CHƯƠNG 3: KHẢO SÁT VIỆC THỜ PHỤNG NGUYỄN TRUNG TRỰC Ở NAM BỘ
3.3 NHỮNG BIẾN ĐỔI VÀ NGUYÊN NHÂN BIẾN ĐỔI CỦA TÍN NGƯỠNG THỜ NGUYỄN TRUNG TRỰC Ở NAM BỘ
3.3.2 Nguyên nhân biến đổi tín ngưỡng thờ phụng Nguyễn Trung Trực
3.3.2.2. Những thay đổi về kinh tế - văn hóa - xã hội cũng góp phần không nhỏ trong sự biến đổi của tín ngưỡng này là nguyên nhân khách quan
Nam Bộ, thời kỳ trước đổi mới, có cơ cấu kinh tế chưa hợp lý, nông nghiệp chiếm tỷ trọng rất lớn, trong khi đó công nghiệp - xây dựng, dịch vụ chiếm tỷ lệ nhỏ. Sự bất hợp lý này được thể hiện trong nội bộ từng ngành. Trong khi đó, vùng này chịu sức ép nặng nề nhất của dân số (dân số đông, tăng nhanh) nên cơ cấu kinh tế trên không đáp ứng được nhu cầu của vùng cả về sản xuất, đời sống. Chính vì vậy, Nam Bộ phải thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm khai thác các thế mạnh một cách có hiệu quả góp phần phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
Sau khi thực hiện đổi mới, cư dân Nam Bộ đã có sự thay đổi đáng kể trong phát triển kinh tế xã hội. Một cơ cấu kinh tế hợp lý dần dần được hình thành và phát triển.
Đồng bằng Nam Bộ là vùng sản xuất lương thực thực phẩm chủ yếu của đất nước vừa bảo đảm an ninh lương thực vừa cung cấp hàng xuất khẩu. Nhờ đó, Nam Bộ đã dần dần khai thác được các thế mạnh vốn có của vùng (về dân cư, tự nhiên, xã hội đưa vào sản xuất); đạt được những thành tựu lớn về cả kinh tế và nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa mọi mặt của nhân dân. Quá trình đô thị hóa nơi đây được đẩy mạnh góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động. Các đô thị không chỉ tạo ra nhiều việc làm, thu hút đầu tư mà còn là nơi tiêu thụ sản phẩm hàng hóa đa dạng. Đô thị hóa đã đem đến nhiều đổi thay trong đời sống kinh tế - xã hội ở Nam Bộ.
Người dân không còn khép kín trong một môi trường kinh tế nông nghiệp thuần túy mà đã kiếm tìm và khẳng định bản thân trong một môi trường kinh tế mới với sự đa dạng các ngành nghề. Kinh tế phát triển đã nâng cao mức sống của người dân cũng như nâng cao đời sống văn hóa, nhất là văn hóa tinh thần đã nảy sinh nhiều nhu cầu mới, biểu hiện là sự phục hồi của nhiều hình thức tín ngưỡng tôn giáo truyền thống và sự xuất hiện những hiện tượng tôn giáo mới. Do đó, đời sống tâm linh trở nên sôi động hơn trước, các thực hành tín ngưỡng được thực hiện cầu kỳ, chu đáo hơn theo quan niệm phú quý sinh lễ nghĩa, nhiều cơ sở thờ tự được trùng tu, tôn tạo và xây mới.
Trước đây, đời sống của người dân còn khá giản đơn và mộc mạc. Họ mới chỉ biết đến thần của làng mình theo tâm lý tự tôn làng xã Trống làng nào làng ấy đánh.
