Chủ thể văn hóa vùng Nam Bộ

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Tín ngưỡng thờ anh hùng Nguyễn Trung Trực trong đời sống văn hóa cư dân Nam Bộ (Trang 49 - 52)

CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU, CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN

1.2 CƠ SỞ LÝ LUẬN

1.3.3 Chủ thể văn hóa vùng Nam Bộ

Hiện nay, Nam Bộ là nơi cư trú của người Việt và các tộc người thiểu số là cư dân bản địa: Stiêng, Mạ, Chrau cùng các tộc người: Hoa, Chăm, Khmer, Tày, Nùng, Mường...di dân đến vùng đất mới, cộng cư cùng người Việt làm nên văn hóa vùng Nam Bộ. Các tộc người thiểu số bản địa sống chủ yếu ở cuối dãy Trường Sơn chạy về phía

nam, đông nhất là người Stiêng, khoảng 70 ngàn người, người Chrau, người Mạ khoảng 20 đến hơn 30 ngàn người. Đây là cư dân bản địa, làm nương rẫy, đã có mặt từ trước khi người Việt bắt đầu khai phá vùng đất này ở thế kỷ XVII. Người Khmer cư trú nhiều ở Sóc Trăng, Trà Vinh, rải rác ở các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Tây Ninh... hơn 1,2 triệu người. Người Hoa sống chủ yếu ở Tp. Hồ Chí Minh và ở khắp Nam Bộ. Người Chăm cư trú chủ yếu ở An Giang, ở miền Đông Nam Bộ và rải rác các tỉnh thành Nam Bộ. Do vậy, Nam Bộ là vùng đất đa tộc người, trong đó, dân tộc Việt có hơn 90% dân số của vùng. Người Khmer là một tộc người đông dân, xếp thứ năm trong 54 tộc người ở Việt Nam; người Hoa cũng là một tộc người thiểu số đông dân; người Chăm là tộc người xếp thứ 14 về dân số trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Người Khmer, người Hoa, người Chăm có trình độ kinh tế xã hội phát triển.

Nhìn đại thể, bức tranh văn hóa tộc người ở Tây Nam Bộ mang những đặc điểm về lịch sử cư trú, văn hóa xã hội như sau:

Người Việt ở Nam Bộ đã đến làm ăn sinh sống ở Mô Xoài (Bà Rịa - Vũng Tàu) vào đầu thế kỷ XVII. Các kết quả nghiên cứu lịch sử đã chỉ ra rằng có những thương nhân, nhà phú hộ đã xuất tài vật vào Nam buôn bán, chiêu tập lưu dân khẩn hoang lập ấp, từng bước biến Nam Bộ thành những vùng sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp, thủ công nghiệp và hình thành nền kinh tế hàng hoá ngay từ buổi đầu. Việc khai phá Nam Bộ thường xuyên được các đời chúa Nguyễn khuyến khích, bằng những chính sách hữu hiệu như viện trợ cho Chân Lạp chống Xiêm để đổi lấy đất đai, phong quan chức cho những phú hộ chiêu mộ được lưu dân, tư nhân được tự do lập phường nghề, lập chợ, chuyển lính đồn trú thành lính đồn điền để bảo vệ dân chúng và thúc đẩy khai hoang.

Nhưng quá trình khai phá Nam Bộ còn được thúc đẩy nhanh bởi vốn văn hoá của người Việt đã được thử thách trên dải đất miền Trung. Vốn văn hoá ấy đã tìm được vùng đất mới ở Nam Bộ, nơi có đồng bằng châu thổ, vùng biển rộng lớn và trù phú nhất Việt Nam. Môi trường văn hoá mới đã kích thích sự năng động và đổi mới của lưu dân người Việt trong quá trình thích nghi, lựa chọn, tiếp biến và sáng tạo văn hoá ở vùng đất này.

Người Việt hoạt động chủ yếu về sản xuất nông nghiệp, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, thương nghiệp, thủy sản. Trong dân gian còn lưu truyền câu ăn mặn nói ngay để nói tính cách của người Việt Nam Bộ, vì họ luôn chân tình, cởi mở và dễ hoà đồng.

Tính sông nước, tính bao dung, năng động, trọng nghĩa tình, hiếu khách là nét đặc trưng tính cách của người Nam Bộ. Hơn ba thế kỷ khai khẩn vùng hạ lưu châu thổ Mekong,

cộng đồng người Việt ngày thêm đông đúc, hiện diện hầu như khắp đồng bằng cho đến biên giới, hải đảo. Làng xóm được lập khắp nơi, song song đó là sự phát triển của những phố thị, trung tâm thương mại - dịch vụ. Cùng với những thành tựu kinh tế, chinh phục thiên nhiên, cộng đồng cư dân người Việt còn tạo nên một đời sống văn hóa phong phú vừa thống nhất trong cả nước, vừa có những nét riêng của Nam Bộ. Đình là trung tâm sinh hoạt văn hóa truyền thống của cư dân người Việt. Ngày nay, chức năng này chuyển dần cho các nhà sinh hoạt cộng đồng, các trung tâm văn hóa.

Người Khmer sống xen kẽ với người Việt, Hoa trong các phum, sóc. Nhà của người Khmer hầu hết là nền đất, lợp lá, một số lợp ngói không khác gì nhà của người Việt.

