Lễ hội và việc thờ cúng Nguyễn Trung Trực ở Sóc Trăng

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Tín ngưỡng thờ anh hùng Nguyễn Trung Trực trong đời sống văn hóa cư dân Nam Bộ (Trang 114 - 118)

CHƯƠNG 3: KHẢO SÁT VIỆC THỜ PHỤNG NGUYỄN TRUNG TRỰC Ở NAM BỘ

3.2 MỘT SỐ LỄ HỘI TIÊU BIỂU THỜ NGUYỄN TRUNG TRỰC Ở NAM BỘ

3.2.5 Lễ hội và việc thờ cúng Nguyễn Trung Trực ở Sóc Trăng

3.2.5.1 Đình Nguyễn Trung Trực ở thị trấn Long Phú, huyện Long Phú (Sóc Trăng)

* Cơ sở thờ tự Ở Sóc Trăng, hiện nay có năm ngôi đình thờ Nguyễn Trung Trực, nhưng nổi

tiếng hơn cả là ngôi đình mang tên Ông tại huyện Long Phú. Tương truyền, sau khi Nguyễn Trung Trực bị hành hình, để tránh sự truy lùng gắt gao của quân Pháp và Việt gian, nghĩa quân của Ông đã lui về ẩn tránh tại các vùng xa hẻo lánh, trong đó có Nguyễn Học Bạc. Ông Bạc di dân đến làng Đại Hữu, tổng Định Mỹ, tỉnh Sóc Trăng sinh sống, lập đình (tức tại ấp I, thị trấn Long Phú ngày nay). Ngôi đình ban đầu có tên là đình Đại Hữu được xây dựng cách đây trên 135 năm. Ngày trước, đất khuôn viên đình không phải

thu hẹp chỉ 1.000m2 như bây giờ mà rộng đến 5 công do ông Diệp Văn Niên, một địa chủ làng Đại Hữu phụng hiến cho đình. Đình được sắc phong thần vào thời kỳ Cần Vương, nhưng do hỏa hoạn sắc phong bị cháy. Sau đó ban Hương chức làng Đại Hữu cử ông Nguyễn Học Bạc chạy sớ ra triều đình Huế, được vua Khải Định chuẩn y phê lại sắc phong. Để nêu cao tấm gương trung liệt, tiền nhân đã gìn giữ sắc phong và dựng tượng tôn thờ cho đến hôm nay. Hiện nay, đình tọa lạc tại ấp 1, thị trấn Long Phú, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, cách trung tâm tỉnh 20km, cách thị trấn Long Phú 3km, từ thị trấn theo đường Vàm ra sông Hậu một đoạn 3km là đến đình, ở bên phải hương lộ (PL6.40). Từ ngoài nhìn vào, ở chánh điện trên vòm cửa cái có treo biển gỗ với bốn chữ Trị Quốc An Dân, hai cột hai bên khung cửa là hai câu đối:

Trung hiếu anh hùng nêu cao đất Việt;

Trực tâm kháng chiến chói rạng trời Nam.”

Trong đình có một giá gỗ trang trọng nêu bản sơ lược tiểu sử liệt thần Nguyễn Trung Trực, trên bệ thờ tượng Nguyễn Trung Trực được đắp bằng xi măng kích thước bằng người thật đang ngồi đĩnh đạc, mình mặc võ phục, tay cầm đốc kiếm, tư thế trông thật uy nghi. Phía trước là bệ thờ chân dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh với hai tán lộng lớn bằng vải thêu. Trên hai bức vách ở hai bên chánh điện, nghệ nhân vẽ hai bức tranh, bên trái là bức tranh Trận đốt tàu Espérance trên sông Nhật Tảo, bên phải là bức tranh Trận tấn công thành Sơn Đá ở Rạch Giá, Kiên Giang.

