Lễ hội tái hiện chiến công kháng Pháp trên đất Long An

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Tín ngưỡng thờ anh hùng Nguyễn Trung Trực trong đời sống văn hóa cư dân Nam Bộ (Trang 97 - 101)

CHƯƠNG 3: KHẢO SÁT VIỆC THỜ PHỤNG NGUYỄN TRUNG TRỰC Ở NAM BỘ

3.2 MỘT SỐ LỄ HỘI TIÊU BIỂU THỜ NGUYỄN TRUNG TRỰC Ở NAM BỘ

3.2.1 Lễ hội tái hiện chiến công kháng Pháp trên đất Long An

Ở Long An, các thiết chế vật thể và phi vật thể liên quan đến Nguyễn Trung Trực có phần yếu hơn một số nơi khác ở Nam Bộ, dù mảnh đất này là nơi chôn nhau cắt rốn cũng là địa bàn hoạt động chính với chiến công vang dội đốt tàu Pháp của Nguyễn Trung Trực. Sở dĩ có điều này là do sau khi thất bại ê chề, nhục nhã ở trận Nhật Tảo, Pháp và Việt gian đã trả thù cay độc nghĩa quân và dân làng bằng cách đốt hết nhà dân hai bên bờ sông và khu vực lân cận, khủng bố dã man những người trong gia tộc Nguyễn Trung Trực, những người theo nghĩa quân hay bị tình nghi có dính líu đến sự vụ, sự việc. Để khắc cốt ghi tâm sự kiện này, Pháp cho lập một bia gọi là Bia căm thù sau trận Nhật Tảo ở vàm Nhật Tảo, kề bên chùa Ông Bổn, gần Khu di tích Nguyễn Trung Trực. Bia này đã bị phá sau năm 1975, hiện nay chỉ còn phế tích. Thực dân Pháp tổ chức hoạt động khủng bố, cấm đoán liên quan đến Nguyễn Trung Trực kéo dài cho đến năm 1954, khi Pháp hoàn toàn thất bại trên chiến trường Việt Nam. Sau kháng chiến chống Pháp thắng lợi, đất nước ta tiếp tục kháng chiến chống Mỹ, do hoàn cảnh chiến tranh lại gần trung tâm đầu não của địch nên các hoạt động xây dựng đình miếu, phụng thờ, tưởng niệm Nguyễn Trung Trực trong nhân dân Long An không được thường xuyên và liên tục. Đó là lý do chính dẫn đến các việc các cơ sở thờ tự, tưởng niệm về vị anh hùng ít hơn so với các địa phương khác như Kiên Giang, An Giang. Đình ở Thạnh Đức, huyện Bến Lức ban đầu cũng chỉ thờ tùng tự và phải khéo léo che mắt kẻ thù. Sau thời kỳ Đổi mới, chính quyền tập trung xây dựng qui mô Khu di tích vàm Nhật Tảo ở xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An và lễ hội AHDT Nguyễn Trung Trực được tổ chức hàng

năm tại nơi này.

3.2.1.1 Khu di tích vàm Nhật Tảo, huyện Tân Trụ (Long An)

* Cơ sở thờ tự

Tại vàm Nhật Tảo, từ năm 2001, UBND tỉnh Long An cho xây dựng Khu tưởng niệm chiến thắng Nhật Tảo với qui mô 7,1 ha, hiện nay là nơi tổ chức giỗ, tưởng niệm lớn nhất tỉnh Long An (PL6 A.1). Khu tưởng niệm bày trí theo lối kiến trúc đình làng Nam Bộ, bao gồm gian thờ chính và hai gian thờ phụ. Gian thờ chính, thờ anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, gian phụ bên phải thờ các tướng lĩnh, gian phụ bên trái thờ các nghĩa quân vong trận. Nhà trưng bày được chia thành 6 chuyên đề: Thời niên thiếu của Nguyễn Trung Trực; Nguyễn Trung Trực kháng chiến chống Pháp dưới quyền Trương Định; diễn biến trận Nhật Tảo; hoạt động của Nguyễn Trung Trực từ sau trận Nhật Tảo đến 1867;

hoạt động kháng chiến của Nguyễn Trung Trực tại Phú Quốc và Hậu thế ghi ân. Trong khuôn viên khu tưởng niệm Nguyễn Trung Trực ở vàm Nhật Tảo, còn có môt số dạng thức tín ngưỡng dân gian khác, đó là ngôi miếu thờ Ngũ Hành Nương Nương đặt bên hữu, người dân phối tự Ông Nguyễn cùng các Bà, Cậu Tài, Cậu Quý, Thần Tài, Thổ Địa. Ở TP Tân An, Bến Lức, Tân Trụ (Long An), chúng tôi cũng bắt gặp cách thờ tương tự. Hình thức này, chúng tôi chỉ thấy trên đất Long An mà không thấy ở các tỉnh thành khác có cơ sở thờ tự anh hùng Nguyễn Trung Trực.

