CHƯƠNG 3: KHẢO SÁT VIỆC THỜ PHỤNG NGUYỄN TRUNG TRỰC Ở NAM BỘ
3.2 MỘT SỐ LỄ HỘI TIÊU BIỂU THỜ NGUYỄN TRUNG TRỰC Ở NAM BỘ
3.2.2 Lễ hội anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực ở Kiên Giang
3.2.2.1 Đình Nguyễn Trung Trực ở thành phố Rạch Giá (Kiên Giang)
Tại Kiên Giang, số lượng đình nhiều nhất trong các tỉnh có thờ Nguyễn Trung Trực ở Nam Bộ. Đình được xây dựng ở hầu hết các huyện, thành phố trong tỉnh, từ TP Rạch Giá, Châu Thành đến Hòn Đất và các huyện đảo. Trong số đó, đình Nguyễn Trung Trực ở Rạch Giá là đình thờ sớm nhất và lớn nhất ở Kiên Giang. Đình tọa lạc trên đường Nguyễn Công Trứ, phía tây thành phố Rạch Giá là trung tâm sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân trong vùng (PL6. 7). Hàng ngày, nhân dân đến đình để dâng hương, tin tưởng sự linh thiêng, thành tâm kính bái. Vào các ngày tổ chức lễ hội hàng năm ( 27, 28, 29 tháng 08 âm lịch), nhân dân khắp nơi về dự rất đông, phần lễ được tổ chức trang trọng theo nghi thức cúng đình ở Nam Bộ, phần hội được tổ chức phong phú, đa dạng, vui tươi, tiết kiệm. Trong thời gian tổ chức lễ giỗ - lễ hội, người dân các nơi về tham dự lễ bái ngày đêm không ngớt. Nơi đây được xem là lễ hội lớn nhất trong số các lễ hội tôn vinh Nguyễn Trung Trực ở Nam Bộ.
* Cơ sở thờ tự
Cổng đình thờ Nguyễn Trung Trực ở TP Rạch Giá, Kiên Giang có ba cửa với mái ngói hai tầng trang trí hình lưỡng long tranh châu trên mái. Hai bên là đôi câu đối được đắp nổi sơn vàng trên nền đỏ, là hai câu trong bài thơ Điếu Nguyễn Trung Trực nổi tiếng của Huỳnh Mẫn Đạt. Qua khỏi cổng, là một lư hương lớn bằng đá và bức tượng Nguyễn Trung Trực đúc bằng đồng. Phía sau tượng là ngôi chính điện được thiết kế với mái ngói cong các góc, ở các viền góc đều có trang trí hoa văn hình rồng và lá cúc. Mặt tiền chinh điện có hai trụ cột đắp nổi hình rồng uốn lượn từ dưới lên quấn quanh cột. Trong chính điện, cột và kèo được đúc bằng bê tông, có tất cả mười cột, mỗi cột đều có chân hình bát giác, phía trên có đắp nối hai lớp cánh sen. Ngoài ra, ở nơi đây các hoành phi, câu đối đều
được sơn son thiếp vàng, làm cho các nơi thờ vừa trang nghiêm vừa lộng lẫy. Trong chánh điện có rất nhiều bàn thờ, lần lượt từ ngoài vào trong có các bàn thờ chính như sau: Bàn thờ Chánh soái Đại càn, bàn thờ ba mươi vị anh hùng dân tộc; bàn để di ảnh Nguyễn Trung Trực (ảnh nhỏ và ảnh lớn); bàn thờ chư vị Hội đồng trăm quan cựu thần và Cửu Huyền Thất Tổ. Gian cuối có ba ngai thờ chính: Ngai chính giữa thờ Nguyễn Trung Trực.
Phía trên bệ thờ, có bức hoành ghi bốn chữ: Anh Khí Như Hồng, ca ngợi khí tiết hào hùng của ông sáng như cầu vồng bảy sắc. Phía bên trái có ngai thờ chung thờ Phó cơ Nguyễn Hiền Điều và Phó lãnh binh Lâm Quang Ky. Phía bên phải là ngai thờ thần Nam Hải Ðại tướng quân. Đông lang và Tây lang, có các bàn thờ: Tây hiến, Đông hiến, Tiền hiền, Hậu hiền, Đồng bào nghĩa quân liệt sĩ.