* Phần lễ hội

Đình Nguyễn Trung Trực ở Long Phú tổ chức tưởng nhớ Ông kết hợp với lễ Kỳ yên vào các ngày 16, 17, 18 tháng 3 âl. Phần lễ thức diễn ra giống như các đình thờ Nguyễn Trung Trực ở Nam Bộ. Đến phần nghi thức cúng Hạ điền, Ban quản trị cổ đình Nguyễn Trung Trực cùng tổ chức làm giỗ Ông theo lệ thức đình thần (Sở VHTTDL Sóc Trăng (2018) Tài liệu lưu hành nội bộ, tr.7). Trên ngai thờ Ông đèn được trang hoàng sáng trưng, hương, hoa, quả được chưng bày đẹp mắt. Vật tế là con heo sống đã được mổ, làm sạch sẽ; lễ vật cúng là thức mặn gồm xôi, bánh và các món thịt luộc, mắm muối, rau và các món kho, xào. Ban quản trị cùng nhạc lễ và học trò lễ thực hiện nghi thức cúng tế như các đình khác ở Nam Bộ sau khi tổ chức lễ thỉnh sắc thần. Phần lễ diễn ra trong chính điện của đình, phần hội bên ngoài cũng nhộn nhịp và thu hút đông đảo người dân tham gia. Bên cạnh các gian hàng, hội chợ, khu ẩm thực, Ban quản trị đình còn tổ chức các trò chơi thu hút giới trẻ tích cực tham gia như bóng đá, đua xe đạp chậm…

Đêm đến, đình tổ chức hát cải lương phục vụ nhu cầu giải trí của nhân dân. Cũng giống như các đình khác, ngày cuối cùng của lễ hội, đình tổ chức thỉnh di ảnh Nguyễn Trung Trực lên long ngai diễu hành bằng xe trang trí theo mô hình thuyền hoa đi khắp thị trấn trong tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng kèn Tây rất náo nhiệt. Người dân hưởng ứng, từng đoàn người theo sau xe, reo hò, mừng vui; nhà dân hai bên đường bày hương án với trái cây, hương hoa chào đón. Ngày này, Ban tổ chức đưa các vị thần thuộc các Cung của người Hoa về lại nơi cũ, do trước đó đã thỉnh các vị về đình tham gia ngày khai lễ.

Có thể nói, lễ hội đình Nguyễn Trung Trực tại thị trấn Long Phú mang đậm sắc thái dân gian của cư dân người Việt ở Nam Bộ. Từ việc chọn đất xây dựng đình ven sông Hậu đến việc thực hành nghi thức tế lễ, diễu hành bằng mô hình thuyền. Lễ hội nơi đây biểu hiện rõ nét nhất cho sự giao lưu, cố kết giữa các cộng đồng cùng cộng cư trên mảnh đất Long Phú nói riêng, Sóc Trăng nói chung. Việc mời các vị thần của các cơ sở thờ tự khác đến cùng chung vui hội và việc tham gia của cư dân Việt, Hoa, Khmer trong ngày giỗ là những minh chứng rõ ràng nhất cho quá trình giao lưu văn hóa ở vùng này.

3.2.5.2 Đình Nguyễn Trung Trực ở huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng)

Huyện Cù lao Dung là một cù lao lớn ở sông Hậu, nằm giữa tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Trà Vinh, phía nam giáp biển Đông. Trước đây, Cù Lao Dung thuộc huyện Long Phú (Sóc Trăng), năm 2002 thì thành lập huyện. Trên cù lao, giữa sông Hậu có hai ngôi đình thờ Nguyễn Trung Trực làm chính thần tại thị trấn Cù Lao Dung và xã An Thạnh Đông. Cả hai đình được xây dựng đơn giản, nhưng là tấm lòng của người dân cù lao đối với anh hùng dân tộc.

* Cơ sở thờ tự ở thị trấn Cù Lao Dung, huyện Cù Lao Dung

Đình Nguyễn Trung Trực tọa lạc ở ấp Phước Hòa, thị trấn Cù Lao Dung có diện tích rộng gần 1000m2. Cổng đình là hai cột vuông, ghi hai dòng thơ của Huỳnh Mẫn Đạt nói về tài ba, dũng khí của Nguyễn Trung Trực. Vào cổng là đường đi bên hông chính điện; chính điện được xây tường, cột đúc, mái lợp tôn. Phía trước là khoảng sân rộng tượng Nguyễn Trung Trực đứng tay trái cầm gươm, tay phải chỉ lên trên. Phía trước tượng là một bệ thờ Thần Nông, hai bên tượng là các miếu nhỏ thờ Thần hoàng, thờ Ngũ hành, thờ Thổ thần, phía trước tượng Nguyễn Trung Trực hơn 10m là Bia kỷ niệm bằng đá cao 2m, ghi: Tháng 2/1947, Trường Đảng tỉnh Sóc Trăng khai giảng lớp Mác - xít đầu tiên đào tạo cán bộ cho tỉnh đình Rạch Giồng, xã An Thạnh Nhì, huyện Long Phú (nay là đình Nguyễn Trung Trực, thị trấn Cù Lao Dung, huyện Cù Lao Dung, Sóc

