2.4. Quan hệ giữa làng Xuân Khương và nguồn Thanh Bồng
2.4.1. Quan hệ giao thương và hợp tác
Trong các miêu tả về nền kinh tế các tộc người thiểu số ở Việt Nam, “tự cung tự cấp” là một công thức quen thuộc thường được nhắc đến. Ngay cả với người Việt, thôn làng cũng luôn được xem như một cấu trúc tương đối khép kín. Trái ngược với các định kiến đó, bức tranh kinh tế của người Thượng Thanh Bồng
và người Việt làng Xuân Khương thời Trung và Cận đại mang lại những nhận thức mới mẻ. Họ sinh sống trên một vùng địa mạo không thuận lợi cho nông canh. Nguồn thu từ canh tác nương rẫy của họ không thỏa mãn được nhu cầu của đời sống gia đình. Bù lại, nghề trồng quế có thể mang đến những nguồn thu lớn, nếu hoạt động giao thương với các cộng đồng tộc người đế từ bên ngoài được thực hiện. Ngoài vỏ quế, họ còn có những mặt hàng khác như mít, trầu, cau, chè, đậu xanh; các loại lâm thổ sản như mật ong, mủ cây chay, song mây,… Để thỏa mãn nhu cầu đời sống, từ lâu người Thượng Thanh Bồng đã không có cách nào khác hơn là phải
ở cửa giao thương với các cộng đồng đến từ bên ngoài.(1)
Thậm chí, việc giao thương với miền Thượng còn được xếp thứ hạng cao trong cách đánh giá của các nhà viết sử: “Ngoài những người bày hàng buôn bán ở chợ phố, còn có bốn hạng đi buôn: một là buôn mọi, hai là buôn gánh, ba là buôn thuyền, bốn là buôn biển” – buôn Mọi tức là buôn bán với những người dân miền
(1) NgườiKinh và người Hoa không phải là những bạn hàng đầu tiên của người Thượng. Trong “Rừng người
Thượng”, Henry Maitre viết: “Ít nhiều là chư hầu của người Chàm, các bộ lạc hoang dã nói trên đều đã có
quan hệ ít nhiều với người Chàm, ít ra là các trao đôi buôn bán, và các nhà viết Biên niên Trung Hoa đã ngầm cho ta những bằng chứng về điều này.” Ở đoạn văn sau, ông giải thích: trong số những cống phẩm mà vương chủ Champa mang đến triều đình Trung Quốc có rất nhiều sản vật từ những vùng miền khác nhau. Nhiều mặt hàng trong số đó chỉ có thể lấy từ rừng núi. Và đó chính là bằng chứng về “sự tồn tại các mối quan
hệ giữa người Chàm với người Mọi, quan hệ giữa chư hầu và tôn bá, quan hệ buôn bán, đã cấp cho Champa phần lớn những mặt hàng quý kể trên dưới dạng cống vật hoặc trao đổi”. (H. Maitre, 2008, tr.181)
Thượng [122:257]. Li Tana cũng nhận xét: “Việc buôn bán của người Việt Nam và các dân tộc vùng cao nguyên ở Đàng Trong vào thế kỷ 17 và 18 có một tầm quan trọng hơn ngày nay chúng ta tưởng nhiều. Các sản phẩm miền núi quả là quan trọng với nền kinh tế Đàng Trong đến độ người Việt đã nghi thức hóa quá trình trao đổi hàng hóa này trong một trong một nghi lễ gọi là “đi nguồn” (theo nghĩa đen là đi tới nguồn tới suối, nhưng đúng hơn có thể hiểu là đi thu gom những gì quý giá ở miền núi).” [90:05].
Nguồn Thanh Bồng là quan trọng nhất trong số 4 nguồn của Quảng Ngãi. Làng Xuân Khương lại là điểm giáp ranh giữa khu vực đồng bằng do người Việt làm chủ với nguồn Thanh Bồng của người Thượng. Khi đến Xuân Khương lập nghiệp, một bộ phận người Việt đã không còn đơn thuần “dĩ nông vi bản”. Họ tham gia tích cực vào quá trình trao đổi hàng hóa.
Để thuận tiện cho việc giao dịch, từ xưa đã có nhiều người Thượng đã học nói tiếng Kinh. Sách Vũ Man tạp lục thư viết: “Giống người “Man” Thanh Cù ở
phía nam cho đến Cơ Năm ít biết tiếng Kinh, hai giống “Man” Thanh Bồng, La Thụ
đa số nói được tiếng Kinh.” [103:167]. Điều đó cũng có nghĩa rằng, bộ phận người Thượng ở nguồn Thanh Bồng đã hội nhập và gắn bó với người Việt sâu hơn so với các vùng khác của tỉnh Quảng Ngãi.