* Phần lễ hội

Hàng năm, ở Khu di tích Nhật Tảo, huyện Tân Trụ, việc tổ chức lễ hội trang trọng, phong phú hơn, có sự tham gia của chính quyền các cấp và đông đảo người dân Long An, Kiên Giang, An Giang cùng các tỉnh lân cận. Nghiên cứu các chương trình của Ban Tổ chức lễ hội anh hùng Nguyễn Trung Trực các năm trước đây, qua xử lý các tư liệu cùng phỏng vấn các kỳ lão tại địa phương, NCS nhận thấy phần lễ được tổ chức trang nghiêm kính cẩn theo phong tục truyền thống giống như các đình thần ở Nam Bộ khác, có chủ tế, bồi tế và học trò lễ. Đặc biệt, trong lễ dâng hương Nguyễn Trung Trực, Ban tổ chức mời hậu duệ anh hùng Nguyễn Trung Trực là ông Nguyễn An Thọ (cháu đời thứ tư của Nguyễn Trung Trực) dâng hương trước, sau đó là đến lãnh đạo Đảng, nhà nước, các ban, ngành trong tỉnh và người dân tham dự.

Về phần hội, Ban tổ chức lễ gửi thư mời các đoàn nghệ thuật các tỉnh Long An, Đồng Tháp, luân phiên biểu diễn cải lương tái hiện về cuộc đời, chiến công của người anh hùng. Các chương trình văn nghệ và các hoạt động văn hóa đã diễn ra trước ngày

giỗ chính một ngày 11-09 âl với nhiều hoạt động phong phú, mang đậm bản sắc dân tộc và nét văn hóa vùng đất Nam Bộ nhằm ca ngợi quê hương đất nước, ca ngợi chiến công vang dội của anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, thu hút hàng chục ngàn lượt người trong và ngoài tỉnh đến tham gia, tưởng niệm, cúng tế. Về các hoạt động hậu cần trước, trong lễ kỷ niệm, Ban tổ chức, người dân địa phương, con cháu thân tộc họ Nguyễn cùng đông đảo cư dân các tỉnh lân cận như Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp …tự nguyện mang các nhu yếu phẩm như gạo, rau cải, gia vị đến cùng nhau nấu nướng phía sau sảnh Khu tưởng niệm, phân chia mỗi tỉnh một khu vực, cùng đắp lò, dựng lán trại, nổi lửa nấu các món chay phục vụ người tham gia lễ hội.

Năm 2018, trời mưa tầm tả, song lễ hội vẫn diễn ra đúng thời gian. Phần lễ chính được tổ chức vào lúc 16 giờ ngày 19/10 (nhằm 12 - 9 âl) tại Khu Di tích lịch sử vàm Nhật Tảo, xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An, tham dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh Long An và tỉnh Kiên Giang đến dự. Chương trình văn nghệ và các hoạt động văn hóa đã diễn ra trước một ngày 18.10.2018 (tức ngày 11-09 âl). Nhiều hoạt động phong phú, mang đậm bản sắc dân tộc và nét văn hóa vùng đất Nam Bộ nhằm ca ngợi quê hương đất nước, ca ngợi chiến công vang dội của anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực; thu hút hàng chục ngàn lượt người trong và ngoài tỉnh đến tham gia, tưởng niệm, cúng tế. Về ẩm thực, trước và trong lễ kỷ niệm, nhân dân các nơi được tiếp đãi nhiều món ăn chay. Qua điền dã thực địa tại Long An từ năm 2017 đến nay, NCS ghi nhận, các hoạt động tại Khu tưởng niệm vàm Nhật Tảo được tổ chức bài bản, các hoạt động văn hóa đều gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp Nguyễn Trung Trực.

Trong đó, ngày giỗ của Ông đã trở thành là ngày hội văn hóa của nhân dân Long An và các vùng lân cận, quy tụ hơn 10.000 người tham dự. Trong đó, chúng tôi nhận thấy các tín đồ thuộc Tứ Ân Hiếu Nghĩa và Bửu Sơn Kỳ Hương, Phật giáo Hòa Hảo cũng đến để cúng giỗ quan Thượng đẳng đại thần mà người bổn đạo thường gọi là Giỗ Tổ.

3.2.1.2 Nơi thờ phụng tại quê hương Nguyễn Trung Trực ở xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức (Long An)

Tại Đình ở Thạnh Đức, Bến Lức, ban đầu đình thờ Thành hoàng bổn cảnh, sau khi Nguyễn Trung Trực thọ hình, để tỏ lòng kính ngưỡng, nhân dân phải khéo léo che mắt kẻ thù bằng cách thờ tùng tự bằng cách viết một chữ Thần bằng chữ Hán. Tại đây vào các ngày giỗ Ông chỉ có Ban Quản trị phụ trách hương khói. Hàng năm, cư dân địa

phương kết hợp lễ giỗ Nguyễn Trung Trực vào lễ Kỳ yên vào tháng ba âm lịch hàng năm, trong lễ có mời các đoàn hát bội về phục vụ góp vui, cứ ba năm đáo lệ một lần.