Trăng). Bên trong, bước vào điện thờ là các hàng cột đúc, trong đó hai hàng cột ở gian giữa ghi hai câu thơ của Huỳnh Mẫn Đạt được sửa thành Hỏa hồng Nhựt Tảo kinh thiên địa, Kiếm bạc Kiên Giang khiếp quỉ thần (PL6.34, PL6.35). Bước vào 2m là bệ thờ tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, kế đó là ảnh đại tướng Võ Nguyên Giáp. Phía trong là bàn thờ Nguyễn Trung Trực, tượng của Ông đúc bằng xi măng, thiếp vàng, tay cầm đốc kiếm. Hai bên thờ Tả ban, hữu ban. Nghi thức cúng tế ở đình rất giản tiện, tất cả đều vận động nhân dân đóng góp. Anh Đỗ Hoàng Thoại, Ban quản lý đình Nguyễn Trung Trực, đình ở đây đã có từ lâu rồi, những năm kháng chiến là căn cứ của tỉnh, đến sau giải phóng, đình xuống cấp trầm trọng. Lúc đó anh Tám Đực làm chủ tịch huyện, lúc 4 giờ chiều mới lội vô đây, anh nói: Thoại à, giấy tờ anh lo, còn mày vận động xây dựng lại đình. Giờ làm được cỡ này là do vận động bà con; đình được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh cũng là ghi lại một phần công lao đóng góp của mình. Đình thành lập gần trăm năm rồi, hồi chống Pháp còn lùm bụi, mình đóng cơ quan nơi này. Tôi chạy vạy làm đơn từ, bằng khoán hợp pháp đến giờ. Hồi mới khôi phục mấy ông không tin tôi làm được. Mấy ổng nói: Cha để coi sao. Trước đây đình có mấy thước vuông. Tôi kêu thợ đến xây dựng, lúc đó chưa có tiền, vừa làm vừa vận động, nếu không đủ thì xuất tiền túi ra, miễn sao đình được làm lại. Về cúng tế hàng năm, đình chủ yếu thực hiện lễ Kỳ Yên, nghi lễ thì đơn giản, theo lệ cúng đình, anh Tám Thoại nói: Một năm cúng hai lễ, Thượng điền tổ chức ngày 16 tháng 12 Âl; Cúng hạ điền ngày 19 tháng tư Âl hàng năm. Tôi đi Kiên Giang thì mấy ông nói cúng thêm ngày giỗ ông Nguyễn nữa đi. Từ đó, tôi tổ chức cúng ông Nguyễn ngày 28 - 8. Nhưng, cúng Thượng điền, giỗ Ông tổ chức bình thường, chủ yếu tập trung lễ hạ điền (PL 5.4)

* Cơ sở thờ tự ở xã An Thạnh Đông, huyện Cù Lao Dung

Đình Nguyễn Trung Trực ở xã An Thạnh Đông, huyện Cù Lao Dung được xây dựng nhỏ hơn. Cổng đình dựng bằng hai tấm bảng dọc với hai hàng chữ: “Thiên thu ơn đức toàn dân tộc; Hùng cứ vang danh khắp một vùng”, tấm bảng phía trên ghi: Đình thần Nguyễn Trung Trực (1838 - 1868). Cặp sát tường rào đền thờ Bác Hồ, là đường đan dẫn vào nơi thờ Nguyễn Trung Trực. Đình được lợp và vách vừng tôn, khá đơn giản, Gian phía trước là bàn thờ với tượng Nguyễn Trung Trực ngồi, với lư hương nhỏ và các chung nước. Đình thờ Nguyễn Trung Trực ở đây tích hợp một số yếu tố dân gian. Trong các đình thờ Nguyễn Trung Trực ở Sóc Trăng vừa nêu trên thì phần lễ hội tại đình ở thị trấn Long Phú từ lâu được xem là lễ hội chính của cư dân địa phương và các khu vực

lân cận. Do các yếu tố lịch sử, đình Nguyễn Trung Trực ở Long Phú có từ lâu đời trong hệ thống các đình thờ Ông; do vị trí địa lý, đình gần sông Hậu, ở trung tâm của trị trấn, cách Bạc Liêu không xa, cách thành phố Sóc Trăng chỉ 20km. Đình nơi đây tích hợp tổ chức lễ giỗ Nguyễn Trung Trực và lễ Kỳ yên. Vì vậy, nơi đây thành lễ hội khu vực.

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Tín ngưỡng thờ anh hùng Nguyễn Trung Trực trong đời sống văn hóa cư dân Nam Bộ (Trang 114 - 118)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(266 trang)