Thánh làng nào làng ấy thờ. Họ đến lễ với lòng thành tâm và mong muốn được mưa thuận gió hòa, cầu mong sức khỏe, hạnh phúc cho gia đình và cộng đồng. Ngày nay, đổi mới kinh tế đã vạch ra nhiều con đường sinh kế khác nhau, đem đến nhiều vận may lẫn rủi ro cho mọi tầng lớp xã hội. Sự phân hóa giàu nghèo với khoảng cách ngày càng rộng cùng áp lực của quá trình hiện đại hóa, đô thị hóa... làm cho cuộc sống của nhiều người dân quen với sự thong thả, chậm rãi của xã hội nông nghiệp hoặc do không có khả năng chuyển đổi nghề nghiệp cảm thấy chơi vơi, bất ổn trong cuộc sống thực tại, ngay cả những người được xem là có thể thích ứng với cuộc sống mới cũng chịu sự tác động của sự chưa ổn định khi chuyển đổi. Trong bối cảnh ấy, tôn giáo tín ngưỡng được xem như một nguồn lực tinh thần được trông cậy. Nếu trước đây đình Nguyễn Trung Trực chỉ được mở cửa vào những dịp lễ hội, những ngày sóc vọng, lễ tết thì nay được mở cửa thường xuyên nhằm phục vụ nhu cầu của người dân; các đình ở Kiên Giang, An Giang được vệ sinh, chăm sóc, dâng cúng hàng ngày. Các di tích thờ Nguyễn Trung Trực không chỉ được người dân địa phương đến cầu mong, ước nguyện mà còn thu hút người dân ở lân cận và du khách thập phương. Hiện nay, đình thờ Nguyễn Trung Trực là nơi linh thiêng, chốn đi về của người dân tại địa phương và của cả cư dân Nam Bộ.
Từ sự biến đổi và kết quả khảo sát thực địa, NCS nhận thấy tín ngưỡng thờ Nguyễn Trung Trực có khuynh hướng tích hợp với các tín ngưỡng dân gian và tôn giáo. Các khuynh hướng này sẽ tiếp tục phát triển, mở rộng trong thời gian tới.
Lúc đầu, nơi thờ Nguyễn Trung Trực là những miếu nhỏ do nghĩa quân nhớ chủ tướng thành lập (đình Nguyễn Trung Trực ở huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu); có nơi nhân dân lén lút thờ trong đình thờ thần Thành Hoàng ở huyện Châu Thành, huyện Hòn Đất, trong đình thờ Cá Ông ở TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang; phật tử thờ cúng trong chùa ở An Giang hay nhân dân thờ vọng tại gia. Dần dần, việc thờ cúng được công khai, các ngôi đền, miếu nhỏ không đủ chứa đựng tấm lòng của người dân đối với vị AHDT, từ đó không gian thờ phụng Nguyễn Trung Trực được mở rộng, các đình thờ Nguyễn Trung Trực hình thành và phát triển mạnh mẽ.
Sau năm 1988, khi Đình Nguyễn Trung Trực tại Rạch Giá (Kiên Giang) được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia thì việc thờ phụng Ông bắt đầu xu hướng lan tỏa ra diện rộng trên khắp Nam Bộ. Theo thời gian, mức độ, quy mô của lễ giỗ - lễ hội ngày càng tăng cả về số lượng lẫn chất lượng đã tạo một cơ sở vững chắc cho quá trình thần hóa các đình thờ Nguyễn Trung Trực (vốn thờ Thần Hoàng Bổn Cảnh
chung chung) tại các địa phương. Việc này đáp ứng nhu cầu tâm linh thiết thực của cư dân sở tại là có một vị thần là AHDT để phụng thờ. Sau thời kỳ Đổi mới, các ngôi đình, ngôi thờ, di tích được xây dựng kiên cố. Chủ thể văn hóa đông đảo, đa dạng thành phần gắn tín ngưỡng với các hoạt động hội. Bên cạnh những thay đổi đó, nhiều ngôi đình, lúc đầu thờ thần Thành Hoàng chung của làng như các đình ở huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, qua thời gian đã thay đổi thành đình thờ Nguyễn Trung Trực.
