2.4. Quan hệ giữa làng Xuân Khương và nguồn Thanh Bồng
2.4.3. Quan hệ giữa Sở tuần ty và thể chế phi quan phương làng Xuân Khương
Cũng như ở tất cả các vùng nông thôn khác của miền Trung, về nguyên tắc, thể chế phi quan phương của làng Xuân Khương tồn tại tương đối độc lập so với thế chế nhà nước. Thời quân chủ, đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước mỗi xã là lý trưởng với bộ máy giúp việc gồm các chức vị: hương bạ (giúp quản lý đất đai), hương bộ (giúp việc thu thuế đinh), trương tuần (đảm bảo an ninh thôn làng)… Thể chế phi quan phương chỉ chăm lo việc gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, khuôn phép đạo đức/lối sống, và thực hiện các hoạt động văn hóa tâm linh. Tại làng Xuân Khương, chúng tôi không ghi nhận sự tồn tại của hội đồng già làng hay hội đồng tộc biểu. Trong thể chế phi quan phương, vị trí được coi trọng nhất chính là
“ông Cả”, người chịu trách nhiệm chính trong việc tế tự điện Trường Bà. Giữa hai thể chế này có sự độc lập tương đối, nhưng không hoàn toàn phủ định lẫn nhau. Bộ máy quản lý nhà nước không can thiệp trực tiếp vào sự vận hành của các gia tộc cũng như các hoạt động khác của thôn làng. Việc tổ chức lễ hội điện Trường Bà hàng năm đều do các chức vị trong thể chế phi quan phương thực hiện, lý trưởng và các chức vị trong bộ máy quản lý nhà nước hoàn toàn không can thiệp. Ngược lại, ông Cả va những người đứng đầu các gia tộc cũng luôn tạo điều kiện để bộ máy quản lý nhà nước hoàn thành nhiệm vụ.
Tuy nhiên, Sở Tuần ty, cơ quan quản lý nhà nước cấp trên, lại hoàn toàn khác. Trước nguy cơ xung đột và bất ổn xã hội, Sở Tuần ty nguồn Thanh Bồng đã
thực hiện một chính sách vô tiền khoáng hậu: huy động sự tham gia của các chức sắc người Thượng vào lễ hội mùa Thu ở điện Trường Bà. Theo thông lệ, hàng năm người dân làng Xuân Khương tổ chức 2 hội lệ: mùa Xuân và mùa Thu. Chi phí tổ chức lễ hội được trích trong khoản thu nhập từ “ruộng Bà”. Nhưng đến cuối thế kỷ XIX, Sở Tuần ty Thanh Bồng đã đứng ra chi trả toàn bộ chi phí của lễ hội mùa Thu. Thực tế, khoản chi phí này được thu từ các thương hộ buôn bán ở cửa "nguồn". Không khó để nhận ra chính quyền nhà nước khi đó đã hướng đến mục tiêu gắn kết cộng đồng Kinh-Thượng thông qua một hoạt động liên văn hóa gắn với tâm linh.
Tiểu kết chương 2
Do điều kiện đặc thù được quy định bởi kiến tạo địa lý, khu vực miền Trung
có diện mạo tự nhiên khá độc đáo: dải đồng bằng duyên hải ở phía Đông, thuận lợi cho việc canh tác lúa nước, chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ; toàn bộ diện tích phía Tây là sơn khu hùng vĩ, bị chia cắt dữ dội, tạo nên hệ thống sông ngòi dày đặc. Vùng duyên hải vốn dĩ là địa bàn sinh sống của người Chăm, sau này người Việt bành trướng xuống phương Nam đã xóa xổ các tiểu quốc Champa. Từ thế kỷ XVII, các dòng lưu dân người Hoa, do không chấp nhận sự thống trị của nhà Thanh, đã đến xen cư với người Việt, khiến cho bức tranh dân cư có diện mạo mới. Trong khi đó, sơn khu phía Tây là địa bàn phân bố của các cộng đồng người Thượng. Địa mạo, thổ nhưỡng và chế độ thủy văn ở đây không thuận lợi cho việc nông canh, các nhóm người Thượng chủ yếu sống dựa vào việc trồng cây lâu năm, cây hàng hóa. Chính
vì thế, việc trao đổi hàng hóa với các thương nhân đến từ đồng bằng là một trong những phương án sinh kế chính.
Vào thời nhà Lê, các cộng đồng người Thượng không hoàn toàn hội nhập đầy đủ vào vương triều Đại Việt. Họ duy trì chế độ tự quản/tự trị trong phạm vi cộng đồng plei (làng). Đơn vị quản lý xã hội trên cấp làng là sách, tổng và nguồn. Trên danh nghĩa, "nguồn" là đơn vị hành chính trên vùng người Thượng, ngang cấp huyện ở vùng đồng bằng duyên hải. "Nguồn" vừa có chức năng quản lý nhà nước, chức năng kinh tế, vừa có chức năng quân sự và bảo vệ trị an. Tại các cửa nguồn, đã hình thành nên hệ thống các trường giao dịch, tạo điều kiện thuận lợi cho việc buôn bán giữa người Thượng với các thương nhân đến từ đồng bằng. Riêng tỉnh Quảng Ngãi có 4 nguồn, Thanh Bồng là 1 trong 4 "nguồn" đó, và cũng là "nguồn" có vai trò quan trọng nhất. Việc cấp phép buôn bán và thu thuế môn bài từ các thương nhân ở các "nguồn" do Sở Tuần ty phụ trách.
Cửa nguồnThanh Bồng tiếp giáp với làng Xuân Khương của phủ Bình Sơn. Đây là địa phương có dòng sông Trà Bồng chảy qua, trên bến dưới thuyền, vừa thuận lợi cho việc tập trung hàng hóa từ vùng người Thượng chuyển xuống, vừa có thể dễ dàng chuyên chở về xuôi và đến các thị trường trong và ngoài nước. Chính vì
thế, từ xa xưa, tại làng Xuân Khương đã hình thành một trường giao dịch. Đó cũng
là nơi hội tụ của nhiều sắc dân: Kinh, Hoa và Thượng. Quan hệ giữa các tộc người này vừa có sự hợp tác giao thương, vừa tiềm ẩn nguy cơ xung đột do sự khác biệt về văn hóa.
Tại trường giao dịch làng Xuân Khương, từ lâu đã xuất hiện một ngôi đền thờ Nữ thần. Theo quan niệm dân gian, vị Nữ thần vừa bảo trợ cho cuộc sống của người dân, vừa mang lại may mắn cho hoạt động giao thương buôn bán. Dân gian quen gọi đó là điện Trường Bà. Tại đây, hàng năm người dân làng Xuân Khương thường tổ chức 2 kỳ hội lệ, mùa Xuân và mùa Thu. Điều đặc biệt, kinh phí tổ chức hội lệ mùa Xuân được trích ra từ quỹ ruộng Bà, nhưng trong hội lệ mùa Thu, nguồn kinh phí được cấp bởi Sở tuần ty, lấy từ nguồn đóng góp của các thương nhân Kinh, Hoa và Thượng. Hội lệ mùa Xuân được coi là của riêng cộng đồng người Việt làng Xuân Khương, nhưng hội lệ mùa thu có sự tham gia của nhiều thành phần. Ngoài người dân làng Xuân Khương, còn có người Thượng đến từ nguồn Thanh Bồng cùng các thương nhân đến từ đồng bằng. Đây là một giải pháp nhằm hóa giải các nguy cơ xung đột tộc người chứ không chỉ đơn giản là một thực hành văn hóa tâm linh đơn thuần.