Những biến đổi của tín ngưỡng thờ Nguyễn Trung Trực ở Nam Bộ

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Tín ngưỡng thờ anh hùng Nguyễn Trung Trực trong đời sống văn hóa cư dân Nam Bộ (Trang 125 - 132)

CHƯƠNG 3: KHẢO SÁT VIỆC THỜ PHỤNG NGUYỄN TRUNG TRỰC Ở NAM BỘ

3.3 NHỮNG BIẾN ĐỔI VÀ NGUYÊN NHÂN BIẾN ĐỔI CỦA TÍN NGƯỠNG THỜ NGUYỄN TRUNG TRỰC Ở NAM BỘ

3.3.1 Những biến đổi của tín ngưỡng thờ Nguyễn Trung Trực ở Nam Bộ

Các nghi thức trong cúng đình được thực hiện ở Nam Bộ cơ bản giống nhau.

Ngày đầu tiên gọi là lễ Túc yết, là ngày cúng các vị tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai cơ, các vị có công với nước, có công xây dựng và bảo quản ngôi đình. Kế đến là lễ Chánh tế, được tiến hành vào giữa đêm thứ hai, có đọc văn tế với nội dung ca ngợi trời đất và các thần linh, ca ngợi công lao của những bậc tiền hiền, hậu hiền, những người có công quy dân, lập ấp, lao động sản xuất. Sau phần nghi thức lễ được tổ chức trang trọng là phần hội. Đây là phần sôi động và vui tươi nhất trong dịp cúng đình nên dân làng tham gia rất đông. Mọi người ăn mặc nghiêm trang, chỉnh tề đến tham gia, thưởng thức, diễn trò, từ diễn tuồng đến các trò chơi dân gian. Tuy nhiên, qua thời gian cũng như những biến động của xã hội, những nghi lễ, tổ chức các hoạt động văn hóa dân gian có thay đổi nhiều.

Để tìm hiểu các nghi thức cúng tế và các hoạt động liên quan trong lễ hội tại các đình Nguyễn Trung Trực xưa và nay, trong phạm vi tư liệu đã công bố và các tư liệu điền dã, NCS tiến hành khảo sát bằng phiếu hỏi 330 người dân dự lễ hội ở các địa phương khác nhau để xác định những biến đổi trong thờ cúng Nguyễn Trung Trực ở các đình Nam Bộ. Dưới đây là thống kê một số thay đổi đo lường được bằng các phương pháp của xã hội học.

Bảng 3. 4 Khảo sát mức độ thay đổi trong tín ngưỡng thờ Nguyễn Trung Trực Số

TT Nội dung

Mức độ

Thay đổi Ít thay đổi Không thay đổi

SL % SL % SL %

1 Các nghi thức cúng 14 4,24 25 7,58 291 88,18

2 Lễ vật 10 3,03 16 4,85 304 92,12

3 Lễ thỉnh sắc 02 0,61 09 2,72 319 96,67

4 Lễ chánh tế 00 / 02 0,61 328 99,39

5 Lễ hậu phối 00 / 01 0,30 329 99,70

6 Các trò chơi 232 70,30 86 26,06 12 3,64

7 Hát bội 277 83.94 40 12,12 13 3,94

8 Hát cải lương 298 90,30 02 0,61 30 9,09

9 Hình thức lễ hội 38 11,52 15 4,54 277 83,94 (Nguồn: NCS, PL4. 3.13) Qua khảo sát, NCS nhận thấy tín ngưỡng thờ Nguyễn Trung Trực thay đổi ít nhiều theo thời gian. Sự thay đổi có thể phân chia hai nhóm: thay đổi ít và thay đổi nhiều.

