CHƯƠNG 4: ĐẶC ĐIỂM, VAI TRÒ, GIÁ TRỊ CỦA TÍN NGƯỠNG THỜ NGUYỄN TRUNG TRỰC Ở NAM BỘ VÀ MỘT SỐ BÀN LUẬN
4.2 VAI TRÒ CỦA VIỆC THỜ PHỤNG NGUYỄN TRUNG TRỰC TRONG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA CƯ DÂN NAM BỘ
4.2.1 Việc phụng thờ Nguyễn Trung Trực đáp ứng được nhu cầu đời sống văn hóa tinh thần của người dân Nam Bộ
4.2.2.1 Các cơ sở thờ Nguyễn Trung Trực gắn với các hoạt động thiện nguyện
Tại TP Rạch Giá, Kiên Giang, đình Nguyễn Trung Trực thường xuyên tổ chức hoạt động khám, chữa bệnh miễn phí cho nhân dân, trung bình mỗi ngày có khoảng 200 người đến khám bệnh, bốc thuốc điều trị. Mọi người có nhu cầu đều được khám bệnh và chữa bệnh, có người lấy thuốc chữa bệnh ở đây kéo dài vài tháng, cũng có người khỏi bệnh đến làm công quả phục vụ cho phòng thuốc. Trước khi vào khám bệnh, người bệnh thường vào chính điện làm lễ khấn nguyện với sự tín ngưỡng, cầu mong anh linh Nguyễn Trung Trực phù hộ, độ trì cho mau lành bệnh. Thuốc dùng để chữa bệnh tại đình là các loại cây, cỏ sẵn có trong khu vực và được nhân dân đi lấy về theo hướng dẫn của những thầy thuốc. Tất cả thầy thuốc và người phục vụ ở đây làm việc không nhận tiền thù lao.
Cũng như ở Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, đình Nguyễn Trung Trực ở Cù lao Dung, tỉnh Sóc Trăng và ở Long Giang, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, theo các vị trong Ban Quý tế, số người bệnh đến khám và điều trị tại đình cũng hàng trăm người mỗi năm. Ở Long Giang, huyện Chợ Mới, Ban Quý tế còn được người dân hỗ trợ hỷ cúng cả xe cứu thương để đưa đón miễn phí bệnh nhân nghèo trong vùng. Có thể nói rằng việc khám, chữa bệnh miễn phí tại Đình Nguyễn Trung Trực vừa mang tính tâm linh vừa mang tính cộng đồng rất mạnh mẽ, xuất phát từ sự biết ơn và lòng tôn kính vị anh hùng dân tộc cùng những giá trị đạo đức, nhân văn của ông để lại, chính yếu đó là sợi dây tập hợp, gắn kết tạo nên
một hiện tượng độc đáo trong văn hóa Nam Bộ.
Ngoài việc khám chữa bệnh, công tác thiện nguyện cũng là một điểm nổi bật trong các đình thờ Nguyễn Trung Trực Ở Nam Bộ. Hàng năm, trong dịp lễ Kỳ Yên, lễ giỗ anh hùng Nguyễn Trung Trực, số người, đoàn đăng ký làm công quả, thiện nguyện là rất lớn, tại Rạch Giá (Kiên Giang) có hơn 4000 người đăng ký làm công quả thiện nguyện, Chợ Mới (An Giang) trên 500 người, Cù Lao Dung ( Sóc Trăng) 100 người, An Trạch (Bạc Liêu) 50 người, các nơi khác là vài mươi người, tất cả đều là cư dân địa phương và khách thập phương. Các vật phẩm hỷ cúng dùng trong lễ là do người dân khắp miền thành tâm mang đến, tùy khả năng và tấm lòng thành kính. Theo Ban quản trị các đình, hàng năm, Ban Quản Trị đình phải thông báo trước số người, đoàn thiện nguyện tại lễ đăng ký, nếu không sẽ xảy ra chuyện trong việc đua nhau làm công quả.
Theo lệ, sau lễ giỗ, những đồ vật dâng cúng của nhân dân đều được sử dụng để cứu tế cho dân nghèo, đồng bào bị thiên tai, viện dưỡng lão, tổ chức các bữa ăn từ thiện trong Bệnh viện, Hội bảo trợ trẻ em nghèo, cứu trợ dân nghèo ở vùng ven, ưu tiên cho đồng bào dân tộc v.v…Đặc biệt trong thời gian diễn ra Lễ hội người dân đi Hội đều được ăn uống miễn phí. Các dịch vụ phục vụ lễ hội như nhà hàng, khách sạn đều giảm giá, kinh phí cho việc tổ chức lễ hội hoàn toàn được xã hội hóa.