* Phần lễ hội
Hàng năm, đình Nguyễn Trung Trực tổ chức năm lễ cúng, nhưng quy mô nhất là lớn nhất là lễ giỗ của Ông vào ngày 26 đến 28 tháng 08 Âm lịch. Với đầy đủ các nghi thức của một đại lễ tại đình Nam Bộ, gồm:
Lễ nghinh sắc, từ năm 1994 trở về trước, lễ này gọi là thỉnh sắc; vì trong thời gian này, sắc thần được cất giữ tại nhà ông hội trưởng. Mỗi dịp lễ hội, ban tổ chức làm xe hoa đến nhà ông để rước sắc thần về đình làm lễ. Từ năm 1994 đến nay, sắc thần được đặt tại đình, đến ngày 27 - 8 âl sắc thần được mang ra ngoài, di chuyển một vòng quanh chợ, quanh khu dân cư trong thành phố gọi là đi nghinh sắc chứ không gọi là đi thỉnh sắc như trước đây nữa.
Từ ngày 26 - 8 âl, tất cả các ban bệ trong đền tề tựu để chuẩn bị cho những ngày lễ chính. Đến 5 giờ sáng ngày 27 - 8âl, lễ nghinh sắc bắt đầu được tiến hành. Thành phần gồm các cơ quan ban ngành, bô lão, các lực lượng vũ trang, công an, người dân, một đoàn lân. Đầu tiên là công an mở đường, tiếp đó là đoàn lân nhảy múa rồi đến đoàn nhạc lễ, xe hoa. Trên chiếc xe hoa gồm có 6 học trò lễ, một thầy lễ. Hai bên chiếc xe hoa có 30 người đóng vai lính có vũ khí (lễ bộ). Cuối cùng là dân, được phân theo từng đoàn.
Tất cả đều đi bộ (trừ xe hoa rước sắc), kéo dài khoảng 1 km. Trang phục của những người tham gia nghinh rước sắc phụ thuộc vào từng đối tượng. Đại diện các đoàn của đình trong khu vực mặc áo dài khăn đóng, đại diện các tôn giáo mặc áo vàng, phật tử đạo Hòa Hảo thì mặc áo dài nâu, đạo Cao Đài thì mặc áo trắng, đội hồng kỳ mặc đồng phục võ sinh. Đội nhạc lễ phục vụ rước sắc gồm 6 người với các loại nhạc cụ như: 1 trống chầu, 1 kèn lá, 1 đàn cò, 1 bộ chập chã, 1 trống cơm. Trong quá trình tổ chức lễ
rước, ban nhạc thường hòa bài Nam xuân, Tiếp giá... Khi đoàn rước đi một vòng về đến cổng đền, ông trưởng ban nghi lễ hô lớn: nhạc sanh khởi nhạc, nghinh thần nhập điện.
Ở phía trong đền, ban nhạc hòa bài tiếp giá, rước nghinh thần vào đền. Lúc này, ông trưởng ban nghi lễ thỉnh thần vào đặt ở bàn thờ lớn, làm lễ an vị cho thần là xong lễ rước.
Lễ chánh tế, còn gọi là lễ đàn cả, có ý nghĩa tế tất cả các vị chư thần, được xem là rất quan trọng. Ngày 28 - 8, trưởng ban, phó ban tề tựu đứng hai bên chánh điện, sắp xếp các ban bệ, nam tả, nữ hữu. Khi vào lễ chính thức, ông trưởng ban nghi lễ cất giọng hô nhạc sinh khởi nhạc, các lễ sinh vào chánh điện để làm lễ. Lúc này, ban nhạc với bộ trống phụ hòa bài phổ bắc cấu để báo cho học trò lễ bước vào chánh điện, vái lạy, trở về đúng vị trí. Ông trưởng ban nghi lễ hô: cửu soát tế vật, đội học trò lễ tiến lên các bàn thờ kiểm tra đồ ăn thức uống có gì thiếu để bổ sung vào. Sau khi hoàn tất nghi tiết này mới tiến hành lễ, bắt đầu khai chung môn. Lúc này, cửa chính được mở ra, có hai lễ sinh đứng sẵn rước các vị quan khách bước vào tây thiên môn. Tiếp theo, ông trưởng ban nghi lễ hô: nhạc sinh tựu vị, nhạc sanh khởi nhạc, ban nhạc vào trước bàn thờ chính hòa bài tiếp giá nghinh thiêng, báo với các thần biết lễ chánh tế bắt đầu. Sau khi ban nhạc tấu xong, trở về vị trí cũ, học trò lễ tiến vào diện kiến các thần, tiến hành nghi lễ. Thứ tự là dâng tuần hương, rượu, trà, đội học trò lễ đi theo điệu bộ khom lưng, khum tay, đi nhịp nhàng theo tiếng nhạc lễ. Khi dâng tuần hương vào tới bàn thờ chánh điện, học trò lễ quỳ xuống, đốt hương, nhạc lễ khởi nhạc cho học trò lễ đứng lên, đi lễ tới bàn thờ rồi quay trở về là xong tuần hương. Sau đó, ba ông chánh tế đứng lên an vị thần, đồng thời tổ chức lễ thành an, hành sơ hiến lễ. Tiếp theo là đến tuần rượu, đọc chúc lễ, nhằm báo cáo thành tích trong một năm cho thần nghe.