Những biểu hiện trọng tĩnh, bền chắc thường ít thay đổi như nghi thức cúng tế ít thay đổi, không thay đổi tỉ lệ 96,76%, lễ vật chỉ thay đổi tiểu tiết, cơ bản vẫn theo lệ cúng đình chiếm tỉ lệ 96,97%. Trong khi đó những biểu hiện coi trọng hoạt động, hướng ra bên ngoài, thích nghi với hoàn cảnh, môi trường thì dễ thay đổi như hát bội tỉ lệ 83,94%, các trò chơi dân gian thay đổi 70,30%. Về hình thức, lễ hội tưởng niệm Nguyễn Trung Trực được quan tâm hơn, đa dạng hơn, gắn với du lịch tâm linh, việc trang hoàng cờ phướn, diễu hành, cách tổ chức hội trông hoành tráng hơn trước, nhờ sự hỗ trợ của chính quyền, các đoàn thể. Trong hoạt động lễ hội, phần lễ ít thay đổi, phần hoạt động hội thay đổi nhiều cho phù hợp với thực tế xã hội. Chúng tôi trình bày dưới đây những thay đổi về kiến trúc xây dựng, thời gian, nghi thức cúng tế và hoạt động vui chơi ở các đình thờ Nguyễn Trung Trực.

3.3.1.1 Về kiến trúc, xây dựng

Kiến trúc đình Nguyễn Trung Trực mang đặc điểm chung đình làng Nam Bộ, gồm cổng đình, sân đình, bình phong, ngôi đình. Bên trong đình có thể phân chia mỗi nơi có khác nhau, tùy công năng, nhưng thường có ba gian chính là: vỏ ca, vỏ qui, điện thờ. Kiến trúc nghệ thuật của đình gồm nhiều nhà vuông có bốn cột cái rất to; nóc ngắn

so với chiều dài diềm mái và có bốn mái trải rộng ra bốn phía; nhiều nếp nhà nối liền nhau mà người dân Nam Bộ thường gọi là sắp đọi. Đại diện Ban quản trị đình Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành, Kiên Giang cho biết: Về cấu trúc của đình Vĩnh Hòa Hiệp cũng như các đình ở Nam Bộ thời xưa ba căn, hai chái bắt vần, hai bên có Đông lang, Tây lang (PL 5.12). Ngày trước, đình được dựng bằng gỗ. Qua năm tháng và chiến tranh, hầu hết các đình thờ Nguyễn Trung Trực ở Nam Bộ được trùng tu, tôn tạo nhiều, có đình được quan tâm trùng tu đôi ba lần, hương khói, cơm nước hàng ngày. Một số đình được mở rộng hoặc đầu tư xây dựng mới. Đình ở Gành Dầu Phú Quốc là một điển hình về việc xây mới rất khang trang, đẹp đẽ, phát triển. Hiện nay, một số đình thờ Nguyễn Trung Trực tiếp tục xuống cấp theo thời gian. Trong số hơn 30 đình thờ Nguyễn Trung Trực ở Nam Bộ, có đình chỉ mở cửa khi có khách viếng hoặc đến ngày lễ hội; một số đình vắng vẻ, xung quanh cây cối um tùm, thiếu chăm sóc. Do đó, một số đình cũ kỹ, bong tróc, chưa được trùng tu vì thiếu kinh phí. Một số khác tuy được trùng tu, ngôi đình đã được làm mới bằng vật liệu hiện đại, nên đã mất đi những giá trị văn hóa xưa.

3.3.1.2 Về thời gian tổ chức ngày giỗ Nguyễn Trung Trực

Tùy theo từng địa phương, có nơi tổ chức tưởng niệm Nguyễn Trung Trực vào tháng 8, có nơi tổ chức vào tháng 9 hàng năm, có nơi tích hợp vào Lễ Kỳ yên, thân tộc Nguyễn Trung Trực coi trọng tổ chức kỷ niệm ngày Ông và nghĩa quân xuất binh kháng Pháp theo lời dặn của Ông trước lúc ra đi. Ngày dương lịch, nhiều tài liệu ghi Nguyễn Trung Trực hy sinh ngày 27 - 10 - 1868, chỉ có NCS Chung quanh vấn đề viết soạn tiểu sử Nguyễn Trung Trực ghi là ngày 27 - 9 - 1868. Còn ngày âm lịch, có tài liệu ghi Ông hy sinh ngày 12 - 9, tài liệu khác ghi là 28 - 8 năm Mậu Thìn. Tuy nhiên, đối chiếu với lịch Vạn niên thì ngày Ông hy sinh 27 - 10 – 1868 nhằm ngày 12 - 9 năm Mậu Thìn.