Đến nay, đình Nguyễn Trung Trực trở thành chỗ dựa tinh thần cho nhân dân, nhất là nhân dân vùng sông nước. Chính vì vậy, lễ hội Nguyễn Trung Trực ngày càng được chính quyền, người dân quan tâm, trở thành ngày hội văn hóa ở các địa phương. Bên ngoài ngôi chính điện, đình Nguyễn Trung Trực dần được người dân tích hợp thờ cúng Thần Nông, Thổ Địa, Ngũ Hành nương nương, Bạch Hổ. Theo truyền thuyết, Thần Nông dạy dân làm ruộng, chế ra cày bừa, người đầu tiên tổ chức lễ thượng điền, hạ điền, đồng thời phát triển nghề thuốc chữa bệnh. Ngũ Hành nương nương gồm năm bà Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ là năm yếu tố cơ bản của tự nhiên theo qui luật tương sinh tương khắc để kiến thiết vạn vật, giúp muôn loài phát triển. Miếu Bà Ngũ Hành được lập ở nhiều nơi trong thôn xóm, khuôn viên các đình, chùa. Thổ Địa (Thổ Công, Thổ Thần) cai quản một vùng đất nào đó. Đất có Thổ Công, sông có Hà Bá. Phía trước, xung quanh đình Nguyễn Trung Trực ở các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Hậu Giang, người dân lập một số miếu nhỏ thờ các vị thần trên. Việc này chứng tỏ tín ngưỡng thờ Nguyễn Trung Trực thu hút các tín ngưỡng dân gian khác trong khuôn viên đình. Vận động và biến đổi là quy luật chung cho mọi sự vật hiện tượng, tín ngưỡng thờ anh hùng Nguyễn Trung Trực không là ngoại lệ. Tuy nhiên, do những đặc điểm về địa - văn hóa, tín ngưỡng này có sự khác biệt so với các tín ngưỡng thờ AHDT ở miền Trung, miền Bắc.
Tín ngưỡng thờ Nguyễn Trung Trực được mở rộng, trang nghiêm hơn khi tích hợp với tôn giáo. Từ niềm tin, ngưỡng vọng, phật tử Bửu Sơn Kỳ Hương trước kia, Phật giáo Hòa Hảo sau này trân trọng, tôn thờ Nguyễn Trung Trực. Hình tượng của Ông không những được thờ phụng, chăm nom, hương khói, cơm nước hàng ngày mà còn đi vào trong kinh kệ của đạo, trở nên ngang hàng với Phật, với Đức Thầy. Trong tư tưởng, tình cảm của phật tử; Ông là quan Thượng đẳng đại thần trong các tôn giáo thuộc hệ phái Bửu Sơn Kỳ Hương. Đến ngày lễ hội Nguyễn Trung Trực ở Rạch Giá ( Kiên Giang) cũng như ở Tân Trụ (Long An), người dân theo đạo từ An Giang đến dự với tấm lòng thành kính, tôn thờ. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, vai trò của Nguyễn Trung Trực không mai một mà ngược lại ngày càng được nâng cao và khẳng định vị trí vững chắc trong đời sống của phật tử,
của nhân dân Nam Bộ. Điều này không chỉ thể hiện qua các hình thức thờ tự, khấn nguyện tại gia mà còn được chứng minh trong các dịp lễ giỗ - lễ hội Nguyễn Trung Trực tại các địa phương.
