giáo.
Lễ hội của người Hoa thiên về tín ngưỡng dân gian và thờ cúng tổ tiên. Người Chăm Nam Bộ theo đạo Hồi nên lễ hội chủ yếu của người Chăm là tín ngưỡng - tôn giáo. Nam Bộ là vùng đồng bằng rộng lớn ở phía nam đất nước, là xứ sở lạ lùng, đầy bí ẩn con chim kêu phải sợ, con cá vùng phải kinh, nhưng cởi mở, dễ làm ăn sinh sống ruộng đồng mặc sức chim bay. Là nơi đất lành chim đậu, vùng đất trù phú, đa tộc người của lưu dân người Việt, người Khmer, người Hoa, người Chăm và các tộc người khác, Nam Bộ đã trở thành môi sinh thuận lợi để phát triển tôn giáo – tín ngưỡng có nguồn gốc từ Bắc Bộ, Trung Bộ hoặc từ các tộc người trong quá trình cộng cư sinh sống. Bên cạnh đó, Nam Bộ còn là nơi sản sinh nhiều tôn giáo người Việt của cư dân vùng này. Do đó, đây là vùng đất đa dạng về tín ngưỡng – tôn giáo ở Việt Nam với đầy đủ các loại hình tôn giáo đa thần, độc thần, nội sinh, ngoại sinh. Chính vì vậy, đời sống tâm linh của người dân
Nam Bộ rất phong phú. Có thể nói, môi trường sống đã ảnh hưởng lớn đến việc hình thành đặc trưng văn hóa vật chất và tinh thần của cộng đồng cư dân vùng này. Trên vùng đất mới, ngay từ đầu, văn hóa cư dân người Việt đã giao lưu mật thiết với văn hóa các cư dân Khmer, Hoa…Sự gặp gỡ, giao lưu văn hóa đã giúp văn hoá Việt nơi đây thu nạp, bổ sung những giá trị văn hóa mới theo hướng làm cho nó thích ứng với văn hoá Việt, với nhu cầu của người Việt. Bên cạnh giao lưu văn hóa, văn hóa Nam Bộ còn mang đặc trưng đồng bằng sông nước. Những đặc trưng chủ đạo này đã buộc các cư dân lập nghiệp nơi đây phải lược bỏ những giá trị không còn phù hợp với môi trường mới, sáng tạo nên những giá trị mới để giúp con người đoàn kết, hòa đồng cộng cư sinh sống và phát triển ở vùng sông nước. Vì vậy, tính năng động, bao dung, trọng nghĩa, thiết thực dần dần trở thành bản sắc văn hóa Nam Bộ. Từ đó, hình thành tính cách người Nam Bộ với nhiều nét khác với vùng văn hóa đồng bằng Trung Bộ, Bắc Bộ, đó là: cởi mở, phóng khoáng, không thích ràng buộc; trong mưu sinh thì có tinh thần mạo hiểm, bươn chải, sáng tạo, nhanh nhạy với cái mới; trong ứng xử thì bộc trực, hào hiệp, trọng nghĩa, khinh tài, ăn chơi xả láng…Tính cách này bộc lộ rõ hơn khi thực dân xâm lược Nam Bộ. Người dân theo lời kêu gọi Cần Vương, hưởng ứng tất cả các phong trào khởi nghĩa của các sĩ phu với lòng yêu nước, thương dân, ghét Tây và với tinh thần kiên cường, bất khuất đánh giặc bảo vệ quê hương. Những tính cách văn hóa của người Nam Bộ đã tích tụ trong con người Nguyễn Trung Trực, người anh hùng trong buổi đầu kháng Pháp nửa cuối thế kỷ XIX. Có thể nói, Nam Bộ đã sinh ra Nguyễn Trung Trực; Ông đã chiến đấu, hy sinh vì vùng đất này và trở thành vị thần trong tín ngưỡng thờ cúng AHDT của nhân dân Nam Bộ.