Như vậy, trước đây xác định thời gian tổ chức ngày giỗ Nguyễn Trung Trực chưa thống nhất. Ở TP Rạch Giá và các nơi ở Nam Bộ tổ chức tưởng niệm Nguyễn Trung Trực vào ngày 27, 28, 29 - 8 âl hàng năm; ở Khu di tích vàm Nhật Tảo, Bia Ghi danh Xóm Nghề (Long An) thì tổ chức vào ngày 12 - 9 âl hàng năm. Đây là các nơi tổ chức tưởng niệm lớn anh hùng Nguyễn Trung Trực ở hai thời điểm khác nhau trong năm. Bên cạnh đó, huyện Long Phú (Sóc Trăng), Trà Cú (Trà Vinh) tích hợp cúng giỗ Ông với lễ Kỳ yên.

* Các đình tổ chức lễ hội, lễ giỗ Nguyễn Trung Trực ngày 27, 28 - 8 âl

Việc tổ chức hai thời điểm khác nhau có dấu ấn lịch sử. Sau khi Nguyễn Trung Trực hy sinh, thực dân Pháp ra lệnh không ai được thờ cúng, song hương chức làng và

nhân dân tìm cách thờ phụng Ông. Họ đã lập bài vị bằng chữ Hán đưa vào đình thờ thần Nam Hải (thờ cá Ông) nhằm qua mắt giặc. Đến cuối thế kỷ XIX, đình được xây dựng mới, nhân dân lập ba khánh thờ: chính giữa thờ Nguyễn Trung Trực (bài vị bằng chữ Hán), hai bên thờ thần Nam Hải và Thành hoàng. Sau này, nhân dân có điều chỉnh đối tượng thờ, nhưng Nguyễn Trung Trực vẫn là chính thần của đình và thời gian cúng Ông phải đổi ngày và duy trì cho đến ngày nay. Qua gặp gỡ, ông Mười Thọ khẳng định, tổ chức tưởng niệm ông Nguyễn ngày 12 - 9 âl là đúng và Nhà nước đã công nhận. Song, hiện nay, đình ở Rạch Giá (Kiên Giang) vẫn duy trì cúng Ông vào ngày 26, 27, 28 - 8 âl và chuyển từ lễ giỗ thành lễ hội Nguyễn Trung Trực. Theo lệ, hầu hết các đình thờ Nguyễn Trung Trực ở Nam Bộ vẫn tổ chức cúng Ông trùng với ngày ở Rạch Giá.

* Quê hương Nguyễn Trung Trực tổ chức tưởng niệm Ông ngày 12 - 9 âl

Ở Long An, việc cúng giỗ Nguyễn Trung Trực đúng ngày Ông hy sinh 12 tháng 9 âl. Song, trước đây do hoàn cảnh chiến tranh, cúng giỗ chủ yếu tổ chức trong gia đình, thân tộc ở Xóm Nghề, xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức. Khoảng 10 năm trở lại đây, ngày giỗ của Ông trở thành ngày hội của nhân dân Long An và Nam Bộ. Trước tiên là tổ chức ở xóm Nghề, sau đó chính quyền mở rộng tổ chức qui mô hơn ở Khu di tích Nhật Tảo, huyện Tân Trụ. Ở Long An hiện nay, ngày cúng giỗ Ông 12 - 9 âl trở thành ngày lễ hội truyền thống của tỉnh. Song, ngoài tổ chức cúng giỗ Ông, gia đình còn tổ chức tưởng niệm Ông vào ngày mùng mười tháng ba hàng năm.

* Thân tộc tưởng niệm Nguyễn Trung Trực và nghĩa quân mùng 10 tháng 3 âm lịch. Phần này, trong luận án, NCS đã trình bày ở mục 3.2.8. Các hình thức thờ vọng tại gia, tr.108.