TIỂU KẾT
Trong chương 3, luận án đã tập trung khảo sát sự hình thành, phát triển các cơ sở thờ tự Nguyễn Trung Trực, những biến đổi và nguyên nhân biến đổi tín ngưỡng thờ Nguyễn Trung Trực ở Nam Bộ. Qua khảo sát và phỏng vấn sâu, các di tích thờ Nguyễn Trung Trực được nhân dân xây dựng khắp Nam Bộ, tập trung ở phía Nam sông Hậu. Hầu hết các đình, lúc đầu nhân dân dựng lên bằng tre, lá, phải che mắt giặc bằng nhiều cách trong việc thờ phụng, dần dần các cơ sở thờ tự được nhân dân đóng góp xây dựng kiên cố. Theo thời gian có đình được xây dựng vào thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX được tu sửa nhiều lần, có đình được xây dựng sau thời kỳ đổi mới, hoặc đổi tên đình cũng trong thời kỳ này. Trong đời sống văn hóa từ xưa đến nay, việc thờ phụng Nguyễn Trung Trực là xuyên suốt và không ngừng mở rộng, tín ngưỡng thờ Ông lan tỏa cả vùng Nam Bộ. Việc này chứng tỏ, Nguyễn Trung Trực luôn được cộng đồng ngưỡng vọng, tôn vinh, thể hiện cụ thể bằng số lượng các đình, các di tích thờ Ông và với số lượng người tham gia cúng giỗ tại các địa phương đông đảo và đa dạng về thành phần. Hằng năm, đến lễ giỗ, lễ hội có hàng triệu lượt người tham dự ở những nơi có các cơ sở thờ Nguyễn Trung Trực ở Nam Bộ. Hệ thống đình, khu tưởng niệm Nguyễn Trung Trực được người dân lập nên để tôn thờ Ông như một vị phúc thần cùng các danh tướng kháng Pháp, mặc dù sự nghiệp của Ông không phải là lớn nhất, song tinh thần và khí phách Nguyễn Trung Trực thấm sâu trong lòng người Nam Bộ. Từ lâu, tín ngưỡng thờ anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực và các dạng thức liên quan là tín ngưỡng chính chi phối đời sống văn hóa xã hội của cư dân Nam Bộ, là sợi dây cố kết cộng đồng cư dân trên địa bàn. Ông được nhân dân kính trọng, tôn thờ không những ở đình, đền mà còn được tôn vinh, tưởng nhớ ở đền, chùa, thậm chí thờ tại gia.
Với ý nghĩa thiêng liêng, tín ngưỡng thờ phụng Nguyễn Trung Trực sẽ luôn tồn tại trong đời sống văn hóa của cư dân Nam Bộ. Nhân dân vẫn luôn tin tưởng vào sự hiện diện của Ông trong đời sống tâm linh. Về cơ bản, các nghi lễ cũng như tổ chức lễ hội thực hiện theo truyền thống, các nơi thực hiện đậm nhạt không đồng đều, nhưng điểm chung là tổ chức giản tiện, thường theo lệ cũ thực hiện. Tuy nhiên, cũng như nhiều hiện tượng văn hóa khác, tín ngưỡng thờ phụng Nguyễn Trung Trực không phải là hiện tượng
bất biến mà nó luôn vận động và biến đổi gắn liền với chủ thể văn hóa, song hành cùng với những biến chuyển của đời sống xã hội và môi trường sản sinh ra nó. Các nghi thức cũng như cấu trúc có thay đổi không nhiều, thời gian lễ hội/lễ giỗ tổ chức không thống nhất, sự thay đổi nhiều là ở các hoạt động hội. Nguyên nhân của sự biến đổi là do sự thay đổi trong chủ trương, chính sách của Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ về văn hóa và tôn giáo, tín ngưỡng; thay đổi trong đời sống kinh tế - xã hội đã mang đến cho tỉnh thành Nam Bộ những cơ hội và thách thức mới; bên cạnh đó nhận thức của nhân dân trong việc phục hồi, duy trì các hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng truyền thống, trong đó có hiện tượng thờ phụng AHDT Nguyễn Trung Trực.
Các hoạt động tín ngưỡng thờ Nguyễn Trung Trực ngày càng đa dạng và phong phú hơn. Từ sự biến đổi và kết quả khảo sát thực địa, tín ngưỡng thờ Nguyễn Trung Trực có khuynh hướng tích hợp với các tín ngưỡng dân gian và tôn giáo. Các khuynh hướng này sẽ tiếp tục phát triển, mở rộng trong thời gian tới. Các cơ sở thờ tự sẽ được tôn tạo, những nghi lễ mới sẽ được giản lược, cải biên, bổ sung bên cạnh sự sáng tạo trong cơ cấu tổ chức quản lý và điều hành lễ hội. Hoạt động hưởng thụ văn hóa ngày càng gia tăng thể hiện ở số lượng người tham gia cũng như các chi phí cho từng nghi lễ. Các hoạt động bảo tồn, giáo dục, trao truyền văn hóa tiếp tục được duy trì và phát triển trong điều kiện đời sống văn hóa mới. Những biến đổi của các sản phẩm văn hóa trên cả bình
diện vật chất và tinh thần với sự kế thừa, bổ sung nhiều yếu tố văn hóa mới để phù hợp với đời sống xã hội đương đại.