Phần chúc, bài văn được để ngay bàn thờ từ trước. Thời gian đến, học trò lễ lên bàn thờ thỉnh xuống đưa cho ông chánh tế đọc bài văn, đọc xong lại đưa về vị trí cũ. Lời văn hùng hồn khẳng định lòng yêu nước, thương dân, chiến đấu và hy sinh anh dũng của Nguyễn Trung Trực. Kết thúc bài chúc là lời đề cao khí phách Nguyễn Trung Trực, dù Ông mất đi, nhưng vẫn linh thiêng tiếp tục phò trợ nhân dân, gìn giữ biển trời của Tổ quốc.
Vĩ đại thay! Hiếu vị dân, trung vị quốc Sinh vi tướng, tử vi thần
Giữa đất trời thắp nén tâm nhang Cùng bá tánh tỏ lòng nguyện ước
Mong tướng quân ở cõi linh thiêng Giúp Tổ quốc qua cơn nguy biến Nêu cao khí phách vạn dặm anh hùng Tỏa sáng tinh thần ngàn năm văn hiến Vì đồng bào, hạnh phúc, ấm no
Giúp dân tộc văn minh, phát triển Đời đời bảo vệ non sông
Mãi mãi giữ yên trời biển Phục chi cẩn cáo
Tuần rượu thứ hai là hành hiến lễ, tuần rượu thứ ba là hành chung hiến lễ. Xong ba tuần rượu, được xem như những vị thần này ăn uống no say. Tiếp theo, các vị có công trong đình thực hiện một tuần rượu cuối cùng là tuần ban phước, gọi là ẩm phước lễ. Học trò lễ lên thỉnh những ly rượu đã dâng lên trên bàn thờ, đi theo điệu bộ ra phát cho những người trong đình uống. Đầu tiên là ba ông chánh tế nhấp môi lấy lễ rồi chuyền ra cho những người khác trong đình, mỗi người nhấp môi một chút, không uống nguyên ly. Cuối cùng là dâng một tuần trà từ bên ngoài vào. Tuần trà này có hai ý nghĩa, nếu quỳ gối dâng trà thì có nghĩa là xin lỗi những sơ sót trong quá trình hành lễ, nếu hoàn thành tốt công việc thì được đứng, tùy theo từng lễ, không phải lúc nào cũng quỳ gối, mà cũng không phải lúc nào cũng đứng. Sau tuần trà là đến phần phong chúc lễ. Học trò lễ lên bàn thờ lấy chúc xuống, xếp lại, đưa cho ông chánh tế. Ông chánh tế nhận lấy, vái lạy rồi hô hỏa đăng phần chúc, đưa lá chúc vào đèn cầy đốt. Sau khi đốt xong phần chúc, ông chánh tế hô lễ thành. Nếu lễ hội đến đây kết thúc hoàn toàn thì ông chánh tế hô lễ tất, nhằm báo cho thần, các quan khách dự lễ được biết.
Lễ hậu phối là lễ cúng cơm chính thức, được tổ chức lúc 14h đến 16h, ngày 28 tháng 8 âl. Các bước tiến hành nghi lễ giống như lễ chánh tế, chỉ khác một vài chi tiết như: không có đội nhạc sinh vào khởi nhạc trước bàn thờ chánh điện để báo cho vị thần biết, tiếp đón các vị thần về dự lễ, bài văn tế chỉ dành ca ngợi về công lao, thành tích của riêng Nguyễn Trung Trực. Về vật cúng, Ban tổ chức theo cổ lệ cúng mặn, gần đây có mặn, có chay, gồm nhiều món phong phú, cố định dâng bốn món: canh, xào, kho, luộc.
