Huyền thoại về nghĩa bạn bè

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Tín ngưỡng thờ anh hùng Nguyễn Trung Trực trong đời sống văn hóa cư dân Nam Bộ (Trang 84 - 87)

CHƯƠNG 2: NGUYỄN TRUNG TRỰC NHÂN VẬT LỊCH SỬ VÀ HUYỀN THOẠI

2.3 NGUYỄN TRUNG TRỰC - NHÂN VẬT HUYỀN THOẠI

2.3.4 Huyền thoại liên quan đến người thân

2.3.4.3 Huyền thoại về nghĩa bạn bè

Trong tâm thức dân gian Việt Nam, những nhân vật khởi nghĩa chống ngoại xâm thường có những phó tướng, bằng hữu phò tá, sẵn sàng hy sinh vì nghĩa lớn. Lịch sử có Lê Lai cứu Chúa thì anh hùng Nguyễn Trung Trực cũng có một Lâm Quang Ky cứu bạn. Lâm Quang Ky tự là Hưng Thái, sinh tại huyện An Biên (Kiên Giang), sống ở vùng Tà Niên. Lâm Quang Ky con ông Lâm Quang Diêu, gốc người Hoa, là cai tổng bấy giờ; và là bạn của Nguyễn Trung Trực. Sau khi đốt tàu Pháp ở vàm sông Nhật Tảo, ông Nguyễn hoạt động ở vùng Tứ giác Long Xuyên, xuôi xuống Rạch Giá và bí mật ở nhà Lâm Quang Ky. Hai người rất tương đắc trong bàn định kế hoạch đánh Pháp. Tại đây, Lâm Quang Ky đã giới thiệu cho ông Nguyễn thêm bốn người bạn cùng chí hướng của mình là Ngô Văn Bút, Hồng Vân Ngàn, Nguyễn Văn Miên và Trịnh Văn Tư. Trong trận đánh chiếm đồn Kiên Giang đêm 16 tháng 6 năm 1868, Lâm Quang Ky là người có công lớn. Sau khi chiếm được thành, ông Nguyễn đích thân lên miệt Núi Sập để xây càn đắp chắn ngang sông, ngăn đường tiến quân của giặc. Việc giữ thành, ông giao lại cho Lâm Quang Ky. Giặc Pháp vội vã huy động quân theo kinh Núi Sập hòng chiếm lại thành Kiên Giang. Lâm Quang Ky kiên cường giữ thành từ sáng ngày 16 đến chiều ngày 21 tháng 6 năm 1868. Biết không thể cầm cự được lâu dài, ông Lâm rút một toán quân về kinh thứ mười rồi đến Đầm Cùng, Bãi Háp. Khi Nguyễn Trung Trực ra hoạt động ở Phú Quốc, Pháp nghe lời tên Việt gian Huỳnh Công Tấn bắt mẹ ông và truyền rao gọi ông về qui hàng. Lâm Quang Ky quyết tâm đứng ra chết thay cho ông Nguyễn để ông tiếp tục sống mà lập chi lớn đánh Pháp. Ông Lâm giả dạng là Nguyễn Trung Trực ra hàng. Trước khi nạp mình, ông đem khay trầu rượu, vành khăn tang và rót ly rượu, đến quý trước thân sinh là Cai tổng Lâm Quang Diêu để xin tha tội bất hiếu. Cụ Diêu nâng ly rượu uống và ca ngợi hành động của con. Quân Pháp tưởng vớ được địch thủ lợi hại, liền đem ra xử chém. Nhưng khi chém, tên Việt gian đội Lượm, nguyên là bộ hạ của Lâm Quang Ky, nhận diện ra ông. Giặc mới biết đây không phải là Nguyễn Trung Trực mà chi là Lâm Quang Ky giả dạng. Tuy nhiên, thấy ông là người tiết nghĩa nên chúng cho thân nhân đem về chôn (PL2 2.1). Mộ của Lâm Quang Ky hiện nay ở ấp Vĩnh Thanh A, ngang đình thần, chếch về hướng Đông Đông Nam, được con cháu trùng tu, kiến thiết rất thẩm mỹ. Qua câu chuyện, trong tâm thức người dân, Nguyễn Trung Trực là một lãnh đạo vì dân vì nước nên mới có thuộc hạ xả thân cứu người anh hùng như vậy.