Các nghiên cứu về giao thương ở miền tây Quảng Ngãi cho biết, giữa người Thượng với các thương lái đến từ đồng bằng có sự tin cậy rất lớn. Việc đặt hàng, định ngày lấy hàng, các khoản nợ đều được thực hiện bằng miệng. Andrew Hardy (2017) gọi đó là “hợp đồng bằng miệng”. Ngoài việc giữ uy tín, tạo nên các bạn hàng thân thiết là điều mà các tộc người này đều mong muốn hướng đến. Với người Thượng, điều này còn bị ràng buộc bởi những quy tắc ứng xử trong cộng đồng và lời hứa với thần linh được cam kết trong lễ cúng rượu hoặc lễ “kết thằng” (kết thừng) - một hình thức cam kết kiểu “buộc chỉ cổ tay”. Còn các thương lái người Việt, họ cũng luôn ý thức được tầm quan trọng của việc thiết lập và duy trì mối quan hệ buôn bán với người Thượng.
Từ quan hệ kinh tế, đã dẫn đến sự chia sẻ về tinh thần. Các nhân chứng cho biết: từ xưa, từ quan hệ buôn bán, các mối quan hệ cá nhân giữa người Việt và người Thượng đã được xác lập duy trì lâu dài, dựa trên sự thủ tín và thái độ trân trọng giữa các bên. Mỗi dịp lễ tết hay khi “bạn hàng” có gia sự, hai bên thường qua lại chia sẻ. Trong mắt người Việt, người Thượng luôn là những bạn hàng đôn hậu, nghĩa tình, thủy chung, và rất đáng tin cậy.
Nếu như giữa người Việt và người Thượng có quan hệ chặt chẽ trong việc thu gom các nguồn hàng, thì người Hoa lại có vai trò quan trọng trong việc tập trung hàng hóa để chuyển đến các trung tâm thương mại lớn ở phía Đông. Chính các thương nhân người Hoa mới là những người tạo nên sự kết nối giữa Thanh Bồng với thương cảng Thu Xà. Tại làng Xuân Khương, người Hoa mở nhiều thương điếm để mua bán hàng. Họ thiết lập quan hệ buôn bán với cả người Việt và người Thượng. Phần lớn nguồn hàng mà người Hoa mua được là từ các thương lái thu gom người Việt. Nhưng cũng có trường hợp thương nhân người Hoa trực tiếp đến các thôn làng Thượng để mua trực tiếp từ ngọn. Tuy nhiên, số này không nhiều
và việc người Hoa trực tiếp đi gom hàng tại các thôn làng Thượng cũng không mang lại nhiều hiệu quả. Bởi lẽ, giữa người Thượng và người Việt đã có mối quan
hệ bạn hàng sớm hơn và họ dễ chia sẻ với nhau hơn. Vì thế, phần lớn các dòng hàng đều phải từ người Thượng qua tay người Việt thu gom trung chuyển rồi mới đến tay các thương nhân người Hoa.
Dưới góc nhìn văn hóa, có thể dễ dàng nhận thấy sự ảnh hưởng qua lại lẫn nhau, nhất là giữa người Việt và người Thượng. Ngay từ các thế kỷ trước, một số loại công cụ sản xuất của người Việt đã được người Thượng sử dụng hàng ngày. Phương thức canh tác ruộng nước của người Thượng cũng có nhiều nét tương đồng người Việt. Nhiều sản phẩm văn hóa vật chất của người Việt và người Hoa đã được người Thượng chấp nhận và sử dụng: các loại đồ sành sứ, các loại đồ gia dụng, vải vóc, quần áo, đồ trang sức… Ngược lại, một số gia đình người Việt cũng đã học được phương pháp trồng, chăm sóc và thu hoạch quế. Nhiều mối quan hệ Việt- Thượng được duy trì từ nhiều năm nay.
Về cơ bản, giữa cộng đồng người Việt, người Hoa ở làng Xuân Khương và người Thượng ở nguồn Thanh Bồng luôn có mối quan hệ hợp tác, chia sẻ và học hỏi lẫn nhau. Đó là sự đảm bảo cho quá trình phát triển ở địa phương. Đồng thời, đó cũng là điều kiện tiên quyết để từng bước hình thành mối quan hệ liên văn hóa.