Ngoài mâm cơm rượu, Ban tổ chức còn dâng cúng một trái dừa xiêm và một chiếc áo vạt hò cổ truyền. Đình tổ chức nấu nướng qui mô, hai mươi thùng cơm được nấu liên tục đãi khách thập phương những ngày diễn ra lễ hội. Ngày trước, hoạt động hội chủ yếu là
các trò chơi dân gian, tổ chức hát bội… do người dân trong khu vực tập trung về đình thực hiện với hình thức tự nguyện, nhưng đã bị thất truyền. Khoảng 10 năm trở lại đây, hoạt động hội được Nhà nước khôi phục, tổ chức tại khu lấn biển, cách đình khoảng vài cây số. Các trò chơi dân gian, cải lương, gian hàng ẩm thực, múa lân, cây cảnh… được tổ chức sôi nổi từ ngày 25-8 đến 30-8 âm lịch. Dự tính các năm sau, tổ chức lễ hội sẽ thực hiện múa lân sư rồng, trong đó có các đoàn từ nước ngoài biểu diễn, thi tài. Đến tham gia lễ hội, người dân cảm thấy phấn khởi, vui vẻ, hòa nhập vào không khí thiêng liêng của lễ, náo nhiệt của hội. Dù lượng khách rất đông, có năm hơn một triệu lượt người viếng nhưng lễ hội để lại nhiều ấn tượng đẹp về an ninh trật tự, môi trường sạch đẹp. Trong những ngày này, đình huy động hàng ngàn tình nguyện viên tham gia phục vụ, tiếp đón và hướng dẫn du khách, chuẩn bị những suất cơm, nước uống phục vụ nhân dân miễn phí. Quan sát thực địa tại đình, người viết nhận thấy có khá đông bà con là tín đồ của Phật giáo Hòa Hảo, Bửu Sơn Kỳ hương trong trang phục áo bà ba đen, họ chủ yếu đến từ An Giang, Đồng Tháp với niềm tin là đi giỗ quan Thượng đẳng đại thần.
Năm 2018, Ban Bảo vệ di tích đình Nguyễn Trung Trực liên tục tiếp nhận gạo, các nhu yếu phẩm của bà con khắp nơi gửi về và việc tiếp nhận hàng hóa, sắp xếp, nhập kho, công tác bảo quản thực hiện trật tự, đúng quy trình đủ cung cấp cho lễ hội. Ban Bảo vệ di tích đã huy động trên 200m3 củi, 500 bao trấu làm chất đốt và các tổ chức, cá nhân, kiều bào ở nước ngoài ủng hộ trên 69 tấn gạo, hơn 2.400kg nếp, trên 6.000 kg đậu nành và các vật phẩm khác để phục vụ khách tham quan, dâng hương. Nhằm tạo điều kiện cho khách hành hương có chỗ nghỉ qua đêm, Ban Bảo vệ di tích đình Nguyễn Trung Trực phối hợp với các Hội từ thiện chuẩn bị trại võng phục vụ khách thập phương nghỉ ngơi miễn phí. Phần văn nghệ, các tiết mục của các đoàn nghệ thuật đến từ các nơi khắp Nam Bộ. Các vỡ diễn với chủ đề ca ngợi tấm gương hy sinh anh dũng cùng những chiến công tiêu biểu của anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực và nghĩa quân như: Bản hùng ca chim lạc, Hỏa hồng Nhựt Tảo, Đêm rừng Kiên Giang, Kiếm bạt Kiên Giang, Manh áo ân tình, Tiếng thét nơi pháp trường, Hồn thiêng sông núi…
Lễ hội Nguyễn Trung Trực ở Rạch Giá nói riêng, Kiên Giang nói chung đã trở thành nếp sống trong đời sống văn hóa của nhân dân, đông đảo người dân đến dự với tinh thần thiện nguyện, tin tưởng. Không những thế, hàng ngày, người dân địa phương, khách thập phương đến đình dâng hương, cầu nguyện, hương khói đêm ngày (PL6.22).
Sự phát triển của tín ngưỡng văn hóa nơi đây lan tỏa khắp Nam Bộ là nhu cầu trong đời
sống tinh thần của cư dân địa phương và của cả Nam Bộ. Cô Nguyễn Thị Bích, 47 tuổi, ở TP Rạch Giá nói: “Lễ hội Ông đông lắm anh ơi, trước một tháng là phải chuẩn bị, trang hoàng. Có thể nói mọi tầng lớp ở Rạch Giá, cả người Việt, người Khmer, người Hoa đều tham gia với tinh thần tình nguyện, mọi nhà đều mở lòng đón du khách, các hàng quán, khách sạn phục vụ hết công suất, nhiều trường hợp du khách đến trể, hết phòng nghỉ, nhà dân sẵn sàng đón khách. Còn đãi ăn, một lượt cả trăm bàn, xung quanh đình cả bên ngoài đường đều cất rạp, để bàn phục vụ miễn phí đồ ăn chay. Năm nay kỷ niệm năm tròn, chắc chắn sẽ đông hơn nhiều. Sở dĩ như vậy, vì với dân tộc, Ông là người anh hùng, đối với tâm linh, Ông linh thiêng phò hộ cho dân vùng này yên ổn làm ăn, sinh sống.” (PL 5.6)