* Các đình tổ chức lễ giỗ Nguyễn Trung Trực cùng với lễ Kỳ yên

Các đình thờ Nguyễn Trung Trực ở huyện Long Phú (Sóc Trăng) và huyện Trà Cú (Trà Vinh) trước kia tổ chức ngày giỗ của Ông như ngày ở Rạch Giá (Kiên Giang), nhưng số người tham gia cúng tế không đông, chỉ sau khi tích hợp lễ giỗ vào ngày lễ Kỳ yên thì mức độ, quy mô, tần suất sự tham gia của người dân, các cấp chính quyền liên quan mới đông đúc như hiện nay. Do đó, các đình ở Long Phú (Sóc Trăng) tổ chức giỗ Ông ngày 16, 17, 18 – 3 âl, các đình Nguyễn Trung Trực ở Trà Cú (Trà Vinh) tổ chức lễ giỗ Ông ngày 15, 16 – 3 âl.

Như vậy, thời gian cúng tế Nguyễn Trung Trực không thống nhất ở các đình.

Thiết nghĩ, điều này cũng mang đặc điểm của vùng Nam Bộ nghi thức cúng tế và lễ hội

đình làng ở Nam Bộ về cơ bản là không giống nhau (133, 1999, tr.161). Hiện nay, ngày hy sinh của Nguyễn Trung Trực đã được xác định, được nhà nước và nhân dân công nhận, nhưng tưởng niệm Ông vào tháng 8 âl hay tháng 9 âl đều không quan trọng. Bởi, các ngày tháng trên đã ăn sâu vào tiềm thức của nhân dân và trong lòng nhân dân Nam Bộ Nguyễn Trung Trực là người anh hùng, là vị phúc thần luôn che chở, bảo vệ nhân dân.

3.3.1.3 Về nghi thức cúng tế

Qua khảo sát, NCS nhận thấy các nghi thức lễ tế Nguyễn Trung Trực mang dáng dấp của lễ Kỳ yên. Các việc tế lễ cũng có thay đổi, nhưng không nhiều, lễ thỉnh sắc đổi là lễ nghinh sắc. Theo quy ước hoặc do hoàn cảnh chiến tranh sắc thần thường để ở nhà các hương chức hoặc người có uy tín, đạo đức trong làng cất giữ. Đến ngày tổ chức lễ hội, mọi người tham gia lễ thỉnh sắc từ nơi lưu giữ đặt vào tráp thỉnh về đình. Đến đình Ban tổ chức cử hành nghi thức an vị, một tuần hương, ba tuần rượu, một tuần trà để tráp đựng sắc phong trên bàn thờ Nguyễn Trung Trực ở chính điện. Trong thời gian sắc thần để ở đình, dân chúng đến lễ bái và dâng hoa quả, bánh trái, tiền bạc đóng góp cho việc tế lễ. Ngày nay, đình lưu giữ sắc thần tại đình, đến ngày lễ, sắc thần được ra ngoài, di chuyển một vòng quanh khu dân cư, gọi là đi nghinh sắc. Qua khảo sát điền dã tại Long An, Sóc Trăng, Kiên Giang, An Giang, Hậu Giang, chúng tôi nhận thấy tín ngưỡng thờ anh hùng Nguyễn Trung Trực đang dần có sự thay đổi cả về nghi thức lẫn thời gian cúng tế theo hướng tích hợp vào tín ngưỡng dân gian và tôn giáo. Chẳng hạn, tại huyện Cù Lao Dung, Sóc Trăng (khảo sát ngày 12.02 năm 2018), chúng tôi thấy tín ngưỡng này tích hợp rất rõ với Phật giáo, tín ngưỡng thờ Neak Tà, thờ Ngũ Hành nương nương, nghĩa sĩ trận vong, và cả thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đa phần các đình đều tích hợp thờ Thần Nông, Thổ Thần, Ngũ Hành, Bạch Hổ ở sân đình.