4.2.2.2 Việc thờ phụng Nguyễn Trung Trực gắn với các hoạt động xã hội, phục vụ dân sinh
Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) được triển khai trong bối cảnh nước ta đang trong thời kỳ hội nhập quốc tế, nền văn hóa nước ta có nhiều cơ hội giao lưu với các nước. Đồng thời, kế thừa những kết quả đạt được sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa (VIII), về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhận thức về văn hóa toàn hệ thống chính trị của nhân dân và toàn xã hội được nâng lên. Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóá gắn với cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, phong trào thi đua Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới được đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng, tham gia, xuất hiện nhiều gương tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến. Hòa chung xu thế đó, các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng trong cả nước nói chung, khu vực Nam Bộ nói riêng cũng tích cực hưởng ứng bằng những hoạt động thiết thực, riêng hệ thống các đình thờ Nguyễn Trung Trực mặc dù không có Ban trị sự chung toàn vùng như các giáo hội của Phật giáo, Toàn Giám mục
của Công giáo… nhưng tại từng địa phương lại có các hoạt động hữu ích mang lại nhiều giá trị nhân văn cho cộng đồng dân cư nơi di tích hiện hữu.
Đình Nguyễn Trung Trực tại TP Rạch Giá, Kiên Giang nổi bật hơn cả, vì đây là địa phương có quy mô tổ chức lễ giỗ - lễ hội anh hùng dân tộc ở cấp quốc gia, phần hội luôn luôn là điểm nhấn của sự kiện cũng là nơi thu hút khá đông người tham gia với Hội thi võ thuật, vẽ tranh thư pháp, chèo thuyền, múa lân...đêm văn nghệ với sự góp mặt của các đoàn cải lương trong khu vực thay nhau trình diễn các vở ca ngợi anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Đặc biệt, từ khi thành lập đến nay, tại đình không bao giờ có tệ cờ bạc, bói toán hay xin xăm khi diễn ra lễ hội. Đình luôn là nơi được địa phương chọn trong các đợt tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước. Năm 2019, Ban tổ chức Lễ hội thống nhất không thả hoa đăng, thay vào đó là bố trí các đèn hoa đăng lớn dọc theo tuyến sông trước đình thần Nguyễn Trung Trực, nhằm hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa hiện nay…
Đình Nguyễn Trung Trực ở thị trấn Long Phú, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng nơi có nhiều hoạt động văn hóa thể thao phục vụ nhân dân trong vùng và khu vực lân cận, các đoàn hát bội, đờn ca tài tử phục vụ tại lễ Kỳ yên ( kết hợp lễ giỗ) không chỉ góp phần tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, giải trí cho người dân mà còn gián tiếp giáo dục lòng yêu nước, yêu dân tộc cho thế hệ trẻ. Các hoạt động giao lưu, thi đấu các môn thể thao luôn là đề tài bàn tán xôn xao của dân cư trong vùng trong mấy ngày lễ hội. Quan sát lễ hội, NCS không thấy bóng dáng của các trò chơi mang tính cờ bạc hay hiện tượng nhét tiền lẻ vào tay thần như một số vùng miền khác.
Đình Nguyễn Trung Trực ở xã Lưu Nghiệp Anh, từ 10 năm nay là một điểm sáng văn hóa của tỉnh Trà Vinh trong việc kết hợp tổ chức văn nghệ và công tác tuyển quân hàng năm. Nơi đây, Ban Quản trị phối hợp cùng chính quyền làm lễ cúng Ông trước khi giao nhận binh với đầy đủ nghi thức vừa truyền thống vừa hiện đại. Đại diện Ban Quản trị làm lễ cầu xin thần ban phúc, phù hộ cho trai tráng, tân binh của địa phương được khỏe mạnh, hoàn thành tốt nhệm vụ với đất nước. Sau đó, chính quyền địa phương dâng hương, đại diện tân binh tuyên thệ nguyện đem hết sức mình hoàn thành nghĩa vụ đối với đất nước trước thần quyền và chính quyền.
Tại Ngôi thờ Quan Thượng đẳng ở Long Giang, huyện Chợ Mới, An Giang, các hoạt động phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền và Ban Quản trị trong việc tổ chức lễ hội.
Các cuộc vận động về nếp sống văn minh, gia đình văn hóa được Ban Quản trị lồng
ghép vào phần lễ (trong phần dẫn của nghi thức) và thường xuyên nhắc nhở trên hệ thống phát thanh về việc bài trừ mê tín dị đoan, bài trừ cờ bạc và các tệ nạn xã hội khác trong thường nhật cũng như trong dịp lễ hội, cúng tế tại đình. Các đình thờ Nguyễn Trung Trực khác ở các địa phương Bạc Liêu, Hậu Giang... cũng có cùng dạng thức tương tự.