Trong khi đó, Lâm Quang Ky hy sinh thân mình cứu Nguyễn Trung Trực được ghi nhận

tinh thần nghĩa dũng. Ông dũng cảm, sẵn sàng nhận lấy cái chết vì bạn. Vì nghĩa, ông cứu chủ tướng, người đứng đầu cuộc khởi nghĩa, để ông Nguyễn có thời gian củng cố lực lượng, tiếp tục lãnh đạo nhân dân kháng Pháp.

TIỂU KẾT CHƯƠNG 2

Nguyễn Trung Trực không chỉ là một người anh hùng trong lịch sử mà còn là nhân vật trong huyền thoại. Nửa cuối thế kỷ XIX, ở Nam Bộ bất chấp lệnh bãi binh của triều đình, phong trào chống Pháp nổi lên khắp nơi, như Trương Định ở Gò Công, Nguyễn Trung Trực ở Rạch Giá, Hà Tiên, Thủ khoa Huân ở Mỹ Tho, Thiên Hộ Dương ở Đồng Tháp Mười. So với các cuộc khởi nghĩa kháng Pháp của các lãnh tụ khác, khởi nghĩa Nguyễn Trung Trực có một ý nghĩa đặc biệt. Đây là cuộc khởi nghĩa đầu tiên làm tổn hao tâm, sinh lực địch một cách có quy mô từ trận Nhật Tảo đến trận công kích đồn Kiên Giang, cũng là trận đánh mở màn cho việc tiêu diệt tàu sắt, hiện đại, vốn là niềm tự hào bất khả chiến bại của Pháp. Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực là nhân vật lịch sử đã được thiêng hóa thành thần trong tâm thức và tín ngưỡng dân gian Nam Bộ.

Những câu chuyện lưu truyền trong dân gian, được ghi chép lại chứng minh Nguyễn Trung Trực là một nhân vật huyền thoại được nhân dân Nam Bộ kính trọng, thờ cúng. Trong phạm vi tư liệu thành văn và tư liệu điền dã, NCS nhận thấy nhóm truyền thuyết liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Trung Trực là khá lớn trong nhóm các truyền thuyết dân gian về anh hùng kháng Pháp ở Nam Bộ. Trong chương 2, luận án đã miêu thuật các câu chuyện, huyền thoại về anh hùng Nguyễn Trung Trực, đó là những câu chuyện về việc giỏi võ, mưu trí, dũng cảm, hiếu đễ với cha mẹ, những câu chuyện về những chiến công và sự linh thiêng của Nguyễn Trung Trực. Theo thời gian, mặc dù đã hơn một thế kỷ rưỡi trôi qua nhưng những huyền thoại ấy vẫn còn mang giá trị nhân văn sâu sắc, các cụ già vẫn thường kể cho con cháu nghe lúc nông rỗi ngư nhàn.

Việc tham dự lễ giỗ, lễ hội đình của nhân dân như một cách tiếp nối, giáo dục con cháu về lòng yêu nước, về sự ngưỡng mộ, tôn kính anh hùng dân tộc đã vị quốc vong thân.

Ngày nay, bên cạnh những câu chuyện, những huyền thoại đã trở thành điển cố, người dân lại tiếp tục sáng tạo thêm những dị bản, những câu chuyện huyền ảo về người anh hùng cho phù hợp với cái nhìn, cái nghĩ của người bình dân trong thời đại mới, tuy nhiên số tình tiết và dị bản này rất ít và chỉ tập trung nhiều ở tình tiết võ công cao cường, khí tiết hiên ngang, uy vũ bất phục của Nguyễn Trung Trực trước kẻ thù. Truyền thuyết về Nguyễn Trung Trực vừa có cái chung của truyền thuyết dân gian vừa có cái riêng độc

đáo. Các câu chuyện trong hệ thống truyền thuyết này có nội dung đa dạng, nghệ thuật phong phú nhằm mục đích ca ngợi Trí - Dũng - Tiết - Nghĩa của Ông. Tất cả vừa đậm chất lịch sử vừa bay bổng chất lãng mạn anh hùng ca.

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Tín ngưỡng thờ anh hùng Nguyễn Trung Trực trong đời sống văn hóa cư dân Nam Bộ (Trang 84 - 87)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(266 trang)