Tại Bia Ghi danh Xóm Nghề, đến năm 1989, chính quyền và nhân dân xã Thạnh Đức, quê hương Nguyễn Trung Trực mới dựng một bia nhỏ ghi danh ở tại Xóm Nghề.

Bia ghi danh ở Xóm Nghề lúc đầu ghi hai câu thơ là:

“Lửa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa, Kiếm trắng Kiên Giang khốc quỷ thần”

Hai câu trên là do nhà thơ Huỳnh Mẫn Đạt viết về khí phách và chiến công của Nguyễn Trung Trực, không rõ lý do, sau khi đất nước thống nhất, ngành Văn hóa Long An lúc đó lại ghi trên bia như thế (PL6 A.39). Hai câu này gây nhiều tranh cãi trong thân tộc và trong giới nghiên cứu. Nhưng theo thời gian, do sức ép của người dân và dư luận nên đến năm 2001, tỉnh Long An đã phá bỏ dựng lại bia khác, sửa thành:

“Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa, Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỉ thần”

Năm 2018, phế tích của bia cũ vẫn nằm ngổn ngang sau khu lưu niệm. Trước đây, ngày giỗ của Nguyễn Trung Trực do thân tộc tổ chức tại gia đình ở xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức (phía sau nhà bia tưởng niệm). Qua phỏng vấn trực tiếp ông Mười Thọ về nghi thức cúng tế, chúng tôi ghi nhận được, mỗi năm, thân tộc đều cúng giỗ mang tính gia đình, cách cúng tế theo truyền thống, có tham gia của thầy pháp, song tổ chức đơn sơ do hoàn cảnh chiến tranh. Còn trước đó, do thực dân Pháp cấm đoán nên việc thờ cúng diễn ra lén lút ở chùa Sùng Đức, TP Hồ Chí Minh do cháu đời thứ ba của Nguyễn Trung Trực là sư Thiện Nghiêm (Nguyễn Văn Cậy) trụ trì tổ chức. Đến khi êm thì thỉnh Ông về thờ cúng trong gia đình ở đây cho đến ngày nay (PL 5.1). Hơn mười năm qua, lễ giỗ được chính quyền tổ chức ở tại nhà bia và sau đó ít năm, lễ giỗ Nguyễn Trung Trực cũng là lễ hội của người dân Long An, được tổ chức long trọng ở Khu tưởng niệm Nhật Tảo, huyện Tân Trụ. Về di vật của Nguyễn Trung Trực, theo ông Mười Thọ, sau khi Nguyễn Trung Trực hy sinh, nghĩa quân có giao cho bà Nguyễn Thị Đạt (Tư Đạt), chị ruột ông Nguyễn áo mão cùng chiếc ấn của Ông. Sau đó, bà Nguyễn Thị Đạt giao lại cho con cháu gìn giữ. Thời gian Pháp quay lại Nam Bộ, chúng kiểm soát gắt gao, cháu của bà Tư Đạt sợ liên lụy nên đốt hết áo mão, còn chiếc ấn thì giao cho ông Nguyễn Văn Chỉnh (cháu đời thứ ba của Nguyễn Trung Trực). Sau đó, ông Nguyễn Văn Chỉnh giao ấn Nguyễn Trung Trực lại cho ông Nguyễn Văn Cậy, ông đã thờ chiếc ấn

Nguyễn Trung Trực ngay trong liêu ở chùa Sùng Đức. Năm 1964, ông Nguyễn Văn Cậy mất, đệ tử ông làm trụ trì vẫn gìn giữ ấn. Đến năm 1965, chùa Sùng Đức trùng tu, về sau phát hiện chiếc ấn của ông Nguyễn bị mất cho đến ngày nay. Bằng nhiều cách khác nhau, nhân dân bày tỏ sự kính trọng của mình với vị thần linh hay anh hùng dân tộc.

Tùy vào điều kiện, địa vị xã hội, họ sẽ có những biểu hiện cụ thể, người giàu thì lập đình, am, tự tôn thờ, hàng ngày hương khói, mõ chuông; người bình dân thì phối tự vào các đình, miếu có sẵn, khi thì tiện đường, khi thì có việc cầu xin, cầu an họ sẽ đến để vọng bái.

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Tín ngưỡng thờ anh hùng Nguyễn Trung Trực trong đời sống văn hóa cư dân Nam Bộ (Trang 97 - 101)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(266 trang)