TIỂU KẾT CHƯƠNG 1
Nhằm xác định nền tảng lý thuyết làm cơ sở nghiên cứu, NCS tập trung trình bày các vấn đề về tổng quan nghiên cứu, cơ sở lý luận và địa bàn nghiên cứu. Chương 1 của luận án đã phân tích các bài viết, chuyên khảo, công trình nghiên cứu về Nguyễn Trung Trực trước và sau năm 1975 để làm rõ sự đồng thuận của các NCS về vấn đề nghiên cứu cũng như bổ sung các thông tin, nhận định, kết luận có giá trị khoa học và thực tiễn mà các nhà nghiên cứu trước còn bỏ trống hoặc chưa đề cập đến. Để làm sáng tỏ vấn đề nghiên cứu, luận án làm rõ nội hàm của các khái niệm tín ngưỡng, văn hóa, văn hóa tín ngưỡng, đời sống văn hóa. Trong đó, đời sống văn hóa được xem xét chủ yếu ở góc độ đời sống văn hóa tinh thần, cụ thể là đời sống văn hóa tín ngưỡng. Luận án đã áp dụng
lý thuyết chức năng, lý thuyết tiếp biến văn hóa và lý thuyết vùng văn hóa để làm sáng tỏ vai trò, ảnh hưởng của tín ngưỡng thờ Nguyễn Trung Trực trong đời sống văn hóa của cộng đồng; giải thích quá trình hình thành và biến đổi của tín ngưỡng thờ anh hùng Nguyễn Trung Trực trong đời văn hóa xã hội của cư dân Nam Bộ và đặt tín ngưỡng này trong không gian địa lý, bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội của vùng Nam Bộ.
Về lý thuyết, để làm rõ vấn đề nghiên cứu, luận án đã vận dụng lý thuyết cấu trúc -chức năng của B. Malinowski, Radcliffe Brown trong phân tích vai trò, đặc điểm của tín ngưỡng thờ Nguyễn Trung Trực. Luận án còn vận dụng lý thuyết tiếp biến văn hóa khi phân tích những biến đổi trong quá trình giao lưu văn hóa của người dân Nam Bộ.
Bên cạnh đó, luận án sử dụng lý thuyết văn hóa vùng kết hợp với việc điều tra thực địa trên diện rộng tại các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu để làm rõ đặc điểm thờ anh hùng Nguyễn Trung Trực trong đời sống văn hóa tiểu vùng Nam sông Hậu. Về cơ sở thực tiễn, chương một đã nêu bật điều kiện địa lý, lịch sử và điều kiện dân cư Nam Bộ nhằm định vị không gian - thời gian văn hóa, chủ thể văn hóa và đặc điểm tín ngưỡng, lễ hội vùng để làm cơ sở phân tích việc thờ phụng Nguyễn Trung Trực được hình thành, phát triển trong điều kiện tự nhiên - xã hội ở Nam Bộ.
Trong quá trình giao lưu với văn hóa của các tộc người khác, Nam Bộ đã hình thành nên những đặc điểm riêng mang tính chất vùng khá rõ. Theo bước chân của những lưu dân vùng Ngũ Quảng, các thiết chế văn hóa như đình, chùa, miếu cũng lần lượt có mặt ở những nơi tụ thủy sinh cơ trên vùng đất mới. Theo thời gian, những yếu tố văn hóa này dần dần hình thành nên một sắc thái riêng cho phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện sống: sống cùng với thiên nhiên khắc nghiệt và sống chung với các tộc người khác cùng cộng cư như người Khmer, người Hoa và người Chăm. Trong những chuyến di dân vào vùng đất mới, người Việt mang tên đất, tên làng, gìn giữ phong tục từ miền ngoài của cha ông. Sau khi ổn định, cùng cộng cư với các tộc người khác, người Việt tiếp biến thêm nhiều yếu tố từ phong tục của người Khmer, người Hoa. Quá trình giao thoa văn hóa, cư dân nơi đây đã tiếp thu những cái hay, cái đẹp lẫn nhau để bổ sung vào hành trang văn hóa sẵn có nhằm đáp ứng nhu cầu vật chất và tinh thần của cộng đồng, làm phong phú văn hóa vùng đất mới. Sự giao thoa và tái tạo các giá trị văn hóa làm nên nét văn hóa độc đáo vùng Nam Bộ.