Tại An Giang, có sự tương tác giữa nghi thức cúng tế đình với nghi thức của Phật giáo Hòa Hảo (trong các cuộc khảo sát ngày 06.02 năm 2018 trên địa bàn một số huyện của An Giang). NCS nhận thấy Nguyễn Trung Trực đi sâu trong tiềm thức người dân, được nhân dân tôn kính, thờ phụng. Ông không những được thờ phụng ở đình, ở chùa mà ảnh thờ Nguyễn Trung Trực được treo trang trọng và được phụng thờ như Cửu Huyền Thất Tổ ở các gia đình tại các huyện Châu Phú, Chợ Mới, Phú Tân, tỉnh An Giang. Trong tâm thức của tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, Nguyễn Trung Trực là quan Thượng đẳng đại thần, tôn danh Ông được tụng niệm rõ ràng trong kinh kệ của của tôn giáo này. Về tượng

Nguyễn Trung Trực, có những đình lập tượng, có nơi không xây dựng. Các đình ở Nam Bộ đều lấy tượng Ông ở Rạch Giá (Kiên Giang) làm hình mẫu, tay phải cầm chặt đốc gươm, tay trái nắm chặt bao gươm (PL6.5). Trước sân đình ở thị trấn Cù Lao Dung, Sóc Trăng có dựng tượng anh hùng Nguyễn Trung Trực bằng xi măng, cũng được lấy nguyên bản từ đình Nguyễn Trung Trực ở TP Rạch Giá, Kiên Giang, song ở nơi đây, tượng của Ông lại cầm gươm bằng tay trái, gươm chỉ thẳng lên trời, tay phải giơ cao song song với lưỡi gươm (PL6.41). Qua trao đổi, người quản lý ở đình cho rằng Ông là người giỏi võ, tay trái tay mặt gì cũng giết được giặc. Thực tế, sự việc này, sau khi thống nhất đất nước, do việc đi lại, trang thiết bị còn khó khăn và do chủ quan của người đúc tượng nên tượng Nguyễn Trung Trực ở Cù Lao Dung không giống như tượng của Ông ở các đình khác.

Lễ vật dâng cúng lễ hội Nguyễn Trung Trực theo lệ cúng đình ở Nam Bộ. Vật dâng cúng là nguyên con heo đã mổ, làm sạch nằm sấp hướng về đối tượng thờ phụng. Các món dâng lên Ông trên điện thờ cố định bốn món, còn nhiều món dâng cúng hơn thì tùy theo qui mô tổ chức ở mỗi đình. Tuy nhiên, các món dâng cúng một số đình cũng có những nét riêng. Đa phần các đình cúng mặn, gần đây các đình ở Kiên Giang có cúng các món mặn và món chay, nhưng chủ yếu đãi mặn. Chỉ có ở đình Nguyễn Trung Trực ở Long Giang, huyện Chợ Mới (An Giang) cúng các món chay và đãi chay. Riêng, đình thờ Nguyễn Trung Trực ở Rạch Giá (Kiên Giang) ngoài mâm cơm rượu còn dâng cúng một trái dừa xiêm và một chiếc áo vạt hò cổ truyền; đình Nguyễn Trung Trực ở Gành Dầu có cúng thêm hai con cá lóc và ba trái bắp. Như vậy, vật cúng cơ bản giống nhau, chỉ một số nơi thêm vài món theo lệ xưa hoặc dâng cúng các món chay do ảnh hưởng Phật giáo.

3.3.1.4 Về tổ chức hoạt động hội

Sau nghi thức lễ là các hoạt động hội, thông thường là các trò chơi dân gian và hoạt động nghệ thuật. Các trò chơi dân gian thay đổi nhiều, các đoàn hát cải lương được tổ chức để phục vụ người dân, song hát bội thì dần dần lui vào quá khứ, mặc dù hoạt động này là đặc trưng của các hội đình, trong đó có tổ chức lễ hội đình Nguyễn Trung Trực.Hoạt động hội đình Nguyễn Trung Trực ngày nay có thay đổi cho phù hợp với thực tế cuộc sống. Một số loại hình sinh hoạt văn hóa nghệ thuật và các trò chơi dân gian trong lễ hội đình dần dần bị mai một, thay vào đó là những trò chơi có tính hiện đại hơn.