Nhiều nhà thành một phum. Sóc gồm nhiều phum tương đương như làng xã của người Việt. Sự vận hành của sóc dựa trên tập quán truyền thống và những định chế của Phật giáo, bởi lẽ, hầu hết người Khmer Nam Bộ chịu ảnh hưởng sâu sắc của Phật giáo Theravada (Phật giáo tiểu thừa hay Phật giáo Nam tông), bên cạnh bộ máy tự quản phum, sóc còn có hệ thống tổ chức nhà chùa. Đứng đầu mỗi chùa có một vị sư cả (lục gru) là người trụ trì ngôi chùa, vị lãnh đạo tôn giáo cao nhất của một hoặc vài sóc. Trong tâm thức người Khmer, sư cả được coi là đại diện cho đức Phật, những lời giáo huấn của ông được nhân dân tôn trọng và thực thi một cách nghiêm túc. Thanh niên trước khi trưởng thành thường đến chùa tu học để trau dồi đức hạnh và kiến thức. Về trang phục, do có sự cộng cư lâu đời với người Việt, Hoa, Chăm nên trang phục của người Khmer có nhiều biến đổi, song người Khmer Nam Bộ vẫn gìn giữ trang phục truyền thống, thể hiện rõ bản sắc của dân tộc mình qua các dịp lễ hội. Hoạt động kinh tế của người Khmer chủ yếu là nông nghiệp, một số làm nghề tiểu thủ công nghiệp và mua bán nhỏ. Các ngày lễ lớn trong năm là lễ Chol Chnam Thmay (năm mới), Sel Dolta (Xá tội vong nhân), lễ hội Ok-Om-Bok (cúng trăng). Trong quá trình định cư, các phum của người Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long đã hòa nhập với làng xóm của người Kinh và người Hoa, tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy mạnh mẽ quá trình giao lưu văn hóa, đoàn kết, gắn bó, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc.

Hơn 900.000 người Hoa sinh sống ở Việt Nam (số liệu năm 2018), phần lớn là cư trú ở Nam Bộ, riêng thành phố Hồ Chí Minh có đến 400.000 người. Họ thuộc Ngũ bang vùng Hoa Nam: Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến, Hải Nam và Hẹ; làm nhiều nghề khác nhau: công nghiệp, nông nghiệp, thủ công nghiệp, công nhân, viên chức, buôn bán..., nổi tiếng về các nghề gia truyền. Ở miền Nam từng có một thời, các tiệm chạp

phô của người Hoa hiện diện ở khắp nơi. Họ bán rất nhiều loại hàng hoá: từ cây kim, sợi chỉ cho đến tương, chao, xà bông...Vào nhà người Hoa, đập ngay vào mắt mọi người là những bàn thờ ngoài sân, trong nhà, trên cao, dưới đất. Ngoài việc thờ cúng tổ tiên, gia đình người Hoa còn thờ nhiều vị thần bảo trợ: Thần tài phù hộ làm ăn, Thổ địa quản lí đất đai, Táo quân ghi chép mọi việc để báo cáo với Ngọc Hoàng. Dân tộc Hoa sống rất thực tế. Họ chỉ muốn tất cả các mối quan hệ giữa họ với tất cả mọi người cũng như giữa họ với thần linh đều hữu hảo để họ có thể dễ bề làm ăn. Họ thờ cúng người chết tại nhà. Trong thôn xóm đều có chùa, đền, miếu để thờ cúng. Hôn nhân của con do cha mẹ quyết định trên cơ sở tương đồng về hoàn cảnh kinh tế và địa vị xã hội. Việc ma chay phải qua rất nhiều thủ tục nghiêm ngặt. Cộng đồng người Hoa có trình độ tổ chức xã hội cao và truyền thống văn hóa lâu đời. Các Bang, Hội được tổ chức chặt chẽ, đa dạng bên cạnh hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật như trường học, bệnh viện, hội quán...

Ngoài ra, hiện nay, ở Nam Bộ có khoảng 37000 người Chăm tập trung chủ yếu ở An Giang, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh và miền cực Đông Nam Bộ. Ngôn ngữ chính thuộc hệ Mã Lai - Đa Đảo. Hầu hết người Chăm theo đạo Hồi (nhóm Bà Ni và nhóm Ixlam) và đạo Bà La Môn (chiếm 3/5 dân số) tuy nhiên, do ảnh hưởng của tôn giáo, lịch sử nên người Chăm ít có giao lưu với các tộc người khác cùng cộng cư trên địa bàn về mặt tâm linh, tín ngưỡng nên không thuộc phạm vi nghiên cứu của luận án này.

Trong quá trình giao lưu với văn hóa của các tộc người khác, Nam Bộ đã hình thành nên những đặc điểm riêng mang tính chất vùng khá rõ. Nam Bộ cũng là vùng đất đa tộc người, trong đó, chủ thể văn hóa chính là người Việt. Riêng ở Tây Nam Bộ, chủ thể văn hóa chính bên cạnh người Việt còn có người Khmer, người Hoa. Ngoài ra, trong văn hoá Nam Bộ còn có những yếu tố Chăm. Nhưng đó là do người Việt đã tiếp thu từ văn hoá Chăm ở Nam Trung Bộ. Còn bản thân người Chăm Nam Bộ thì do dân số ít và sinh hoạt khép kín nên không tác động đáng kể vào văn hoá Việt trong vùng. Hơn ba thế kỷ qua, các dân tộc cộng cư ở Nam Bộ đã khẳng định được sức sống mãnh liệt trên vùng đất mới, đoàn kết, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, kiến tạo nên những nét văn hóa mới góp phần gìn giữ, phát triển văn hóa dân tộc.

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Tín ngưỡng thờ anh hùng Nguyễn Trung Trực trong đời sống văn hóa cư dân Nam Bộ (Trang 49 - 52)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(266 trang)