Ông Nguyễn Văn Sáo, phó Ban quản trị đình Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành, (Kiên Giang) nói: bên cạnh thi kéo co còn có thi xe đạp chậm. Thậm chí, có đình chỉ tổ chức văn nghệ, không còn tổ chức trò chơi dân gian, thay vào đó là tổ chức hội chợ như đình Nguyễn

Trung Trực ở An Trạch A, huyện Đông Hải (Bạc Liêu). Ngay cả ở Rạch Giá (Kiên Giang), hoạt động hội cũng có nhiều biến đổi. Khoảng 10 năm trở lại đây, ở Kiên Giang, hoạt động hội được Nhà nước khôi phục, tổ chức tại khu lấn biển, cách đình vài cây số. Bên cạnh các trò chơi, là các gian hàng ẩm thực, múa lân, cây cảnh được tổ chức kéo dài từ năm đến bảy ngày. Bên cạnh các trò chơi lành mạnh có tổ chức là các hoạt động cờ bạc, bói toán. Đây là những hành vi lén lút, lợi dụng lễ hội để hoạt động phi pháp.

Về hoạt động nghệ thuật, ngày xưa nét đặc trưng làm nên lễ hội đình là nghi thức xây chầu, hát bội với tuồng tích phong phú, thể hiện ý nghĩa trung thắng nịnh, chính nghĩa thắng gian tà, bên cạnh đó là những tuồng cải lương ca ngợi chiến công người anh hùng. Ngày nay, hát bội mất dần theo thời gian, chủ yếu là các đoàn cải lương được nhân dân, các mạnh thường quân đóng góp mời diễn. Trong hoàn cảnh sân khấu truyền thống đang xuống dốc, nhiều đơn vị, cá nhân đang cố gắng, nỗ lực khôi phục cải lương thì lễ hội Nguyễn Trung Trực mời các đoàn cải lương biểu diễn mỗi đêm cho đến khi kết thúc hội đình đã góp phần gìn giữ tinh hoa sân khấu dân tộc.

Công tác tổ chức lễ hội có sự thay đổi khá nhiều hiện nay. Theo lệ đình, công việc, hoạt động của đình được Ban quý tế thực hiện, còn việc trông nom do ông từ đảm trách. Ban quý tế là nhiều người có đạo đức tốt, có nhiều cống hiến cho đình, cho làng.

Ở Nam Bộ, Ban quý tế đình miếu nói chung, đình Nguyễn Trung Trực nói riêng là một tổ chức bảo vệ văn hóa truyền thống ở nông thôn, đa phần đều là những người đáng kính, bởi họ thường gia nhập một cách tự nguyện, tự giác, bổn phận nhiều hơn quyền lợi. Việc tổ chức lễ hội hàng năm do Ban quý tế thực hiện,dù là người đỗ đạt cao hay làm quan to thì cũng chỉ là khách quý khi về dự cúng đình chứ không được đứng làm chủ tế. Hiện nay, đình có Ban quản trị để thực hiện việc cúng tế, cùng chính quyền địa phương tổ chức lễ hội, nhưng nhiều nơi chính quyền can thiệp sâu việc tổ chức lễ hội, như lễ hội truyền thống anh hùng dân tộc, chính quyền đứng ra làm trưởng ban tổ chức lễ hội, phó ban là người trong đình. Phương thức tổ chức này khác với ngày trước.

Biến đổi văn hóa ở Nam Bộ là tất nhiên khi nền văn hóa người Việt tiếp xúc với các tộc người Khmer, Hoa cùng cộng cư khai phá, sinh sống trên vùng đất mới. Từ đó, tín ngưỡng thờ Nguyễn Trung Trực cũng có những biến đổi trong mối quan hệ chia sẻ, gắn bó lâu dài giữa các tộc người Việt, Khmer, Hoa; để thích nghi với môi trường sông nước và của cuộc sống hiện đại. Không phải ngẫu nhiên ở Sóc Trăng, trong lễ hội Nguyễn Trung Trực, người dân thỉnh Neak Tà, thỉnh Quan Công cùng chứng kiến lễ

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Tín ngưỡng thờ anh hùng Nguyễn Trung Trực trong đời sống văn hóa cư dân Nam Bộ (Trang 125 - 132)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(266 trang)